Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Hỡi anh đi đường cái quan

 

 

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 2 mùa thường niên Năm A 19-01-2013

 

 

 

“Hỡi anh đi đường cái quan,”

 

Dừng chân đứng lại cho em đây than đôi lời...

 

Đi đâu vội mấy anh ơi.”

 

 (Phạm Duy – Trường Ca Con Đường Cái Quan)

 

 

 

(Lc 2: 1-2)

 

 

 

            Đang phom phom trên đường tráng nhựa, dù không phải là đường cái rất quan dân, mà nghe em ới gọi giựt lại để mà than, cũng hơi ngại. Ngại, là vì em gọi lại để than, chứ không phải để kể đôi ba truyện lan man rất cuộc đời.

 

            Câu chuyện đầu, bần đạo muốn bạn và tôi, ta gợi nhớ đôi chút, là chuyện tình của ai đó giống hệt nhạc sĩ họ Trịnh mang tên Công Sơn, gửi người tình Dao Ánh rất như sau:

 

 

 

“Blao, 17/9/1964

 

Buổi chiều thật yên tĩnh. Anh đứng nhìn sự yên tĩnh đó rơi xuống từ một đầu cỏ, một con đường dốc, một nóc nhà rồi một thân anh. Hạnh phúc thật đơn sơ –như một phép lạ thật mầu nhiệm bức thư Ánh đến ngay lúc này ném anh về một đỉnh cao ở đó, anh bàng hoàng nghe loài chim lạ nọ. Anh xúc động như vừa tìm lại được một vẻ kỳ bí nào đã đánh mất.

 

 

 

Anh đốt lên điếu thuốc buổi chiều để ngửi mùi hoa cỏ dấy lên từ những tờ thư. Ôi hạnh phúc của một con người đã đi qua bao nhiêu con đường rộng, đã ướt bao nhiêu lần mưa, đã cúi đầu trên những con đường dốc sương mù. Sương mù. Làm sao anh có thư Ánh để đọc. Thật như một ân huệ của những ngày anh nằm heo hút ở đây mà nghe mình đánh mất dần tất cả.

 

 

 

Mây đã xuống thấp và tối mù trước mặt. Trời ở đây thật bất thường Ánh ạ. Những cơn mưa chiều đột ngột vô cùng. Bao giờ sắp mưa thành phố không còn biên giới. Trời, đất, núi, nhà, cây cỏ như dán liền với nhau. Anh ngồi nhìn và nghĩ mình như đang được nhốt vào chum đen nghịt. Thật buồn đó Ánh....

 

 

 

Anh đã một lần trót phạm tội xin – mặt – trời – ngủ - yên. Ôi người phù thủy đã nói với anh rằng: vĩnh cửu chỉ có trong cái chết (l’éternité est dans la mort) nên từ đó đã xin – mặt – trời – cùng – người vong thân.

 

 

 

Anh cảm ơn Ánh nghìn lần đã yêu thích thiên đàng – sương – mù của anh. Anh sẽ cố gắng yêu thích lấy nó đến bao giờ không thể. Ở đây có cái tự do của con người mỗi ngày chỉ thấy mình và trời đất. Nhưng Ánh có biết rằng thằng mọi trong rừng sâu nó cũng thế, làm sao không thấy mình bị hất hủi, bị đặt bên lề...” (x. Trịnh Công Sơn, Thư Tình Gửi Một Người, Nxb Trẻ 2011, tr. 18-19)

 

 

 

            Chuyện của anh, hôm nay nghe thì vẫn thế. Vẫn nhè nhẹ, sầu buồn mãi khôn nguôi. Nhưng, câu chuyện của ngày hôm nay, bần đạo đây lại vẫn muốn trích dẫn đôi giòng kể giống như thế để bảo rằng: trong giòng đời kiếm tìm và học biết cách sống bình thường cũng không dễ, bần đạo đây lại cứ gặp đôi giòng chảy cũng giống những điều, được tác giả ghi thêm ở bên dưới:

 

 

 

“Anh nghĩ rằng Ánh sẽ không buồn lâu đâu. Tất cả những ưu phiền của Ánh sẽ qua. Cuộc sống của Ánh phải là một cuộc sống bình thường như bao nhiêu người khác đã có, như Diễm, Dung, hay kể thêm Phương Thảo, Diệm My. Và cả xứ Huế đó, quê hương đó mà anh không còn mong quay về.

