Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cách Chúa yêu ta

Tác giả: 
Lm Phạm Quốc Hưng

 

 

Chúa Nhật II Mùa Chay - Năm C (Feb. 24th 2013)


Cách Chúa yêu ta     


    Trong biến cố Chúa Giêsu chịu phép rửa tại sông Giođan, ngay khi Ngài bắt đầu sứ vụ truyền giáo công khai, Chúa Cha đã từ trời phán với Ngài trước sự hiện diện của mọi người: “Con là Con yêu dấu của Cha; Con đẹp lòng Cha” (Lc 3:22). Và trong Tin Mừng hôm nay, trong biến cố Chúa Giêsu biến hình trên núi khi chuẩn bị bước vào Cuộc Khổ Nạn của Người, một lần nữa Chúa Cha đã từ trời tuyên phán với các môn đệ đang hiện diện với Người: “Đây là Con Ta yêu dấu, các ngươi hãy nghe lời Người” (Lc 9:35). Với hai lời do chính Chúa Cha tuyên phán từ trời này, Thiên Chúa muốn cho mọi người nhận biết Chúa Giêsu chính là Con Một yêu dấu mà Người đã ban tặng cho nhân loại để vừa là Đấng Cứu Chuộc họ, vừa là mẫu gương để họ noi theo hầu cũng được trở nên những nghĩa tử đích thực, những người con yêu dấu của Thiên Chúa.


    Điều gì khiến Chúa Giêsu được Chúa Cha hết lòng yêu dấu? Chúa Giêsu được Chúa Cha yêu dấu mọi đàng vì cả cuộc đời của Người là một chuỗi ngày liên lỉ thực hiện thánh ý Chúa Cha, như lời Ngài tuyên bố lúc vào thế gian: “Lạy Chúa, này Con đến để thi hành ý Chúa” (Dt 10:7). Vậy thánh ý Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu là gì? Theo Thánh Phaolô, thánh ý Chúa Cha đối với Chúa Giêsu không gì khác hơn là “Đức Giêsu Kitô vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân phận nô lệ, trở nên giống phàm nhân, sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự” (Pl 2:6-8).
Cuộc Khổ Nạn được kết thúc với cái chết đau thương trên thập tự để đem lại ơn cứu độ cho nhân loại chính là trung tâm của chương trình cứu độ mà thánh ý Chúa Cha dành sẵn cho Chúa Giêsu. Điều này cũng đã được các ngôn sứ từng báo trước trong Cựu Ước, mà đáng ghi nhớ nhất là nơi hình ảnh Người Tôi Tớ Đau Khổ của Thiên Chúa trong sách ngôn sứ Isaia.

Trong trình thuật biến hình trong Phụng Vụ hôm nay, Cuộc Khổ Nạn của Chúa Giêsu cũng được đặt làm chủ đề cho cuộc đàm đạo giữa Chúa Giêsu với Môsê và Êlia: “Bỗng có hai vị đàm đạo với Người, đó là Môsê và Êlia, hiện đến uy nghi, và nói về sự chết của Người sẽ thực hiện tại Giêrusalem” (Lc 9:30-31).


Cũng vậy, Hy Lễ Thánh Giá chính là điều mà Chúa Giêsu hằng ấp ủ, thao thức và mong mỏi thực hiện trong suốt cuộc đời Người, để chứng tỏ tình yêu tuyệt đối Người dành cho Chúa Cha và lòng thương xót vô hạn Người dành cho tất cả chúng ta. Đây cũng là điều mà Chúa Giêsu từng chia sẻ điều này với các môn đệ khi nhiều lần báo trước cho họ về Cuộc Khổ Nạn của Người. Hơn nữa, ngay cả sau khi sống lại từ cõi chết, Chúa Giêsu cũng nhiều lần nhắc lại cho các môn đệ về tính trung tâm dứt khoát của Thánh Giá trong thánh ý Chúa Cha dành cho Người: “Chớ thì Đấng Kitô chẳng phải chịu đau khổ như vậy rồi với được vinh quang sao?” (Lc 24:26; 24:46).


    Khi truyền cho các môn đệ phải vâng nghe theo lời Chúa Giêsu, chắc chắn Chúa Cha muốn mọi tín hữu Chúa Kitô nhận biết rằng: Chúa Cha vốn hằng yêu mến Chúa Con mà đã muốn Người phải chịu đau khổ và chịu chết trên thập giá để thực hiện thánh ý Người và đem lại ơn cứu chuộc cho nhân loại thế nào, thì Chúa Cha cũng muốn tất cả những ai muốn trở nên những môn đệ đích thực của Chúa Giêsu, những nghĩa tử yêu dấu của Chúa Cha để hưởng ơn cứu độ và vinh quang phục sinh với Chúa Giêsu cũng phải bước vào mầu nhiệm Thánh Giá như thế.


Đây chính là điều kiện để trở thành môn đệ của Chúa Giêsu như chính Người đã nói với mọi người tám ngày trước biến cố biến hình: “Ai muốn theo Ta phải từ bỏ chính mình, vác thập giá mình hàng ngày mà theo” (Lc 9:23). Cuộc Khổ Nạn của Chúa Kitô đã thánh hóa mọi đau khổ trong cuộc sống con người, chịu đau khổ trong tinh thần  vâng phục thánh ý Chúa trở thành một hồng ân quý giá như Thánh Phêrô đã khẳng định: “Nếu làm việc lành và phải khổ mà anh em vẫn kiên tâm chịu đựng, thì đó là ơn Thiên Chúa ban. Anh em được Thiên Chúa gọi để sống như thế. Thật vậy, Đức Kitô đã chịu đau khổ vì anh em, để lại môt gương mẫu cho anh em dõi bước theo Người” (1Pr 2:20-21).


