Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Em có nhớ không, một lần khi lá thu bay?

 
 
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 29 mùa thuờng niên năm C 20-10-2013
 
“Em có nhớ không, một lần khi lá thu bay?”
Là lần em đến thăm tôi
Chung bước yêu đương hẹn hò.
Em có nhớ không, một lần khi gió heo may
Mình ngồi đan giấc mơ say, giận hờn sao vẫn chưa phai?”
(Ngô Thụy Miên – Mắt Thu)
 
(Mt 10: 11/Lc 16: 18)
 
            Chừng như, cứ nói đến mùa Thu là nghệ sĩ nhà mình thường có thêm đôi giòng hỏi han toàn nước mắt với những là: “vùi trên nỗi đau”, “mãi cho u sầu” thì phải? Bần đạo đây, đôi lúc cũng từng hỏi như thế. Hỏi, là vì vẫn nghe văng vẳng ở đâu đó, có giòng nhạc tình tứ, cứ hát rằng:
 
 
“Trời còn làm mưa vùi trên nỗi đau
Lời ru ấy mãi cho u sầu.
Bàn chân nuối tiếc thương lạc loài,
Trời còn làm mây buồn qua mắt ai.
Làm tan biến giấc mơ hoang đường,
Rồi buồn trôi theo giòng mưa xuống.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)
 
 
À thì ra, câu hát trên dọi lại lời thơ rất khẳng định của nghệ sĩ, nói về cơn giận hờn, như sau:
 
 
“Giận hờn ngày xưa còn vương mắt em
Làn môi thắm hết ru bao chiều
Vùng ân ái chết trong mây hồng
Một lần vào thu mình đang có nhau
Hàng cây lá rớt trên mi thường
Và tay trắng đan tình với tay.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)
 
 
Nói đi thì nói lại, trích dẫn lời thơ/ý nhạc ở đây, hôm nay, là cốt dẫn nhập cho một tư tưởng mà bần đạo bắt gặp được từ truyền thông báo/đài, rất vi tính.
 
Báo đài/truyền thông hôm nay, đặt ra rất nhiều vấn đề trong/ngoài nhà Đạo. Những vấn đề cũ/mới tưởng chừng không dứt, nhưng cứ đeo đuổi con người, ở mọi thời. Và thời buổi hôm nay, năm 2013 này, có vấn đề rất “nổi cộm” lại vẫn đưa ra cho mọi người, cả đến đấng bậc chủ-quản Hội thánh, như lời nhận định sau đây:
 
 
“Trong một loạt các cuộc trò chuyện với báo chí trên đường về từ Đại Hội Giới Trẻ Thế Giới ở Rio de Janeiro, Đức Giáo hoàng Phanxicô có trả lời một câu hỏi về trạng-thái của những người đồng-tính luyến-ái đang kiếm tìm Chúa, rằng: “Tôi là ai mà dám kết án một người nào?” Và, khi được hỏi về đường-lối Hội thánh Công giáo đối xử ra sao với những người đã ly-dị rồi, nay tìm cách tái giá dù chưa có phép chuẩn huỷ bỏ hôn-nhân trước đo, Đức Phanxicô trả lời vắn tắt, rằng: “Đây là thời-điểm để ta tỏ lòng thương xót.”
 
 
Ở đây, cũng nên nhớ lại lập-trường/đường-lối Hội thánh ta cương quyết: Hôn-nhân một vợ một chồng không rạn nứt, rất cởi mở để ta có khả-năng kiến tạo con cái, vẫn là: bối cảnh lý tưởng cho tương-quan phái-tính. Thế nhưng, lý-tưởng ấy nay đang thay đổi cả với người Công giáo cũng như người Thệ-phản.Tỷ lệ ly dị nay ở mức 40% (chứ không phải 50% như báo chí thường rêu rao) đối với những người có gia đình. Điều này, khiến lũ trẻ trở nên rối rắm, khó khăn. Khó, ở chỗ: đàn ông nào từng chịu cảnh gia đình đổ vỡ khi còn trẻ, thường đi đến tình-trạng bỏ nhà ra đi, trốn học, hoặc chấp nhận làm công việc ít lương/ít tiền và trở thành người bố cũng rất sớm. Nữ-giới ở trường-hợp tương tự, cũng chẳng khá hơn là bao. Phần đông những người này thường sống phóng túng, đã biết ăn nằm thể xác vào lúc còn ở tuổi “teen” hoặc cả trước khi lập gia đình, rồi cũng rơi vào trường hợp dễ trở thành cha mẹ đơn chiếc, hoặc gia đình đổ vỡ, nếu tái giá.
 
