Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bài về gia đình

Tác giả: 
Trần Mỹ Duyệt

 

 

CUỘC CHIẾN TRƯỜNG KỲ NHẰM VÀO NHỮNG GIÁ TRỊ TRUYỀN THỐNG CỦA GIA ĐÌNH*

 

  

Trần Mỹ Duyệt

 

 

Về mặt luân lý và đạo đức xã hội, thế giới hiện nay đang diễn ra một trận chiến hết sức khốc liệt và trường kỳ trực tiếp nhắm vào những thành trì của gia đình, gồm: Giá trị của hôn nhân, con cái, và giới tính. Những người chủ trương và tham gia cuộc chiến tin rằng nếu gia đình là nền tảng của xã hội, của đạo đức mà bị đánh đổ thì đời sống con người sẽ trở nên nhẹ nhàng, thoải mái, và hạnh phúc hơn. Riêng với những người như Marx, thì vì tin rằng gia đình là nền tảng sinh ra những bất công trong xã hội nên nếu phá bỏ được quan niệm và truyền thống gia đình, thế giới này sẽ biến thành một thế giới đại đồng, và thiên đàng Cộng Sản sẽ xuất hiện. Tóm lại, đối với những ai tin rằng gia đình không cần thiết và coi nhẹ những giá trị của gia đình, thì gia đình và truyền thống gia đình là những chướng ngại cần phải dẹp bỏ.

 

Những tư tưởng trên chính là những vũ khí cực độc và có sức công phá rất dữ dội luôn nhắm thẳng vào gia đình để bằng mọi giá triệt hạ nó. Tuy không mới mẻ gì, nhưng nếu để ý, chúng ta sẽ thấy cuộc chiến này trở nên khốc liệt từ 150 năm qua, bắt đầu là do tư tưởng của Marx và Friedrich Engles khi cho rằng giá trị của hôn nhân làm cho con người kém tự do. Việc sinh con cái là một gánh nặng. Ngoài ra, phân biệt giới tính là hành động ảo tưởng đến từ những phân tích của một số nhà lý luận về giới tính gần đây.   

 

Nhưng đối với những người quan tâm đến gia đình, đến nền tảng và giá trị của gia đình thì hậu quả hiện nay của cuộc chiến này là những việc ủng hộ, cho phép và hợp thức hóa các đạo luật như ngừa thai, nạo và phá thai, ly thân, ly dị, đồng tính, hôn nhân đồng tính, và chuyển đổi giới tính. Chúng là những vết thương nhức nhối, những tế bào ung thư làm suy yếu và phá vỡ những giá trị truyền thống của gia đình, đạo đức xã hội, kể cả trong vấn đề sinh sản, và giáo dục con cái.

 

Đứng trước những đợt tấn công vũ bão này, những ai có tâm hồn muốn bảo vệ những giá trị của hôn nhân, gia đình cần phải làm gì?  Và để hiểu thế nào về sức mạnh, hướng đi, và sự tàn bạo của trận chiến hầu tìm cách đề phòng hoặc phản công, chúng ta cần phải hiểu xem đâu là những nguyên nhân.

 

 

1. Phản ảnh suy tư con người thời đại:  

 

Cả Marx lẫn Engels đều cho rằng các quan hệ xã hội là không bình đẳng. Đấu tranh giai cấp là một hành động nhằm phá tan sự bất bình đẳng này. Với chủ trương tam vô: Vô gia đình, vô tổ quốc, và vô tôn giáo, Friedrich Engles, người cộng tác của Marx trong bài nghiên cứu về Nguồn Gốc Gia Đình, Tư Hữu và Nhà Nước (1884) đã coi gia đình như một tế bào nguyên thủy của bất bình đẳng và chế độ nô lệ. Với một ước ao chiếm hữu, con người cũng mong đảm bảo việc truyền lại những gì mình có cho thế hệ mai sau, đấy chính là điểm nền tảng cho chế độ một vợ, một chồng, trong đó nam giới với đất đai, tài sản mong có những người thừa kế hợp pháp. Với lý luận này, trong hôn nhân, nữ giới thuộc về nam giới, đơn thuần như một “dụng cụ sản xuất con cái”. Quan niệm sở hữu, dụng cụ sản xuất, và nô dịch hóa nữ giới này chỉ chấm dứt khi nam giới mất quyền sở hữu bằng việc quốc hữu hóa, để rồi vì không còn quyền sở hữu và mất quyền truyền để cho hậu duệ sau này, nam giới sẽ không quan tâm nhận diện con cái nữa. Tóm lại, khi điều kiện kinh tế làm trổi dậy đời sống hôn nhân chấm dứt, thì hôn nhân cũng chấm dứt, và kết thúc lịch sử, tình dục cũng sẽ được giải phóng. Thế giới sẽ tiến tới chỗ đại đồng, không còn những gia đình nhỏ bé nữa mà là một gia đình nhân loại rộng lớn.