 

 

 

Anh chưa dám nghĩ rằng Ánh sẽ là một ngoại lệ nên không hồ đồ vui mừng có được một người thấy rõ mình hơn.

 

 

 

Chúng anh không trách ai cả. Tất cả một cuộc sống lì lợm đều đặn với ăn, ngủ, cười, nói, thứ hai, ba, tư, năm, sáu, bảy, đi học, đỗ đạt, làm quan, lấy vợ đẹp, gia đình,... đã làm nhiều ý thức chán mứa, buồn nôn. Nhưng con người đã lỡ bị giam hãm trong vòng đai đó như một đương nhiên nên không thể trách móc gì được. Có điều phải biết nhận lấy sự hèn nhát, sự bất lực của mình. Đó là sự can đảm tối thiểu còn lại cho con người. Vì thế anh ghét nhất điều dối gạt. Dù làm điều xấu cũng phải có can đảm nhận chịu, phải tự trách nhiệm lấy mình; đừng bao giờ phủ nhận hành động do chính mình vì như thế mình đã vô tình phủ nhận chính sự có mặt của mình ở đó...” (x. Trịnh Công Sơn, bđd)

 

 

 

Trích dẫn giòng thư riêng tư ở đây, bần đạo lại muốn trích và dẫn thêm những ý/lời cùng tâm tình của những người trong/ngoài nhà Đạo, có cảm nghĩ hoặc tâm tình buồn vui lẫn lộn. Vui ít, buồn nhiều hoặc vui nhiều buồn không thiếu rất lẫn lộn. Buồn hay vui, vẫn là tâm tình nhè nhẹ hỏi han lan man nhiều. Những thứ và những sự khiến nhiều người lo lắng đôi ba chuyện chẳng có gì mới mẻ.

 

Dù có thế, trước khi đi vào hỏi/đáp có chữ viết, xin bạn và tôi, ta về với giòng nhạc ở trên có thêm trích-đoạn trường ca “Con Đường Cái Quan” vừa được cất lên trong buổi “Hát Cho Nhau Nghe” với chủ đề “Những Nẻo Đường Quê Hương” ở Sydney rất thân thương có lời ca như sau:

 

 

 

“Tôi đi từ ải Nam Quan sau vài ngàn năm lẻ (è e é)

 

Chia đôi một họ trăm con đã lên đường...

 

Năm mươi người ngược núi rừng đã dựng vòng biên ải (i i í)

 

Năm mươi người trẩy theo sông tới khơi chừng...”

 

(Phạm Duy – bđd)

 

 

 

Hát mấy câu ê a như thế rồi, nay bần đạo xin mời bạn/mời tôi, ta đi vào vấn đề của người hỏi có những ưu tư/trăn trở, lại hỏi rằng:

 

 

 

“Thưa cha,

 

Con gái của con vừa đi học về đã lon ton chạy đến hỏi như một “phát giác kinh khủng” rằng: cô giáo của cháu bảo rằng: Chúa của Đạo mình, đúng ra đã sinh vào mấy năm trước Công nguyên, tức: Chúa sinh ra trước cả Đức Kitô nữa. Theo con nghĩ: Đạo mình lập niên-lịch tính từ năm sinh của Chúa là năm thứ nhất của Dương lịch. Nói thế có đúng không? con cũng không biết. Con xin Cha cho một lời giải thích để bọn con nay còn biết mà nói chuyện với người khác. Cảm ơn Cha. (Câu hỏi, nay là của một người, hình như là phụ nữ).

