Ngày 1 /8 - Thánh An phong sô Đệ Li-gu-ô-ri-ô
THÁNH ANPHONGSÔ ĐỆ LIGUORIÔ
Mt 9, 35-10, 1
Ngày 1 tháng 8
THÁNH ANPHONG SAY MẾN THIÊN CHÚA
Mỗi năm cứ vào ngày 01/ 8, toàn thể sĩ tử Dòng Chúa Cứu Thế trên khắp thế giới đều kỷ niệm ngày Cha thánh Anphongsô. Mà không tưởng nhớ và biết ơn Ngài sao được khi Ngài đã vất vả ngược xuôi để loan báo Tin Mừng cho những người bơ vơ tất bạt, đồng thời lập ra một Hội Dòng mang danh hiệu Chúa Cứu Thế, chuyên chăm lo cho những người nghèo khổ vào năm 1732 tại Napoli nước Ý Đại Lợi.
MỘT CON NGƯỜI KỲ DIỆU:
Sống trong một thế giới, trong một xã hội mà con người đua đòi, chạy theo con đường ăn chơi, xa xỉ, phung phí tiền của. Sống trong một giai đoạn mà ngay cả giới nhà tu cũng tranh nhau qui tụ về chốn đô thị để hưởng thụ, thỏa hiệp và sống dễ dãi. Đời sống đạo đức ở nhiều nơi bị sa sút trầm trọng, bè rối hoành hành giữa lòng Hội Thánh. Con người tưởng chừng không đâu tìm ra lối thoát giữa một xã hội xem ra bị chìm lỉm, ngụp lặn trong tội lỗi. Anphongsô đệ Liguoriô xuất hiện. Chàng Anphongsô có mặt như vị anh hùng của thế kỷ. Với bầu nhiệt huyết sẵn có, với lòng đạo đức, thánh thiện, với thiện chí và lòng tin sắt đá, Anphongsô đã như hừng hực lửa Thánh Thần, bằng những tác phẩm giá trị và qua những lời giảng đầy lửa, đanh thép, Anphongsô đang vực dậy cả một Giáo Hội đang lâm nguy. Con người của Anphongsô sở dĩ có được tinh thần ấy và cảm nghiệm ấy bởi Anphongsô đã say mến Thiên Chúa. Ngài đã say mê Thiên Chúa với tất cả con người, với tất cả con tim rực cháy của mình. Mà chúng ta không xem Ngài như một con người kỳ diệu sao được khi Ngài có đủ điều kiện, đủ tài đức để sống vinh thân phì gia trong đất nước Ý Đại Lợi lúc đó: nhà giầu, cha mẹ quí phái, có chức có quyền trong triều đình, Anphongsô lại học giỏi mau chóng thành đạt với tuổi rất trẻ, mới 16 tuổi đời, Anphongsô đã đậu cả hai bằng tiến sĩ đời và đạo. Với một tương lai rực sáng như thế, Anphongsô quả có đầy đủ tất cả để hưởng thụ một đời sống xa hoa, phú quí với nhà lầu, danh vọng, vợ đẹp, con khôn…
VẪN SỰ DIỆU KỲ CỦA CON ĐƯỜNG THIÊN CHÚA DẪN ĐƯA:
Cha mẹ của Anphongsô cứ tưởng ông bà rồi sẽ được hưởng thế giá của Anphongsô vì con của ông bà quá thành đạt trong cuộc sống trong xã hội. Ba của Anphongsô luôn muốn con của mình nối gót ông làm quan để làm ông bà nở mày nở mặt với xã hội, với mọi người. Là một trạng sư trẻ tuổi, Anphongsô đã thắng biết bao vụ kiện cho dù rất khó khăn. Bao nhiêu thân chủ của Anphongsô đã nhờ tài biện bác của Ngài, thắng nhiều vụ kiện li kỳ. Cuộc đời của Ngài tưởng chừng cứ càng ngày càng đi lên, càng ngày càng thành tựu trong cuộc sống và rồi Ngài sẽ không bao giờ bị thua bất cứ vụ bào chữa cho thân chủ nào. Tuy nhiên, Thiên Chúa có cách của Ngài: Anphongsô trong một vụ bào chữa cho một thân chủ tưởng rằng như cầm chắc phần thắng trong tay, nhưng chỉ một sơ xuất rất nhỏ nhặt, Anphongsô đã thua…Thiên Chúa đã đưa Anphongsô ra khỏi cái ảo tưởng của trần gian để rồi dùng Ngài như khí cụ bình an để làm vinh danh Thiên Chúa Cha. Trước một thất bại không ngờ, Anphongsô đã tỉnh giấc mơ và Ngài đã cương quyết rũ bỏ tất cả: tòa án, nghề luật sư, danh vọng, tiền tài vv…Anphongsô đã đặt thanh bảo kiếm tượng trưng cho dòng quí tộc dưới chân Đức Mẹ phù hộ và Ngài đã dứt khóat:” Đời ơi, ta chào mi “…
