Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Vinh quang thoáng qua

Tác giả: 
Lm Trịnh Ngọc Danh

 

CN LỄ LÁ
Tin Mừng lúc Rước lá: ( Lc. 19:28-40). Bài đọc 1 : ( Is. 50: 4-7).  
Bài đọc 2: ( Pl. 2: 6-11). Tin Mừng : ( Lc. 22:14-23, 56)
 
VINH QUANG THOÁNG QUA
 
Ngày ấy, nhân dịp mừng Lễ Vượt qua, dân chúng lũ lượt tuốn về Giêrusalem để mừng lễ, Chúa Giêsu và các môn đệ cũng đi.
Khi đến gần làng Bếtphaghê và làng Bêtania, bên trườn núi gọi là Ôliu,  Ngài sai hai  môn đệ và bảo: “ Các anh đi vào làng trước mặt kia. Khi vào, sẽ thấy một con lừa con chưa ai cỡi bao giờ, đang cột sẵn đó. Các anh cởi dây và dắt nó đi. Và nếu có ai hỏi: “Tại sao các anh cởi lừa người ta ra, thì cứ nói: “Chúa cần đến nó!” Và mọi việc đều diễn tiến như lời Chúa đã nói trước.
 
Các ông dắt lừa về cho Chúa Giêsu, rồi lấy áo choàng của mình phủ lên lưng lừa, và đặt Chúa Giêsu lên. Ngài tới đâu, người ta cũng lấy áo mình trải xuống đường. Khi Ngài đến gần chỗ dốc xuống núi Ôliu, tất cả đoàn môn đệ vui mừng bắt đầu lớn tiếng ca tụng Thiên Chúa , vì các phép lạ họ đã thấy. Họ hô lên: 
Chúa tụng Đức Vua,
 
Đấng ngự đến nhân danh Chúa!
Bình an trên cõi trời cao,
Vinh quang trên các tầng trời!
 
Trong đám đông, có vài người thuộc nhóm Pharisiêu nói với Chúa Giêsu: “Thưa Thầy, Thầy quở trách môn đệ Thầy đi chứ!” Ngài đáp: “Tôi bảo các ông: họ mà làm thinh, thì sỏi đá cũng sẽ lên tiếng!”. ( Lc, 19: 28-39).
 
Khi đến gần Gierusalem và trông thấy thành, Chúa Giêsu khóc thương mà nói: “phải chi ngày hôm nay ngươi cũng nhận ra những gì đem lại bình an cho ngươi!...( Lc.19: 41-44)
 
Khi Chúa Giêsu vào Giêrusalem, cả thành náo động, và thiên hạ hỏi nhau : “ Ông này là ai vậy?” Đám đông trả lời : “ Ngôn sứ Giêsu, người Nadarét, xứ Galilê đấy.” ( Mt 21 : 7-11)
 
Đám rước đã đến cửa thành.
 
Hỡi cửa ơi! Hãy nâng đà lên, vươn mình lên, hỡi cửa ngàn thu, để vua vinh hiển Ngài ngự qua đó! “ Nhưng vua vinh hiển là ai vậy ?” “ Đó là Chúa muôn đạo thiên binh : Chính Ngài là hoàng đế hiển vinh. ( Tv 23: 9-10).
 
Dân chúng đã dành cho Ngài nghi thức đón rước một vị vua: cởi áo choàng trải trên đường cho Ngài đi qua với những lời chúc tụng: Đức Vua, Đấng nhân danh Chúa mà đến, Vua vinh hiển, Chúa muôn đạo binh, Hoàng Đế vinh hiển. Nhưng vinh quang trần thế chỉ là một giây phút thoáng qua! 
Chuyện gì phải đến, sẽ đến.
 
Phía trước của một thoáng vinh quang ấy sẽ là gì? 
 
Là những giây phút xao xuyến trên nuí Ôliu: “ Lạy Cha, nếu Cha muốn, xin tha cho con khỏi uống chén này. Tuy vậy, xin đừng làm theo ý con, mà xin theo ý Cha” ( Lc.22:42).
 