 

 

 

Nữ hay nam/nam hay nữ, một khi đã hỏi là có thắc mắc đôi điều còn để trong đầu, dù liên quan hay không đến chuyện Đạo/đời, cũng đâu biết. Chỉ biết rằng, đó là chuyện mà khi ai đó có thắc mắc là có quyền hỏi han. Hỏi ai cũng được, thậm chí có hỏi đấng bậc nhà Đạo chuyên nắm rõ nhiều chân-lý về đạo như Đức thày giòng họ Flader ở Sydney, cũng tốt thôi. Bởi, Đức thày đây không chỉ phán mà thôi, nhưng đặc biệt hôm nay, Đức thày còn muốn giải toả đôi điều thắc mắc về niên lịch lẫn niên biểu ngày sinh của Chúa tính toán kỹ như sau:  

 

 

 

“Thật ra thì, bậc thày dạy dỗ con gái của anh/chị rất có lý khi bảo rằng: niên-lịch mà ta vẫn dùng có đôi điều vẫn không đúng. Hôm nay, tôi xin mạn phép có ít phút để giải thích một lần cho xong.

 

 

 

Thánh Luca có nói rất rõ: Khi Quirinius làm tổng trấn xứ Syria thì khi ấy Hoàng đế Augustus đã ra chỉ thị lập kiểm tra dân số trên toàn cõi đế quốc của ông và chính vì lệnh kiểm tra này đã khiến Đức Maria và thánh cả Giuse phải hành-trình đi Bét-lê-hem để rồi sinh-hạ Đức Kitô ở nơi đó. (Lc 2: 1-2)  

 

 

 

Ngoài ra, Đức Giáo Hoàng Bênêđíchtô 16 cũng có viết trong cuốn sách của ngài có tựa đề là “Đức Giêsu thành Nazarét – Truyện kể về một thời thơ ấu” có đề cập đến chuyện ngày tháng kiểm tra dân số, và Đức Giáo Hoàng cũng đưa ra một lời bình luận khá thú vị về mối tương-quan giữa Augustus và Đức Kitô. Đức Giáo Hoàng lại cũng viết: Priênê có ghi rõ: từ năm thứ 9 trước Công nguyên, ngày sinh của Hoàng đế đã tạo cho đế quốc này một bản-sắc mới về sự-thể là mọi việc sẽ đi vào đổ vỡ nếu không có sự kiện tỏa sáng nơi ông, đó là: Đấng Quan Phòng vừa hạ sinh và Hoàng-đế dạy là mọi sự đầy tràn nơi Đấng Quan Phòng bằng đặc trưng do Ngài mang tính người và Ngài được sai đến làm Đấng Cứu Độ cho ta và con cháu của ta... Khi Đấng Quan Phòng sinh hạ là đã khởi đầu sắp xếp thật tốt đẹp mà Ngài từng đem đến cho nhân-loại. Và, cũng do từ sự hạ sinh này, nhận thức mới về thời-gian cũng đã bắt đầu như thế.” (sđd tr. 59)

 

 

 

Thật ra, cũng chẳng mấy khó khăn để ta có thể nhận ra chuyện nói về vị hoàng-đế La Mã càng dễ áp-dụng một cách xứng-hợp vào Đức Giêsu. Nói cho đúng, thì chính Đức Kitô (chứ không phải Augustus) mới là Đấng ban cho nhân-loại một ân-huệ mới là được đầy tràn nhân-đức mà con người đáng được hưởng. Đó là có được Đấng Cứu Độ sinh ra khởi đầu cho một nền trật tự tốt đẹp, nhờ đó dấy lên nhận-thức mới về thời-gian như từng xảy ra trên thực-tế. Lại nữa, vào năm 27 trước Công nguyên, tức 3 năm sau ngày Augustus trở thành Hoàng-đế, nghị-viện La Mã đã thưởng công cho ông danh-hiệu Augustus có nghĩa là “người xứng đáng được lạy thờ”, tức một danh-xưng thích hợp với Đức Kitô hơn với con người thường vì chính Ngài là Người Con của Thiên Chúa.