ANPHONGSÔ ĐÃ CHỌN SỰ KHÓ NGHÈO ĐỂ PHỤC VỤ NHỮNG NGƯỜI NGHÈO:
Từ khi đặt dưới chân Đức Mẹ phù hộ thanh bảo kiếm, Anphongsô như trút được tất cả gánh nặng trần thế, gánh nặng ước muốn danh vọng, tiền của và phú quí để đi theo Đấng Cứu Thế Giêsu. Sở dĩ thánh Anphongsô đã làm được việc lớn lao như thế dù rằng danh vọng, địa vị, tiền của, vợ đẹp đang trong tầm tay của Ngài là vì Ngài say mến Thiên Chúa, say mến Đức Giêsu, Con Người đến để phục vụ, chứ không phải để được hầu hạ. Thánh Anphongsô đã cảm nghiệm sâu sắc chỉ nơi Chúa Giêsu, ơn cứu độ mới tỏa lan nơi những người khác.Ngài cũng hoàn toàn bước theo con đường của Chúa, con đường khó nghèo, từ bỏ và hy sinh, con đường thập giá:” Không có tình yêu nào cao vời bằng tình yêu của người hiến mạng sống mình vì người mình yêu “( Ga 15, 13 ). Thánh Anphongsô đã chọn sự khó nghèo để lo cho người nghèo. Ngài đã thực hiện sự khó nghèo với tất cả con người của mình, bởi vì ngay khi làm lời khấn nguyền với Chúa không bỏ phí một giây phút nào trong cuộc sống, thánh Anphongsô đã sống ràng buộc mình trong sự khiêm hạ thâm sâu, một sự khiêm tốn như lột trần con người mình để rồi trút bỏ tất cả vinh dự, quyền bính để hoàn toàn hiến thân cho người nghèo.Đọc lại tiểu sử của Ngài chúng ta không khỏi ngạc nhiên và khâm phục vì một con người thông minh, giỏi giang và thuộc gia đình quí phái nhưng lại chấp nhận hoàn toàn tự nguyện sự khó nghèo và ràng buộc đến như thế ? Điều đó nói lên thánh Anphongsô đã yêu mến Chúa đến chừng nào, Ngài đã lắng nghe và thực thi lời Chúa cách trọn hảo. Chỉ cần đọc lại những lời dốc lòng của thánh Anphongsô, sau ngày lãnh nhận sứ vụ linh mục, chúng ta sẽ hiểu Ngài như thế nào:
1. Tôi là linh mục: địa vị của tôi vượt trên địa vị các thiên thần, tôi sẽ sống tinh tuyền như các thiên thần.
2. Thiên thần nghe tiếng tôi: vậy tôi sẽ vâng nghe tiếng Người, dù tiếng đó được diễn tả qua sự linh ứng hoặc qua các vị bề trên của tôi.
3. Hội Thánh tôn kính tôi: tôi có bổn phận làm vẻ vang Hội Thánh bằng cuộc sống thánh thiện của tôi, bằng lòng nhiệt thành, bằng các việc làm và bằng tác phong xứng đáng của tôi.
4. Tôi dâng Đức Kitô lên Chúa Vĩnh Cửu: vậy tôi phải mặc lấy những đức tính của Chúa Giêsu và không đến gặp Đấng Thánh trên hết mọi vị Thánh mà không chuẩn bị trước.
5. Dân Kitô giáo coi tôi là thừa tác viên của công cuộc giao hòa họ cùng Thiên Chúa: Vậy tôi phải luôn lo sống trong tình nghĩa với Người và sống là người yêu, yêu quí đối với Người.
6. Những người công chính trông chờ vào gương lành của tôi như một động lực lôi kéo họ đến sự thánh thiện: tôi sẽ là một gương mẫu luôn luôn và cho mọi người.
7. Những kẻ tội lỗi chờ đợi tôi lôi kéo họ ra khỏi sự chết thiêng liêng: tôi sẽ nỗ lực trong việc đó bằng những kinh nguyện, bằng gương sống, lời nói và hoạt động của tôi.