 
Có sự thể, là: ngày nay rất nhiều người Công giáo hết ly dị rồi lại tái giá mà chẳng bận tâm lo âu gì chuyện xin phép hủy bỏ hôn nhân nào có trước đó, hết. Với Hội thánh, những người như thế đã tự ý lập gia đình theo cách không phải phép hoặc chẳng có hiệu lực; và như thế, vẫn bị ràng buộc vào chuyện bị cấm không được rước Mình Chúa, khi tham dự Tiệc Thánh Thể....” (x. Michael G. Lawler & Todd A. Salzman, How should the Church handle Divorce & Remarriage, 19/9/2013)
 
 
Nói theo kiểu nhà Đạo về tình yêu, hôn-nhân, gia đình hợp tan/tan hợp, thì như thế. Như thế, tức: vẫn nhấn mạnh vào thống kê, luật lệ và lý luận. Trong khi, người sống ở đời lại vẫn sử dụng thi ca/âm nhạc để diễn tả tâm trạng của mình và của người, như sau:            
 
 
“Và rồi mùa thu về trong mắt em
Hàng cây lá úa xanh xao nhiều
Vòng tay khép kín đôi mi nồng
Chuyện mình ngày xưa đành xin lãng quên
Cuộc tình đã chết theo thu tàn
Người về đấy xin chọn giấc mơ.”
(Ngô Thuỵ Miên – bđd)
 
 
Diễn thế nào thì diễn, tả thế nào thì tả cũng còn tùy. Tùy mình và tùy người sống ở đâu? Thời nào? Có hệ-lụy gì với ai không? Nay đi vào cảnh sống thế nào? Vẫn hạnh phúc chứ?  Thế đó, là những câu hỏi chỉ để hỏi. Còn, trả lời/trả vốn hay không cũng tùy. Tùy hứng thú, tùy hoàn cảnh để còn phiếm loạn như hôm nay. Và hôm nay, bần đạo lại xin phép được “phiếm” lai rai cho vui đời để hầu bạn đọc cũng như các bạn không-bao-giờ-đọc những chuyện phiếm vớ vẩn này. Trước nhất, là một vài thông tin cũng mới cứng như sau:
 
 
“Vừa qua, Đức Phanxicô có nói với các người trẻ bên ngoài Vương cung thánh đường ở Atxidi, hôm 4/10/13, rằng: Các bạn trẻ đừng sợ! Đừng ngại ngần dấn bước với quyết định lập gia đình, chẳng hạn. Ngoài xã hội, người ta lại cứ hô hào cổ võ cho quyền lợi cá thể trong lúc coi mọi sự như chuyện phù du qua mau, và không thấy được giá trị gì nơi sự việc có dính-dấp đến khó khăn này khác hầu đi đến quyết định như chuyện hỏi rằng mình có can đảm lập gia đình không?...”
 
 
 Đức Phanxicô đã tiếp nhận các vấn-nạn mà lớp người trẻ thường đặt ra như vấn đề hôn nhân và đời sống gia đình một cách nghiêm chỉnh bằng cách trả lời rằng: “Hôn nhân trong Đạo” là ơn gọi thực-thụ giống như ơn gọi linh mục/tu sĩ. Khi tín-hữu nam nữ lấy nhau, họ đều thấy trong câu chuyện tình của họ có lời mời gọi của Chúa, tức: lời mời trở nên một: một than xác, một cuộc đời của cả hai phía, nam và nữ.” Đức Giáo Hoàng Phanxicô cũng nói thêm: “Nhằm bắt đầu thiết-lập một gia đình, ta cũng cần có can đảm, bởi thế giới bây giờ không những chẳng giúp gì được cho ta mà xem ra họ còn tạo nhiều rào cản ngăn cách bằng việc đưa ra những quyền lợi cá-thể, riêng rẽ hơn là đề cao vai trò của gia đình. Và, người thế-gian còn tìm cách thuyết-phục mọi người rằng: quan-hệ hôn-nhân chỉ kéo dài khi hai bên không gặp khó khăn hoặc trở ngại nào hết. “
 