 

Lý luận như vậy, Engels cho rằng cuộc cách mạng vô sản sẽ là một cái tát cho cả gia đình lẫn luân lý. Với Engles, sau khi đã giải phóng nữ giới, vứt bỏ đi hình thức gia đình, lúc đó gia đình đơn thuần chỉ còn là một đơn vị kinh kế của xã hội, và sẽ tiến tới sự tăng trưởng về một sự giao hợp không bị giới hạn. Điểm đáng chú ý ở lý thuyết gia đình này, đó là chủ nghĩa xã hội tiến tới, gia đình lùi dần.

 

Lý thuyết của Marx và Engels đã một thời ảnh hưởng rất lớn tại các quốc gia bị kiểm soát do chế độ Cộng Sản, trong khi đó tại các quốc gia Tây Phương, những tư tưởng và trào lưu sống mới cũng đang nhắm vào nền tảng gia đình để phá hủy. Đó là những hình thức hôn nhân vượt khỏi những quan niệm và truyền thống. Thí dụ, quan niệm và lối sống tiền dâm hậu thú, sống với nhau mà không cần hôn thú, hoặc quan niệm và lối sống đồng tính, hôn nhân đồng tính. Những quan niệm và lối sống này tạo nên những hình thức gia đình vượt ra ngoài những giá trị vốn đã có từ rất xa xưa về gia đình. Hậu quả là tại nhiều quốc gia, các nhà lập pháp đang cố tìm cách tái định nghĩa lại từ gia đình. Ảnh hưởng của những suy tư và lối sống này không chỉ nằm trong lãnh vực luân lý, đạo đức, nó còn vươn tới những lãnh vực khác như giáo dục, văn hóa, xã hội, kinh tế, chính trị, và tôn giáo nữa.

 

Thính đến năm 2001 đã có 11 quốc gia trên thế giới hợp pháp hôn nhân đồng tính. Gồm Á Căn Đình (Argentina), Bỉ (Belgium), Canađa (Canada), Đan Mạch (Denmark), Băng Đảo (Iceland), Hòa Lan (Netherlands), Na Uy (Norway), Bồ Đào Nha (Portugal), Tây Ban Nha (Spain), Nam Phi (South Africa), và Thụy Điển (Sweden).  Tại một vài quốc gia khác như Ba Tây (Brazil), Mễ Tây Cơ (Mexico), và Hoa Kỳ (USA), hôn nhân đồng tính được ủng hộ nhưng chưa hợp hiến.

 

Về tôn giáo, việc cử hành theo nghi thức tôn giáo dành cho những cặp vợ chồng đồng tính cũng đã được một số tôn giáo thừa nhận như Quarkers, Episcopolians, Metropolitan Community Church, The United Church of Christ, The United Church of Canada, Reform and Conservative Jews, Wiccans, Druid, Unitarian Universities, Native American Religions with a two-spirit tradition.

 

Về mặt xã hội, nhiều người trẻ ngày nay không mấy quan tâm đến việc lập gia đình. Đối với những người trẻ này, tờ giấy hôn thú không có giá trị gì hơn là một hình thức đòi hỏi của xã hội. Lấy nhau rồi bỏ, làm hôn thú rồi ly dị và tái hôn, những chuyện này khiến họ nghĩ đến gia đình đơn thuần chỉ là một khế ước, một sự đồng thuận giữa hai người dù là người nam với người nữ, giữa hai người nữ, hoặc hai người nam với nhau. Vì là một khế ước hay sự đồng thuận nên khi điều kiện được đặt ra không thỏa đáng tôi có quyền từ chối để đi tìm một hiệp đồng, một khế ước hay một sự đồng thuận mới. Từ quan niệm này làm nảy sinh những phức tạp như việc ngăn ngừa thụ thai, phá thai, và ly dị. Nó cũng tạo nên những quan niệm mới liên quan đến gia đình như tuổi tác kết hôn, việc sinh sản và giáo dục con cái.