 

 

 

Về tháng ngày xảy ra cuộc tổng kiểm tra dân số, Đức Bênêđíchtô 16 có lời bình-luận rằng: “Vì ngày ấy xảy đến vào triều đại vua Hêrôđê Cả chết vào năm thứ 4 trước Công nguyên, thì ít ra ngày Chúa giáng sinh cũng xảy đến vào cùng năm đó hoặc trước nữa. Thêm vào đó, do bởi Hêrôđê ra lệnh giết chết mọi con trẻ dưới 2 tuổi (xem Mt 2: 16), thì lẽ đáng ra, Đức Kitô phải sinh ra khá sớm tức vào năm thứ 6 hoặc thứ 5 trước Công nguyên.”

 

 

 

Đức Bênêđíchtô 16 lại cũng nói: có nhiều tranh/cãi biện luận về niên-biểu đích-xác của cuộc tổng kiểm tra này. Theo sử gia Flavius Josephus thì: sự kiện này xảy đến vào năm thứ 6 trước Công nguyên vào triều-đại của tổng trấn Quirinius. Sử gia Josephus còn nói: Quirinius chỉ họat động chính tại Syria và Giuđêa kể từ năm ấy trở đi thôi; và, điều này không có gì chắc cho lắm. Dù sao thì Quirinius cũng là người phục-vụ Hoàng-đế tại Syria trước sau niên biểu thứ 9 trước Công nguyên. Một số học-giả khác lại cho rằng cuộc tổng kiểm tra này là một sự-kiện xảy đến làm 2 đợt và kéo dài suốt nhiều năm. Đó là lý-do khiến ta có nhiều lối giải-thích rất khác biệt. Quả là: thánh Luca nói rất đúng: đây là lần đăng ký dân số đầu tiên thuộc lọai này. (x. Lc 2: 2)

 

 

 

Lại cũng có chủ-trương cho rằng năm sinh của Chúa đúng ra phải bắt đầu vào lúc có “vì sao lạ” dẫn đường cho 3 nhà đạo-sĩ đến Giêrusalem rồi đi Bét-lê-hem thăm viếng Chúa Hài Đồng (x. Mt 2: 1-2). Một số tác-giả như thánh Chrysostôm (x. Bài giảng Tin Mừng đọan VI câu 2) lại khẳng-định: “vì sao lạ” không có nghĩa là trăng sao tinh tú ta thấy được bằng mắt thịt, mà là luồng ánh sáng đặc trưng soi dọi tâm hồn các nhà đạo sĩ hoặc ai khác. Có nhiều vị thức-giả lại cố kiếm tìm niên-biểu nào đó có hiện-tượng rực sáng trên bầu trời, vào thời đó, khả dĩ lôi kéo các hiền-nhân. Đặc biệt là tác-giả Johannes Kepler (mất vào năm 1630) đã tính toán kỹ và cho biết rằng: vào năm thứ 7 hoặc 6 trước Công nguyên, khi ấy có sự đụng độ hoặc nối kết sao đó giữa các hành-tinh như: Mộc Tinh, Thổ tinh và Hỏa tinh có thể đã dẫn dắt các chiêm-tinh-gia lập hành-trình đi Bét-lê-hem để xem. Đại lọai là như vậy. Và, chừng như ở Trung Hoa lúc đó cũng có chỉ-dẫn cho biết có “sao lạ” xuất-hiện vào năm thứ tư trước Công-nguyên và nhiều người đã thấy “sao lạ” ấy suốt một thời-gian dài. Nói tóm lại, vẫn có điều gì đó không chắc lắm dù một số các học-giả đã định ra năm sinh của Chúa vào niên-biểu từ năm thứ 6 đến năm thứ tư trước Công nguyên. Có vị khác lại cho rằng: có thể là từ năm thứ 7 đến năm thứ 2, trước Công-nguyên cũng không chừng.

