Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đừng nói nữa em ơi

 
 
 
Chuyện Phiếm đọc trong tuần 34 Lễ Chúa Kitô Vua năm C 24-11-2013
 
“Đừng nói nữa em ơi,”
xin đừng nói nữa làm gì
anh nghĩ rằng đời người ca sỹ đáng thương
và đáng được yêu.”
 (Minh Kỳ/Vũ Chương – Kiếp Cầm Ca))
 
(2 Thes 2: 15-17)
 
            Sao lại thế? Kiếp cầm ca gồm những thời để hát và nói bằng tiếng nhạc, sao cứ bảo: “Xin đừng nói nữa làm gi”? Thế nghĩa là làm sao? Chả lẽ ta cứ ngồi im bên nhau, chẳng nói một câu?
 
Hiểu sao đây? Nếu đó là thi ca/âm nhạc, vẫn có tác giả này khác lại đã hát:
 
 
Ta gặp nhau, yêu chẳng hạn kỳ.
Mây ngàn, gió núi đọng trên mi.
Áo bay, mở khép nghìn tâm sự.
Hò hẹn lâu rồi, em nói đi!”
(Phạm Đình Chương – Mộng Dưới Hoa)
 
 
À thì ra, “hẹn hò lâu rồi, em nói đi”, tức là: khi đã hẹn và đã hò rồi, thì người em tôi hãy cứ tha hồ mà nói. Nói, chứ không hát, dù có nói về những nỗi, những “Mộng Dưới Hoa”, “yêu chẳng hạn kỳ”, “gió núi đọng trên mi.” Thế nhưng, về cái-gọi-là “Kiếp Cầm Ca”, người viết nhạc lại cứ khuyến khích ca sĩ nói và hát những lời sau đây:
 
 
“Tình yêu, em sợ tình yêu.
Vì tình như là hương hoa,
lỡ mai sau em mất người yêu
em khổ thật nhiều.”
(Minh Kỳ/Vũ Chương – bđd)
 
 
Thế đó là thi ca/âm nhạc, rất ngoài đời. Chốn đời thường, vẫn nói đến “kiếp cầm ca” người nghệ sĩ cứ là “đêm đêm (đến) phòng trà dâng tiếng hát cho đời”, rồi còn hỏi “Anh ơi, còn yêu em nữa hay không?” Hỏi rồi, lại tự trả lời: “Tình yêu, em sợ tình yêu...” À thì ra, người người những “lo” và “sợ” “tình như hương hoa”, “mai sau lỡ mất.” cũng rất sợ. Sợ, mất người yêu. Sợ “em khổ rất nhiều”...     
 
Thế đó là tình đời, ở nơi thi ca/âm nhạc cũng đáng sợ. Thế, tình nhà đạo ở chốn miền người mình đặt tình yêu lên trên tất cả, có sợ không? Hỏi khác đi, nhà đạo mình vốn đã yêu rồi, sợ gì nữa? Tình yêu, có phải là duyên do để người người những “lo” và “sợ”? Sợ: phải chăng là cứ “lo” rằng có đó rồi mất đó? Hay, người người còn lo sợ nhiều thứ khác?
 
Trả lời câu này cho tận tình, chắc bạn và tôi, ta cũng nên xem xét nhiều mặt, nhiều phía, cả những phía, những mặt rất khác biệt về đạo giáo lẫn niềm tin. Những lý-tưởng về cuộc sống hoặc chủ-thuyết cũng khác biệt!
 
Đi vào vườn hoa tư tưởng đầy khác biệt, bần đạo đây vừa bắt chộp được lập trường của đấng bậc “ngoài luồng” nọ có giòng tư tưởng hơi hơi giống Đạo mình về những “lo” và “sợ” như:
 
 
“Lâu nay, ta trả giá rất đắt cho những lo sợ để sống cuộc sống bình thường, rất con người. Động-thái dễ bị tổn thương về ưu tư/lo lắng là cội rễ tạo khó dễ cho ta. Lo và sợ, xem ra cũng là thành phần của cuộc sống. Những ai đầm mình vào với thế giới tục trần, không thoát khỏi trạng-thái tâm thần bất ưng này.
 