 

Dưới cái nhìn xã hội, những hình thức và lối sống gia đình hiện nay còn lây lan sang đến cả lãnh vực chính trị nữa. Hàng loạt những người ủng hộ phá thai, ủng hộ đồng tính, ủng hộ hôn nhân đồng tính đã rầm rộ xuống đường tại nhiều quốc gia, đặc biệt trong những ngày trước khi có các cuộc bầu cử nhằm khuynh đảo lập trường, hoặc bày tỏ sự ủng hộ của họ đối với các ứng cử viên có cùng quan điểm và lập trường về đồng tính, hôn nhân đồng tính. Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua tại Hoa Kỳ đã cho thấy tầm ảnh hưởng của những thành phần này. Kết quả là nhiều tiểu bang, và ngay cả tổng thống Hoa Kỳ Obama cũng ủng hộ quan niệm đồng tính và hôn nhân đồng tính. Tại nhiều quốc gia trên thế giới hiện nay đồng tính, hôn nhân đồng tính, ly dị và phá thai đã được hợp thức hóa và bảo vệ bằng hiến pháp.

 

Giải phóng tình dục, giải phóng nữ giới, dù theo quan niệm của Marx, của Engels, hay của những nhà tâm lý, giáo dục, xã hội, đạo đức, và chính trị hôm nay đã đạt được một số kết quả. Thí dụ, phụ nữ ngày nay đã trở nên bạo dạn hơn, thẳng thắn hơn, và có tiếng nói hơn trong việc bày tỏ quan điểm tình yêu, tình cảm, kể cả đời sống tình dục của mình. Không còn chế độ đa thê, nữ giới không dễ để mình bị nô lệ và bị hành hạ do quan niệm và lối sống gia trưởng. Tại nhiều quốc gia, họ có quyền đưa đơn ra tòa ly dị, có quyền ngừa thai hay phá thai theo ý của họ. Tiếng nói tự do tình dục, tiếng nói tự do đối với thân thể của họ đã và đang được lắng nghe.    

 

Một cách nào đó, có thể nói trước khi chủ thuyết về gia đình của Marx và Engles bị cho vào cống rãnh của lịch sử, nó đã hóa thân thành những quan niệm hôn nhân, và gia đình như hiện nay, và vẫn tiếp tục chống lại nền tảng đích thực cũng như những giá trị truyền thống và ơn gọi của gia đình.    

 

 

2. Gánh nặng con cái:

 

Theo quan điểm của Marx và Engels, việc giáo dục con cái, săn sóc người cao niên và sở hữu tiền bạc do nhà nước quản lý: “Các tận kỳ năng, các hưởng kỳ nhu”. Lao động tận lực, hưởng lợi theo nhu cầu! Lý thuyết này làm cho khế ước bền chặt giữa nam nữ trong đời sống hôn nhân, gia đình trở nên lỏng lẻo, không còn lý do chính đáng. Theo đó, một khi phụ nữ được giải phóng khỏi những gò bó tình dục, và việc sinh sản được coi như một hình thức sản xuất thì hàng triệu bà mẹ bị ép buộc phải làm việc bên ngoài gia đình và những đứa con kia sẽ được trông nom, dậy dỗ tại các cơ sở giữ trẻ của nhà nước.

 

Một cách tương tự, những người mẹ trẻ tại các quốc gia tự do phải gửi con họ tại các nhà trẻ, những nơi coi trẻ trong thời gian họ phải đi làm. Mặc dù đây là những chọn lựa tự do, nhưng chi phí và những đòi hỏi của việc nuôi dưỡng, chăm sóc con cái đã khiến cho rất nhiều cha mẹ trẻ không nghĩ đến việc sinh con, hoặc nếu có thì chỉ 1 hay 2 đứa. Ở các nước như Trung Hoa, Việt Nam việc ngừa thai và phá thai là chính sách của nhà nước, nhưng tại các quốc gia tự do như Hoa Kỳ thì đó là sự chọn lựa tự ý.

 

Tuy nhiên, dù dưới hình thức nào thì hình ảnh đứa con là một gánh nặng vẫn như ám ảnh đối với nhiều gia đình trẻ hiện nay. Thêm vào đó, những nghiên cứu, những thống kê này khác cứ như hăm dọa các phụ huynh trẻ. Thí dụ, nếu muốn sinh một đứa con và nuôi con đến khi vào đại học, phí tổn có thể lên đến 120.000 Mỹ Kim. Và kết quả là làm gì để kiếm được 120.000$ để có thể sinh và nuôi một đứa con?!

 

Xét về phương diện giáo dục, gửi con vào những cơ sở giữ trẻ của nhà nước, chẳng khác gì phó mặc việc giáo dục, uốn nắn con cái cho nhà nước. Coi con cái như những sản phẩm trong một nhà máy sản xuất tập thể, và vì thế, chúng được lớn lên, giáo dục trong điều kiện tập thể. Điều này hoàn toàn trái với quan niệm giáo dục. Một khi bị bỏ rơi, quên lãng hoặc để chúng tự do một mình dưới hình thức này hay hình thức khác, tuổi trẻ rất dễ trở thành mồi ngon cho những cái gọi là “văn hóa giới trẻ”, thí dụ, nhạc pop, áo quần, xâm mình, xỏ mũi, xỏ tai, xì ke, ma túy, rượu, và những thú tiêu khiển cuồng loạn. Theo tâm lý, khi con cái thiếu vắng sự hiện diện của cha mẹ, thông thường chúng sẽ tìm đến những bạn bè cùng trang lứa để bù đắp lại sự thiếu vắng ấy. 