 
Đức Phanxicô lại cũng nói: bố mẹ của ngài cũng như ông bà nội/ngoại của giới trẻ, khi trước các cụ lấy nhau trong khung cảnh khác hẳn. Về kinh-tế, các vị đều giáp mặt nhiều thách-đố và cả chiến-tranh nữa, nhưng các ngài luôn thấy một điều rất rõ, là: Thiên Chúa luôn ở với các ngài, vẫn chúc phúc cho các ngài bằng bí-tích hôn-phối có đính kèm sứ-vụ gầy dựng con cái để rồi đưa chúng vào với thế giới và dạy con như thế, họ lại nhận được ơn lành của Chúa. Cuối cùng, Đức Giáo Hoàng lại cũng nói: Cách duy nhất để ta nghe được lời gọi mời của Chúa qua lời nguyện cầu thường xuyên. Và, có quan hệ mật-thiết với Chúa qua việc mở rộng lòng mình. Có như thế, lời gọi mời của Ngài mới được nghe biết...” (x. Cindy Wooden, Marriage takes courage, pope tells young, The Catholic Weekly, 13/10/2013 tr. 5)
 
 
Thương yêu, lập gia đình và quan-hệ mật-thiết với Chúa qua nguyện cầu mở lòng mình, đó vẫn là vấn đề của mọi thời. Nhưng, thời nay thiên-hạ cũng đã biết mở rộng lòng và tai ra để nghe và cảm nhận, nên đã thấy nhiều lời mời mọc cũng như ơn gọi từ nhiều phía. Có những lúc, tưởng chừng như đã có người ngoảnh mặt làm ngơ với lời mời của thánh Hội, cách chính đáng. Tuy là thế, nhiều vị vẫn thấy khó xử khi đi vào thực tế mới thấy có những sự thể không mấy dễ. Những sự và việc, được đấng bậc ở đời đặt ra, chí ít là về hôn nhân vỡ đổ, đã tái giá mà chẳng chịu xin phép bãi bỏ hôn ước cũ. Việc này, càng tạo khó khăn cho đôi bạn khi quay về lại với thánh Hội mà sinh hoạt, ở Tiệc Thánh.
 
Cứ sự thường, thì: bao lâu đôi bạn chưa được miễn-chuẩn hôn nhân có lúc trước, thì hai người trong cuộc dù có tham-dự tiệc thánh cũng không được phép rước Chúa. Về chuyện này, tác-giả Michael G. Lawler được trích ở trên, lại có đôi giòng góp giọng về tình hình thực-tế ở thánh-hội, như sau:
 
 
“Theo Giáo lý Hội-thánh, lương tâm con người là vị thẩm phán có lý, qua đó con người nhận ra được phẩm-chất đạo-đức nơi hành-động cụ-thể của mỗi người. Nói khác đi, thì: chính lương tâm vẫn giúp ta nhận ra những việc mình phải làm cho hợp đạo lý, trong mọi tình cảnh mình gặp. Trước nhất, nhờ vào lương tâm mình mới thu thập được mọi bằng cớ để xác-chứng xem Sách thánh cũng thánh truyền, khoa học và kinh nghiệm bản thân từng nói gì, về những chuyện như thế. Thứ đến, ta nguyện cầu xem xét từng chứng cớ cách riêng rẽ xem khi nào thì có xung đột giữa các sự việc. Sau nữa, ta lưu tâm đến chọn lựa nào khả thi nhất và coi xem nó có ảnh hưởng gì lên quan hệ của ta với Chúa, với người đồng loại và chính mình nữa. Cuối cùng, ta phải quyết định trong tự do xem hành động nào thích hợp đối với tình cảnh đưa chúng đến với ta. Theo hiến chế Vui Mừng và Hy vọng thì: lương tâm là cốt tủy của  mọi chuyện và là cung điện thánh thiêng của con người ở đó, con người thấy mình đang lắng nghe lời mời của Thiên Chúa nói với mình...” (x. Michael Lawler, bđd)         
 
 
            Về vấn đề rước Mình Máu Chúa ở Tiệc Thánh vẫn được các đấng bậc đề ra rất nhiều lần để rồi cứ tranh luận mãi vẫn không ngừng. Chung qui, thì mọi sự chỉ là chuyện đối đầu với tinh thần luật lệ của một số vị nắm vai trò chủ-quản trong Hội thánh. Trên thực tế, có sự thể là con dân Chúa ở hoàn cảnh “oái oăm”, “rối mù” vào một lúc nào đó, nhưng cuối cùng khi mọi việc đã qua đi, họ vẫn sống vui, sống mạnh và sống vững chãi với luật yêu thương giùm giúp, được ghi ở Tin Mừng. Và, rốt cuộc thì, nhiều cặp vợ chồng lại quên mất nhà thờ nhà thánh, nói gì chuyện đi lễ và rước lễ.
            Thế nên, đấng bậc trích dẫn ở trên, lại có thêm những lời cuối, như sau:
 
 
“Một số hôn nhân bất thường nay ổn định dấn, lại được dưỡng nuôi bằng niềm tin Kitô-giáo cũng khá tốt, nên hôn nhân như thế vẫn không thể bị hủy mà không gây hại đáng kể về tinh thần, và cảm xúc lẫn kinh tế...
 