 
Vậy thì, đâu là lý do và yếu tố nền tảng khiến nhiều người âu lo như thế? Để trả lời, con người vốn dĩ lo âu nhiều, là do mình có cam kết và trách-nhiệm, thật không thiếu. Âu lo đến với con người theo nhiều cách thức khác nhau. Khi so sánh những gì mình có với người khác, con người đều thấy mình chẳng bằng ai, đến độ có người lại tự nghĩ: Có lẽ do tại mình không đủ tài giỏi để làm việc đó, nên mới thế! Hoặc, do tại mình không thông minh đủ để thuyết phục được người khác”. Xem thế thì, con người thấy lo sợ phải xuất hiện trước công chúng nên mới tự kỷ ám thị, bảo rằng: “Không nên để người khác biết rõ về mình. Bởi có làm thế, mình sẽ mất niềm tin và coi thường chính mình”. Do đó, con người hành động như thể mình là người nào khác chứ không phải chính mình.
 
 
Thông thường, con người ưu tư nhiều về ngoại hình của mình. Đàn ông thì lo lắng nhiều khi thấy mình rụng tóc, sói đầu nhiều. Trong khi đó, phụ nữ lại ưu-tư không ít mỗi khi thấy có vết nhăn hiện rõ trên da mặt hoặc thấy thân mình mình cứ ngày một gầy đi, hoặc phát phì, da thì đen sạm hoặc trắng mốc, người thì cao lêu nghêu hoặc lùn xủn, đại loại toàn những chuyện như thế.
 
 
Có người lại lo sợ bị người khác phê bình, chỉ trích mình, hoặc đả kích, hoặc bị cấp trên của mình không ưa, lại cứ đì. Có người lại lo sợ không dám bày tỏ ý kiến, lập trường trước đám đông, e rằng làm thế sẽ bị chọc quê, chê dở, nhưng lại tức giận chính mình khi thấy có ai đó trình bày ý kiến chẳng khác ý mình, nhưng lại được khen ngợi, và ca tụng. Họ cứ nghĩ mình sẽ không thể chịu nổi những lời phê bình, đả kích cả khi biết rõ lời phê phán ấy không chính đáng, chẳng có cơ sở gì hết.
 
 
Danh sách những lo sợ không thể kể hết được. Nhưng nếu hỏi rằng: đâu là nguyên do khiến mọi người lo sợ suốt đời như thế, thì câu trả lời ngắn gọn, có thể tóm tắt bằng câu: tất cả là do con người quá chú trọng vào cái “ngã” của mình, điều mà nhà Phật thường gọi đó là “Ảo vọng về ngã”. Do cái “ngã” của mình, con người tin là thân xác mình lúc nào cũng phải được thoả mãn. Và, nỗi sợ không thỏa mãn mọi nhu cầu cũng như ước vọng của mình, nên mới ưu tư. Vì thế nên, ưu tư/lo lắng không là gì khác ngoài trạng thái tiêu-cực của thân-tâm do dính líu vào với ham thích, rất trần tục. Càng dính líu vào sự vật, thì mối lo và sợ để mất nó càng lớn. Vào lúc mà nhu cầu của mình đã được thỏa mãn rồi, thì con người lại bắt đầu dính bén hay dính dấp vào thứ khác nữa, cứ thế không bao giờ ngừng...” (xem D Sri Dhammananda, Fear and Worry, Pure Land Learning College Asdsoc. Inc. March 2013, t. 3-4) )
 
 
Thiền sư nhà Phật, thường có quan-niệm về lo và sợ, rất như thế. Như thế đó, nhưng cũng chỉ là ý kiến tư riêng của một trong các đại sư nhà Phật chứ không hẳn của chính Đức Phật. Còn, người nghệ sĩ mình vẫn chẳng bận tâm gì nỗi lo sợ dính líu vào với “ngã” của mình hay của người; nhưng, chỉ bận tâm đến duyên kiếp rất “cầm ca”, bằng lời ca/ý nhạc, như sau:     
 
 
“Khi trót mang duyên kiếp cầm ca
em bằng lòng nghe tiếng trách chê của người đời,
chỉ cần anh thôi, chỉ cần anh thôi và còn tin anh nữa thôi.
Đời vấn thế! em ơi xin đừng nói đến: tình đời
anh nghĩ rằng đời là gian dối, nhưng đôi ta mãi còn nhau.”
(Minh Kỳ/Vũ Chương – bđd
 
 
Thế đấy, người nghệ sĩ tuy có than và có thở về “kiếp cầm ca” nhưng họ đâu có ưu tư/lo lắng cho lắm và cũng chẳng sợ gì về “bản ngã” mình dính vào với nỗi ước-vọng tục-trần hoặc dục-vọng trần-tục, nên vẫn thế.  
 