 

Hậu quả của tư tưởng vô gia đình, bất bình đẳng của lý thuyết vô gia đình trên không chỉ trực tiếp đến từ những sai lầm của lý thuyết, nhưng còn qua lối sống bị gò bó, bưng bít, cũng như đến từ những lối sống buông túng, tự do.  Những điều này hiện đang trở thành một thách đố cho quyền làm cha mẹ, cho trách nhiệm phụ huynh và cho giá trị của hôn nhân gia đình. Nó không chỉ nghiêng về phía những đứa trẻ ngỗ nghịch, vô kỷ luật và sa đọa, mà còn ảnh hưởng đến cả quan niệm phụ huynh của nhiều người một khi tư cách làm cha mẹ bị tước bỏ, và một khi sự tương kính của con cái dành cho cha mẹ bị giảm dần. Kết quả sẽ đưa đến ý nghĩ cho rằng con cái là một gánh nặng, và rằng, sở hữu những đứa con như vậy chẳng khác gì một cuộc đầu tư thua lỗ. Một hy sinh không mang lại kết quả.    

 

Để làm giảm nhẹ gánh nặng con cái, người ta phải nghĩ đến việc ngừa thai và phá thai. Do quan niệm cho rằng nếu đời sống tâm lý, tình cảm, và tình dục được tự do thì người cha, người mẹ, nhất là người phụ nữ không bị lên án hoặc coi là tội lỗi với những đứa con ngoài ý muốn. Ngừa thai, do đó, được coi là bước thứ nhất, tiếp đến là hành động nạo, phá thai. Tại Hoa Kỳ, sự kết nối giữa ngừa tránh thai và phá thai dưới cái nhìn bình đẳng kinh tế được thực hiện công khai năm 1992 do Toà Án Tối Cao phán quyết về Kế Hoạch Hóa Gia đình chống lại Casey, vốn bảo vệ phán quyết năm 1973 trước đó ủng hộ nạo phá thai trong vụ Roe chống lại Wade. Phán quyết này dựa vào tính hiện thực của bình quyền nam nữ, của đời sống kinh tế và xã hội. Như vậy, người nam cũng như người nữ có thể căn cứ vào khả năng kinh tế của gia đình, muốn hay không muốn có một đứa con hoặc bất cứ lý do gì được gói gọn trong yếu tố kinh tế, tâm lý, sức khỏe để tự bỏ một đứa con.  Phá thai hiện nay được coi là hợp pháp trên hầu hết mọi quốc gia, và hầu như không ai còn thắc mắc hoặc không biết đến điều này.

 

Về phương diện tôn giáo, năm 1930 Anh Giáo là giáo phái Kitô Giáo đầu tiên tán thành việc ngừa thai nhân tạo. Gần đây, Nguyên Tổng Giám Mục Canterbury, Rowan Williams, cũng quan niệm rằng tình dục tách khỏi việc sinh sản hoặc những kết hợp đồng tính trở nên tương đương với những kết hợp giữa hai người khác phái. Theo ông, trong một giáo hội đã chấp nhận ngừa thai, thì việc lên án các kết hợp đồng tính sẽ trở nên độc đoán. Điều này khiến cho Giáo Hội Công Giáo trở nên cô độc vì chỉ có Giáo Hội này đơn lẻ bác bỏ những phương pháp ngừa thai, ngoại trừ việc kiêng cữ theo tự nhiên, một quan niệm đã bị các khối Kitô Giáo năm 1930 và nhiều tổ chức tôn giáo khác sau này chống đối, coi đó như một sự sỉ nhục đối với nhân phẩm người phụ nữ. Tuy nhiên, Giáo Hội Công Giáo cũng tìm được một sự đồng thuận dựa vào tư tưởng của Mahatma Gandhi khi ông này cho rằng sử dụng bừa bãi các phương pháp ngừa thai nhân tạo không chỉ được coi là làm mất giá trị hành vị vợ chồng, mà còn hủy hoại sự kết hợp này. Mahatma Gandhi đã cảnh báo năm 1925, “Tôi khuyên những người ủng hộ các phương pháp kiểm tra sinh sản nhân tạo hãy xem xét các hậu quả. Bất cứ sự sử dụng rộng rãi nào các phương pháp này cũng sẽ dẫn tới việc tan rã của giao ước hôn nhân”.

