Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Sơ lược về cơ mật viện bầu Giáo Hoàng

Sơ lược lịch sử về “Conclave - Cơ mật viện bầu Giáo Hoàng”

 

Nguyên ngữ danh từ "conclave" (Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng) khởi đầu từ cuộc họp của các Hồng Y bầu Giáo Hoàng vào tháng 11 năm 1268 tại thành Viterbo (về phía bắc thành Roma) kéo dài trong mấy tháng trời mà không có kết qủa.
 

ĐGH Gregory X

Thế rồi dân chúng thành Viterbo thấy các vị hồng y không đem lại kết quả là bầu được vị Giáo Hoàng, họ đã lấy chìa khóa và khóa chặt dinh thự phòng nơi các vị hồng y họp. Nhưng cũng không có kết quả, nên họ lại giảm phần ăn và chỉ cung cấp nước lã và bánh mì cho các vị mà thôi. Cuối cùng vào tháng 9 năm 1271 mới bầu được Giáo Hoàng đó, là Đức Giáo Hoàng Gregory X. Phải mất gần 3 năm mới bầu xong được Giáo Hoàng.

Học được bài học kinh nghiệm nêu trên, nên Đức Gregory X khi lên ngôi đã thiết lập Cơ Mật Viện “conclave” (mà nguyên ngữ La tinh là cum- clave, "với chìa khóa") vào năm 1274. Ngài còn ra chỉ thị từ ngày đó trở đi các cuộc bầu Giáo Hoàng phải được tổ chức tại một nơi đóng kín nghiêm ngặt, và các vị hồng y phải sống trong điều kiện ăn ở tương đối vừa phải để không thể kéo dài cuộc bầu lâu ngày được.

 

ĐGH Benedictô XI

Cuộc bầu Giáo Hoàng thứ nhất theo hướng dẫn của chỉ thị này xẩy ra vào năm 1303 và kết quả là bầu ra Đức Giáo Hoàng Benedictô XI. Sau khi Ngài lên ngôi Giáo Hoàng, những năm sau đó xẩy ra biến cố lại có thêm vị Giáo Hoàng khác tại thành Avignon bên Pháp, và cuộc bầu Giáo Hoàng kế tiếp tại Roma chỉ xẩy ra vào năm 1378 khi chọn ra Đức Giáo Hoàng Urbanô VI. Sau đó có khoảng trống một thời gian lâu mới có cuộc bầu Giáo Hoàng tại Roma vào năm 1455 để bầu cử Đức Giáo Hoàng Calllistus III. Từ đó các cuộc bầu Giáo Hoàng liên tiếp được thực hiện tại Roma.

 

Tuy vậy cũng có một lần truyền thống bầu Giáo Hoàng ở Roma bị phá lệ. Đó là vào năm 1800 Đức Giáo Hoàng Piô VII được bầu tại thành Venice chứ không phải tại Roma. Thế nhưng 4 cuộc bầu Giáo Hoàng sau đó được đưa về Roma, nhưng là tại Điện Quirinal Palace, nay là Dinh cư ngụ của Tổng Thống Ý Đại Lợi.

 

Đến năm 1870 điện Quirinal trở thành Dinh cư trú của Vua Ý Đại Lợi, vì sau khi thống nhất các tiểu vương quốc của Ý thì Roma được chọn làm thủ đô của nước một quốc gia Ý Đại Lợi thống nhất. Từ đó trở đi các cuộc bầu kế tiếp xẩy ra tại Điện Vatican.


ĐGH Lêô XIII

Vào năm 1878 buộc bầu Đức Giáo Hoàng Lêô XIII xẩy ra trong thành Vatican. Và cuộc bầu Giáo Hoàng tới đây vào ngày 18/4/2005 là cuộc bầu Giáo Hoàng lần thứ 54 xẩy ra tại điện Sistine bên trong thành Vatican.

