Hãy ngước mặt nhìn đời
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 23 thuờng niên năm C 08-9-2013
“Hãy ngước mặt nhìn đời,
nhìn tha nhân ta buông tiếng cười,”
Ta không cần cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét,”
(Lê Hựu Hà – Hãy Ngước Mặt Nhìn Đời)
(Mt 21: 18-22)
Ngước mặt mà nhìn đời ư? Bạn và tôi, ta vẫn nhìn đấy chứ! Ta không cần cuộc đời sao? Cái này cần phải xét lại! Có những điều trong đời, nhất thứ là đời người đi Đạo, có nhiều điều ta cũng nên coi lại nhưng không cần xét lại. Coi lại để xem mình có thật sự, là: “toàn (những) chê bai và ganh ghét” không. Hay chỉ “nhìn tha nhân (rồi) buông tiếng cười”. Thôi thì, bạn hãy cùng tôi, cùng với thi nhân/nghệ sĩ, ta lại hát:
“Cười lên đi em ơi
Dù nước mắt rớt trên vành môi.”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Cười lên đi, hỡi anh và hỡi tôi. Cười lên cho đời nó vui. Dù nước mắt rớt trên vành môi, vẫn cứ cười. Cười, rồi ta lại hát tiếp những câu hát vui và ngước mặt nhìn đời như nghệ sĩ vẫn ới gọi, rất như sau:
“Hãy ngước mặt nhìn đời!
Nhìn tha nhân ta buông tiếng cười.
Ta không cần cuộc đời,
Toàn những chê bai và ganh ghét.
Ta không cần cuộc đời,
Toàn những khoe khoang và thấp hèn.”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Vâng. Hãy cứ cười vui và cứ nhìn đời, vì ta luôn cần đời. Dù, đời đôi khi cũng “toàn những khoe khoang và thấp hèn”. Cười vui, để cất giấu những giòng lệ rơi vào lúc nào đó, rồi đọc tiếp những truyện rất đáng kể, ở dưới:
“Truyện rằng:
Buổi sáng nọ, Thành Cát Tư Hãn và các thuộc hạ của ông đi săn. Thành Cát Tư Hãn mang theo trên cánh tay của ông con chim ưng mà ông yêu thích. Đến trưa không được gì cả, Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, và để khỏi phải cáu kỉnh với đám thuộc hạ, ông rời nhóm, cỡi ngựa đi một mình. Trong sức nóng của mùa Hè, ông khát nước nhưng mọi dòng suối đều khô cạn. Thế rồi, hết sức ngạc nhiên, ông nhìn thấy một dòng nước nhỏ chảy ra từ một tảng đá ngay trước mặt ông.
Ông lấy ra chiếc cốc bằng bạc ra hứng nước. Thật lâu nước mới chảy đầy cốc và, ngay khi ông đưa chiếc cốc lên môi thì con chim ưng bay lên và giật chiếc cốc rồi ném nó xuống đất.
Thành Cát Tư Hãn giận lắm, nhưng vì con chim ưng rất được ông yêu thích nên ông cúi xuống nhặt chiếc cốc lên, lau sạch bụi, và lại hứng nước. Khi nước chỉ mới được nửa cốc, con chim ưng lại lao đến tấn công làm đổ nước.
Lần nầy, ông rút kiếm ra khỏi vỏ, nhặt chiếc cốc và lại hứng nước, vừa canh chừng dòng nước, vừa để ý đến con chim ưng. Ngay lúc ông có đủ nước trong cốc và sắp uống, thì con chim ưng lại bay lên và lao về phía ông. Thành Cát Tư Hãn, với một nhát kiếm, đâm thủng qua lồng ngực con chim.