 

Phong trào ưu sinh và chống lại sinh sản do Margaret Sanger (1879 - 1966) phổ biến và được duy trì qua Kế Hoạch Hóa Gia Đình, xem như đã thành công áp đảo đến nỗi cần phải có những nỗ lực to lớn để đánh thức những suy tư của giới trẻ về một thế giới nơi mà con cái không bị coi là một gánh nặng xã hội và kinh tế. Điều này đòi hỏi thêm về ý thức tội lỗi liên quan đến hàng triệu triệu thai nhi bị giết chết hằng năm trước khi được nhìn thấy ánh sáng mặt trời bởi chính cha mẹ chúng. Làm sao có thể chuyển đổi tư tưởng và làm cho những người trẻ hôm nay để họ nhìn thấy việc làm của mình là sai trái?! Làm sao để nhân loại có được cái nhìn trung thực về hậu quả mà chính họ đã làm ra do những thiệt thòi về hàng loạt các vụ phá thai. Một thí dụ rất cụ thể, hiện nay Châu Âu đang bước vào mùa đông dân số. Tại Á Châu, Trung Quốc hiện đang phải trả giá cho sự thiếu vắng phụ nữ do hậu quả của phá thai, của kế hoặch hóa gia đình do chính quyền áp đặt.   

 

 

3. Phân biệt giới tính:

 

Có những đối xử bất công giữa phái tính? Điều này không chỉ mới xảy ra cho những con người của thời đại mới. Trên thế giới hiện nay, ngoại trừ một số quốc gia Hồi Giáo cực đoan hoặc các quốc gia theo những tập tục cổ truyền tại Phi Châu, còn lại hầu hết ở các quốc gia Âu Mỹ, ngay cả các quốc gia tại Á Châu những đối xử bất bình đẳng giữa nam và nữ đang từ từ được cải tiến. Tuy nhiên, sự bùng dậy quá khích của các phong trào ủng hộ và giải phóng nữ giới đang làm biến thái vai trò của người phụ nữ trong chính ý tưởng của họ, trong gia đình cũng như ngoài xã hội. Và đây cũng là một trong những mũi nhọn tấn công nhằm lật đổ và phá hủy đời sống gia đình.   

 

Dù dưới cái nhìn nữ giới bị miệt thị, bị coi thường và trở thành sở hữu của nam giới như Marx, Engels, hay dưới cái nhìn hoàn toàn giải phóng đòi bình quyền từ các tư tưởng Tây Phương, vai trò nữ giới và quyền lợi nữ giới đã trở thành những điểm nóng cho cuộc đấu tranh giới tính. Một cuộc chiến không chỉ dừng lại ở sự phân nhiệm đồng đều và có ý thức của vai trò người nam và người nữ, vai trò người chồng và người vợ, và vai trò của người cha và người mẹ. Nhưng nó là một cuộc chiến nhằm xóa tan hình ảnh của phái tính, xóa tan biên giới giữa nam và nữ, giữa đàn ông và đàn bà. Nhưng liệu con người có thể xóa đi cái căn tính nam nữ của mình hay không? Hay đó chỉ là những tư tưởng nhằm đánh đổ hình ảnh gia đình trong đó gồm một người chồng và một người vợ, một người nam và một người nữ.

 

Đối với những người chủ trương và ủng hộ giải phóng giới tính, giới tính được coi như một giải thích có tính cách xã hội. Giới tính hôm nay được coi như một khái niệm do xã hội đặt định. Vì vậy, những người chủ trương nam nữ bình quyền thường mặc nhiên phủ nhận đặc tính chung của con người, đó là con người có nam và có nữ. Phong trào phụ nữ bình quyền đã nở rộ từ sau tác phẩm A Vindication of the Rights of Women (1792) của Mary Wollstonecraft. Xa hơn nữa Luce Irigaray, một học giả được hoan nghênh rộng rãi, người bênh vực tình trạng đặc quyền của nữ giới không dựa trên nền tảng lý trí, mà là trên căn bản chối bỏ lý trí. Qua tác phẩm This Sex Which Is Not One của mình, bà cho rằng ở một mức độ nào đó, đã có những mâu thuẫn và điên rồ từ quan điểm lý trí, và vì thế không thể đón nhận với những khuôn mẫu, chuẩn mực được có sẵn về phái tính. Và bà từ chối nữ giới chia sẻ tính hợp lý với họ.