Nhà Đạo mình, vẫn có đấng bậc thánh hiền còn ghi chép Lời Chúa cứ khẳng định, rằng:
 
 
“Tình yêu không biết đến sợ hãi;
trái lại, tình yêu hoàn hảo loại trừ sợ hãi,
vì sợ hãi gắn liền với hình phạt
và ai sợ hãi thì không đạt tới tình yêu hoàn hảo.”
(1Ga 4: 18)
 
 
Như thế đã rõ ràng, có tình yêu Thiên Chúa và mọi người rồi thì người nhà Đạo đâu còn lo và sợ điều gì nữa. Chí ít là “sợ mất tình yêu” như lời ca ở trên lại cứ bảo: “đừng nói đến tình đời”, “đời vẫn thế”. Vẫn cứ “gian dối”, “trách chê” rất nhiều vì “tình là hương hoa” rất dễ mất.   
 
Quả có thế. Phần đông các vị thức-giả ở trời Tây vẫn quan-niệm rằng: sở dĩ con người vướng phải động-thái lo và sợ là do tình yêu vắng khuất, trong đời mình. Ở bất cứ giai đoạn nào trong đời, người người cũng đều thấy hình-thức sống nào đó chứng tỏ con người đều phải giáp mặt với nỗi lo và sợ.
 
Tổng thống Franklin D. Roosevelt có lần từng phát-biểu, rằng: “Chỉ mỗi sự việc khiến ta phải lo sợ hơn cả, là chính nỗi sợ ấy.” Các nhà tâm-lý lại cũng quả quyết với một khẳng định, là: Sợ, là thứ gì đó mỗi người chúng ta đều trải nghiệm. Và, vai trò chính của nó là giúp ta chuẩn bị mà chạy khỏi nó hoặc chiến đấu chống lại nó. Có thứ lo và sợ cũng an lành, có thứ lại khiến con người suy sụp, gãy đổ.
 
Sợ, có thể là hành-xử đáp-ứng lại những gì mà con người không hề biết nhưng lại cứ nghĩ rằng nó rất nguy hiểm, vẫn trờ đến với mình, cũng có thể là đe doạ buộc con người phải dùng nó như phương-pháp khống chế/kiểm soát con người mình hoặc buông thả, chào thua. Có nhiều chính-trị gia còn quái ác đến độ dám sử-dụng yếu-tố gây lo sợ để trấn-áp người dân hoặc thế-lực địch thù.
 
Cùng kiểu như thế, đã có thời kỳ nhiều đấng bậc ở chốn cao sang đầy quyền thế trong hệ-cấp giáo triều cũng sử dụng phương-pháp hù-doạ dân con trong Đạo bằng vài ý-niệm về hoả ngục, về ngục thất rất “luyện” tội để giáo-dân thực-hiện lời khuyên dạy rất thúc ép của giới có thẩm quyền hoặc có “quyền (để) hành” đám tân tòng hoặc giáo-dân yếu bóng vía, yếu cả hiểu biết về nền thần-học chính-đáng là chú-trọng nhiều vào tình thương-yêu Đức-Chúa-là-TÌNH-YÊU. Các thánh sử nhiều lần vẫn bảo ban:
 
 
“Anh em đừng sợ những kẻ giết thân xác
mà không giết được linh hồn.
Đúng hơn, anh em hãy sợ
Đấng có thể tiêu diệt cả hồn lẫn xác
trong hoả ngục.”
(Mt 10: 28)
 
 
Và ở một đoạn khác, thánh sử Mác-cô lại cũng khuyên:
 
 
“Lập tức, Người bảo các ông:
"Hãy yên tâm, chính Thầy đây,
đừng sợ!"
(Mc 6: 50)
 
 
Từ những khẳng định này, các vị giảng-thuyết trong Hội thánh lại đã nhiều lần những muốn áp-dụng thứ thần-học nào đó mang tính “thuyết-phục”/”doạ nạt” nên đã kiến-tạo một “Đức Chúa rất nổi giận”, nếu dân con nhà mình mắc phải tội/nợ. Thật ra thì, “Thiên Chúa Là Tình Yêu” chứ Ngài không là Chúa Tể của nỗi sợ. Rõ ràng là, Tình Yêu và Sợ Hãi là hai tâm-tính mấu-chốt đối-nghịch nơi con người. Bởi, một khi đã yêu, con người không còn biết sợ bất cứ thứ gì, nữa. Và, ngược lại, khi đã hãi sợ rồi, thì đâu còn yêu nữa.
 