 

 

 

Vấn đề còn lại khiến nhiều người còn hỏi, là: niên-lịch cổ-đại như thế thì làm sao có thể sai sót được? Từ đó, lại có thêm vấn nạn hỏi rằng: khi nào thì tòan thể thế giới bắt đầu sử dụng niên-lịch sai lầm này? Để trả lời, có tu sĩ thuộc Dòng Khắc kỷ tên là Dionysius Exiguus (mất vào năm 550 Dương-lịch) là người từng đề-nghị ra năm sinh của Chúa dựa vào niên-lịch thì như thế. Vào năm này, chính ông là người từng khẳng-định rằng: Chúa Cứu Thế chào đời ngày 25 tháng Chạp năm thứ nhất rất Công nguyên. Dĩ nhiên, ông có thể sai sót đôi điều về năm tháng nhất thứ là khi đã hơn 500 năm qua, kể từ ngày Chúa Giáng hạ.

 

 

 

Đây là sử-liệu khá thú vị và như thế có lẽ ta cũng không thể biết rõ năm tháng ngày giờ Chúa hạ sinh được. Điều quan trọng hơn cả, là: ta hãy cứ mừng kính lễ hội Chúa Giáng trần với niềm hoan lạc và long trọng của ngày lễ.” (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 22/12/2013, tr. 10)

 

 

 

Trần tình về năm tháng ngày giờ Chúa Giáng hạ làm người thì như thế. Dĩ nhiên, ta không thể nói cho đúng và cho hết những gì liên quan đến niên hiệu cổ đại được. Bởi, ngay đến thánh-sử Luca cũng chỉ ghi và chép sách Công vụ lẫn Tin Mừng chỉ vào thập niên 60 hay 70 sau ngày Chúa hạ sinh, mà thôi. Và, thánh-nhân có ghi và chép Tin Mừng cứu độ của Đức-Chúa-làm-người, thì thánh-nhân lại cũng dựa phần lớn vào văn bản có từ trước của thánh Mác-cô, thôi. Mà, thánh Mác-cô lại chỉ viết về đời họat-động của Chúa lúc trưởng thành, thôi. Thành thử, Tin Mừng Chúa Kitô lịch-sử là Tin Mừng về chính sự Mừng Mừng Vui đích-thực bằng xương bằng thịt, cho mọi người

 

Tin Mừng Chúa loan đi, là Tin rất Vui Mừng về sự thể Chúa xuống thế làm người để cứu-chuộc trần-gian, đưa con người về với Tình Thương Yêu giữa Chúa Cha và triều thần thánh Nước Trời, cho con người như thánh-sử Gioan từng viết:

 

 

 

“Từ ban đầu đã có Ngôi Lời.”

 

(Ga 1: 1)

 

 

 

Ngôi Lời đã đi vào đời để làm người, là Ngài tự mình chấp-nhận cuộc sống của con người, như người đời. Nếu dùng ảnh-hình lời lẽ của người Việt mình, thì Ngôi Lời cũng sẽ ngang qua nhiều chốn vùng có trăng sao sông nước như được hát:  

 

 

 

“Hỡi ai đi kiếm hạnh phúc trên đời,

 

Mà chưa tìm thấy yên vui.

 

Lặng nghe tôi gởi (ó) mấy lời gió trăng...

 

Ca rằng...khoan hỡi hò khoan,

 

Yêu đời sóng gió lầm than,

 

Trên giòng sông mênh mang...

 

Riêng mình ta thênh thang.”

 

(Phạm Duy – Tiếng hát trên sông Lô)                      

 

 

 

Cũng hệt thế, hôm nay đây, Chúa vẫn đi vào giòng đời có lòng người. Và, giòng đời hôm nay, người người không chỉ ưu tư về tính chính-xác của năm tháng ngày giờ có chữ “N” như năm nào. Nhưng, đi vào giòng đời, Ngài đã thổ lộ với dân gian người đời về những thứ, những chuyện mà người đời, nhiều lúc, vì húy-kỵ chẳng dám nghĩ tới. Chúa đi và đến với con người bằng nhiều kiểu cách. Những kiểu và những cách được nhiều đấng bậc vị vọng trong Đạo diễn-tả bằng ngôn-từ rất thời thượng, để người nghe sẽ cảm kích.

 

Thông thường thì, các đấng bậc vị vọng vẫn dùng nhiều truyện kể để giải thích về nhiệm tích nhập-thể bằng ngôn ngữ tươi vui, dễ nhớ. Nhưng có điều là người nghe vẫn chỉ nhớ mỗi câu truyện kể chứ không hiểu và không nhớ các chi tiết mà linh mục muốn nhét vào đầu người nghe, là giáo dân. Chí ít, là thần học khô cứng về nhập thế và nhập thể, rất khó hiểu.

 

Hôm nay đây, bần đạo cũng xin tóm lược câu chuyện kể về Chúa nhập thể làm người phàm bằng một chuyện vui để nhớ, nhưng không phải để áp-dụng vào cuộc sống.

 

 

 

Truyện rằng:

 

 

 

Đôi vợ chồng mù trong thôn bà ngoại tôi năm nay đã sắp sửa tám mươi tuổi, đã có một đàn con cháu. Nghe bà ngoại tôi kể lại, khi cưới nhau, chồng ngồi xe bò đi đón vợ. Tuy cô dâu chú rể đều không nhìn thấy màu sắc, song chú rể vẫn sai người cuốn đầy lụa điều lên xe bò và đầu bò. Đón cô dâu về nhà, chú rể dắt tay vợ rà mò từ nhà trên xuống nhà bếp, rà mò khắp lượt các ngóc ngách trong gia đình. Việc khó hơn cả là múc nước ở cạnh giếng, lần nào cũng thế, hai người dắt nhau đi, vợ sờ thấy cây gỗ ở cạnh giếng, một tay ôm chặt cây, còn tay kia níu chặt bàn tay chồng. Chồng quỳ trên sàn giếng thả gầu xuống múc, kéo nước lên. Trong thôn có người ra giúp, hai người thường từ chối, họ bảo: "Các ông bà giúp được chúng tôi một giờ, không giúp được chúng tôi một đời".

 

 

 

Cứ như thế, hai vợ chồng luôn luôn tay dắt tay nhau gánh nước cho đến khi đứa con đầu lòng có thể gánh nổi một gánh nước. Dân làng cảm thấy lạ lùng, đã có mười mấy trai gái trẻ trong thôn đã từng vì đất trơn, trượt chân ngã xuống giếng, nhưng hai vợ chồng mù chưa bao giờ bị như vậy. Càng lạ lùng hơn là chuyện, mặc dù có đông người đang cùng nhau nói chuyện hỉ hỉ hả hả, hai người mù vẫn có thễ nhờ vào tiếng hít thở dài dài mà tìm ra nhau.

 

 

 

Bởi không nhìn thấy, dù mưa dù gió, người ta thường trông thấy hình ảnh hai người dắt tay nhau. Dù làm việc gì, họ cũng tay trong tay. Tay trong tay, hình tượng để nhiều nhà văn viết đi viết lại ấy, đã xuất hiện suốt nửa thế kỷ ở cái thôn nhỏ bé chẳng ai biết đến này.

 

 

 

Ông chồng là tay thổi kèn trong ban nhạc ở thôn quê, thường đến các đám cưới của người khác thổi những bài: "trăm con chim phượng hoàng", "niềm vui đầy nhà" ... mặc dù đi thổi kèn ở đâu, ông cũng chỉ có một yêu cầu, cho người vợ mù cùng đi. Để vợ ở nhà một mình, ông không yên tâm thổi kèn. Khi chồng thổi kèn, vợ ngồi bên chồng lặng lẽ nghe, dường như những điệu nhạc vui nhộn này đều là ông thổi cho bà. Trên khuôn mặt người vợ mù thường hay đỏ ửng lên, khiến ai nấy cũng cảm thấy người đàn bà mù đang ngồi lặng lẽ kia xinh đẹp biết chừng nào.

 

 

 

Về sau này, hai vợ chồng đều đã già, không bao giờ đi ra ngoài nữa, chỉ quanh quẩn trồng nhiều hoa trong sân to nhà mình, tất cả đều là những giống hoa tươi rực rỡ, đến kỳ hoa nở, cả sân đỏ rực.

 

 

 

Một lần, ông sơ ý bị ngã què chân. Trong những ngày ông nằm bệnh viện, ba bốn ngày liền bà không ăn một hột cơm vào bụng, bà bảo, không sờ thấy bàn tay quen thuộc kia, bà chẳng còn lòng dạ nào mà ăn nữa.

 

 

 

Con cái sáng mắt cũng từng hỏi đùa bố mẹ:

 

-Nếu trời giành cho bố mẹ một cơ hội, liệu bố mẹ có định dùng mắt nhìn nhau không?

 

Bà mẹ mù trả lời:

 

-Các con nhìn người bằng mắt, bố mẹ nhìn người bằng trái tim, tim sáng hơn mắt, thật.

 

Ông bố mù thì bảo:

 

-Dắt tay nhau một đời, có bao nhiêu đường vân trong lòng bàn tay mẹ con đều đã in trong trái tim bố. Bố chưa bao giờ trông thấy một người đẹp nhất, trong trái tim bố thì mẹ con là người đẹp hơn cả. Cần mắt để làm gì, mắt là thứ tham lam nhất trên trần đời, nhìn cái gì cũng chia ra tốt hay xấu, xinh hay không xinh, nhìn cái gì muốn có cái đó, trên mặt người ta có một cái sẹo cũng có thể để trong tim suốt đời.

 

 

 

Cũng có người nêu ra ví dụ, nếu vợ mù trông thấy mặt chồng bị phỏng sẽ có cảm tưởng thế nào. Lại có người đặt giả thuyết, nếu chồng nhìn thấy hai tròng mắt vợ lõm hẳn xuống, liệu có hối hận lời mình nói không? Bởi vì chúng ta có mắt, cho nên khi chúng ta nhìn người, chỉ dựa vào cảm giác của mắt mà quên dùng trái tim. Đúng như người vợ mù đã nói, con mắt của trái tim mới là sáng nhất, thật nhất.” (Truyện kể trích dẫn từ trang mạng, nhiều vô kể)

 

 

 

Kể truyện vợ chồng mù như thế, cũng chỉ để nói thêm đôi lời bàn của người kể bảo rằng: Có những điều được kể về ngày tháng năm sinh của Chúa hoặc về Ơn cứu độ nhập thể, ta chỉ hiểu được bằng con tim, chứ không thể bằng trí óc. Kể về sự kiện Chúa nhập thể đã là khó, nói chi đến chuyện chép ghi năm tháng rõ ràng như lịch-sử, ở ngoài đời.

 

Bởi thế nên, hôm nay bần đạo đề nghị bạn/đề nghị tôi, ta hát thêm đọan kế tiếp trong bản trường ca “Con Đường Cái Quan” của nhạc sĩ họ Phạm làm đọan kết:

 

 

 

Hò hô hò hò ơi hò.

 

Ai đi trên đường là dặm đường,

 

đi mô mà vội vã (à), cùng là hò khoan

 

Hố hô hò (ơ) khoan.   

 

Hò hố hò hòi ơi hò,

 

Khoan, khoan tôi mời là mời bạn

 

Vui là họp đoàn đêm nay chừ là (a) nay

 

Hố hô hò (o) khoan.”

 

(Phạm Duy – bđd)

 

 

 

Vậy, cứ hò hụ rồi hò khoan cho nhiều rồi cứ thế, ta kết thúc câu chuyện Ngày Chúa Giáng Hạ, bằng lời ca cứ hát tiếp:

 

 

 

“Tới đây, lạ xứ quen người,

 

Trăm bề nhũn nhặn đừng cười tôi nghe.

 

Ví dầu tình bén duyên thề,

 

Thì xin kết bạn đền nghì trúc mai...”