Là những thờ ơ của bạn hữu:“ Sao anh em lại ngủ? Dậy mà cầu nguyện, kẻo sa chước cám dỗ”
 
Là những lời cáo buộc bất công“ Chúng tôi ném đá ông, không phải vì một việc tốt đẹp, nhưng vì một lời nói phạm thượng: Ông là người phàm mà lại tự cho mình là Thiên Chúa.”( Ga 10: 33), bị người ngoại kết án vì dám tự xưng là Vua : “ Thà một người chết thay cho dân còn hơn là toàn dân bị tiêu diệt.”( Ga 11: 50)
Còn các thượng tế và người Pharisiêu thì sao? Họ đang triệu tập Thượng Hội Đồng để bàn tính : “ Chúng ta phải làm gì đây? Người này làm nhiều dấu lạ. Nếu chúng ta cứ để ông ấy tiếp tục, mọi người sẽ tin vào ông ấy , rồi người Rôma sẽ đến phá hủy cả nơi thánh của ta lẫn dân tộc ta.” ( Ga 11: 47-48); “ các ông chẳng làm nên trò trống gì cả! Kìa thiên hạ theo ông ấy hết!”( Ga 12: 19) và họ ra lệnh : ai biết được ông ấy ở đâu thì phải báo cho họ đến bắt. ( Ga 11: 57)
Là phản bội chỉ vì ba mươi đồng bạc: “ Giuđa ơi! Anh dùng cái hôn mà nộp Con Người sao?” 
 
Từ dinh cựu thượng tế Anna, đến Caipha, vị thượng tế đương thời, ở đây,
 
các kỳ lão, các thượng tế và các luật sĩ họp lại và cho điệu Ngài ra trước công nghị và hỏi: “Nếu ông là Đấng Kitô, hãy nói cho chúnng tôi hay”. Ngài trả lời: “ Tôi có nói, các ông cũng chẳng tin tôi, và nếu tôi có hỏi, các ông cũng chẳng trả lời và cũng chẳng tha tôi, Nhưng từ giờ đây, Con Người sẽ ngự bên hữu Thiên Chúa Toàn năng”. Mọi người đều hỏi lại: “ Vậy ông là Con Thiên Chúa ư?” Ngài đáp: “ Các ông nói đúng, Ta là Con Thiên Chúa”. Caipha xe áo và tuyên bố: “Hắn nói phạm thượng! Chúng ta cần gì nhân chứng nữa?” , mà theo luật Do thái: “ Hễ ai nói phạm thượng thì người đó phải chết”. Nhưng họ lại không được quyền giết chết ai, nếu không có sự đồng ý của chính quyền Rôma. Thế là họ chuyển từ lý do tôn giáo sang lý do chính trị. Họ tố cáo Chúa Giêsu với Hêrôđê và Philatô: “Chúng tôi đã thấy người này xúi dục dân chúng nổi loạn, ngăn cản nộp thuế cho Cêsarê, và còn tự xưng là Kitô Vua”.
Philatô hỏi Chúa Giêsu: “Ông có phải là vua dân Do thái không?” Chúa Giêsu đáp: “Ông nói đúng”; và họ cố nài thêm: “Người này đã làm náo động dân chúng, giảng dạy khắp xứ Galilêa, bắt đầu từ xứ Galilêa đến đây”,và các thượng tế còn tố cáo Ngài nhiều điều nữa, nhưng Ngài không trả lời, làm cho Philatô ngạc nhiên hỏi: “Ông không trả lời gì ư?”, và ông kết luận:“ Ta không thấy người này có tội gì.”
 
Philatô, Hêrôđê là những nhà cấm quyền chính trị, không tìm thấy điều gì để kết án Chúa Giêsu; trái lại, Caipha, các thượng tế, giới lãnh đạo tôn giáo lại muốn giết Ngài vì Ngài nói lên sự thật Ngài là Con Thiên Chúa. 
 
Chúa Giêsu không chết vì xưng mình là vua, nhưng chết vì xưng mình là Con Thiên Chúa, Ngài chết không phải vì lý do chính trị mà vì lý do tôn giáo, Ngài bị kết án chết không phải vì tội phạm thượng, mà chết vì chính danh Ngài là Con Thiên Chúa. Người ta lấy tội của phàm nhân để gán ghép cho chính Thiên Chúa. 
 