Tuy nhiên, dòng nước kia cũng đã khô cạn; và Thành Cát Tư Hãn quyết định tìm một cái gì đó để uống, ông leo lên tảng đá để tìm nguồn suối khác. Ông kinh ngạc khi thấy có một vũng nước, và ngay giữa vũng nước đó là xác một con rắn độc nhất của miền đất này. Nếu ông lỡ uống nước đó, chắc hẳn ông đã chết rồi. Thành Cát Tư Hãn quay lại chỗ cắm trại, ôm theo xác của con chim ưng.
Ông ra lệnh làm một bức tượng chim bằng vàng, và trên một cánh chim, ông khắc dòng chữ :
“Thậm chí khi một người bạn làm điều gì đó anh không thích, người đó vẫn cứ là bạn của anh”.
Và trên cánh bên kia, ông khắc dòng chữ :
“Bất cứ hành động nào được thực hiện trong sự giận dữ đều là hành động đưa đến sự thất bại”.
Thế đó là truyện kể, không để “cười” mà để bạn và tôi, ta suy tư vào những phút rảnh rỗi. Thế vậy, là những giòng chữ, không để đọc mà thôi, nhưng còn để hát với ý/lời ở nhạc bản được nghệ sĩ trên vừa hát. Thế đấy, còn là lời nhắn của ai đó, vẫn cứ mượn câu ca và tiết nhạc làm nền để người nghe biết rằng: trong đời người còn có những ca từ như vẫn thấy người viết nhạc, lại “ỏ ê”, như sau:
“Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Nhìn đổi thay ta vang tiếng cười
Ta không thèm làm người
Thà làm chim trên rừng hoang vắng
Ta không thèm làm người
Thà làm mây bay khắp phương trời
(Lê Hựu Hà – bđd)
Một lần nữa, đi vào đời bần đạo là bầy tôi đây, cũng đã thấy những gì mà người xưa vẫn hay bảo: “Chí lớn gặp nhau”. Chí lớn đây, có thể chỉ là ý chí của người viết nhạc và của người vừa thoáng nghe nghệ sĩ hát, đã thấy vui. Vui trong gặp gỡ. Vui, trong cảm thông, sau nhiều người vẫn nghĩ về câu hát khác như sau:.
“Yêu thương gì loài người
Ngoài những câu trau chuốt với đời
Ngoài những toan tính trong tiếng cười
Và những âm mưu dọn thành lời
Ta chỉ cần một người
Cùng với ta đợi chết mỗi ngày
Rồi hóa thân trong loài hoa dại
Để muôn đời không biết đớn đau.”
(Lê Hựu Hà –bđd)
Ấy thế nhưng, thấy vui rồi lại càng muốn kiếm tìm niềm vui khác, nơi chỗ khác. Những chỗ và những nơi, lại có ý/lời của cùng một nhạc bản, vẫn lập đi lập lại những khuyến khích, cũng đáng cười, như:
“Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Chờ ngày xuôi tay xong kiếp người
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những phô trương và thấp hèn.”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Quả thật, đời người lâu nay vẫn có những ý/lời mà người thường hay dùng để nhắc nhở hoặc khuyên bảo nhau, hãy chọn động-thái sống rất đáng sống, như truyện kể về sự tái sinh của loài chim ưng, ở bên dưới:
“Cuộc đời chim ưng kéo dài khoảng 70 năm. Nhưng để sống được quãng đời đó, nó phải trải qua một quyết định khó khăn.
Đến 40 năm tuổi, móng vuốt chim ưng dài ra, mềm đi, làm nó không còn bắt và quắp mồi được nữa. Mỏ dài và sắc của nó nay cùn đi, cong lại… Đôi cánh trở nên nặng nề với bộ lông mọc dài, làm nó vất vả khi bay lượn, bắt mồi. Lúc này, nó đứng trước hai sự lựa chọn.
- Một là cứ như vậy và chịu chết.
- Hai là: nó sẽ phải tự trải qua một giai đoạn thay đổi đau đớn kéo dài 150 ngày. Trong tiến trình đó, nó bay lên một đỉnh núi đá và gõ mỏ vào đá cho đến khi mỏ cũ gãy rời ra.
Chim ưng chờ cho mỏ mới mọc ra, rồi dùng mỏ bẻ gãy các móng vuốt cũ đã mòn. Khi có móng vuốt mới, nó nhổ các lông già trên mình đi. Và sau năm tháng, chim ưng lại bay lượn chào mừng cuộc tái sinh và sống thêm ba mươi năm nữa.
Truyện kể thì như thế, nhưng lời bàn rất “Mao Tôn Cương”, thì như sau:
“Để tồn tại, chúng ta phải thay đổi chính mình. Đôi khi cần phải loại bỏ những ký ức, quá khứ, thói quen già cỗi. Chỉ khi nào chúng ta thoát khỏi gánh nặng của quá khứ, thì chúng ta mới sống hết mình trong hiện tại được. Việc này chắc chắn rất gian nan, phải sửa chính cái Ta đã bị huấn tập từ nhiều kiếp sống và đỏi hỏi chúng ta phải vượt lên chính mình.”
Xem thế thì, cuộc đời người cũng có rất nhiều thứ để ta suy và xét. Suy xét những sự kiện về chuyện tin tưởng lẫn nhau, hoặc tin vào người khác rất ý nghĩa, như lời bàn của đấng bậc thày dạy ở Sydney, như hôm nào:
“Tin, là cung cách khác biệt để trở thành sự thể cho con người. Đó là hành động thực thi; là nghệ-thuật sống rất khác biệt. Là, sống khác với lối khôn ngoan/khéo léo của người đời. Niềm tin, khiến cho các tín-hữu có khả năng nhận hiệu lệnh nào khác hẳn để hiện hữu. Nó khiến cho chủ thể tự do có thể hiện-hữu ngõ hầu sống một cuộc sống đích-thực và nói lên những gì có ý nghĩa cho người khác biết.
Ta không thể khiến cho tính mỏng dòn/dễ vỡ của niềm tin thành chuyện dĩ vãng. Đó là tính chất độc đáo duy nhất của niềm tin. Điều này không có nghĩa bảo rằng: niềm tin là loại-hình kém cỏi có hoán-chuyển giữa tín-nhiệm và hiểu biết. Đó không là chọn lựa, nhưng nó mang tính “mỏng dòn” và chỉ đoan-chắc với chính nó, thôi. Nó không bao giờ bị “qua mặt” hoặc “lướt thắng”. Nó như thứ gì khác các kết cuộc của điều tra/truy tầm, hoặc ngẫm nghĩ.
Cũng tựa như “trò chơi”, trong đó có sai sót, lỡ hụt và cũng như thành-tựu, thắng cuộc sao đó, rất không ngờ. Khi ta không mấy chắc chắn về nhiều “sự việc” nào đó thì đó là lúc ta tin và biết rất chắc về Đấng Duy Nhất –dù được diễn tả như thế- là để ta tin.
Trong cuộc sống có niềm tin, bao giờ cũng có những giây phút thăng trầm khi thì lên cao lúc lại xuống thấp. Tin, tiếp tục là niềm tin khi nó được thử nghiệm; và điều này xảy đến cũng rất thường. Tin liên tục và xuyên suốt rất hạnh phúc không là sự việc thông thường. Khi xảy đến, nó là quà tặng hơn cả chuyện tự nhiên, rất thường tình.
Tôi nghĩ, niềm tin vẫn xa rời tín hữu Đức Kitô khi họ thực sự trải qua thời khắc của các thảm kịch ở đời người. Chí ít, là vào lúc mọi người gọi đó là “thánh giá mới” Chúa gửi đến cho những người đã từng vác thập giá của chính mình hoặc của ai khác. Trong khoảnh khắc vác thập giá như thế, có thể: đó là thời khắc kéo dài mà người vác không cố gắng tìm ra giải đáp, mà chỉ biết vác mang nó, thôi. Như thế, tức là: tin vào “Đấng” nào đó vẫn có mặt ở đó, vào mọi lúc. Đó lại là những điều khiến cộng-đoàn kẻ tin vẫn cứ tin.
Luận về niềm tin cách hay nhất là bằng truyện kể. Truyện, kể về tính nhiệm-mầu, khó hiểu hoặc bí ẩn hệt như thể đoản khúc thi-ca, tức: thứ ngôn ngữ nào mà mình không sở hữu, nắm chắc. Tức: hoàn toàn không bị ép buộc phải theo, hoặc thấy mình thoải mái hơn với những gì đang xảy đến. Các truyện kể, còn đặc biệt hơn khi kể về Đức Kitô và về thập giá Ngài gánh vác, nhất là về sự việc Ngài Phục Sinh quang vinh, tức: những điều trở thành thứ gì đó có nghĩa đối với ta, cho ta. Đó, cũng là lý do khiến ta lại hỏi: làm sao những truyện kể như truyện thánh Tôma “cứng lòng tin” lại có tầm quan trọng đối với cuộc sống có đức tin được?
Ở động-tác “tin”, vẫn có thứ gì đó như thủ thuật “giả kim loại” từng làm người khác tin như thật, lại biến đổi lý tưởng “tin” khiến ta vượt kinh nghiệm có thể có với các trải nghiệm thực hữu. Thứ kinh nghiệm diễn bày những gì vượt trội diễn trình khả dĩ thực hiện được. Nó là tài sản của lòng tin để biến đổi lý tưởng, lý lẽ về Đức Chúa là Đấng Cao Cả thành lý tưởng đặc trưng cho tưởng tượng, như về chuyện Đất Chúa hứa ban cho dân con của Ngài.
Cũng là điều hay, để ta thấy: không có gì sai trái đối với niềm tin ta đang dành chỗ cho sự ngờ vực. Bởi, bao giờ ta cũng muốn cam đoan và khẳng định về đấng thánh như “Tôma cứng lòng tin” đang có bên trong ta mà hiểu rằng ta cũng biết: ai đó phải ngang qua giai đoạn đó và niềm tin vẫn còn đó, không đi đâu và cũng không mất mát ở đâu hết.”(xem Lm Kevin O’Shea, Tin, động tác phát tự con tim, www.giadinhanphong.blogspot.com 01.08.2013)
Tin đây, không chỉ để cùng nhau biện-luận hoặc viện lý lẽ này/khác với nhau và cho nhau. Nhưng, “tin” là sống đích thực những gì mình muốn sống cho đúng, cho hợp lẽ. Với mọi người. Và, “tin” là cứu cánh và là đích điểm để đạt tới, như lời đấng thánh hiền lành từng quả quyết ở Tin Mừng:
“Sáng sớm, khi trở vào thành, Người cảm thấy đói.
Trông thấy cây vả ở bên đường,
Người lại gần nhưng không tìm được gì cả, chỉ thấy lá thôi.
Nên Người nói:
"Từ nay, không bao giờ mày có trái nữa!"
Cây vả chết khô ngay lập tức.
Thấy vậy, các môn đệ ngạc nhiên nói:
"Sao cây vả lại chết khô ngay lập tức như thế?"
Đức Giê-su trả lời:
"Thầy bảo thật anh em, nếu anh em tin và không chút nghi nan,
thì chẳng những anh em làm được điều Thầy vừa làm cho cây vả,
mà hơn nữa,
anh em có bảo núi này:
"Dời chỗ đi, nhào xuống biển!",
thì sự việc sẽ xảy ra như thế.
Tất cả những gì anh em lấy lòng tin mà xin khi cầu nguyện,
thì anh em sẽ được."