 

Nhưng nếu không dựa vào lý trí, ta sẽ đặt nền tảng nào cho nguyên lý bình đẳng của giới tính. Hoặc liệu khi nữ giới tham gia vào những “sự hợp lý” khác nhau, có làm giảm bớt hạnh phúc của nữ giới - vì đa số ước ao chia sẻ một thứ tình thân nào đó với nam giới.

 

Trong một thế giới ở đó những người nam và những người nữ không cùng chia sẻ một lý trí chung sẽ có khả năng khiến cho một số đồng tính nữ cảm thấy thoải mái hơn; nhưng rõ ràng là thế giới nhỏ hơn nhiều để hưởng thụ, vì không có tình thân mang ý nghĩa anh chị em, vợ chồng, giữa mẹ và con trai. Có thể Irigaray cho rằng hạnh phúc của một phụ nữ được phát triển tốt hơn khi tách khỏi gia đình. Không muốn bị phân loại bởi những cái nhãn làm sẵn như đồng tính, khác giới tính hoặc chuyển giới qua cái được gọi là “thú nhục dục đa hình thái”.  

 

Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu như ý thức hệ giới tính được chấp nhận? Lúc đó sẽ không còn bảng hiệu nam, nữ được gắn trước các phòng vệ sinh, không còn phân biệt về các đồ dùng như áo quần, các nơi cần có những không gian riêng tư như nhà vệ sinh, phòng tắm… Quan điểm này hoàn toàn đi ngược lại với quan điểm luân lý và đạo đức. Giáo Hoàng Biển Đức XVI trong bài giảng lễ Giáng Sinh, khi đề cập đến khái niệm gia đình thực sự và sự an toàn của con cái đã nhận định: “Nếu không có một tính hai mặt được quy định trước về người nam và người nữ trong công cuộc tạo dựng, thì gia đình cũng không còn là một thực tại được công cuộc tạo dựng thiết lập. Cũng vậy, đứa con đã mất vị trí nó đã chiếm cho đến nay và phẩm giá gắn liền với nó”.

 

Để có những suy nghĩ đúng đắn, và không để khỏi bị chi phối bằng những suy tư như hiện nay, có lẽ chúng ta cần phải tìm về với giá trị của luân lý và đạo đức. Thông Điệp Tân Sự (Rerum Novarum - 1891) của Giáo Hoàng Lêô XIII, đề cao nền tảng gia đình: “Gia đình, hoặc đúng hơn xã hội của gia đình này, một xã hội tuy rất nhỏ bé, nhưng là một xã hội thật sự và có trước bất cứ một xã hội nào.” Ở đây, hạnh phúc và bình đẳng là điều có thể thực hiện và tìm thấy được trong cuộc sống vợ chồng.

 

Do đó, vợ chồng sống với nhau không đơn thuần là một cuộc sống bình đẳng theo từ ngữ của Marx, có nghĩa là bị giảm thiểu không bằng nhau, mà chỉ còn bằng nhau bình đẳng trên đồng lương hay cơ hội để có giấy phép tình dục. Gia đình cũng không phải là một định chế xã hội ở đó người phụ nữ bị cưỡng bức, bị đày đọa và bị tước đoạt tự do. Với những ai chống lại giá trị của gia đình, như Simone de Beauvoir, thì sự tuân theo một thể chế gia đình chính là một hợp đồng chấp nhận sự hy sinh tự do của ý chí. Theo đó, “người đàn ông và vợ cùng nhau trải qua sự áp bức của một cơ chế mà họ không lập ra”. Những tác phẩm mang tính cách giật gân ở thập niên 1960 như The Second Sex, và Feminine Mystique của Betty Friedman là những tác phẩm đề cập đến quan điểm bình quyền, xóa bỏ biên giới nam nữ. Tuy nhiên, sau nhiều nghiên cứu một chiều và sau nhiều thập niên tấn công vào lý tưởng của gia đình, cũng chỉ có 8% phụ nữ cho rằng họ hy vọng vẫn chưa kết hôn.  

 

 

Những gợi ý cần được xác định: 

 

Như trên vừa sơ lược qua về ba đợt tấn công chống lại gia đình:

 

- Sự khẳng định hôn nhân bị nô lê hoá.

- Con cái là gánh nặng, và

- Khác biệt về giới tính là ảo tưởng.

 

 

Trước sự tấn công vũ bão của những trào lưu tư tưởng và lối sống hiện nay, làm thế nào chúng ta có thể bảo vệ được những giá trị truyền thống và không để căn nhà gia đình bị trốc nóc?  Những gợi ý sau đây không nhằm tìm kiếm những giải pháp bằng hành động, nhưng là làm cách nào để chúng ta có thể đổi mới lối suy nghĩ về những đợt tấn công đó.