 

Trong quá khứ có những cuộc bầu Giáo Hoàng được coi là rất mầu mè và có khi kéo dài một thời gian lâu. Lại đôi khi có những yếu tố ngoại tại ảnh hưởng đến việc chọn lựa và bầu vị Giáo Hoàng nữa. Những yếu tố đó là các vị vua chúa các nước Âu Châu đôi khi muốn ảnh hưởng, làm áp lực và có khi còn muốn khống chế để bầu ra nhân tuyển mà các vua đó ưa thích. Một yếu tố khác nữa là khi đó không có phương tiện truyền thông hữu hiệu, nên sau khi bầu xong Giáo Hoàng rồi thì các vị hồng y sống ở xa mới được tin về vị Giáo hoàng đã chết, nên không thể tham dự cuộc bầu Giáo Hoàng được. Những yếu tố này ngay nay không còn có tác dụng tới Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng nữa. Để có cái nhìn bao quát về một số những đặc tính của quá khứ, chúng ta hãy lược qua 8 cuộc bầu Giáo Hoàng trong thế kỷ 20 vừa qua xem đã xẩy ra như thế nào.


ĐGH Piô X

1.Vào tháng 8 năm 1903, Có cả thảy 62 vị hồng y họp để bầu ra người kế vị Đức Lêô XIII. Đây là cuộc bầu giáo hoàng cuối cùng có thế quyền ảnh hưởng vào. Khi đó, các Vua nước Áo, Vua nước Pháp và Vua nước Tây Ban Nha còn đang có quyền “veto” (quyền phủ quyết) các ứng cử viên Giáo Hoàng. Chính vì thế Vua nước Áo đã dùng quyền này loại trừ một ứng cử viên rất trổi vượt là ĐHY Mariano Rampolla. Sau này người ta không biết rõ ràng rằng hồng y Rampolla có phải là người mà các vị hồng y khác chọn làm giáo hoàng hay không. Thế nhưng trong cuộc bầu này ĐHY Giuseppe Sarto đã trở thành Giáo Hoàng Pius X. Sau khi lên ngôi Giáo Hoàng, việc đầu tiên vị Giáo Hoàng này làm là viết một sắc lệnh hủy bỏ đặc quyền “veto - phủ quyết” của các Vua. Về sau Đức Piô X đã được phong làm thánh.


ĐGH Benedictô XV

2.Vào năm 1914, những ngày đầu của Thế Chiến I xẩy ra, Đức Giáo Hoàng Piô X băng hà thì có 57 vị hồng y họp bầu ĐHY Giacomo Della Chiesa lên ngôi Giáo Hoàng sau 10 lần bỏ phiếu và lên ngôi với tước vị là Giáo Hoàng Benedictô XV. ĐHY Chiesa khi đó không phải là ứng cử viên sáng giá và trong danh sách “papabili”, nhưng khi đó ngài là TGM thành Bologna và được coi là nhà ngoại giao khéo léo, một khả năng hữu dụng để ngài dẫn dắt Giáo Hội trải qua cơn khủng hoảng Âu châu đang phên hóa và khốn khó vì cuộc đại chiến tương tàn.

 

 

 

ĐGH Piô XI

3.Vào cuộc bầu Giáo Hoàng năm 1922, báo giới Roma coi đó là cuộc tranh cử giữa hai nhân vật nổi bật trong Giáo Triều Vatican: một bên là vị hồng y “bảo thủ” Merry del Val, bên kia là hồng hy “cấp tiến” Gasparri. Cuộc bầu cử vì thế kéo dài nhiều ngày. Người ta nghĩ rằng: có thể vì thế mà các vị hồng y cả hai phía về sau phải tìm ra một ừng viên đồng thuận. Sau đợt bỏ phiếu lần thứ 14 (lần bầu lâu nhất thế kỉ 20) mới chọn được ĐHY Achille Ratti của thành Milan và ngài lên làm Giáo Hoàng Piô XI. Trong lần bầu cử này, các vị hồng y Hoa Kỳ không tham dự được vì các ngài không tới Roma trước 10 ngày khi cuộc phiếu bắt đầu diễn ra.

 


ĐGH Piô XII

4.Về cuộc bầu của Giáo hoàng vào năm 1939: lại nữa Châu Âu sắp bước vào cuộc Thế chiến thứ II. Lần bầu cử này một nhân tuyển rất rõ ràng và đắc ý với nhiều hồng y: ĐHY Eugenio Pacelli lúc đó là Ngoại Trưởng Ngoại Giao Tòa Thánh và trước đây từng là Sứ Thần Tòa Thánh tại Đức. Tuy dù có câu nói “Đi vào là giáo hoàng mà ra khỏi phòng họp vẫn là hồng y”, nhưng luật trừ này đã dành cho Đức Pacelli. Chỉ sau 2 lần bỏ phiếu 63 vị hồng y đã chọn ngài làm Giáo Hoàng Piô XII.

 

 

 

ĐGH Gioan XXIII

5.Trước cuộc bầu Giáo Hoàng vào năm 1958, ai cũng để ý tới tên tuổi của vị Tổng giám mục Giovanni Battista Montini thuộc thành Milan, dầu lúc đó ngài vẫn chửa phải là một hồng y. Thế nhưng ngài là nhân vật lừng lẫy và tài danh. Ai cũng đoán là ngài sẽ là Giáo Hoàng. Thế nhưng khi 51 vị hoàng y vào phòng họp bầu, các ngài đã chọn ĐHY thượng phụ giáo chủ thành Venice là Angelo Roncalli. Sau cuộc bầu các nhà phân tích nhận định rằng: các hồng y đã chọn một nhân vật tuổi có vẻ cao (77 tuổi) vì hy vọng một triều đại giáo hoàng ngắn ngủi chuyển tiếp mà thôi. Thế nhưng các nhà phân tích lại cũng sai. Triều đại của Đức Gioan XXIII đã xẩy ra một biến cố rất lớn và có tầm ảnh hưởng quan trọng trong lịch sử Giáo Hội, đó là Ngài triệu tập Công Đồng Vatican II đưa Giáo Hội nhập cuộc vào thế giới tân tiến của thời đại ngày nay.


 

ĐGH Phaoalô VI

6.Lần họp bầu giáo hoàng vào năm 1963 xẩy ra đang giữa lúc Công Đồng Vatican II còn nhóm họp. Lần này, người ta lại hướng về TGM Montini thành Milan. Đức Montini được quan niệm là nhà lãnh đạo lý tưởng để hướng dẫn Giáo Hội qua những thay đỗi nội bộ. Lần họp bầu này số hồng y đã tăng thêm nhiều, tất cả gồm 80 vị và các vị đại diện nhiều quốc gia, số hồng y người Ý đã giảm thiểu trông thấy. Tuy nhiên người ta cũng đoán trúng, Đức Montini đã được chọn làm Giáo Hoàng với danh hiệu là Phaolô VI.

 

 

 