 
Đức Phanxicô xem ra cũng đã nhận thấy khó khăn này nên ngài mới nói: “Bổn phận của chúng ta là tìm ra phương cách nào khác vẫn chính đáng để đáp ứng với tình cảnh của người Công giáo đang sống đời hôn nhân bất thường”. Và Đức Giáo Hoàng có nói với nhóm ký giả phỏng vấn ngài trên chuyến bay từ Rio về Rôma, rằng: “Vấn đề là: ta không thể giải quyết sự việc theo cách hỏi xem những người như thế có được phép rước Chúa hay không vì bất cứ ai có ưu- tư/suy nghĩ về vấn đề này theo kiểu cách như thế tức là đã không hiểu rõ vấn đề, một cách thực thụ.” Bằng vào câu trả lời trên, xem ra càng ngày càng thấy rõ, là: ta hiện có một vị giáo hoàng từng hiểu rõ vấn đề này.” (x. Michael G. Lawler, bđd).        
 
 
Hiểu và biết rõ như thế, nhưng vẫn có một số giáo dân ở đời thường nay cũng biết, là: vấn đề của bậc hôn nhân “không bình thường” nơi người Công giáo, lại được đặt lên bàn cân để xem xét thêm ở chốn cao trọng trong Hội thánh. Hiểu và biết, để rồi cũng sẽ cùng với Hội thánh mừng vui và hy vọng cho mai ngày. Duy có điều, là: một số vị vẫn cứ lo cho tình trạng của một số người anh người chị ở đây đó, đã lung lạc, nên mới vắng bóng ở các buổi sinh hoạt phụng vụ và/hoặc sự kiện nào khác, rất ý nghĩa.
 
Vốn dĩ ưu tư nhiều, nên bần đạo lại cũng lục lạo tìm đến tâm tư cùng ý-kiến của bậc trưởng thượng, thì nhận được ân huệ Chúa trao ban cho có được một vài ý tưởng từ bậc thày, như sau:
 
 
“Sự việc các thể chế Công giáo đang xuống cấp thấy rõ là do có sự bất ổn trong xã hội phương Tây, thời buổi này. Chẳng hạn như: không chỉ mỗi hôn nhân theo kiểu chính mạch của người Công giáo mới giảm sút, thôi, mà ngay chính thể-chế hôn-nhân nói chung cũng suy đồi. Ngay như kiểu cách luân lý/đạo đức đặt ra cho Giáo hội cách chầm chậm và rất nhiều khó khăn lên hành-xử tính-dục và cơ cấu gia đình ở châu Âu từ thời Trung Cổ trở về sau xem ra đang bị gãy đổ trầm trọng. Sau đó, còn thấy các giáo hội khác ở phương Tây trong đó có Hội thánh Công giáo ngày càng phải đương đầu với nhu cầu tạo nên “cung cách sống xem ra mang nhiều chiều hướng rất xã-hội, mà dân thường ở huyện đang phải sống cũng rất mực. Trên hết mọi chuyện, hôn nhân là thể chế xã-hội, nên nếu Giáo hội không suy sụp thành một giáo phái thì các cặp phối ngẫu bình thường lành thánh không thể sống cuộc sống đúng như lòng đợi trông là không bị xã hội và/hoặc nề nếp văn hoá sờ chạm , nói chung. Con số các người Công giáo chung sống tình dục bất thường ngày càng gia tăng là chỉ dẫn cho thấy cung cách mà các giá trị của xã hội đang tạo mẫu cho nếp sống và quan niệm của người tín-hữu Kitô-giáo nói chung.
 
Và cũng thế, theo ngôn ngữ mục vụ, thì chuyện châm ngòi cho quả bom nổ chậm này bằng cách này hay cách khác đang là chuyện cần phải làm lắng dịu nếu ta không muốn giết chết cộng đồng người Công giáo và, quan trọng hơn nữa, nếu không muốn tước đi sự nâng đỡ hỗ trợ và ánh sáng soi dọi cho hàng ngàn vạn người đang có nhu cầu như thế.” (x. Eamon Duffy, Unfinished Journey: The Church 40 Years after Vatican II, Essays for John Wilkins)         
   
 
Bàn luận về chuyện gia đình chồng/vợ, tái giá sinh hoạt với cộng đoàn/chòm xóm theo kiểu nhà Đạo ở cấp cao thì như thế. Luận bàn về chuyện vợ/chồng ở đời cũng có lúc giận hờn, trách móc, bỏ bê rồi trở về, theo kiểu người đời có lẽ cũng nên bàn nên kể theo kiểu phiếm luận hay “phiếm loạn”, bằng truyện kể ngày xưa, như sau:
 
 
“Ngày xưa có một người đàn ông giàu, vợ chết sớm, chỉ có độc một người con trai.
 