Chính nhờ được thánh hóa qua đau khổ, các tín hữu Chúa Kitô được trở nên giống Người. Các thánh là những người xác tín và thực hiện điều này một cách triệt để. Trong Phụng Vụ hôm nay, khi Thánh Phaolô mời gọi các tín hữu noi gương bắt chước người, đó chính là lúc Thánh Phaolô nhắc nhở họ phải trở nên đồng hình đồng dạng với Chúa Kitô khi thông phần đau khổ với Chúa, như thánh nhân vừa viết trước đó: “Vấn đề là được biết chính Đức Kitô, nhất là biết Người quyền năng thế nào nhờ đã được phục sinh, cùng được thông phần những đau khổ của Người, nhờ được nên đồng hình đồng dạng với Người trong cái chết của Người với hy vọng có ngày cũng được sống lại từ trong cõi chết” (Pl 3:10-11). Những ai khước từ thập giá, nghĩa là khước từ đời sống hy sinh hãm mình kỷ luật để tuân giữ các giới răn Chúa và thực hiện thánh ý Chúa, mà chọn đời sống buông thả theo những đam mê thấp hèn bị Thánh Phaolô gọi là “sống thù nghịch với thập giá Chúa Kitô” (Pl 3:18), cũng đồng nghĩa với lối sống phản Kitô, phản đức tin và sẽ phải hư mất.


    Các nhà chú giải Thánh Kinh nói rằng việc Chúa Giêsu cho ba môn đệ thân tín nhất được chiêm ngắm Người biến hình là cốt để củng cố đức tin của các ông và chuẩn bị cho các ông đón nhận mầu nhiệm Vượt Qua, một mầu nhiệm trung tâm trong Kitô giáo, luôn bao gồm hai thực tại gắn bó mật thiết với nhau: nỗi đau thương ngút ngàn của thập giá và ánh vinh quang ngập trời của phục sinh. Thật chính đáng khi chiêm ngắm mầu nhiệm Chúa Giêsu biến hình, mầu nhiệm được Chân Phước Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II gọi là mầu nhiệm tuyệt hảo trong năm mầu nhiệm ánh quang của Kinh Mân Côi, chúng ta xin ơn “được lắng nghe và thực hành Lời Chúa”. Vì có thể nói rằng toàn bộ Thánh Kinh chỉ được giải thích đúng đắn dưới ánh sáng của mầu nhiệm Vượt Qua của Chúa Kitô. Điều này còn được diễn tả qua tôn chỉ của Dòng Mến Thánh Giá: “qua thập giá đến ánh sáng”.


    Điều này còn được minh họa thật chính xác và sinh động qua lời chia sẻ đơn sơ của Thánh Têrêsa Hài Đồng Giêsu: “Em còn nhớ bài giảng đầu tiên em được nghe và hiểu được là bài giảng về thập giá. Từ đó, em nghe và hiểu được mọi bài giảng”.


    Thánh Giá chính là quà tặng tình yêu Chúa Cha dành cho Chúa Giêsu. Cũng vậy, Thánh Giá cũng là quà tặng Chúa Giêsu dành cho các môn đệ của Người. Tác giả sách Gương Chúa Giêsu thác lời Chúa Giêsu ân cần khuyên dạy chúng ta: “Nếu con xét sự vật cho thẳng thắn và đúng sự thật, con sẽ không bao giờ buồn chán đến thế trước những chướng ngại, một sẽ vui mừng và biết ơn Chúa. Hơn nữa, con sẽ cho là vui mừng duy nhất, khi thấy Cha đã để con phải khốn khó mà không tha con (Job 6:17). Cha đã nói với các môn đệ thân yêu của Cha: Cha yêu các con như Đức Chúa Cha đã yêu Cha (Ga 15:9). Thế nhưng Cha đã sai họ đi không phải để mà hưởng những thú vui ở đời, một để chiến đấu cho gắt gao; không phải kể kiếm danh lợi, một để chịu khinh dể; không phải để hưởng thú nhàn, nhưng là để làm việc; không phải để nghỉ ngơi, nhưng là để mang lại nhiều kết quả tốt trong đức nhẫn nhục (Lc 8:15). Con ơi! Hãy ghi lòng tạc dạ những lời này” (Q. III, ch. 30).


Và tác giả thiết tha thưa với Chúa: “Lạy Chúa! Bình sinh Chúa đã nhẫn nhục và nhờ thế Chúa đã chu tất được mệnh lệnh Đức Chúa Cha. Thế, tội lỗi và thấp hèn như con, con cũng phải vâng ý Chúa mà chịu cho nhẫn nhục và-bao lâu Chúa muốn-con sẽ mang gánh nặng của đời sống ô trọc này để tự cứu rỗi con” (Q. III, Ch. 18).


    Như vậy, chấp nhận thập giá hay vui lòng nhẫn nại đón nhận và thánh hóa những đau  khổ trong đời sống hàng ngày với tinh thần yêu mến vâng phục thánh ý Chúa chính là phương thế tuyệt hảo để trở nên những người con yêu dấu của Chúa Cha, những môn đệ đích thực của Chúa Kitô, những người được tuyển chọn để hưởng ơn cứu độ và chia sẻ vinh quang phục sinh với Chúa Kitô.     


    Ave Maria, xin Mẹ dạy chúng con luôn biết vâng nghe và thực hành Lời Chúa, biết từ bỏ chính mình, vác thập giá mình mỗi ngày mà bước theo Chúa Giêsu, để được thông phần vào Cuộc Khổ Nạn của Người; nhờ đó, chúng con cũng sẽ được chia sẻ vinh quang Phục Sinh của Người và được trở nên những người con yêu dấu của Chúa Cha và cũng là của Mẹ. Amen.