Có lẽ, trọng tâm kinh nghiệm về sự “hãi sợ” nơi con người mang tâm-tình mất tự chủ. Các cơ quan/tổ chức có tầm cỡ quốc gia hoặc gia đình, đều muốn nắm quyền kiểm soát/khống chế mọi sự, coi đó như quyền-bính không thể trao cho người khác. Sở dĩ con người muốn nắm giữ quyền-bính nên họ mới triển-khai ý-niệm về hệ- cấp, quyền hành và tính “không sai sót”, tức muốn hết mọi người phải đồng ý với quyền-bính, trong mọi sự. Chính vì muốn khống-chế mọi hành-xử của cấp dưới, nên mới duy-trì nỗi hãi sợ, ở cấp dưới. Và như thế, tình yêu tự khắc sẽ biến mất.
 
Và một khi tình yêu đã mất rồi, thì nỗi “hãi sợ” lại xuất-hiện với đủ mọi hình hài lớn/nhỏ, cao/thấp, xa/gần. Và, đạo giáo nào chú trọng đến âu-lo và/hoặc “hãi sợ”, thì đạo ấy sẽ không còn tình-yêu được tỏ bày trong nhóm của mình/con người mình, nữa. Và, đạo như thế đương nhiên trở thành thứ đạo gò bó, hù doạ, đầy hình phạt. Tức: là phó-bản của những khó khăn, âu sầu, thảm não. Và như thế không thể gọi là Đạo, là đường dẫn đến hạnh-phúc được nữa.
 
Nghệ sĩ thi ca, âm nhạc hẳn là những vị đã trải-nghiệm tình huống ra như thế trong đời mình, nên mới diễn-tả ra ngoài bằng lời ca/ý nhạc, như sau:
 
 
“Đời vấn thế!
em ơi xin đừng nói đến: tình đời
anh nghĩ rằng đời là gian dối,
nhưng đôi ta mãi còn nhau.”
(Minh Kỳ/Vũ Chương – bđd
 
 
“Đôi ta mãi còn nhau”, không gian-dối cũng chẳng hãi sợ. Nhưng, vẫn trân trọng nhau, vì còn có nhau là còn tình yêu của nhau, và cho nhau. Chả thế mà, ngay từ đầu, khi nói về “Kiếp cầm ca”, nghệ sĩ nhà ta lại cứ hát:
 
 
Đừng nói nữa em ơi,”
xin đừng nói nữa làm gì
anh nghĩ rằng đời người ca sĩ đáng thương
và đáng được yêu.”
(Minh Kỳ/Vũ Chương – bđd)
 
 
Thi ca/ âm nhạc, thì như thế. Thơ văn/truyện kể, lại vẫn dùng truyện dân gian loài người để chuyển tải tư-tưởng và lập-trường hầu tỏ bày một đối chọi thật rất khác, giữa tình yêu và nỗi sợ. Một trong các truyện kể tuy ngắn-ngủi nhưng cũng diễn tả phần nào nét đẹp của đời người trải dài qua năm tháng, mình vẫn sống, như sau:
 
 
Hôm đó là ngày tôi bước sang tuổi 30. Tôi có cảm giác lo lắng khi bước vào độ tuổi “tam thập nhi lập” và sợ rằng những năm tháng đẹp nhất trong cuộc đời đang xa dần.
 
Tôi vẫn thường tập thể dục ở một công viên gần nhà vào mỗi buổi sáng.  Ở đó, tôi có dịp làm quen người bạn già Nicholas, ông ta đã 79 tuổi. Hôm đó, khi gặp tôi ông bảo rằng trông tôi không vui như mọi ngày và đoán rằng: tôi đang có chuyện buồn. Tôi tâm sự với ông rằng tôi đang cảm thấy lo khi bước sang tuổi 30. Tôi tự hỏi làm thế nào để tôi có thể quay trở về với giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời. Vì thế tôi hỏi ông:
 
-Khi nào là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời ông?”. 
 
            Không chút ngập ngừng, Nicholas trả lời:
 
-Này Joe, đó là câu hỏi của triết học và đây là câu trả lời của tôi".     
 
