Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Những thực khách đích thực…

Tác giả: 
Lm Phạm Ngọc Ngôn
 
 
Những thực khách đích thực… 
Lc 14, 1.7-14
 
 
            Trên đường lên Giêrusalem, khi đi qua các thành thị và làng mạc, Chúa Giêsu không ngừng rao giảng nước Thiên Chúa. Lời rao giảng cũng như những việc làm nhất cử nhất động của Chúa Giêsu đều được giới thủ lãnh Dothái xem xét ti mỉ. Một thủ lãnh Pharisêu mời Chúa Giêsu dự tiệc không phải vì mối tình thân hữu của ông đối với Chúa mà chỉ nhằm mục đích dò xét Người. Chính trong bữa tiệc đậm mùi “chính trị” như thế, Chúa Giêsu hướng dẫn cho những vị khách quý của viên thủ lãnh Pharisêu –hay đúng hơn là những tên mật thám tôn giáo, bài học về sự khiêm nhường và tinh thần phục vụ.
            Những vị khách mời dự tiệc ngày hôm đó cứ chen lấn, dành nhau chỗ nhất mà ngồi, đúng ra phải là những gối nhất mà nằm. Chỗ nhất hay gối nhất là như thế nào? Vào thời đó, trong các bữa tiệc, người dân có thói quen nằm chứ không ngồi như vẫn thường thấy. Gối nhất hay chỗ nhất ở đây là nơi gần với chủ nhà nhất. Các gối nằm được sắp xếp dựa vào thanh danh của thực khách, tức là phụ thuộc vào chức phận hay sự giàu sang của người đó.
 
Dùng dụ ngôn, Chúa Giêsu nhắc khéo những vị khách một quy luật khôn ngoan: “Khi anh được mời dự tiệc, thì đừng ngồi vào cỗ nhất”. Phải chăng Chúa Giêsu muốn dạy nghệ thuật ứng xử có hàm chứa sự tính toán, những thủ đoạn khéo léo bên trong? Hẳn là không. Vì ý nghĩa của dụ ngôn không nằm ở cách giao tế khéo léo mà là giáo huấn về sự khiêm nhường- một thái độ cần phải có để có thể dự tiệc nước Thiên Chúa. Thật thế, những ai tham dự vào bàn tiệc nước Thiên Chúa không hệ tại cách đánh giá bên ngoài hay mình có những lợi thế hơn người như tiền tài, danh vọng,… mà là hệ tại ở tình yêu thương của Thiên Chúa. Nếu để ý chúng ta sẽ thấy, trong bữa tiệc, chủ nhà có quyền sắp xếp những thực khách vị vọng ngồi chung với mình; thì bữa tiệc trong nước Thiên Chúa cũng vậy, Thiên Chúa cũng có quyền để lựa chọn, sắp đặt những ai được vinh hạnh tham dự vào bàn tiệc nước Chúa. Và, những vị trí đó luôn là những quà tặng nhưng không của Thiên Chúa chứ không phải do sự lựa chọn của con người. Những vị trí quan trọng trong nước Thiên Chúa không có chỗ cho những kẻ kiêu hãnh, thích ăn trên ngồi trước, mà là dành cho hết những ai biết sống khiêm nhường, thấp hèn.
 
            Sau khi đã nhắc khéo thực khách về thái độ khiêm nhường cần có để có thể xứng đáng mời dự tiệc nước Thiên Chúa, Chúa Giêsu quay sang chủ nhà, đề cập đến đối tượng được mời dự tiệc: “Khi nào ông đãi khách ăn trưa hay ăn tối, …”. Cách nào đó, chúng ta thấy Chúa Giêsu trách khéo viên thủ lãnh Pharisêu chỉ biết mời có bạn bè, bà con láng giềng giàu có mà không biết mời những vị khách khó nghèo, tàn tật, đui mù. Mời những vị khách tàn tật, đui mù, què quặt đến dự tiệc? Thế thì còn gì là tiệc tùng nữa? Điều xem ra có lẽ phi lý, nhưng lại là điều trọng yếu đối với Thiên Chúa. Theo Chúa Giêsu, chúng ta cần mở rộng bàn tiệc cho hết những ai không có khả năng đáp lễ. Những vị khách “đặc biệt” cần được mời trong danh sách của Chúa Giêsu là những hạng người bị dân Dothái đạo đức khinh thị, bị Lề luật khai trừ khỏi sinh hoạt tế tự của Đền thờ. Thế nhưng họ lại là đối tượng đầy yêu thương của Thiên Chúa. Người yêu thương họ và sẵn sàng mời họ tham dự bàn tiệc. Từ nay những ai bước đi trong đường lối Chúa, hành xử khôn ngoan theo lối hành xử của Người đều nhận ra chân lý này: khi phục vụ, thi ân cho những người tàn tật, đui mù, nghèo khó, người mắc nợ chúng ta không phải những con người đáng thương đó mà chính là Thiên Chúa. Vâng, chính Thiên Chúa sẽ mắc nợ chúng ta, và Người sẽ trả công bội hậu cho chúng ta trong ngày sau hết như Người đã hứa. “Họ không có gì đáp lễ, và như thế, ông mới có phúc, vì ông sẽ được đáp lễ trong ngày các kẻ lành sống lại”.
 
 
            Giáo huấn của Chúa Giêsu xem ra có vẻ khó chấp nhận như đó lại là lối sống được đề cao trong nước Thiên Chúa. Khi chúng ta chấp nhận lối sống khiêm nhường, đặt mình dưới hết mọi người, thực thi công bình bác ái cách vô vị lợi không phải để đánh bóng chính mình, nhưng là vì đó là nơi Chúa Giêsu yêu thích, là chỗ quen thuộc của Người. Nói như thánh F. Borgia: “Tôi thực tâm đặt mình ở dưới Giuđa, bởi tôi đã thấy Chúa Giêsu ngồi dưới chân anh ấy”. Ước gì lời Chúa hôm nay giúp mỗi người chúng ta biết sống khiêm nhường và nhận ra đâu là cách thế để chúng ta trở nên người có phúc trước mặt Thiên Chúa.
 
 
 
Lm Joseph Phạm Ngọc Ngôn,Csjb