-Đứa con vốn người xấu nết, đần độn, lại là tay chơi bời lêu lổng không chịu học hành hay làm ăn gì cả. 
 
 
Thấy con không lo nối nghiệp nhà, người nhà giàu rất buồn phiền, biết rằng của cải của mình sẽ có một ngày đội nón ra đi mà thôị Bởi vậy, ông bèn tính chuyện kiếm cho con một người vợ khôn ngoan đảm đang, để may ra nó sẽ ngăn chặn tay chồng, bảo vệ một phần nào cơ nghiệp. Nghĩ vậy, ông cất công đi khắp nơi tìm kiếm, nhưng đi đã nhiều nơi mà vẫn chưa thấy một người nào vừa ý. 
 
 
Một hôm, đến một vùng kia, nhân mỏi chân, ông nghỉ lại một gốc đa bên đường. Ông bỗng thấy ở một cây táo gần đấy có một bọn trẻ đang tranh nhau trẩy ăn. Một chốc sau, một cô gái tuổi chừng đôi tám, cũng đến trẩy táo. Ông mới lân la lại gần hỏi xin ăn.
 
 
Lúc này, táo chín đã bị bọn người trước trẩy hết, chỉ còn những quả xanh, nhưng cô gái cũng cố chọn lấy những quả ương ương đưa cho khách.
 
 
Thấy cô gái tốt bụng, ông ta nghĩ: "Sởi lởi, trời gởi của cho, quăn co, trời gò của lại. Chỉ có người nào tốt bụng với mọi người mới xứng đáng được hưởng giàu có sung sướng". Bởi vậy, ông mới tìm đến nhà cô gái, giả làm một người lỡ độ đường, xin nghỉ trọ một tối. Và rồi ông được gia đình cô gái ân cần tiếp đãi.  
 
 
Để thử xem cô gái có khôn ngoan không, ông lân la làm quen với nàng. Khi biết cô sắp đi chợ, ông đưa ra một quan tiền nhờ mua hộ cho mình "một nắm gió, một bó lửa". Cô gái chẳng nói chẳng rằng, mua về cho ông một cái quạt và một con dao đánh lửa. Thấy thế, ông thầm khen ngợi, nhưng vẫn định thử thêm cho biết. 
 
 
Qua ngày hôm sau, ông dậy sớm, giở tay nải đưa cho cô mấy bát gạo nếp, nhờ nàng thổi giúp cho mình một nồi vừa cơm vừa bánh để ăn và đem đi ăn đường. Cô gái không từ chối, vội lấy gạo ra vo.
 
 
Trước khi cho vào nồi, nàng bớt lại một ít giã làm bột vắt bánh rồi hấp luôn vào cơm. Khi nàng bưng ra, ông già lấy làm vừa ý, cho là con người đó đủ cả đức hạnh, khôn ngoan, đảm đang ít có. Bèn quyết định trở về sửa soạn lễ hỏi cho con trai làm vợ. 
 
 
Đứa con trai của ông từ ngày có vợ lại càng lêu lổng; hắn thường bỏ nhà đi đánh đàn, đánh đúm với bọn vô lại, làm cho ông hết sức buồn. Và điều làm ông lo lắng nhất là hắn thỉnh thoảng lại trộm tiền của ông, khi dăm bảy quan, khi một vài vác, tung vào cuộc đỏ đen. Mặc dù ông đánh đập, mặc dù vợ hắn khuyên lơn, nhưng hắn chứng nào vẫn tật ấỵ Dần dần ông buồn phiền thành bệnh. Một hôm, biết mình sắp chết, ông gọi con dâu đến bên giường dặn nhỏ: 
 
-Này cha đã gần đất xa trời. Chồng con là một thằng "Phá gia chi tử", cơ nghiệp này chỉ còn một sớm một chiều mà thôi. Cha rất thương con xấu số. Từ lâu cha làm ăn dành dụm, có để được một hũ vàng chôn ở sau vườn. Vậy cha cho riêng con hũ vàng đó, đừng cho chồng con biết. Sau này chồng con có thật sự ăn năn hẵng giúp cho nó làm lại cuộc đời.
 