8. Tôi cần có sức mạnh và can đảm để chiến thắng thế gian, hỏa ngục và xác thịt hư đốn. Với ơn thánh Chúa, tôi phải chiến đấu và chiến thắng.
9. Tôi có bổn phận đạt đến những kiến thức cần thiết để bênh vực cho đạo thánh chúng ta và đánh đổ những lầm lạc và sự nghịch đạo.
10. Khiếp sợ mọi thứ sợ dư luận và những tình bạn thế tục, trốn tránh chúng như trốn tránh hỏa ngục: những lối sống này làm giảm phẩm chất linh mục.
11. Nguyền rủa lòng tham vọng và tư lợi như bệnh dịch hạch trong hàng ngũ linh mục: do tham vọng của mình, khá nhiều linh mục đã làm phương hại luật Chúa.
12. Hãy luôn luôn tỏ ra dễ thương, nhưng đừng nhẹ dạ: vậy hãy thận trọng, dè giữ, nhất là đối với phụ nữ, nhưng không bao giờ kiêu kỳ, cứng rắn hay khinh người.
13. Trầm tư, nhiệt thành, nỗ lực tập luyện nhân đức, thực tập cầu nguyện: đó phải là sự chuyên cần liên tục của tôi nếu tôi muốn sống đẹp lòng Chúa.
14. Tôi không phải tìm kiếm sự gì khác ngoài vinh quang cho Chúa, ngoài sự thánh hóa bản thân và phần rỗi của anh em tôi, cho dù phải mất mạng sống.
15. Tôi là linh mục: tôi phải chiếu tỏa nhân đức của Đức Giêsu Kitô và củng cố vinh quang của Người là Linh Mục tối cao và đời đời ( Anphongsô đệ Liguoriô, tu sĩ Giám Mục Dòng Chúa Cứu Thế ).
Thánh Anphongsô quả là ngọn lửa say mến Chúa Giêsu và từ ngọn lửa say mến ấy, Ngài đã đốt lên, đốt mãi không ngừng trong tâm hồn các sĩ tử của Ngài và cũng ngọn lửa ấy luôn được thắp lên trong mọi tâm hồn những người thành tâm tìm kiếm Chúa.
Thánh Anphongsô dù đã là Giám Mục, Ngài vẫn luôn sống khó nghèo và nơi Ngài luôn tỏa sáng ngọn lửa say mến Thiên Chúa. Thánh Anphongsô có lòng yêu mến Đức Mẹ, Ngài đã thực hành và truyền lệnh cho các sĩ tử của Ngài luôn phải sùng kính Đức Mẹ và rao truyền về Đức Mẹ. Ngài đã làm gương cho các sĩ tử và mọi người về việc lần chuỗi Mân Côi, Ngài nói:”Chuỗi Mân Côi là giây bền đỗ…”.
Thánh Anphongsô đã ra đi về với Chúa ngày 01/8/1787. Đức Giáo Hoàng Piô IX đã đặt cho Ngài tước hiệu tiến sĩ Giáo Hội năm 1871, và Đức Piô XII đặt Ngài làm quan thầy các giải tội và các nhà luân lý.
Mừng lễ thánh Anphongsô chúng ta hãy học đòi bắt chước gương say mến Thiên Chúa của Ngài và cầu nguyện cho Dòng Chúa Cứu Thế trong Giáo Hội:” Lạy Chúa, giữa lòng Giáo Hội, Chúa đã muốn cho gia đình Dòng Chúa Cứu Thế được khai sinh như một cây nho chính tay Chúa trồng và săn sóc từ thuở ban đầu cho đến ngày nay.
Tất cả chúng con xin hết lòng hân hoan tạ ơn Chúa. Chúa đã thương trồng cây nho bé mọn Dòng này. Bao lần, Chúa đã mạnh tay quét sạch khó khăn, dẹp hết chướng ngại. Chúa đã khẩn hoang bốn bề quang đãng để nó bén rễ sâu và lan rộng khắp các lục địa. Chúa cũng đã cho bóng nó rợp các núi non, nhánh nó vươn dài đến các đại dương, chồi nó nảy lên mạnh mẽ. Chúa lại ban cho nó một tương lai hứa hẹn. Nguyện xin Chúa tiếp tục bảo vệ cây nho tay phải, Chúa đã vun trồng, xin cho nó vươn lên mãi, lá xanh, hoa tốt để mang lại cho thế giới những chùm quả ơn cứu chuộc chứa chan nơi Chúa. Amen.
- Thư Viện: