Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Thư mục vụ Hội Đồng Giám Mục VN 2002

 

THÁNH HOÁ GIA ĐÌNH

 

Gởi: các linh mục, tu sĩ nam nữ và anh chị em giáo dân.


1. Chúng tôi, các Hồng Y, Tổng Giám Mục, Giám Mục và các linh mục Giám quản thuộc Hội đồng Giám mục Việt Nam, đang họp khoá thường niên tại Thủ đô Hà nội, xin gửi tới anh chị em lời chào thăm và chúc bình an trong Chúa Kitô, Chúa chúng ta.

 

Trong Thư Chung năm 2001, chúng tôi đã đề cập đến gia đình như một chương trình mục vụ cần lưu tâm trong Thiên niên kỷ mới. Năm nay, tiếp nối lời kêu gọi của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II trong Tông huấn Đời sống gia đình (ĐSGĐ) ban hành năm 1981, đồng thời để chào đón cuộc gặp gỡ quốc tế của các gia đình sẽ tổ chức tại Manila vào đầu năm tới, chúng tôi muốn dành Thư mục vụ này cho đề tài hôn nhân và gia đình.

 

I. HIỆN TÌNH HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH TẠI VIỆT NAM.

 

2. Anh chị em thân mến,

 

Nói đến gia đình Việt Nam, người ta nghĩ ngay tới một nề nếp gia phong rất gần gũi với giáo lý đức tin. Gia đình ấy coi chữ Hiếu làm đầu nên rất sẵn sàng đón nhận ánh sáng Phúc Âm, trong đó điều răn phải thảo kính cha mẹ được xếp ngay sau ba điều răn quy định việc thờ phượng Thiên Chúa. Gia đình ấy xem chữ Tín làm trọng nên dễ dàng gặp thấy nơi điều răn thứ sáu và thứ chín tiếng nói chung nhằm bảo vệ đời sống hôn nhân một vợ một chồng bất khả phân ly. Gia đình ấy gồm có ông bà cha mẹ con cháu trên thuận dưới hoà trong một mái nhà đầm ấm, được xem như một môi trường tự nhiên thuận lợi cho việc phát triển đức tin, nhất là cho việc xưng tụng Thiên Chúa là Cha và coi mọi người như anh chị em. Gia đình ấy sống liên đới với các gia đình khác trong tình làng nghĩa xóm hiệp thông cầu nguyện khi vui cũng như lúc buồn, dần dà tạo nên một hình ảnh đẹp và cụ thể để diễn tả tình huynh đệ Kitô giáo. Chính vì thế, Hội Thánh dù được định nghĩa như là Dân Thiên Chúa, Thân Mình Chúa Kitô, Đền Thờ Chúa Thánh Thần thường được người Việt Nam hình dung như một gia đình.

 

3. Tuy nhiên, hình ảnh đẹp về gia đình Việt Nam hiện nay đang có nguy cơ mờ nhạt dần đi. Nguyên do dễ nhận thấy nhất là tiến trình công nghiệp hoá, đô thị hoá. Tiến trình này tự nói đem lại nhiều phúc lợi cho xã hội như những tiện nghi vật chất và cuộc sống văn minh, nhưng đồng thời cũng kéo theo những xáo trộn trong sinh hoạt gia đình, làm ảnh hưởng đến nề nếp gia phong như lôi cuốn một số người đến chỗ hưởng thụ ích kỷ, và xa hơn đến lối sống buông thả sa đà, từ đó làm gia tăng những trường hợp ly dị và làm suy giảm ý thức về phẩm giá sự sống.

 

Cùng với tiến trình này là hiện tượng di dân ồ ạt về các thành phố lớn để tìm việc làm. Hậu quả là một sống cha mẹ phải sống xa con cái, nên việc giáo dục cơ bản không được lưu tâm đúng mức; một số người trẻ phải rời gia đình đến làm việc ở nơi xa lại, nên dễ bị bóc lột sức lào động và mắc phải những tệ nạn xã hội như xì ke, ma túy hay rơi vào những hoàn cảnh trong đó nhân phẩm bị coi thường; một số trẻ em bị đẩy ra đường phố sống lang thang.

 

Ngoài ra, sự phát triển nhanh chóng và đa dạng các phương tiện truyền thông xã hội, một mặt cung cấp những thông tin hữu ích giúp thăng tiến con người, nhưng mặt khác lại du nhập những lối sống thiếu lành mạnh, tác hại đến nếp sống đạo đức gia đình như tự do luyến ái, sống chung không cưới xin, dễ dàng sử dụng bạo lực

 

II. HÔN NHÂN VÀ GIA ĐÌNH DƯỚI ÁNH SÁNG MẠC KHẢI.

 

4. Trước hiện tình nêu trên, là người Công giáo, chúng ta hãy nhìn đời sống hôn nhân và gia đình dưới ánh sáng Mạc khải nơi Tình Yêu tạo dựng và cứu độ của Thiên Chúa.

 

Hôn nhân

Con người là hình ảnh của Thiên Chúa Tình Yêu (x. 1Ga 4,8). Nếu bản chất của Thiên Chúa là yêu thương và Ngài đã tạo dựng con người theo hình ảnh của chính Ngài (St 1,26), thì bản chất của con người cũng giống bản chất của Thiên Chúa là yêu thương. Chỉ khi nào yêu thương và được yêu thương, con người mới hạnh phúc và đạt được mục tiêu của cuộc sống.

 

Và Thiên Chúa dựng nên con người có nam có nữ. Cả nam và nữ đều là hình ảnh của Thiên Chúa (St 1,27) do đó tự bản chất con người có xã hội tính, và là hình ảnh của Tình Yêu Hiệp Thông Ba Ngôi Thiên Chúa.

 

Từ nền tảng trên, mọi tình yêu chân thật giữa con người với con người đều hướng tới sự hiệp thông khuôn mẫu này. Do đó, tình yêu trong hôn nhân và gia đình là tình yêu mang lại hạnh phúc vì làm cho con người được thông phần Tình Yêu Ba Nôi Thiên Chúa một cách cụ thể tại trần gian.

 

5. Nhưng tình yêu giữa Thiên Chúa và con người trong lịch sử cứu độ đã được diễn tả bằng hôn ước, nghĩa là dấu chỉ biểu lộ tương quan giữa Thiên Chúa với Dân Người. Đó là mối tương quan yêu thương, sâu đậm, thắm thiết, mà nhiều trang Kinh Thánh Cựu Ước đã dùng những hình ảnh phu thê để diễn tả.

 

Giao ước ấy đạt đến tột điểm trong mầu nhiệm Nhập Thể Cứu Chuộc. Nơi Chúa Giêsu, Tình Yêu của Thiên Chúa đối với nhân loại, được biểu lộ cách trọn vẹn - Thiên Chúa yêu thương nhân loại đến mức độ tự hiến bản thân mình nơi Người Con Một là Đức Giêsu Kitô (Ga 3,16). Thiên Chúa yêu thương đến nỗi mặc lấy bản tính con người, để tự hạ, phục vụ và hiến thân cho con người qua cái chết trên thập giá.

Bí tích Hôn phối là hình ảnh của tình yêu Thiên Chúa đối với nhân loại nói chung, và Hội Thánh nói riêng. Như Đức Kitô đã yêu thương Hội Thánh thế nào thì trong hôn nhân, người ta cũng được mời gọi để hiến thân, hy sinh, quên mình, phục vụ nhau như thế.

 

Gia đình

 

6. Ngoài ra, theo ý định của Thiên Chúa, hôn nhân là nền tảng cho một cộng đoàn rộng lớn hơn, tức là gia đình. Nhờ hôn nhân mà đôi bạn trở thành cha mẹ, lãnh nhận nơi Thiên Chúa quả tặng là những người con. Khi cha mẹ yêu thương con cái, họ trở thành dấu chỉ hữu hình của Tình Yêu Thiên Chúa đối với con người. Khi cha mẹ chăm sóc con cái, họ làm thành một cộng đồng hiệp thông những ngôi vị. Chính sự hiệp thông mật thiết trong gia đình Kitô giáo là hình ảnh sự hiệp thông giữa Ba Ngôi Thiên Chúa: Yêu nhau và nên một với nhau mà vẫn hoàn toàn tôn trọng sự khác biệt giữa các ngôi vị.

 

Từ ý nghĩa ấy, ngay giữa lòng cuộc sống hôn nhân và gia đình, toàn bộ những tương quan liên vị như tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình con thảo, tình anh em được kết dệt, và nhờ đó, mỗi ngôi vị được dẫn đưa vào trong gia đình nhân loại và gia đình Thiên Chúa là Hội Thánh. (ĐSGĐ số 15).

 

III. NHỮNG PHƯƠNG THẾ CỤ THỂ VÀ THIẾT THỰC

 

7. Chúng tôi biết rằng gia đình anh chị em đã phấn đấu rất nhiều trong mọi khó khăn của cuộc sống để gìn giữ nét đẹp gia đình Kitô giáo, theo khuôn mẫu đời sống hiệp thông của Ba Ngôi Thiên Chúa. Tuy nhiên, để các gia đình tránh được những nguy cơ rình rập tàn phá, đồng thời ngày càng vững mạnh vươn lên, cũng như ngày càng tiến gần đến hình ảnh lý tưởng mà Chúa mong muốn, cần có sự nỗ lực góp sức của mọi thành phần dân Chúa.

 


Các vị hữu trách

 

Chúng ta hãy chọn hôn nhân và gia đình như mục tiêu ưu tiên của chương trình mục vụ trong năm 2003.

 

Cụ thể, các Giáo phận nên có Văn phòng Mục vụ về Hôn nhân và Gia đình.

 

Các Giáo xứ nên tổ chức các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình, dựa trên Tông huấn Đời sống gia đình của Đức Thánh Cha Gioan Phaolô II.

 

Để các lớp học hỏi về hôn nhân và gia đình được có kết quả tốt đẹp, cần soạn thảo một chương trình giáo lý hôn nhân, đào tạo một đội ngũ giáo lý viên vững vàng, kêu gọi sự cộng tác của giáo dân có khả năng chuyên môn và có kinh nghiệm trong các lãnh vực: tâm lý, xã hội, pháp luật, quản trị, y khoa

 

Ban Mục vụ giáo xứ có một bộ phận chuyên trách về gia đình với sự cộng tác của các Hội đoàn quan tâm đến tình trạng các gia đình trong khu xóm, đặc biệt các gia đình nghèo khổ, bất hoà bất thuận và các gia đình di dân, để kịp thời giúp đỡ.

 

Những ngày lễ gia đình, ngày kỷ niệm thành hôn, những buổi giao lưu giữa các gia đình sẽ rất ích lợi nếu được chuẩn bị chu đáo với tinh thần cầu nguyện và học hỏi.

 

Các gia đình

 

8. Tuy nhiên, mục vụ gia đình chỉ thực sự có kết quả khi các gia đình tự ý thức, tích cực tham gia các chương trình học hỏi và nhất là chủ động canh tân đời sống gia đình bằng đổi mới chính bản thân.

 

Gia đình là nôi, là trường học đầu tiên, nơi con cái lớn lên cả về thể xác lẫn tinh thần, nơi con cái không chỉ được dạy dỗ bằng lời nói mà còn bằng gương sáng. Vì thế cha mẹ không chỉ lo cho con cái được rửa tội mà còn phải lo cho đức tin con cái được lớn lên trong bầu khí gia đình đạo đức chan hoà tình mến Chúa yêu người. Hướng dẫn con cái trân trọng tình liên đới trong mối liên hệ bác ái giữa các thành viên trong gia tộc.

 

Để con cái tiến bộ về mọi mặt, cha mẹ cần quan tâm làm trong sạch môi trường sách báo, phim ảnh, bạn bè của con cái mình.

 

Một gia đình Kitô hữu thực sự tốt đẹp không thể chỉ đóng kín trong những sinh hoạt riêng tư, nhưng cần mở rộng mối quan hệ với những gia đình chung quanh, để kính trọng yêu thương, trao đổi học hỏi và quan tâm giúp đỡ, góp phần phát triển nên văn minh tình thương.

 

Kết luận

 

9. Tương lai nhân loại sẽ đến qua gia đình (ĐSGĐ số 86). Vì thế, tất cả mọi người hữu trách và mọi người thiện chí đều phải quan tâm đến việc bảo vệ và thăng tiến các giá trị đời sống gia đình. Dẫu cho có những bóng tối và khó khăn che lấp đi phần nào sự cao đẹp của những giá trị hôn nhân và gia đình, nhưng các Kitô hữu vẫn luôn được mời gọi vững tin vào quyền năng của Thiên Chúa để trở thành sứ giả loan báo Tin Mừng về gia đình cho thế giới hôm nay, và để các gia đình Kitô hữu trở nên tin mừng cho Thiên niên kỷ thứ ba.

 

Trước khi kết thúc, chúng ta hãy nhìn lên Thánh Gia Thất ở Nazareth như nguyên mẫu và tấm gương của mọi gia đình Kitô hữu. Thánh Gia Thất đã sống khiêm tốn, khó nghèo, đã bị thử thách, bị bắt bớ, bị lưu đày, nhưng các Ngài đã vượt qua nhờ lòng tín thác vào Thiên Chúa. Các Ngài vẫn luôn bảo trợ và giúp đỡ các gia đình chúng ta. Chúng ta hãy năng cầu nguyện cùng các Ngài.

 

10. Lạy Thánh Gia Nazareth, là gương mẫu của đời sống thánh thiện, công bình và yêu thương, xin cho gia đình chúng con trở nên nơi đào tạo nhân đức, trong hiền hoà, phục vụ và cầu nguyện. Xin cho chúng con xây dựng gia đình, thành nơi an ủi cho cuộc đời đầy thử thách. Xin cho chúng con biết làm cho mọi người trong gia đình, được thăng tiến để góp phần vào việc phát triển xã hội, và cộng tác trong việc xây dựng Giáo Hội.

 

Xin Ba Đấng luôn hiện diện trong gia đình chúng con, khi vui cũng như lúc buồn, khi làm việc cũng như lúc nghỉ ngơi, khi lo âu cũng như lúc hy vọng, khi sinh con cũng như lúc có kẻ qua đời, để khi trải qua mọi thăng trần của cuộc sống, chúng con luôn luôn chúc tụng Chúa, cho đến ngày được sum họp với Ba Đấng trong Nước trời. Amen

 

Hà Nội, ngày 11 tháng 10 năm 2002

TM/HỘI ĐỒNG GIÁM MỤC VIỆT NAM

Đức Cha Phaolô Nguyễn Văn Hoà

Chủ tịch

Đức Cha Phêrô Nguyễn Soạn