Rồi ông nói:
 
-Khi tôi là một đứa trẻ sống ở nước Áo, được bố mẹ yêu thương, chăm sóc thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Khi tôi đến trường và được học những điều ngày nay tôi biết, thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Khi tôi tìm được việc làm đầu tiên, có trách nhiệm và quyền lợi với những việc mình làm, thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Khi tôi gặp được vợ tôi và khi chúng tôi yêu nhau, thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi.      
 
 
“Chiến tranh thế giới lần thứ hai xảy ra, tôi và vợ tôi phải rời khỏi nước Áo để được an toàn. Khi chúng tôi được bên nhau an toàn trong một chuyến tàu đi Bắc Mỹ, thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Khi chúng tôi bắt đầu một gia đình mới, thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Khi tôi trở thành một người cha trẻ và được nhìn thấy đứa con của mình lớn lên hàng ngày, thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi. Joe à, bây giờ: khi tôi đã 79 tuổi, tôi có sức khỏe, tôi cảm thấy cuộc đời vẫn đẹp và điều đặc biệt là tôi vẫn còn yêu vợ yêu con như lúc chúng tôi gặp nhau lần đầu, chẳng còn lo mất điều gì, dù sự sống hay cái chết cũng đều thế, thì đó là giai đoạn đẹp nhất trong cuộc đời tôi.”
 
 
Nói theo truyện đời nhiều kể lể, thì như thế. Nói theo đấng thánh hiền trong Đạo, còn là nói bằng lời khuyên, câu nhắn vẫn có từ ngàn xưa, như sau:
 
 
“Vậy, thưa anh em,
anh em hãy đứng vững
và nắm giữ các truyền thống
chúng tôi đã dạy cho anh em,
bằng lời nói hay bằng thư từ.
Xin chính Chúa chúng ta
là Đức Giêsu Kitô,
và xin Thiên Chúa là Cha chúng ta,
Đấng yêu thương chúng ta
và đã dùng ân sủng mà ban cho chúng ta
niềm an ủi bất diệt và niềm cậy trông tốt đẹp,
xin các Ngài an ủi
và cho tâm hồn anh em được vững mạnh,
để làm và nói tất cả những gì tốt lành.”
(2Thes 2: 15-17)
 
 
Tâm hồn đã vững mạnh, để nói và làm những điều tốt lành rồi, thì: giờ đây hỡi bạn và hỡi tôi, ta cứ hiên ngang về chốn miền có chuyện vui cười nào khác, cốt để diễn tả nỗi sợ đến mất cả niềm vui, là tình yêu bên nhau như vợ chồng nọ trong truyện, từng có tất cả mọi sự trong đời; duy chỉ một thứ họ vẫn còn thiếu, đó là: “tình yêu”, và coi đó như nỗi sợ “lịch sử sẽ lập lại”, như sau:
 
 
“Nhà nọ, có hai vợ chồng, chẳng may bà vợ bị chết sớm, sau khi tang-lễ tiến-hành tại nhà, các người phu-khuân-hòm khiêng quan tài đi về nghĩa trang, ngoài làng. Trên đường đi, họ đã vô tình để quan tài đụng vào bức tường thành ở đầu làng. Sau đó, họ nghe có tiếng kêu rên yếu ớt phát ra từ bên trong quan tài, họ mở nó ra và thấy bà vợ đã sống lại, từ hồi nào.
 
 
Bà vợ nhà, sống thêm được mươi năm nữa rồi cũng qua đời. Tang lễ hôm này lại cũng diễn ra giống lần trước. Và khi đám phu-khuân-hòm chuẩn bị khiêng quan tài, ra khỏi nhà, ông chồng liền khóc thét lên mà bảo đám người này, rằng:
-Coi chừng bức tường làng đó nhe các bạn!....”
 
 
Thế đó, là truyện kể đầy “hư cấu” về nỗi lo và sợ cô vợ sẽ sống lại lần nữa, sau khi chết. Truyện, tuy “hư cấu” cũng chỉ để nói lên nỗi lo và sợ, dù không hẳn là sợ “lịch sử lặp lại” chuyện cũ xưa, cho bằng chỉ hãi một nỗi “sợ” vẫn thấy ở trong đời, là: sợ không còn tình yêu tỏ rõ cho nhau, nên cuộc sống cứ miên man, cũng sợ nhiều. Chí ít là nỗi sợ “thiếu tình yêu” trong đời.
 
Phải chăng đây cũng là chân lý của đời người, ở trong đời?
 
 
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn cứ hỏi
Nhưng chả dám trả lời

Cho mình và cho người.