Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Anh cho em mùa xuân

 

 

Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ năm Phục Sinh Năm A 18-5-2014

 

“Anh cho em mùa xuân,”

 

mùa xuân này tất cả,

lộc non vừa trẩy lá.
Lời thơ thương cõi đời,

bầy chim lùa vạt nắng

trong khói chiều chơi vơi.”

(Nguyễn Hiền/Kim Tuấn – Anh Cho Em Mùa Xuân)

 

(Lc 6: 21)

 

            Có đúng thế không anh? Có phải vậy không em? “Mùa Xuân này tất cả” và “lộc non vừa trẩy lá” đến là thế mà lại cho em ư? Em là ai, mà có phước như thế? “Em” đây, có là người “em”, người tình hoặc chỉ là người đang nghe nhạc bản ở trên không? Hay còn là dân con mọi người ở đời, trong Đạo, rất thánh hội?

 

            Để trả lời câu hỏi đó, nay mời bạn và mời tôi, ta nghe thêm câu hát nữa, rồi sẽ thấy:  

 

 “Anh cho em mùa xuân, trẻ nô đùa khắp trời,

niềm yêu đời phơi phới.

Bàn tay thơm sữa ngọt, giải đất hiền chim hót,

mái nhà xinh kề nhau.

Anh cho em mùa xuân, đường hoa vào phố nhỏ,

nhạc chan hòa đây đó.

Tình yêu non nước này, bài thơ còn xao xuyến

rung nắng vàng ban mai.”

(Nguyễn Hiền/Kim Tuấn – bđd)

 

Vâng. Hãy cứ cho đi. Cho nhiều mùa xuân hơn nữa, để rồi hạ hồi bạn và tôi, ta cũng thấy “nắng vàng ban mai” dài dài, thật rất dễ.

 

Vâng. Hôm nay đây, trong Đạo mình, lại cũng thấy rất nhiều vị, nhiều người lại cũng đưa ra những câu hỏi khá là cắc-cớ. Cắc-cớ như câu nói mà nhiều người trong Đạo vẫn hay hỏi: Đạo mình “cho đi” có nhiều không, bạn? Hoặc, Đạo mình cho đi là cho những gì? Có cho cả niềm vui, nụ cười và thứ gì khác cũng đẹp và cũng vui không? Hay là, chỉ cho có mỗi lời khuyên răn, ngăn cản với luật lệ, cũng dễ buồn?

 

Vâng. Buồn vui không, nay xin bạn và xin tôi, ta bắt đầu câu chuyện Đạo vẫn rộn rạo chỉ dăm ba phút, cho vui. Vâng. Trước nhất, là nhận-định của đấng bậc nọ ở Đạo Chúa, trên đất Úc, vẫn chủ-trương sống Đạo là phải sống vui tươi/hiền hoà mới đúng. Điều khiến ông chủ-trương, cũng gồm tóm đôi giòng chảy rất bén nhạy, sau đây:

 

“Nhiều linh-mục, tu-sĩ hoặc thừa-tác-viên trong Đạo của mình có lẽ vẫn công-nhận rằng: là tín-hữu, ta có nhu-cầu phải sống Đạo theo cách sao đó cho thật vui, thật nhộn mới được. Nói thì nói thế, nhưng thật ra nhiều cơ cấu trong Đạo Chúa xem chừng vẫn chỉ thấy một số rất ít người đi Đạo dành không gian chỉ bé nhỏ cho các nụ cười chum chím, những câu chuyện tiếu lâm cùng giây phút những cười rộ để bà con có được dăm phút cỏn con, rất vui nhộn, thế thôi. Nhưng, theo tôi, Đức Chúa của mình sống đích-thực một đời người chắc cũng khác kiểu nghiêm-nghị hoặc nghiêm-khắc của đấng bậc vị vọng trong Đạo chứ?

 

Có người từng hỏi: sao tôi lại suy-nghĩ giản đơn như thề? Thì hôm nay, tôi xin thưa cùng quý vị rằng: Chúa vẫn không ngừng đưa ta vào cảnh-trí có niềm vui tươi, dí dỏm và đôi lúc Ngài cũng vui cười rộn rã, dù bạn và tôi hoặc ai đó, có đồng ý với Ngài điều gì không. Chúa đem niềm vui vào nhà thờ, cùng hội đường hoặc qua tính-chất rất “người” của Ngài cách đều đặn. Đó là những điều ta muốn có trong đời theo nhịp đều đặn. Đó là cung-cách rất riêng Ngài muốn mọi việc được giải-quyết cho nhẹ nhõm.

