Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian
SUY NIỆM LỜI CHÚA - CHÚA NHẬT 2 THƯỜNG NIÊN
Đây Chiên Thiên Chúa, Đấng xoá tội trần gian
Ga 1, 29-34
Chúng ta đang ở trong tuần lễ khai mạc cho sứ vụ rao giảng Tin mừng của Chúa Giêsu. Đây được xem là tuần lễ đầu tiên của cuộc tạo thành mới so với tuần lễ của cuộc tạo thành cũ. Theo sự phân chia đó, Tin mừng hôm nay nằm trong bối cảnh của ngày thứ hai nói đến lời chứng của Gioan Tẩy Giả về Chúa Giêsu.
Những gì Gioan làm chứng về Chúa Giêsu hôm nay đều xuất phát bởi quá trình trước đó ông đã miệt mài loan báo, ông đã không ngừng kêu gọi dân chúng hoán cải trở về, dọn đường sửa lối tâm hồn cho ngay thẳng,… để đón chờ ngày Chúa đến viếng thăm. Và nhất là, ông đã cảm nghiệm rất rõ về Chúa Giêsu- Đấng đang “tiến về phía ông”, qua biến cố Người chịu phép rửa tại sông Giođan.
Biến cố nơi dòng sông Giođan và những dấu lạ kèm theo đã giúp cho Gioan Tẩy giả có tầm nhìn thật minh xác về Chúa Giêsu. Chúa Kytô chính là Chiên Thiên Chúa. Người đến để xoá bỏ tội trần gian. Nhắc đến chiên, người Dothái không ai không nhớ đến chiên lễ Vượt qua, ngày mà Giavê Thiên Chúa dẫn đưa dân Người ra khỏi cảnh nô lệ bên Aicập. Như thế, khi nói Chúa Kytô là Chiên Thiên Chúa, Gioan muốn giới thiệu với các môn đệ và dân chúng của mình rằng chính Người là Chiên lễ Vượt qua mới. Có lẽ vì thế mà trong tác phẩm của mình, thánh sử Gioan đã liên kết Chúa Giêsu với chiên lễ Vượt qua khi cho việc tổng trấn Philatô xử Chúa Giêsu vào giờ áp lễ vượt qua, khoảng 12 giờ- đây cũng là giờ các vị tư tế sát tế chiên để dâng lên Giavê Thiên Chúa (x. Ga 19, 14); hay việc nhúng giấm chua vào nhành hương thảo để đưa lên cho Chúa Giêsu bị treo trên thập giá cũng giống như người Dothái dùng nhành hương thảo nhúng vào máu chiên để bôi lên khung cửa trong đêm vượt qua để được giải thoát (x Ga 19,29; Xh 12, 22-23); rồi việc Chúa Giêsu không bị đánh gẫy xương chân cách nào đó cũng liên hệ đến những quy định về chiên lễ vượt qua của người Dothái không được đập gẫy chiên sát tế (x. Ga 19, 33; Xh 12, 46).
Như thế, khi tuyên xưng Chúa Kytô chính là Chiên Thiên Chúa, là Đấng xoá tội trần gian, Gioan Tẩy giả vô hình trung, đã tiên báo cái chết mà Chúa Giêsu phải chịu sau này để giao hoà thế gian với Thiên Chúa. Vâng, chính nhờ cái chết của Chúa Kytô mà con người được giải thoát khỏi gông cùm tội lỗi, được thoát khỏi ách thống trị của tử thần.
Biến cố xảy ra nơi dòng sông Giođan còn giúp cho Gioan Tẩy giả nhận ra chân lý này: Chiên Thiên Chúa chính là Thiên Chúa và cũng là Con Thiên Chúa. Lời chứng này của Gioan không chỉ phù hợp với những gì xảy ra trong ngày Chúa Giêsu chịu phép rửa, mà còn dẫn đưa chúng ta vào một mạc khải quan trọng bậc nhất của Kytô giáo - mạc khải về mầu nhiệm Chúa Ba Ngôi. Thật vậy, ngày Ngôi Hai Thiên Chúa bước xuống dòng sông Giođan cũng chính là lúc Chúa Thánh Thần dưới hình chim bồ câu ngự xuống trên Người và tiếng Chúa Cha tuyên bố : “Đây là Con yêu dấu của Ta, Ta hài lòng về Người” (Mt 3, 17).
Mỗi khi tham dự thánh lễ là mỗi lần chúng ta chiêm ngắm Chúa Kytô Thánh Thể trên đôi tay của vị tư tế để cùng ngài tuyên xưng : “Đây Chiên Thiên Chúa, đây Đấng xoá tội trần gian, phúc cho ai được mời đến dự tiệc Chiên Thiên Chúa”. Như Gioan Tẩy giả xưa, xin Chúa cho mỗi người chúng ta không ngừng tuyên xưng niềm tin của mình vào Chiên Thiên Chúa và hăng say ra đi loan báo cho thế giới này biết đến Đấng cứu độ duy nhất là Đức Giêsu Kytô, Con Thiên Chúa hằng sống.
Lm Joseph Phạm Ngọc Ngôn,Csjb