Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Từ thập giá đến Thánh Giá

Tác giả: 
Lm Nguyễn Thành Long

 

Thứ 6 Tuần Thánh

Từ thập giá đến Thánh Giá

 

Cây gì được nhiều người biết đến và cũng được nhiều nói đến nhất? Thưa là cây Thánh giá, biểu tượng thánh thiêng nhất của người Kitô giáo. Nhưng tại sao một cây gỗ hình chữ thập lại trở nên một biểu tượng hết sức linh thánh, linh thánh đến độ người Kitô giáo chúng ta có cả một Nghi Thức Suy Tôn Thánh Giá trọng thể vào ngày Thứ Sáu Tuần Thánh? Thưa vì đó là cây treo thân Đức Giêsu Kitô, Đấng Cứu Độ trần gian. Trên đồi sọ năm xưa (gọi là đồi sọ không phải vì ở đó có nhiều sọ người chết, mà do trên đồi đó có nhiều tảng đá trông giống sọ người), có nhiều thập giá nhưng không phải thập giá nào cũng được gọi là Thánh giá. Chỉ có cây thập giá nơi treo Đức Giêsu Kitô mới được gọi là Thánh giá. Chính Đức Giêsu Kitô đã biến cây thập giá chết chóc thành cây Thánh Giá liêng thiêng.

 

Chúng ta biết rằng người Dothái chỉ tử hình tội nhân bằng hình thức ném đá hoặc cột cối đá vào cổ thả xuống biển. Vậy tại sao Chúa Giêsu là công dân Dothái mà lại bị đóng đinh trên thập giá?

 

Chúng ta biết Thập giá là sáng kiến của người Rôma dùng để xử tử các phạm nhân đáng tội chết. Lúc này người Dothái bị Đế quốc Rôma đô hộ nên bên cạnh hình phạt ném đá và cột cối đá, hình phạt đóng đinh thập giá được áp dụng. Đây là một hình phạt rất nhục nhã và ghê sợ. Nhục nhã vì tội nhân thường bị treo trần truồng; ghê sợ vị tội nhân bị những đinh nhọn xuyên qua tay chân đau đớn, và bị căng thây giữa trời cho đến khi kiệt sức và ngộp thở mà chết. Bởi đó thập giá còn được gọi là cây thập ác là vì vậy. Và vì nhục nhã, ghê sợ, nên người Rôma chỉ áp dụng hình phạt này cho người nô lệ, chứ họ không áp dụng cho công dân của mình.

Điều đáng nói là từ một biểu tượng của đau khổ, của nhục hình, Chúa Giêsu đã biến thành biểu tượng của tình yêu và tha thứ. Nhìn lên thập giá chúng ta thấy hai thanh gỗ mang hình chữ T, còn Đấng bị treo trên đó giang tay hình chữ Y. T và Y cũng là viết tắt của tình yêu. Tình yêu tự hiến và thình yêu thánh hiến. Bởi đó khi suy tôn Thánh Giá là suy tôn tình yêu. Suy tôn Thánh Giá là suy tôn Đấng bị treo trên đó.

 

Thập giá là hình khổ mà con người đã bắt Đức Kitô phải chịu, nhưng thập giá cũng chính là phương thế biểu lộ tình yêu sâu xa của Thiên Chúa đối với con người. Cái chết của Chúa Giêsu trên cây thập giá có sức đền bù cho tội lỗi của con người và có giá trị giao hoà con người lỗi tội với Thiên Chúa. Nếu thập giá là biểu thượng cho sự đau khổ, thì qua cái chết của mình, Chúa Giêsu đã mặc cho đau khổ một giá trị cao cả, giá trị cứu độ. Nói khác đi, cái chết của Chúa Giêsu trên thập tự giá là câu trả lời thoả đáng nhất cho mầu nhiệm đau khổ của phận người.

 

Chuyện kể rằng một thanh niên nọ có tên là Indira đến gặp đạo sĩ Makia và ngỏ lời: “Xin Ngài hãy chỉ cho tôi một thần linh để tôn thờ”. Đạo sĩ Makia liền đưa Indira đến một toà nhà rộng lớn, nơi đó mỗi vị thần được dành cho một gian phòng riêng. Dừng chân trước tượng thần Batđa, vị đạo sĩ giới thiệu: “Đây là vị thần sẽ cất hết mọi đau khổ khỏi thế giới”. Anh chàng Indira lắc đầu và xin được sang phòng khác. trước vị thần thứ hai, vị đạo sĩ giới thiệu: “Đây là nữ thần Sophia có bí quyết giúp con người tránh được mọi đau khổ”. Nhưng Inđira cũng lắc đầu và xin đạo sĩ đi sang phòng khác. Cuối cùng hai người tới trước một vị thần bị treo trên thập tự giá. Indira tò mò hỏi: “Vị thần này là ai mà bị treo trên thập giá như thế?”. Đây là vị thần của những người Kitô giáo. Indira tỏ vẻ hài lòng và muốn được làm môn đệ. Vị đạo sĩ ngạc nhiên hỏi: “Tại sao hai vị thần kia, một vị đề nghị cất hết mọi đau khổ, một vị đề nghị giúp tránh đau khổ, thế mà anh không thích vị nào cả? Tại sao anh lại muốn làm đồ đệ của vị thần chết nhục nhã trên cây thập tự như thế?” Indira giải thích: “Hứa cất đi sự đau khổ trên trần gian là lời hứa suông vì người ta không thể nào cất đi những đau khổ được. Còn dạy con người tránh đau khổ là dạy con người sống thấp hèn, hơn nữa người ta cũng không thể nào tránh đau khổ được. Nhưng nhìn vào vị thần của người Kitô giáo chấp nhận đau khổ trên thập tự, tôi hiểu được ý nghĩa của đau khổ và chấp nhận nó. Rồi một khi người ta hiểu và chấp nhận đau khổ thì niềm vui và an hoà sẽ trổ sinh trên thế giới. Đó là lý do tôi bị thu hút bởi Đầng chịu đóng đinh trên cây thập tự kia và muốn làm đồ đệ của Ngài”.

 

Ước gì mỗi người chúng ta cũng có được niềm xác tín như anh chàng Indira trong câu chuyện trên. Đồng thời biết dâng lên Chúa tâm tình tạ ơn liên lỉ, vì qua mầu nhiệp Thập giá, Chúa Giêsu đã cho chúng ta hiểu giá trị của đau khổ, để biết vui lòng đón nhận những thánh giá trong đời. Tạ ơn Chúa hơn nữa vì qua cái chết nhục nhã của Chúa trên Thập giá, chúng ta cảm nghiệm được sâu xa hơn tình yêu mà Thiên Chúa dành cho nhân loại, để rồi ta cũng biết đáp trả bằng việc mỗi ngày mỗi yêu mến Chúa nhiều hơn và yêu mến anh em nhiều hơn. Amen.

 

Lm. Giuse Nguyễn Thành Long