 

Thực-tế mà nói, đa phần người Công giáo chúng ta thường hành-xử theo cách không chủ tâm/cố ý những việc rất đáng cười lại cũng vui. Lấy ví dụ cụ thể: nhiều năm qua, ở một số họ đạo trong thành-phố hoặc tại quê miền ở trời Tây, thì: lễ đêm Giáng Sinh vẫn được cử-hành vào 4 giờ chiều lúc mặt trời còn chiếu sáng đôi nơi, để con trẻ cùng gia đình các em có thể dễ dàng thu xếp công việc nhà mà đến dự; thế mà nhiều người lại cứ hỏi: “Lễ đêm năm nay tổ chức vào mấy giờ chiều thế?

 

Ngay như việc sử-dụng Kinh Sách trong nhà thờ, đôi lúc cũng làm nhiều người mỉm cười cách vô tội vạ; và nếu ta biết cởi mở hơn mà nhìn vào chính mình bằng ánh mắt tươi vui sẽ còn thấy nhiều điều vui hơn nũa. Một ví dụ khác: mỗi lần tôi chia sẻ Lời Chúa cho bà con đi lễ, tôi thường nhắc lại đoạn sách trong đó Chúa có bảo với mọi người, là: “Anh em đừng gọi ai dưới thế này là Cha hết; vì sự thật anh em chỉ có một Cha duy nhất trên trời mà thôi...” vào những lúc như thế, tôi cứ phải nén lòng mình để không lộ nụ cười nào dù chỉ cười mỉm chi, không thành tiếng. Không lâu sau ngày chịu chức linh-mục, nhiều lần tôi vẫn giảng suốt đoạn Kinh thánh nói lên điều đó.

 

Một hôm, lễ vừa xong, tôi bước ra khuôn viên nhà thờ để chào/hỏi mọi người, thì có một chị đến gần bảo tôi rằng: “Tôi rất thích bài giảng lễ hôm nay, nhất là đoạn chia sẻ có Lời Chúa nói: Đừng gọi bất cứ ai ở dưới đất này bằng Cha hết, đấy thưa cha, cha thấy bà con đây có áp-dụng Lời Chúa không?” Nghe chị nói, tôi không chắc là chị chỉ nói bông đùa cho vui hay có ý gì khác, cũng không rõ.

 

Nhiều chuyện khá buồn cười xảy ra trong cung-cách xếp đặt nhà thờ hoặc lễ lạy, xem ra còn buồn cười gấp bội hơn nữa. Bởi, đôi lúc ta vẫn được khuyên dạy rằng: trừ phi bài giảng lễ có những ý/lời bông đùa để cho vui, còn thì ta không nên cười thành tiếng ở nhà thờ, bao giờ hết.

 

Dĩ nhiên, đôi khi tưởng cũng nên cười vào những gì sắp đặt ở nhà thờ/nhà thánh. Bởi làm thế, cũng không phải cho lắm. Quả là việc cười nói trong nhà thờ tất cả đều không phải phép cả đâu; bởi lẽ nó thường làm ta lo ra hoặc chia trí không tập-trung vào những điều hệ-trọng trong Đạo. Và các câu chuyện tiếu-lâm kể ra đôi khi cũng xúc phạm hoặc khá chướng tai nếu ta kể không đúng thời, đúng chỗ. Phần đông các đạo chỉ đề-cập đến mấy đề-tài khá khô-khan, nghiêm-túc như: khổ đau, tật bệnh, sự chết, tội lỗi, ghét ghen hờn giận, hoặc chuyện bất công, chiến tranh, bạo lực... đáng để ta quan tâm, coi trọng. Thế nhưng, chỉ một thoáng vui tươi, cười xoà thật thoải mái cũng là dấu-hiệu cho thấy Chúa muốn ta thư giãn, thả lỏng một chút mà thờ phượng Ngài theo cách dễ chịu chứ không nhàm chán, hoặc khô khan. Có thể là, Chúa cũng khuyến khích ta vui tươi/bông đùa vào những lúc, những dịp như thế để đưa ta ra khỏi mọi tính-chất quá nghiêm-nghị đến chết người.

 

Đám trẻ cách riêng, thường có thói quen nhắc nhở ta đừng tỏ ra quá nghiêm trang/nhiệm nhặt khi dự lễ ở nhà thờ. Tôi có một người chị ruột rất dễ thương. Chị thường chơi thân với một người bạn là người Công giáo, nhưng chồng của chị này lại theo Do-thái-giáo. Là người mẹ đạo-hạnh lại siêng chăm việc nhà thờ, nên chị ấy vẫn đưa con mình đi lễ rất đều đặn. Vào chủ-nhật nọ, cậu bé 6 tuổi của chị ta đang ngồi nghe cha giảng lễ đến hồi gay go nhiều tranh-luận, cháu bèn quay sang nói nhỏ với mẹ mình: “Mẹ à! Hay là bây giờ hai mẹ con mình về nhà trước có được không?”  Người mẹ nghe thế, bèn sụyt một tiếng nhỏ, rồi nói: “Không được đâu con ạ! Nãy giờ, mình mới chỉ đi có nửa lễ mà sao con lại đòi thế?”  Và cậu bé nhanh nhẩu đáp: “Thì con đây cũng chỉ mới có phân nửa là Công giáo, còn nửa kia là thuộc về đạo của bố thôi mà!”