 

Nhìn chung, gốc rễ của những cuộc tấn công này đều có một mẫu số là sự đồi bại của cái mà Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II gọi là “ý tưởng và kinh nghiệm của tự do”, của “một nền văn hóa của sự chết”. Trong phân tích của Ngài, những ý tưởng này nằm bên dưới những cơ chế chính trị, xã hội và kinh tế ủng hộ chúng là một khái niệm về tự do được hình thành không phải như là một khả năng thực hiện chân lý, “mà như là một khả năng độc lập tự nhận thức về bản thân”. (Familiaris Consortio 6)  

 

Kế đến, chúng ta phải lượng giá lại ý niệm về bình đẳng, khởi đầu với đơn vị đo lường của nó. Bình đẳng không phải được đo lường bằng quyền bầu cử, bằng đồng lương, bằng học lực, bằng nghề nghiệp, bằng đề bạt - nói cách khác, theo một số tiêu chuẩn chính trị hoặc kinh tế. Hạnh phúc không được đo lường bằng việc coi tài chính như nhân tố quyết định mọi thứ. Đạo đức và luân lý là một tiền tệ bền vững và ổn định hơn rất nhiều.  Phải chăng đa số phụ nữ thấy hạnh phúc tại văn phòng, trong những sinh hoạt ngoài xã hội hơn là ở nhà? Cứ cho là hạnh phúc này được minh nhiên chấp nhận do cái nhìn tự nhiên, thì có một cái thoạt nhìn đã thấy chứng tỏ rằng, việc theo đuổi sự bình đẳng trừu tượng được xác định như thế chống lại hạnh phúc của cả hai giới và con cái. Phần đông nữ giới không tìm thấy nguồn gốc sự thỏa mãn lớn lao nhất của họ đến từ công việc bên ngoài nhà; đặc biệt, đối với các phụ nữ có con. Trong một nghiên cứu của Pew gần đây, khi các bà mẹ có con cái dưới 18 được hỏi về điều gì đối với họ cho là quan trọng nhất, thành quả nhất, thì 51% cho là các quan hệ của họ với con cái; 29% kể ra những quan hệ của họ với chồng hoặc người chồng trong hôn nhân thực tế, trong khi chỉ có 1% kể ra công ăn việc làm hoặc sự nghiệp.

 

Giữa thế giới đề cao vật chất, duy vật, hưởng thụ, và cá nhân chủ nghĩa như thế giới hôm nay, những lý luận dù là hữu lý và sắc bén mấy đi nữa cũng sẽ bị gạt ra ngoài khi cái tâm ích kỷ và hưởng thụ đã xâm lấn lý trí của nhiều người. Do đó, để chống lại những tấn công vũ bão của trào lưu tư tưởng và nếp sống hiện nay đang nhắm vào những giá trị truyền thống của gia đình, chúng ta thấy cần thiết, hữu lý hơn, và có giá trị hơn khi dựa vào những nguyên tắc luân lý và những hướng dẫn thế giá về tâm linh là những gì mà lương tâm con người không thể phủ nhận. Đây là tiếng nói sâu thẳm trong tâm hồn mà ngay cả những phần tử đang cổ động cho phong trào tự do bình quyền, tự do ngừa thai, tự do phá thai, tự do đồng tính, tự do hôn nhân đồng tính, và tự do ly dị cũng không thể phủ nhận. Trong những suy tư luân lý và đạo đức ấy, chúng ta cần lưu ý về những nhận xét của Giáo Hoàng Gioan-Phaolô II, đặc biệt trong Tông thư Mulieris DignitatemLetter to Families của Ngài. Qua hai tài liệu đó, Ngài chỉ ra rằng nam giới và nữ giới chỉ tiến tới sự phát triển thật sự của họ qua tình yêu tự hiến. Nơi nữ giới, việc tự trao ban được thực hiện một cách rõ ràng qua việc sinh sản và nuôi dưỡng những người con của mình.

 

Đối với tình mẫu tử, Ngài đã nhận định rất hữu lý khi cho rằng tình đó nơi nữ giới cần được tôn vinh cả trên những cống hiến được thực hiện trong các lãnh vực chính trị và kinh tế (Mulieris Dignitatem 18). Đáng tiếc, ngày nay vai trò làm vợ và làm mẹ đã bị coi thường đến nỗi nhiều phụ nữ cảm thấy không còn thu hút và hấp dẫn nữa. Một xã hội nơi chính quyền tạo dễ dãi cho ly dị và khó khăn cho các bà mẹ ở nhà thì không tỏ ra tiến bộ, mà là đang chết dần mòn. Một cách lý tưởng, vẫn theo Giáo Hoàng Gioan Phaolô II, thì “xã hội phải được cơ cấu theo một cách mà các bà vợ và các bà mẹ trong thực tế không bị bắt buộc phải làm việc bên ngoài nhà” (Familiaris Consortio 23).