 
Đứa con trai ông sau khi người cha qua đời, lại càng chơi bời mặc sức. Vợ hết khuyên lơn đến cầu khẩn, hắn chẳng những đã không nghe lại còn phũ phàng với vợ. Mỗi lần thua bạc, hai người lại càng xô xát. Nhiều lần vì vợ cản trở, hắn đánh đập vợ không tiếc tay và làm nhục nàng trước mặt mọi người. Một hôm để khỏi vướng, hắn viết giấy cho vợ đi lấy chồng khác rồi đuổi nàng ra khỏi cửa.
 
 
Từ đó, hắn phỉ chí tung hoành không một ai dám cản. Quả như lời đoán của bố hắn, mấy chục mẫu ruộng đều lần lượt "nướng" vào sòng bạc. Hết ruộng vườn tới nhà ở, chẳng bao lâu tất cả cơ nghiệp mấy đời lưu truyền lại đều sạch sành sanh . Cuối cùng không một đồng dính túi, không một nghề cầm tay, hắn đành bỏ làng mạc quê quán, đi lang thang khắp đầu đường xó chợ, ngửa tay xin ăn qua ngày.
 
 
Còn về người đàn bà sau khi bị chồng đuổi, mới đổi tên, tìm đến trấn thành mở một ngôi hàng nước. Sau ít lâu, kiếm được một số nhỏ, nàng bắt đầu buôn hàng tấm. Số vốn của nàng ngày một lớn dần. Một hôm, gặp hai em bé gái mồ côi đi ăn xin, nàng thương tình đưa về nuôi làm con, coi như ruột thịt. Cuộc đời dần dần nở hoa trước mắt nàng. Trong một dịp đi tìm kiếm củi, hai con nàng nhặt được một khúc gỗ mục, về chẻ ra thấy có mấy thoi vàng. Có vốn lớn lại có tài kinh doanh, nên chẳng bao lâu, nàng trở nên giàu có, nổi tiếng trong trấn. Tiền bạc tuôn về như nước. Tuy sống sung sướng nhưng nàng vẫn ở một thân một mình. Thấy nàng giàu có, nhiều kẻ ngấp nghé muốn "gá nghĩa Châu Trần", nhưng người đàn bà ấy nhất định từ chối mọi lời đường mật. Mặc dù người chồng bạc bẽo và mặc dầu mười lăm năm xa cách, nàng vẫn không quên được tình xưa nghĩa cũ. Đã nhiều lần nàng thuê người lần đi các chợ búa phố phường dò hỏi nhưng tin tức của chồng càng hỏi, càng bặt tăm. 
 
 
Năm ấy, sau mấy tháng hạn, lúa khoai chết mòn trên những cánh đồng nứt nẻ. Giá gạo cứ lên vùn vụt. Ngoài đường, người đi xin ăn kéo từng đoàn. Người đàn bà lúc này đã là bà chủ hiệu. Bà xin phép quan trên cho mình đem tiền gạo ra phát chẩn cho kẻ khó. Làm như thế, nàng còn mong một khi thấy yết thị dán khắp thôn xóm thì chồng mình tất sẽ lần mò về, nếu hắn còn sống. Y như thế thật, ngày bắt đầu phát, nàng đã thấy bóng dáng của chồng ngồi ở hàng cuối đội quân lĩnh chẩn. Đúng là hắn. Từ ngày bắt đầu cầm bị gậy đến nay, hắn vẫn chưa có cách gì để sống khá hơn và đỡ hèn hạ hơn trước. Bây giờ nghe nói có phát chẩn, hắn vội mò đến đây và ngồi đầu hàng về phía tả. Thế nhưng khi phát, những người giúp việc cho bà chủ hiệu lại được lệnh phát từ phía hữu lạị Khi sắp sửa đến lượt hắn thì bọn họ tự nhiên nói lớn:
 
 
-Hôm nay đã hết gạo, mời bà con về đợi đến ngày mai! 
 
Hắn buồn bực trở ra. Qua ngày sau, hắn cố tìm đến thật sớm, ngồi vào đầu hàng bên hữu. Nhưng hắn không ngờ, những người phát chẩn hôm nay lại bắt đầu phát từ phía bên kia. Lúc sắp phát đến hắn thì chúng lại giơ thúng không lên: 
 
-Hôm nay thế là lại hết gạọ Bà con hãy đợi đến mai.
 