 

Về chuyện vui tươi, cười đùa ở giờ lễ, thì với hàng giáo-sĩ Công-giáo, đa số các vị hay dùng truyện kể theo hình-thức nào đó có liên quan đến những chuyện huý-kị, không nên làm trong giờ lễ, thì: sở dĩ các linh mục mình đều trân quý những truyện kể rặt như thế. Không phải do những chuyện ấy nhắc nhở các vị rằng: linh mục không là người hoàn-hảo chút nào hết. Bởi thế nên, mới cần nhắc nhở, nhưng còn vì các vị nào sống sốt sắng, đạo hạnh cho nhiều đôi khi cũng vẫn mắc phải một số sơ xuất, lỡ lầm nhỏ nào đó mà nhiều người gọi đó là “bước trật nhịp khi múa nhảy”. Điều này có nghĩa cứ bảo rằng: làm gì đi nữa, cũng vẫn chưa đến ngày tận thế đâu mà lo quá vậy.

 

Tôi có một linh mục bạn còn rất trẻ, ông kể lại rằng: lần đâu ông làm lễ cưới cho cặp hôn-nhân nọ, cũng không lâu sau ngày chịu chức; vốn chưa thông thạo nên ông bèn mượn cuốn sách nghi-lễ làm phép cưới của một linh-mục Dòng Tên khá trọng tuổi. Sở dĩ linh mục Dòng nói trên phải ghi vào sách một số chú thích nhỏ bằng viết chì là vì sách nghi-lễ này không ghi đầy đủ mọi chi-tiết “chữ đỏ” rất cần cho buổi lễ, và cũng chẳng nói gì về điều gọi là việc “hướng dẫn mỗi công-đoạn” khi thực-hiện. Nên, song song với những giòng chữ lớn được ghi trong sách về lời hứa sống đời với hôn-nhân một vợ một chồng, thì linh mục Dòng nhà ta lại ghi thêm các chi-tiết như: “quay về phía cô dâu”, “quay qua chú rể”, “trở về ghế ngồi”... Và, vị linh-mục trọng tuổi kia còn viết thêm các chú-thích hướng-dẫn cộng-đoàn dự lễ cưới mà sách lễ không ghi chữ nào như thế, chẳng hạn như: “xin vui lòng đứng!”, “xin quỳ”...

 

Mọi chuyện diễn ra êm thắm, duy có điều là đôi bạn mới cưới của tôi đọc tới cuối câu tuyên hứa đến chỗ có ghi thêm vài điều nho nhỏ mà phần đọc các linh mục vẫn đọc trong thánh-lễ chính-thức của Công-giáo mình, như câu: “nay thì anh có thể hôn cô dâu được rồi...” Bạn trẻ linh-mục của tôi thấy chuyện ấy tuy có hơi tức cười một chút, định cãi lại nhưng cứ nghĩ là linh mục Dòng trọng tuổi, người anh từng cử-hành nhiều lễ cưới hơn mình, nên chắc phải có lý do nào đó nên mới ghi như thế. Nên, anh bạn linh mục của tôi vẫn làm theo lời hướng dẫn của bậc đàn anh, là ngưng lại một chút, rồi xếp sách lễ, cúi xuống và hôn cô dâu một cái thật to. Tức thì lúc đó, cô dâu đứng bật dậy như chiếc lò xo, rất ngỡ ngàng. Và thế là, cả nhà thờ cùng quan viên hai họ đều phá lên cười rộ, rất to tiếng, vang dội cả nhà thờ.Cuối cùng, linh mục trẻ bạn của tôi bèn quay qua phía chú rể để nói đôi lời: “Ấy chết! Đoạn chú thích này là để anh làm chứ lkhông phải tôi. Thành thật xin lỗi...”                

 

Thật ra thì, ai mà chẳng có lúc sai sót, đến độ thế. Nhưng tôi nghĩ, đôi lúc Chúa cũng có thể làm vài chuyện khinh xuất, tuy không quá đáng đến độ thế. Và, đó cũng là lý do khiến nhiều vị không nghĩ rằng nhà thờ nhà thánh nhiều khi trở thành nơi chốn quá nghiêm-trang, nghiêm nghị hay nghiêm túc, hơi quá đáng để Chúa Thánh Thần có thể đến ngự và thổi sự sống vào trong đó....

