Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bầu Trời Và Thập Giá

Tác giả: 
Sưu tầm
 
 
Bầu Tri Và Thập Giá
 
 
Văn sĩ Công giáo người Anh, tên là Gin-bơ Ches-tơ-tân, qua đời năm 1936, đã mô tả thảm họa của thuyết vô thần trong một cuốn tiểu thuyết mang tựa đề: "Bầu trời và thập giá". Trong tác phẩm đó, một giáo sư vô thần tên là Lu-xi-phe được ông cho ngồi bên cạnh một tu sĩ tên là Mi-ca-e trên một chuyến bay xuyên qua Anh quốc.
 
Khi máy bay đi qua Luân-đôn, giáo sư Lu-xi-phe bỗng nhìn thấy thập giá trên tháp chuông nhà thờ chính tòa. Không tự chế được, ông đã thốt lên lời xỉ vả đối với Kitô giáo. Vị tu sĩ mới xin phép kể câu chuyện sau đây:
 
"Tôi cũng biết có một người thù ghét thập giá. Ông ta tìm mọi cách để triệt hạ cho bằng được. Bao nhiêu tác phẩm nghệ thuật có hình thập giá ông đều xé nát. Ngay cả cây thập giá bằng vàng ở cổ vợ ông, ông cũng tìm cách giựt đứt mà liệng đi. Ông bảo rằng thập giá là biểu tượng của sự dã man, hoàn toàn đối nghịch với niềm vui, với cuộc sống.
 
Ngày kia, không còn chịu đựng nổi hình thù của thập giá nữa, ông đã leo lên tháp chuông nhà thờ giáo xứ, đập gãy thập giá và liệng xuống. Sự thù hằn đối với thập giá không mấy chốc đã biến thành điên loạn.
 
Một buổi chiều mùa hè nóng bức, ông đứng tựa lưng vào một ban công gỗ, miệng phì phà khói thuốc. Bỗng chốc, ông thấy nguyên cả chiêc ban công gỗ biến thành một đạo binh thánh giá.
 
Rồi trước mặt ông, đàng sau ông nơi nào cũng có thập giá. Hoa cả mắt lên, ông cầm gậy đánh đổ tất cả những cây thập giá ấy. Vào trong nhà, bất cứ vật gì làm bằng gỗ cũng được ông nhìn thấy với hình thù thập giá. Không thể dùng gậy mà đập nữa, người đàn ông đành phải dùng đến lửa mới may ra tiêu diệt được thập giá. Thế là ngọn lửa bốc cháy thiêu rụi căn nhà.
Ngày hôm sau, người ta tìm thấy xác của người đàn ông đáng thương trong giòng sông bên cạnh nhà".
 
Câu kết luận mà văn sĩ đã đặt trên môi vị tu sĩ là: "Nếu bạn bắt đầu bẻ gãy thập giá, thì chẳng mấy chốc bạn cũng sẽ phá hủy chính cái thế giới có thể sống được này".
 
*
* *
 
Với cái chết của Chúa Kitô, thập giá đã trở thành biểu tượng của sự chiến thắng, đó là chiến thắng của tình yêu trên hận thù. Nơi nào có thập giá, nơi đó con người còn tin ở sức mạnh của tình yêu. Ðạp đổ thập giá có nghĩa là chối bỏ tình yêu và nâng cao hận thù.
 
Một thế giới không có tình yêu là một thế giới của chết chóc. Bất cứ con người có lương tri nào cũng có thể thấy được điều ấy.
 
Không cần phải leo lên tháp chuông nhà thờ để có thể triệt hạ thập giá. Hình thù của thập giá, dấu chỉ của tình yêu đã được ghi khắc trên mỗi con người rồi, bởi lẽ mỗi người đều là giá máu của Chúa Kitô.
 
Xúc phạm đến con người là triệt hạ thập giá, là hủy diệt tình yêu và sự sống rồi.
 
 
Ngọc Nga sưu tầm