 
Hắn thở than cho số đen đủi, lần trở ra về. Qua hôm sau, lại mò đến thật sớm. Lần này hắn len vào ngồi đúng chính giữa đội quân lĩnh chẩn. Trong bụng hắn nghĩ lần nầy thì không để mất phần được. Nhưng đến giờ phát, hắn không ngờ người nhà của bà chủ hiệu hôm nay lại phát hai đầu phát lại và cuối cùng người không được gì cả, vẫn lại là hắn. Ba lần hỏng cả ba, hắn rất ngao ngán, bèn đánh liều tìm đến dinh cơ bà chủ để xin ăn. Gặp hai đứa con gái nuôi của vợ, hắn ngả nón kêu van hết lời. Ở trong nhà; người đàn bà nhìn ra biết là chồng, đã do mưu của mình mà đến đây, bèn sai người hầu ra hỏi, xem hắn có biết làm việc gì không để thuê mượn. Nghe hỏi thế, hắn vội trả lời: 
 
 
-Xin ông bẩm với bà lớn rủ lòng thương, cho tôi được ở hầu bà, rửa bát, quét nhà, mọi việc tôi đều xin hết sức. Chỉ cho tôi ăn ba miếng là đủ rồi!
 
 
Người nhà trở ra cho hắn biết bà chủ nhận lời. Từ đó, hắn chăm chỉ làm lụng, cố làm vừa lòng chủ. Nhưng chung quy hắn vẫn không biết chủ chính là vợ cũ của mình. Về phần người vợ cũng không hề để lộ một tí cho hắn biết, chỉ dặn hai con và người nhà đối đãi tử tế mà thôi. Sau một thời gian, thấy hắn chịu khó làm ăn, người đàn bà mừng lắm. Một hôm nàng cho gọi hắn lên nhà hỏi xem có biết chữ nghĩa gì không! Hắn đáp: 
 
-Tôi lúc nhỏ được đi học có biết ít nhiều.  
 
-Vậy từ mai trở đi, anh không hầu hạ nữa, cho anh ở gian nhà khách dạy đám trẻ học tôi sẽ trả mỗi năm ba mươi quan.
 
 
Nghe nói, hắn tưởng không có gì sung sướng hơn thế nữa, cảm thấy lòng nhân đức của bà chủ đối với mình bằng trời bằng biển, vội nhận lời ngay . Từ đó, hắn đóng vai thầy đồ cố sức làm cho chủ tin cậỵ Nhưng người vợ vẫn thử mãi không thôi.
 
 
Một lần, gặp ngày tết, bà chủ sai lấy tiền ra cho kẻ hầu người hạ. Nàng nói:
 
-Ta cho mỗi người năm quan, hãy mang đi đánh bạc cho vui, nếu hết sẽ cho thêm. Thầy đồ ta cũng được năm quan tiền. Nhưng trong khi mọi người đem tiền nướng vào xóc đĩa, bài mười, thì trái lại, hắn mang nguyên vẹn số tiền đó về gửi cho chủ. Bà chủ hỏi:
 
-Tại sao anh không thích đánh bạc? Hắn trả lời: 
 
-Bẩm bà, tôi ngày xưa, vì cờ bạc mà đến nông nỗi nàỵ Cho nên bây giờ buộc chỉ cổ tay thề rằng không đụng đến nó.
 
Thế rồi luôn miệng, hắn kể hết cho chủ nghe, từ cuộc đời cũ có ruộng nhiều, có vợ ngoan như thế nào, rồi bán ruộng đuổi vợ ra sao, cho đến lang thang đói rách, và ngày nay đã ăn năn hối lỗi v.v... Bà chủ hỏi:
-Anh còn thương vợ nữa không? Hắn rầu rĩ:
 
-Tôi đã nhiều lần dò tìm mà không thấỵ 
 
-Nghe anh nói tôi rất thương tình. Vậy tôi cho anh năm quan để anh đi tìm vợ. Nếu hết tiền mà vẫn chưa thấy, anh cứ về đây, tôi sẽ cho thêm mà tìm cho ra.
 
 
Hắn mừng rỡ vâng vâng, dạ dạ, mang tiền đi tìm. Nhưng sau ba tháng trở về với bộ mặt thiểu não, hắn cho chủ biết không hề thấy tung tích đâu cả, chắc là vợ hắn đã chết. Từ đấy, vợ thấy chồng chí tình, lại có lòng tu tỉnh, nên rất mừng. Nhưng nàng vẫn chưa ra mặt vội, chỉ an ủi hắn hãy ở lại đây, may ra sẽ có ngày hội ngộ. 
 
