Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Ống khói mới tại nhà nguyện Sistina cho việc bầu Giáo Hoàng

 

Ống khói mới tại nhà nguyện Sistina đã sẵn sàng cho Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng

 

Vatican - Hôm thứ Năm 14/4/2005, ống khói tại nhà nguyện Sistina đã được thiết đặt xong để chuẩn bị cho Cơ Mật Viện bầu Giáo Hoàng. Ngoài việc thông các ống dẫn để chắc chắn mầu khói thể hiện đúng, các chất hóa học sẽ được dùng để khi chưa có kết quả thì ra khói mầu đen đậm và khi có kết quả thì ra khói mầu trắng.

 

Lò đốt các lá phiếu lần này cũng chính là chiếc lò được dùng 27 năm trước đây trong kỳ bầu cử Đức Giáo Hoàng Gioan Phaolô II. Hôm thứ Sáu, một nhóm ký giả đã được mời tham quan nhà nguyện Sistina nơi sẽ diễn ra Cơ Mật Viện và được xem nơi đốt các lá phiếu.

 

Tổng số các vị Hồng Y dưới 80 trong Giáo Hội là 117 vị. Tuy nhiên, Giám Đốc Văn Phòng Báo Chí, ông Joaquín Navarro-Valls cho biết có 2 vị Hồng Y không tham gia nghị hội bầu Giáo Hoàng vì lý do sức khoẻ. Đó là Hồng Y Jaime Sin, hồi hưu, nguyên Tổng Giám Mục Manila, Phi Luật Tân và ĐHY Adolfo Antonio Suarez Rivera, hồi hưu, nguyên Tổng Giám Mục giáo phận Monterrey, Mễ Tây Cơ. Như vậy có 115 vị Hồng Y sẽ tham dự bầu Giáo Hoàng.

 

Trong ngày thứ Hai 18/4/2005 có một lần bỏ phiếu vào buổi chiều. Nếu có vị nào được 77 phiếu hay hơn thì cuộc bầu cử kết thúc. Nếu không, cuộc bầu cử sẽ kéo dài sang các ngày tiếp theo. Trong các ngày tiếp theo, mỗi ngày Hồng Y Đoàn sẽ có 4 lần bỏ phiếu, hai lần buổi sáng và hai lần buổi chiều. Cuộc bầu cử chấm dứt tức khắc khi có vị nào được 2 phần 3 số phiếu hay hơn. Tuy mỗi buổi có 2 lần bỏ phiếu, các lá phiếu chỉ được đốt đi vào lúc 12 giờ 30 trưa và 7 giờ 30 tối. Trong trường hợp bầu được vị Giáo Hoàng mới và vị đó đồng ý nhận lãnh trách nhiệm này thì ngay lúc đó các lá phiếu sẽ được đốt đi để thông báo với thế giới bên ngoài. Chuông tại quảng trường Thánh Phêrô cũng được đánh lên và tất cả các nhà thờ tại Rôma sẽ lần lượt đánh chuông báo tin.

 

Sau 9 vòng bỏ phiếu, tức là đến hết ngày 20/4 mà không có kết quả, Hồng Y Đoàn có thể xem xét nghỉ một ngày để cầu nguyện, xem xét và bàn thảo lại trước vòng bầu phiếu thứ 10. Cứ mỗi sau 7 vòng bầu phiếu sau đó, Hồng Y Đoàn có thể xem xét nghỉ một ngày.

 

Tuy nhiên, cuộc bầu phiếu không thể kéo dài vô hạn. Tông Hiến Mục Tử Toàn Thể Đoàn Chiên Chúa quy định rằng sau vòng bầu phiếu thứ 34, Hồng Y Đoàn sẽ quyết định hoặc là chọn vị có số phiếu quá bán hay giới hạn chỉ bầu trong hai vị có số phiếu cao nhất. Hệ quả hiển nhiên của quy định này là cuộc bầu cử không thể kéo dài hơn 10 ngày. Hệ quả thứ hai là nếu một vị chiếm được đa số thì các vị Hồng Y ủng hộ vị này biết rằng vị này chung cuộc sẽ đắc cử nếu các vị cứ tiếp tục bảo lưu ý kiến của mình. Những vị thuộc nhóm thiểu số không thể ngăn cản được khả năng đắc cử của vị này. Do đó, không cần tìm một vị mà cả hai nhóm đều có thể tương nhượng.

 

Trong thực tế, các cuộc Mật Nghị bầu Giáo Hoàng càng ngày càng có khuynh hướng kết thúc mau chóng. Thời đại thông tin tân kỳ xóa bỏ mọi rào cản địa lý, thu hẹp thế giới thành một làng toàn cầu. Điều này cho phép các vị hiểu rõ hoạt động và khả năng của các ứng viên. Trong triều Giáo Hoàng của Đức Thánh Cha, ngài đã 6 lần triệu tập Công Nghị Hồng Y và nhiều Thượng Hội Đồng Giám Mục diễn ra cho phép các vị hiểu biết nhau nhiều hơn.

 

Từ năm 1831 khi cuộc Mật Nghị Hồng Y kéo dài đến 54 ngày mới bầu được Đức Giáo Hoàng Grêgôriô XIV, không cuộc bầu cử nào kéo dài quá 5 ngày. Tất cả 5 vị Giáo Hoàng sau cùng được bầu trong vòng 2 đến 3 ngày.

 

Đặng Tự Do
Vietcatholic