Tố cáo Chúa Giêsu về tội phạm thượng hay tội tự xưng mình là vua chỉ để che lấp bộ mặt thực của những người tố giác Ngài.
 
Người ta lên án Chúa Giêsu không phải vì Ngài là một người bất lương, nhưng vì Ngài là một người dám tố giác những tệ hại của con người, vì những người có thế lực thấy quyền lợi, địa vị của mình bị lung lay, vì họ là người lấy tư lợi cá nhân mà phủ nhận chân lý.
 
Người ta nhân danh công lý, nhân danh sự thật đẻ bóp méo, xuyên tạc chân lý và sự thật theo chủ quan của mình. Người ta chạy theo luật lệ của con người để chối bỏ, chống lại luật lệ của Thiên Chúa: Hôn nhân đồng tính…. 
 
Thế quyền lên án Thần quyền! Con người kết án Thiên Chúa!Một bản án bất công cho một con người vô tội, cho một người vì con người, vì nhân loại mà xuống thế mang thân phận con người tội lỗi để cứu vớt họ khỏi vòng diệt vong. Đấng Cứu thế Giêsu không bằng một tên cướp khét tiếng Baraba!
 
Bản án của con người dành cho Đấng vì con người mà giáng thế. Bản án của người được yêu lên án người yêu mình!
 
Chúa Giêsu Kitô chấp nhận nhục hình,vác thập giá và chết ô nhục trên thập giá; “ vì chúng ta, Ngài đã vâng lời cho đến chết và chết trên thập giá. Vì thế, Thiên Chúa đã tôn vinh Người và ban cho Người một danh hiệu vượt trên mọi danh hiệu.”( Phil 2: 8-9). 
Đó mới là vinh quang đích thực của Ngôi Hai Thiên Chúa, của Vua Kitô.
 
Bản án ấy hình như chưa kết thúc! 
 
Trong quá khứ, hai ngàn năm trước, chỉ vỏn vẹn trong ba năm công khai giảng dạy dân chúng về giáo lý của Thiên Chúa, chữa lành bệnh tật, kêu gọi người ta ăn năn , sám hối và tin vào Tin Mừng để được cứu rỗi…Chúa Giêsu đã không ngớt bị người chống đối, tìm cơ hội để hãm hại…Vinh quang đâu chả thấy, chỉ thấy chống đối và đau khổ, bị bạn bè chối bỏ, bị kết án tử hình thập giá như một kẻ tội phạm! Có chăng chỉ là một giây phút vinh quang thoáng qua đã xảy ra nhân dịp dân chúng lũ lượt tuốn về Giêrusalem để mừng Lễ Vượt Qua.
 
Ngày nay chúng ta vẫn tuyên xưng Chúa Giêsu là Ngôi Hai Thiên Chúa, là Con Thiên Chúa, là Đấng Cứu Thế….thế nhưng chúng ta vẫn còn bán Chúa như Guiđa khi chạy theo danh vọng bạc tiền hơn là đặt hết cuộc sống vào đức tin và tình yêu Thiên Chúa,  vẫn còn lưỡng lự như Phêrô trước những thử thách của cuộc sống, vẫn như các môn đệ ngủ mê trước những khó khăn, bách hại của Giáo hội hay như đám đông đứng nhìn bất công một cách  tiêu cực trước công lý và sự thật để rồi chạy theo thế quyền mà chối bỏ, lên án Thiên Chúa.
 
Chúa nhật Lễ Lá là lễ kính nhớ cuộc khổ nạn của Chúa Giêsu Kitô, lễ tưởng niệm việc Ngài vào thành Giêrusalem để hoàn tất  mầu nhiệm Vượt qua. Đi kiệu hay rước lá trước các thánh lễ trong Chúa nhật này là nhằm làm sống lại biến cố Chúa Giêsu vào thành Giêrusalem.
Cùng Giáo hội, chúng ta bước vào Tuần thánh.
 
Lm Trịnh Ngọc Danh