 
Một hôm, nhân ngày giỗ cha chồng, bà chủ nhờ thầy đồ chép bài văn tế. Hắn ta ngạc nhiên và bội phần mừng rỡ khi thấy bài vị của tổ tiên nhà chủ chính là bài vị tổ tiên mình. Lập tức, hai vợ chồng ôm nhau khóc lóc. Rồi sau khi cúng xong, họ mời làng xóm và người nhà ngồi lại kể rõ sự tình. Ai nấy đều cho là một cuộc tái ngộ hiếm có. 
 
 
Về sau, hai vợ chồng dựng vợ gả chồng cho hai con nuôi, giao cửa hiệu lại cho chúng cai quản. Sau đấy, họ dắt nhau trở về quê hương xưa, chuộc lại vườn tược nhà cửa cũ. Và sau khi đã sống yên ổn ở quê nhà, vợ mới sai đào hũ vàng bố chồng cho mình ngày xưa lên . Nàng nói: 
 
-Có vàng chưa chắc đã có hạnh phúc. Cho nên trong những cơn túng thiếu nhất, tôi vẫn không cần đến nó. 
 
 
Nói đoạn, đem số vàng ấy cúng cho đền chùa để bố thí cho người nghèọ Từ đấy, hai vợ chồng sống với nhau đến đầu bạc. Câu tục ngữ: "Làm trai rửa bát quét nhà. Vợ gọi thì 'Dạ bẩm bà tôi đây!'" là do chuyện này mà ra.” (Đỗ Tuấn Hải sưu tầm)
 
 
Ngồi buồn, nhiều vị nghĩ mãi cũng chẳng thấy buồn bực, buồn bã hoặc buồn chán, mà chỉ buồn cười cho chuyện người đời và đời người. Chuyện trăm năm vợ chồng người lo chung sống cho êm đẹp, mà sao nhiều vị cứ thích đưa ra luật này lệ nọ để giải quyết ở cấp cao. Bởi, có giải quyết ở cấp nào đó, cũng đâu đến được với cấp trực tiếp của đương sự ở dưới chỉ muốn sống vui, sống hoà hoãn với mọi người, mà thôi.
 
Chẳng thế mà, người nghệ sĩ ở ngoài đời chỉ quen với những lời hát câu ca, như sau:
 
 
“Và rồi mùa thu về trong mắt em
Hàng cây lá úa xanh xao nhiều
Vòng tay khép kín đôi mi nồng
Chuyện mình ngày xưa đành xin lãng quên
Cuộc tình đã chết theo thu tàn
Người về đấy xin chọn giấc mơ.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)
 
 
Hát thế rồi, có lẽ bạn và tôi, ta cũng nên tìm về với Lời Vàng khi trước, mà làm nền cho tâm tình và lập trường sống của ta, mai sau. Lời vang của đấng thánh hiền, bần đạo bầy tôi đây g8ạp được, như thế này:
 
 
“Tôi rất vui mừng vì đã gặp thấy trong số con cái của Bà,
những người sống trong sự thật,
đúng như điều răn chúng ta đã nhận được từ Chúa Cha.
Thưa Bà, bây giờ tôi xin Bà điều này
-đây không phải là một điều răn mới tôi viết ra,
nhưng là điều răn chúng ta đã có từ lúc khởi đầu-
đó là: chúng ta phải yêu thương nhau.
Yêu thương là sống theo các điều răn của Thiên Chúa.
Như anh em đã được nghe từ lúc khởi đầu,
điều răn này là:
anh em phải sống trong tình thương.”
(2Ga 1: 4-6)
 
 
Xem như thế, thì: lời cuối của bậc thày bần đạo đây chứ không của ai khác, đó là: sống và áp dụng những lời vàng ở trên, mà thôi. Còn, chuyện phiếm luận hay “phiếm loạn” về chủ đề nào đi nữa, cũng chỉ là cơ hội để tỏ bày điều được răn dạy mà thôi.
 
Nói thế rồi, giờ đây bần đạo lại xin thêm một đề nghị, là: ta cứ ngâm nga lời cuối của bài ca người nghệ sĩ vẫn hát, rất mê say, rằng:
 
 
Chuyện mình ngày xưa đành xin lãng quên
Cuộc tình đã chết theo thu tàn
Người về đấy xin chọn giấc mơ.”
(Ngô Thụy Miên – bđd)
 
 
Giấc mơ hôm nay ta xin chọn, là: cứ “sống trong tình thương” anh em với nhau, dù có chịu phẩm bình, bàn luận hay “phiếm loạn” bấy lâu nay.
 
 
 
Trần Ngọc Mười Hai
Những muốn nhắn người
và nhắn mình
những câu như thế.