ĐGH Gioan Phaolô I

7.Vào thời điểm mà Đức Phaolô VI qua đời, Hồng Y Đoàn đã tăng thêm và càng có tính cách quốc tế hơn. Đức Phaolô VI cũng đặt ra luật lệ là các đức hồng y trên 80 tuổi sẽ không được tham gia Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng, tuy vậy số hồng y dưới 80 tuổi tất cả là 111 vị đã họp bầu tân Giáo Hoàng vào tháng 8 năm 1978. Đây là cuộc bầu Giáo Hoàng quan trọng ngay sau Công Đồng Vatican II, trong thời đại mà phương tiện du lịch quốc tế mau chóng đưa con người gần lại với nhau hơn, thế rồi các phương tiện truyền thông cũng đang trên đà phát triển mạnh. Cho nên cuộc bầu Giáo Hoàng lần này cũng kéo sự chú ý của toàn thế giới. Đang khi đó, thế giới của các vị hồng y cũng không còn đóng khung trong miền địa dư của Ý hay là của Âu châu nữa, mà lan rộng tới các lục địa. Các hồng y qua Công Đồng Vatican II đã có dịp làm quen và biết nhau nhiều hơn, hiểu thêm về các vấn đề của thế giới thứ ba và sự tiến triển ngày càng bột phát của kinh tế và thương mại. Chủ nghĩa thực dân đã chấm dứt, nhưng các nước giầu và nghèo lại có thêm khoảng cách sâu rộng thêm. Các Giáo Hội địa phương qua các Thượng Hội Đồng trong vùng được xác tín hơn về nhu cầu của khu vực mình và muốn chia sẻ với thế giới hoàn vũ. Trong bầu khí đó việc tìm chọn ra một Giáo Hoàng tương lai với những đức tính và tài năng đáp ứng cho thới đại mới càng trở nên quyết liệt hơn, thao thức hơn... Tên vị hồng y được nhắc tới nhiều nhất treng giai đoạn này là hồng y Giuseppe Siri thành Genoa. Thế nhưng kết quả cuối cùng của cuộc bầu được trao về cho hồng y thượng phụ giáo chủ thành Venice là ĐHY Albino Luciani. Ngài lấy tên Giáo Hoàng là Gioan Phaolô I. Cuộc bầu diễn ra trong không khí nóng nực của mùa hè nóng cháy thật khó chịu và khổ sở cho các Đức Hồng Y phải sống ngay tại nguyện dường Sistine chật chội và thiếu phương tiện!

 


ĐGH Gioan Phaolô II

8.Triều đại của Đức Gioan Phaolô I chỉ kéo dài có 33 ngày, chỉ dài hơn triều đại của Đức Piô III vào năm 1503 (Đức Piô III làm Giáo Hoàng chỉ có 26 ngày!) Có lẽ vì vậy mà lần này, sau cái chết của Đức Gioan Phaolô I, các hồng y nghĩ đến một vị Giáo Hoàng tương lai trẻ trung hơn mạnh khỏe hơn hầu đương đầu được với những đòi hỏi của thời đại mới. Vào tháng 10, 1978 khi có cuộc bầu Giáo Hoàng người ta lại cũng nhắc tới tên tuổi hồng y Siri thành Genova và hồng y Benelli của thành Florence. Thế nhưng Chúa Thánh Thần đã ban cho kết quả thực bất ngờ, khi tuyên bố Đức Tân Giáo Hoàng là người Ba Lan, báo giới và dân chúng chưa từng nghe tên tuổi vị này. Thế nhưng đối với các vị hồng y khác thì vị hồng y người Ba lan có tên là Carol Wojtyla đã làm cho các vị có ấn tượng rất đặc biệt, vì trong thời gian họp Công Đồng Vatican II, ĐHY Woytyla đã có những đóng góp đáng kể và nhất là ngài đã lãnh đạo tổng giáo phận Krakow của ngài rất thành công dù sống dưới chế độ Cộng Sản. Dĩ nhiên không ai thắc mắc gì về sức khỏe thể lý của ngài với thân hình lực sĩ và tráng kiện, trí khôn minh mẫn của Ngài. Vị tân Giáo Hoàng lấy tên là Gioan Phaolô II đến từ sau bức màn sắt, trẻ trung, đầy nhiệt huyết, bình dân, đạo đức, thực sự đã làm thay đổi bộ mặt của Giáo Hội trong thời điểm mà thế giới và xã hội khắp nơi có những thay đổi mạnh mẽ, bột phát và phi thường về mọi mặt. Vị Giáo Hoàng đầu tiên sau 455 không phải là người Ý này đã muốn Giáo Hội phải nhập cuộc thực sự vào lớp sống trần thế và biến đổi thế giới chúng ta đang sống hiện nay. Nhớ lại lần bầu trước, các hồng y phải sống trong bầu khí nóng bức chật chội, nên khi lên ngôi, Đức Gioan Phaolô II đã cho xây nhà trọ Santa Martha tại nội địa cấm thành Vatican. Nhà này có cả hơn 100 phòng làm nơi cho các hồng y cư trú trong suốt thời gian các ngài họp bầu vị Tân Giáo Hoàng

 

LM Trần Công Nghị
Vietcatholic