 

Quan trọng hơn hết, các phụ nữ và chính họ phải tự tái khám phá vẻ đẹp của thiên chức làm vợ và làm mẹ của mình. Đối với những phụ nữ lo lắng rằng mình sẽ phải khó khăn và gặp nhiều thách đố hơn nếu phải nuôi thêm một người con, thí dụ, già đi, xấu đi, mất nhiều thời giờ cho việc chăm sóc sức khỏe, sắc đẹp, và thăng tiến nghề nghiệp. Theo một linh mục Anh giáo người đã từng cố vấn cho nhiều gia đình nhận xét thì nhiều cặp vợ chồng đã chỉ tỏ ra hối tiếc vì không có thêm con cái, chứ không mấy cặp vợ chồng đã đến với ông tỏ ra hối tiếc vì đã nuôi dưỡng nhiều con cái.

 

Đông con nhiều cháu đó là phúc lộc Trời dành để cho cha mẹ. Hầu như mọi nền văn hoá, những gia đình đông con được coi như một hồng ân, một phúc lành. Con cái là lời chúc phúc cho cha mẹ và họ hàng, vì chúng giữ niềm vui, an ủi và nâng đỡ của cha mẹ. Con cái là lời chúc phúc cho các anh chị vì chúng mang đến tình bạn gần gũi. Con cái là lời chúc phúc cho cha mẹ, trên hết là vì chúng biến cha mẹ thành người lớn - lớn lên trong tình yêu. Việc trao đổi những quà tặng như vậy chỉ có thể có được khi một người nam và một người nữ mở rộng lòng mình ra với sự sống mới. Ở những gia đình đông con, dĩ nhiên phụ huynh phải ngủ ít hơn, chi tiêu tần tiện hơn, và làm việc nhiều hơn. Nhưng để đạt được những phần thưởng là những đứa con tốt lành, những đứa con thông minh, khỏe mạnh và thành đạt thì phụ huynh sẽ không còn con đường nào lựa chọn, ngoài việc họ phải hy sinh. Và điều này những phụ huynh theo đường lối hưởng thụ sẽ không bao giờ chấp nhận.

 

Mặc dù có những mâu thuẫn về việc sinh sản và dưỡng dục con cái đến từ những quan niệm khác nhau, đến từ ảnh hưởng và sức ép của xã hội, nhưng nếu để ý nhìn vào các viện dưỡng lão, những nơi chăm sóc người cao niên thì chỉ bằng một cái nhìn rất thoáng qua, ta cũng nhận ra ý nghĩa của những lời khuyên và lời chúc phúc về con cái. Rất tiếc, có ít cặp vợ chồng trẻ hôm nay muốn đi theo lời khuyên ấy. Lý do, vì họ không muốn hy sinh thời giờ, tiền bạc, sức khỏe, sắc đẹp, và sự nghiệp cho tình yêu và cho những người con. Đó cũng là lý do tại sao các quán ăn chơi, hộp đêm, những buổi dạ tiệc, dạ vũ, những bãi biển, những nơi hội họp đình đám vẫn đông nghẹt các cặp vợ chồng không có con và các bạn trẻ. Nhiều người vịn dẫn lý do kinh tế vì con cái, nhưng không ngại ngùng chi tiêu và xài phí để thỏa mãn tính ích kỷ hoặc phô trương. Nhiều người viện dẫn lý do sức khỏe, nhưng lại không sợ thức suốt đêm trong những cuộc ăn chơi, hoặc ảnh hưởng của các lần phá thai. Nhiều người sợ mất sắc đẹp, nhưng vẫn coi thường sự tàn phai nhan sắc do ảnh hưởng rượu chè, nghiện ngập, hoặc các hóa chất. Nhiều người sợ mất đi sự nghiệp và địa vị, nhưng ít ai nghĩ rằng sẽ chẳng có gì để lại sau cái chết của họ giá trị hơn những người con.  

 

 

Và đó là những gì mà trận chiến của thế giới hưởng thụ vẫn đang nhắm vào các gia đình.

 

 

 

 

________

 

* Bài viết trên được tổng hợp và khai triển dựa theo nguyên tác: The Long War Against The Family của Ryan N.S.Topping, Ph.D. Nhà nghiên cứu của Trường Cao Đẳng Khoa Học Nhân Văn Thomas More. Tiến sĩ thần học tại Đại học Oxford. Tác giả cuốn Rebuilding Catholic Culture : How the Catholism Can Shape Our Common Life.