(Mt: 21: 18-22)
Quả là, những ai không tin vào Tin Mừng do các thánh loan truyền/phổ biến, có thể cũng sẽ cho đó là quá đáng? Nhưng, với những vị và những người lâu nay vẫn “tin” vào Lời của Chúa do đấng bậc thánh-hiền như Mát-thêu thánh-sử ghi chép, lại vẫn thấy đó là “sự thật”. Sự thật, theo nghĩa đúng như mục tiêu/mục đích của nỗi niềm ta vẫn tin.
Và, những ai vẫn tin vào “Tin Vui An Bình” do các thánh chuyển tải hoặc phổ biến từ thời mới có chữ viết, thì “tín-thư” về niềm tin sâu sắc vào Tin Vui An Bình, vẫn như thế. Như thế và như thể, chính đó là cứu cánh của cuộc đời vui. Bởi, cuộc đời của con người chỉ vui khi đã tin. Tin, không chỉ tín-nhiệm vào những điều mà đấng thánh hiền lành từng minh-xác. Mà, còn vui vì những chuyện đáng ta để tâm coi đó là chuyện thật, như câu truyện kể để minh-hoạ, ở dưới:
“Ở một thị trấn nhỏ đìu hiu bên bờ Biển Đen.
Đó là một giai đoạn khó khăn, ai cũng nợ nần và phải mua vay bán chịu .
Bỗng đâu, một du khách giàu có tìm đến. Ông bước vào khách sạn duy nhất của thị trấn, đặt 100 Euro lên bàn lễ tân và lên gác chọn phòng.
Chủ khách sạn cầm lấy tờ 100 Euro và chạy đi trả nợ cho anh hàng thit.
Anh hàng thịt cầm tờ 100 Euro, chạy đi trả cho ông nuôi lợn.
Ông nuôi lợn cầm tờ 100 Euro, chạy đi trả cho người bán thực phẩm và chất đốt.
Người bán thực phẩm và chất đốt cầm tờ 100 Euro, chạy đi trả cho cô cave - trong thời buổi khó khăn này thì ngay cả "dịch vụ" của cô cũng phải bán chịu.
Cô cave chạy đến khách sạn, mang theo tờ 100 Euro để trả cho ông chủ món nợ tiền phòng trong những lần tiếp khách thời gian qua.
Chủ khách sạn đặt tờ 100 Euro trở lại mặt quầy, y như ban đầu.
Đúng lúc đó, người du khách từ trên gác đi xuống, bảo rằng mình không ưng được phòng nào, sau đó lấy lại tờ 100 Euro và rời thị trấn.
Chẳng ai kiếm được đồng nào cả.
Thế nhưng, cả thị trấn giờ đã hết nợ nần và lạc quan nhìn về tương lai.” (Trích dẫn thâu lượm từ mạng lưới toàn cầu)
Thật ra thì, truyện kể ở trên có thể là truyện thật cũng có thể là hư cấu. Thật hay hư, cũng chỉ để minh hoạ và rút tỉa làm đoạn kết cho chuyện phiếm cũng rất “đời thường” ở đời. Kể rồi, nay xin mời bạn và mời tôi, ta cứ tiếp tục hát những lời vui của người nghệ sĩ nay đã ra người thiên cổ, nhưng vẫn vui hát suốt một đời, ở thế giới nào đó, rất “bên đó”, như sau:
“Cười lên đi em ơi
Cười để giấu những dòng lệ rơi
Hãy ngước mặt nhìn đời
Chờ ngày xuôi tay xong kiếp người
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những chê bai và ganh ghét
Yêu thương gì cuộc đời
Toàn những phô trương và thấp hèn.”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Vâng. Đúng thế. Hôm nay đây, bần đạo bầy tôi chả dám phô trương thứ gì hết. Vì có phô và có trương cũng chỉ là những cái “thấp” và “hèn” của riêng mình mà thôi. Không phô trương, mà chỉ dám cùng ai đó, ta cứ hát và cứu vui, như bao giờ.
Trần Ngọc Mười Hai
Chỉ dám nhắc nhở tôi
Nhắc nhở mình
Những điều, rất như thế.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: