Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân
“Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,”
“Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.”
(Phạm Duy – Kỷ Vật Cho Em)
(Ga 9: 3)
Kể ra thì cũng lạ. Lạ, ở chỗ: có mỗi “viên đạn đồng” làm kỷ vật, mà sao người cứ hát đi rồi thì hát lại mãi một câu “em hỏi anh, em hỏi anh, bao giờ trở lại”! Hỏi rồi, người lại “xin trả lời, xin trả lời…mai mốt anh về!”. “Mai mốt anh về”, phải chăng là lời hứa sẽ về để sống “bên người yêu, tật nguyền chai đá”? “Ngại ngùng tật nguyền chai đá”, hay ngại ngùng vì anh mang về viên đạn đồng đen, làm kỷ niệm?
Tuy nhiên, đôi lúc “trở về …sống bên người yêu tật nguyền chai đá”, không như ước mở được diễn tả bằng câu ca nghe ở bên dưới:
“Anh trở về nhìn nhau xa lạ.
Anh trở về dang dở đời em
Ta nhìn nhau ánh mắt chưa quen
Cố quên đi một lần trăn trối... Em ơi!
(Phạm Duy – bđd)
Rất nhiều lần, bần đạo được bạn bè chuyển cho đọc những đoạn thư gồm các câu hỏi về câu hỏi về nỗi cuộc đời mà người người ở đời thường gặp phải. Như câu hỏi gửi bần đạo nhờ giải đáp hoặc chuyển cho ai có thẩm quyền để giúp đỡ, rất như sau:
“Tôi có ông cậu bên họ mẹ vừa ly dị bà vợ về quê kiếm người khác trẻ trung hơn để sống nốt cõi đời còn lại. Điều đáng nói, là: kể từ ngày đó ông cậu tôi gặp toàn chuyện rắc rối đến độ cứ nghĩ quẩn hỏi rằng phải chăng Chúa phạt ông về những sai quấy ông đã làm. Vậy, xin hỏi bác vốn là người có kinh nghiệm viết lách về chuyện đạo, là: Chúa lòng lành vô cùng, Ngài có xử phạt con người giống thế không? Xin Bác cho biết để bọn này còn giữ vững lòng tin vào Chúa.” (Một độc giả trung thành luôn đọc báo)
Độc giả trung thành? Vâng. Có thể là như thế. Nhưng điều quan trọng ở đây, không phải là chuyện này. Mà là chuyện: con dân nhà Đạo nghĩ sao về thắc mắc tương tự? Và nhiều câu khác cắc cớ cũng không kém?
Là tay viết chỉ biết phiếm loạn chuyện cà kê bên lề nền thần học, mà buộc phải trả lời câu hỏi này, thì cũng ngại. Ngại lắm lắm, là bởi: nghĩ mình làm gì có đủ tư cách để trả lời lẫn trả cả vốn. Nên chi, hãy cứ bán cái cho đấng bậc vị vọng, là hay nhất.
Vậy thì, xin mời bạn mời cả tôi, ta nghe lời huấn giáo của đấng bậc rất thân quen là đức ngài linh mục John Flader chuyên trách mục giải đáp thắc mắc ở trên tờ tuần báo Công giáo ở Sydney, như sau:
“Đây là một trong những thắc mắc được rất nhiều người viết thư về toà soạn để hỏi. Xin nói ngay ở đây rằng: chắc chắn không thể nào có câu trả lời cho thoả đáng cho từng “nố” được. Dầu sao, thì ta cũng có thể tìm ra được một vài chỉ dẫn trong Thánh Kinh khả dĩ giúp ta đi thẳng vào vấn đề mà trả lời một cách chung chung, cũng được.
Chẳng hạn như sách Lêvi có đoạn Yavê Thiên Chúa nói với dân Người rằng Ngài sẽ tưởng thưởng cho những ai tuân thủ luật Ngài ban ra. Nhưng, Ngài cũng trừng phạt họ nếu bất tuân.(x. Ds 26: 1-45) Xem như thế, ta thấy rằng, đặc biệt trong Cựu Ước, nhiều lúc Đức Chúa cũng luận phạt con dân Ngài vì tội bễ trễ, không tuân lệnh.
Ngài làm thế, với toàn dân như một tổng thể. Lại có ví dụ khác cho thấy khi ấy dân Israel lưu lạc nơi sa mạc sau khi được đưa thoát khỏi chốn nô lệ đoạ đày xứ Ai Cập, thì tổ phụ Môsê sai phái một số chức sắc đi xem xét Đất Chúa hứa ở Canaan có nên vào đó hay không.
Trên đường về, Jôshua và Caleb bèn báo cáo là các ông có thể dùng đất hứa đó làm cơ nghiệp; nhưng những người đồng hành với hai ông đều phản đối không chịu theo vào đất ấy do bởi chiều kích của phần đất và quyền uy của dân làng ở nơi đó. Vì thế nên, chúng dân người Do thái lại khóc lóc vãn than suốt đêm trường.
Yavê Thiên Chúa bèn phán với Môsê và Aaron rằng: Ngài sẽ trừng phạt dân con cứng đầu này bằng cách để họ lưu lại nơi sa mạc đến 40 năm; và thanh niên trai tráng nào tuổi đời trên hai mươi vẫn thầm trách Ngài sẽ chết bất đắc kỳ tử trên đoạn đường lưu lạc, ở cõi đày, rằng: “Ta Yavê, Ta đã phán ! Ta lại sẽ không xử như thế sao với tất cả cộng đồng xấu xa này, những kẻ đã đoàn tụ với nhau chống lại Ta? Trong sa mạc này chúng sẽ biến dần tận tuyệt; chúng sẽ chết ở đó.” (Ds 14: 35-38)
Cùng lúc đó, Yavê Thiên Chúa còn xử phạt cá nhân hai tổ phụ là Môsê và Aaron vì thiếu niềm tin. Khi dân Israel than phiền về chuyện thiếu nước uống ở Mêribah, thì Môsê và Aaron lại dám bào chữa khấn với Chúa, được Chúa chỉ cách dùng gậy chống mà gõ vào vách đá, tức thì nước uống chảy ra từ nơi đó. Ông gõ gậy vào đó những hai lần, lập tức nước vỡ ào như suối chảy. Nhưng Chúa lại bảo với Môsê và Aaron: “Bởi vì các ngươi đã không tin vào Ta để làm Ta được hiển thánh nơi cái Israel, cho nên các ngươi sẽ không đem đoàn hội này vào Đất ta định ban cho chúng.” (Ds 20: 12). Không lâu sau đó, Aaron chết tức tưởi và cả Môsê cũng chết theo trước khi dân con Israelbước vào đất Chúa hứa qua sự dẫn dắt của Jôshua. (x. Ds 20: 28; DNL 34: 1-6)
Trong số các khuôn mặt khác nói ở Cựu Ước từng khôn khổ về tội lỗi của mình, còn thấy có Giacob là người từng lừa gạt cha mình là Isaac bằng cách giả làm người em Esau, nên chịu hậu quả cảnh xa cách khốn khổ vì mất con trai mình là, Giuse khi ông bị các người anh của mình bán qua Ai Cập, làm nô lệ. (x. Kn 27: 1-40; 37: 12-36)
Một hình phạt lớn lao khác đến với toàn thể con dân Do thái là vào thời tiên tri Giêrêmia, khi ấy Yavê Thiên Chúa phá hủy đất đai và sai dân Ngài chọn đến vùng đấy Giuđa và Giêrusalem dưới trướng Babylôn suốt 70 trường vì tội dám thờ ngẫu thần. (Gê 25: 11)
Dù có nhiều trường hợp cho thấy Thiên Chúa từng xử phạt con dân Ngài và một số người vì tội lỗi của họ, chính Đức Giêsu cũng cho ta biết rằng mọi khổ đau không nhất thiết là hậu quả của tội lỗi đặc biệt. Khi các môn đồ hỏi Ngài về trường hợp người mù từ thuở bình sinh, hai làm người làm nên tội, thì Ngài phán: “Chẳng phải tội nó hay cha mẹ nó phạm song để nơi nó, công việc Thiên Chúa được hiện tỏ.” (Ga 9: 3)
Thành thử, ta cũng chẳng bao giờ nên bảo rằng các đại hoạ xảy đến với con người là hậu quả Chúa phạt do tội lỗi mà con người mắc phải, bởi Chúa chẳng khi nào lại hiện thực chuyện phúc/hoạ theo đường lối như thế.
Cũng vậy, không thể kết luận rằng vì ta không trải nghiệm một khổ đau nào, là do Chúa hài lòng với cuộc sống của ta. Chúa không xử phạt cũng chẳng tưởng thưởng hành xử của ta, ngay tức thì, dù việc ấy lành hay dữ. Cùng lúc ấy, ta hẳn biết mình sẽ phải chịu đựng hình phạt tạm bợ là do lỗi phạm ta mắc phải, dù đó là tội trọng hay nhẹ. Giả như ta không bị xử phạt theo hình thức này hay kiểu khác, thì vẫn có thể làm chuyện ấy ở nơi nào, cung cách nào đó, mà Giáo hội gọi là chốn luyện hình.
Theo tinh thần đó, ta hiểu rằng Thiên Chúa là Đấng Lòng lành vô cùng Ngài cũng bị đánh động do tình yêu và lòng xót thương của Ngài, đôi lúc cũng gửi để cho ta chịu một vài cảnh ốm đau hoặc rủi ro/bất hạnh nào đó trong đời mình để rồi đỡ phải chịu cảnh ấy ở chốn luyện hình.
Và khi ta thấy được tình thương yêu của Đức Chúa ngang qua nỗi niềm khổ đau/cực hình trong đời, thì đó cũng là dịp để ta cảm thông với nỗi niềm thương khó mà Con Chúa phải chịu ngang qua thập giá, như thánh Phaolô từng nhận định trong thư riêng của thánh nhân gửi bà con đồng Đạo ở Do thái rằng: “Vì Chúa thương ai, Người mới sửa dạy, con nào người nhận, Người mới ra đòn.”(Dt 12: 6) (x. Lm John Flader, Question Time, The Catholic Weekly 25/09/2011 tr. 12)
Mượn lời và tiếng của đấng bậc vị vọng để cà kê một lời kể, chỉ để nói rằng: thời xưa người người thường nghĩ thế. Chứ ở thời nay, ai mà chú trọng đến cái-gọi-là hình phạt dính dự vào với tai ương, tật bệnh hoặc thân phận miệt mài, nhiều khổ ải đâu.
Thời buổi này, dù nghệ sĩ có vị vẫn viết và hát lời bi ai, khổ ải về kỷ vật “đồng đen viên đạn”, cũng là hát những lời âu sầu rầu rĩ rất lê thê rằng:
“Em hỏi anh. Em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Anh trở lại với kỷ vật viên đạn đồng đen
Em sang sông anh cho làm kỷ niệm
Anh trở về anh trở về trên đôi nạng gỗ
Anh trở về, anh trở về bại tướng cụt chân.
Em ngại ngùng dạo phố mùa Xuân,
Bên nguời yêu tật nguyền chai đá.”
(Phạm Duy – bđd)
Nhưng trước đó, người nghệ sĩ lại vẫn ca:
“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở lại có thể bằng chiến thắng Pleime,
Hay Đức Cơ, Đồng Xoài, Bình Giã,
Anh trở về anh trở về hàng cây nghiêng ngả
Anh trở về, có khi là hòm gỗ cài hoa,
Anh trở về trên chiếc băng ca
Trên trực thăng sơn màu tang trắng.”
(Phạm Duy – bđd)
Hát cho nhiều, cũng chỉ để diễn tả hậu quả của chiến tranh, tranh giành một ý thức hệ:
“Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời xin trả lời mai mốt anh về.
Anh trở về chiều hoang trốn nắng
Poncho buồn liệm kín hồn anh
Anh trở về bờ tóc em xanh
Chít khăn sô lên đầu vội vã.. Em ơi!”
Em hỏi anh, em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về
Em hỏi anh em hỏi anh bao giờ trở lại
Xin trả lời, xin trả lời mai mốt anh về.....”
(Phạm Duy – bđd)
Về đây hay về nơi đâu, cũng vẫn là về. Về chốn đọa đày mà Hội thánh xưa/nay gọi là “chốn luyện hình” ở đâu đó. Có thể là, ở ngay đây, chốn đời tạm hay đời thường, vẫn cứ là về. Về với con người chưa từng canh tân đời sống, nên vẫn sầu buồn, khổ đau, ai oán. Chỉ khi nào, bạn và tôi, ta về với tình thương dân dã chốn miền nhiều niềm vui, thì khi ấy sẽ không còn người ca sĩ chuyên hát lời hỏi han về sự trở về mang theo một kỷ vật. Kỷ vật ấy, chắc sẽ không còn là viên đạn đồng đen hay đồng đỏ, nhưng sẽ là kỷ niệm của tình yêu thương giùm giúp, rất tươi vui. Tươi và vui, như câu truyện kể dân gian nhiều hư cấu, ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Người bạn thắc mắc:
- Mà nàng bỏ cậu hay cậu bỏ nàng?
Người chồng nhún vai:
- Chẳng ai bỏ ai. Tôi không ở nổi tôi đi, nàng không giữ nổi nàng thả.
Người bạn có vẻ tiếc:
- Thật không ngờ. Bạn bè ai cũng cho vợ chồng cậu là cặp xứng đôi, hạnh phúc nhất thành phố.
- Thiên hạ chỉ nhìn đàng trước, có những chuyện phải nhìn đàng sau mới thấy.
Người bạn lại thắc mắc:
- Có một đệ tam nhân chen ở giữa?
- Tôi nghĩ là không hay ít ra tôi chưa nghi ngờ và tôi tin phía nàng cũng vậy.
- Chuyện tiền bạc?
- Cũng không. Tôi chẳng bao giờ thắc mắc chuyện tiền bạc mặc dù người quản trị tài chánh trong nhà là nàng.
- Xung khắc tính tình?
Người chồng im lặng vài giây rồi mới nói:
- Có thể cho là như vậy.
Người bạn thở phào:
- Tưởng gì chứ chuyện xung khắc tính tình đâu có gì to lớn, mỗi bên nhịn một chút là xong.
Người chồng hỏi vặn lại:
- Nếu nhịn mãi vẫn không xong thì tính sao?
- Cậu phải đan cử cho tôi vài thí dụ tôi mới có ý kiến được.
- Thí dụ cửa trước nhà tôi, tôi nhớ mỗi lần vào nhà tôi đều khóa cửa lại cẩn thận. Thế mà nhiều lần nàng tri hô lên tôi chưa già đã lẩm cẩm, cửa không khóa mà cứ cãi là khóa rồi. Tôi nghi nàng lén mở khóa rồi mới tri hô lên.
- Biết đâu có lần cậu quên khóa thật?
- Ban đầu tôi cũng nghĩ như thế nên làm thinh. Nhưng về sau tôi biết chắc là nàng có chủ ý.
- Cậu có bằng chứng?
- Tôi lén thuê gắn caméra trên trần nhà.
Người bạn mặt ngẩn ra:
- Vì sao nàng làm vậy?
- Đó là điều tôi cũng tự hỏi. Chẳng lẽ nàng muốn gieo vào đầu tôi rằng tôi thật sự bắt đầu quên trước quên sau để phụ thuộc vào nàng hơn?
- Thế cậu có cho nàng xem hình quay lén không?
- Không. Tôi sợ nàng lại tri hô lên tôi do thám nàng. Cùng lắm nàng sẽ tự bào chữa nàng cũng có thể vô tình đóng mà quên khóa cửa như tôi thôi.
Người bạn hỏi thêm:
- Còn chuyện xung khắc nào khác?
Người chồng giọng lưỡng lự:
- Điều này tôi không biết có nên cho là tính xấu của nàng không? Nhưng xấu hay không xấu tôi cũng không ưa. Đó là tính ích kỷ. Nàng chỉ rộng rãi với mình, còn hẹp hòi với người khác, người khác đó có khi là chính cả tôi nữa.
- Nhưng cậu chịu đựng nổi tính ích kỷ của nàng chứ?
- Chịu đựng được nhưng lắm khi bực mình, đôi khi còn ngượng với người ngòai.
Người bạn hỏi tiếp:
- Có phải chỉ vì hai nguyên nhân đó mà cậu bỏ đi?
- Tôi bỏ đi vì nguyên nhân thứ ba. Nàng lấy chuyện chăn gối như một phương tiện để thưởng phạt tôi. Cậu là đàn ông chắc cậu cũng hiểu nhu cầu sinh lý của một thằng đàn ông như thế nào rồi. Đối với tôi đó là một nhu cầu cần được cảm thông chứ không thể bị ràng buộc, không thể bị điều kiện hóa. Tôi không thể chấp nhận treo chuyện gối chăn lên làm giải thưởng.
Người bạn không hỏi thêm chỉ tỏ ý ái ngại:
- Cậu tính giận bỏ đi vài hôm, nguôi giận lại về, hay nhất quyết đi luôn?
- Tôi đã muốn đi nhiều lần, nhưng lần này tôi phải biến ý muốn thành hành động.
- Cậu tính tạm thời ở đâu?
- Tạm ở nhà ông anh chừng vài tháng. Sau đó nếu quyết định đi luôn tôi sẽ đi thuê ấp ở riêng và bắt đầu lại cuộc đời.
Hai ngày sau khi người chồng bỏ nhà ra đi, một buổi tối người bạn gọi điện thoại cho người vợ:
- Anh nhà có ghé tôi, tôi cố hết sức khuyên giải nhưng anh ấy nhất quyết không chịu về.
Người bạn kể cho người vợ nghe đầy đủ chi tiết ba lý do khiến người chồng bỏ nhà ra đi. Kể xong người bạn nói, giọng rào đón:
- Có một người đàn ông khác, không coi ba điều anh nhà trách chị là quan trọng. Chừng nào chị muốn tìm hiểu người đàn ông đó tôi sẽ xin cho chị biết tên.
Nghe xong người vợ lạnh lùng trả lời: "Tôi vẫn nói với chồng tôi: ‘Anh không có bạn tốt. Nếu không tin anh cứ thử dàn dựng một cảnh vợ chồng mình bỏ nhau anh sẽ thấy đàng sau lòng dạ của bạn anh’."
Truyện kể, cũng có thể là hư cấu, hoặc có thật như cuộc đời con người thật muôn mặt. Những mặt của phúc/hoạ, sướng/khổ tuỳ cung cách và vị thế của người kể và người nghe kể. Quan trọng hay không, vẫn là động thái và chọn lựa cách sống của mỗi người. Cũng giống như lập trường của nhà thơ từng chọn lựa, như bên dưới:
“Còn gặp nhau thì hãy cứ vui,
chuyện đời như nước chảy hoa trôi.
Lợi danh như bóng mây chìm nổi,
Chỉ có tình thương để lại đời.
Còn gặp nhau thì hãy cứ thương,
Tình người muôn thuở vẫn cón vương.
Chắt chiu một chút tình thương ấy,
Gửi khắp muôn phương vạn nẻo đường.”
(Thơ Tôn Nữ Hỷ Khương)
Tất cả là như thế. Như thế, không có nghĩa: chỉ sầu bi, khổ ải, chiến tranh, hận thù… mới là đời. Đời người, đời mình vẫn cứ khác, nếu người người cũng như mình mặc lấy cho mình cặp kính hồng, để nhìn đời. Bởi, vui buồn một đời người, còn tuỳ người người đang đeo cặp kính mầu gì. Cả vào khi mọi người nhận định cuộc đời, khác mình tôi. Hay, chỉ mình bạn. Vẫn cứ là, cái “mình” của chúng ta.
Trần Ngọc Mười Hai
vẫn cứ mong bạn và mong tôi
ta nhìn cuộc đời
luôn bằng cặp kính
rất mầu hồng.