 

Vui tươi, cười đùa là những việc do tình thương yêu dẫn dụ. Có nhiều lúc tính cách vui tươi cuời đùa hợp lực để biến-cải mọi tổn-hại nơi con người trong tương-quan với người khác và trong cơ-chế tôn-giáo nữa; đó là chưa nói đến việc nó có thể còn tạo nên tình thân thương bằng hữu và gia đình nữa. Thế nhưng, dùng chuyện vui cười một cách sai trái, có thể làm cho sự việc trong đạo nên tệ hại hơn là dựng xây một đạo giáo cho tốt hơn.

 

Một trong những phương-cách dễ làm mất lòng và tổn-thương kẻ khác, chí ít là khi ai đó lại khuyến khích mọi người cười vào việc của người khác. Hẳn nhiều người trong chúng ta đều có kinh-nghiệm về những chuyện cười-cợt, trêu chọc hoặc bắt nạt người khác đến độ người ấy phải xấu hổ như hồi ta còn nhỏ tuổi vẫn cứ phải chịu những cảnh như thế.

 

Bằng vào kinh nghiệm sống, ta có thể nói cho người khác biết khi nào người đó đi quá xa hoặc vượt quá lằn ranh cho phép trong chuyện cợt nhả hoặc chọc quê người khác. Tóm lại, có thể nói: Cười đùa cho đàng hoàng, tử tế là chuyện có thật trong đời sống. Nó cũng giúp ích rất nhiều người. Giúp tạo hiểu biết cũng như cảm thông, rọi sáng tình-cảnh khó khăn, nhiều khúc mắc và nó cũng là cung cách hành xử không tác hại và cũng chẳng hủy hoại bất cứ một ai. Tóm lại, có ba câu hỏi của người giữ cửa để giúp ta định ra tình hình xem có nên vui cười cợt nhả người nào khác, hay không. Như thế, tức tự mình hỏi mình, rằng:

 

1.    Điều đó có đúng thực không?

2.    Điều đó có giúp ích gì không?

3.    Điều đó có tỏ ra là mình cũng đằm thắm, thương yêu không?

 

Trả lời ba câu hỏi này rồi, ta sẽ yên tâm trước khi mở miệng đưa ra lời nhận xét rất đáng cười, thật cũng dễ”. (Lm James Martin sj, Between Heaven and Mirth: Why Joy, Humor and Laughter Are at the Heart of the Spiritual Life, rút từ cuốn sách mang tên Jesus: A Pilgrimage HarperCollins Australia, 2014)    

Thật ra, thì: không phải là chuyện dễ hay không dễ khi muốn cười trong nhà thờ có được không. Nhưng, vốn dĩ là đấng bậc linh mục đương nhiên đức ngài ở trên phải nói thế. Nói thế, tức nói nước đôi, không sợ dội trở lại với người nói.

Bởi nói thế, há bảo rằng: hãy cứ vui tươi yêu đời mà cười nói, cả vào giờ lễ. Để đến khi có người cười nói quá đáng, thì đức ngài lại khuyên thôi, và tự đặt câu hỏi trước khi cười vào hoặc cười cùng mọi người. Mọi người hôm nay, có nói cười trong nhà thờ cũng không nên ngại. Chỉ ngại mỗi điều: sợ rằng nếu không cười nói, chẳng lẽ lại cứ rên than, phàn nàn suốt, hay sao. Đừng để phải nghe câu than từ đâu đó, như: mặt lạnh như tiền, không nở được đến một nụ cười, cả vào khi “hôn chào bình an”. Nếu vậy thì, dự Tiệc Thánh có ý-nghĩa gì?

Ngay đến Tin Mừng các thánh còn ghi rõ những lời đầy khuyến khích như:

 

“Phúc cho anh em

là những kẻ bây giờ đang phải khóc,

vì anh em sẽ được vui cười.”

(Lc 6: 21)

 

Hoặc ở một đoạn khác, tác giả Tin Mừng thấy nói:

 

“Thầy bảo thật anh em:

nếu anh em không trở lại mà nên như trẻ nhỏ,

thì sẽ chẳng được vào Nước Trời.”      

(Mt 18: 3)

 

Mà, “nên như trẻ nhỏ” như Chúa nói, có thể còn có nghĩa là lúc nào cũng vui tươì, cười thoải mái. Trẻ nhỏ vui cười, chẳng cần tự đặt 3 câu hỏi trước khi nói cười. Nên như trẻ nhỏ, còn là trở nên vui tươi cười nói chẳng cần biết mọi người bên ngoài sẽ nghĩ sao về mình. Và cũng chẳng cần lo ngại cộng đoàn mình chung sống sẽ ra sao nếu mọi người vẫn cứ cười trong mọi tình huống, dù bất ưng, gặp khó hoặc luôn bị người khác đặt vấn đề.

 

Nên như trẻ nhỏ, có khi cũng là trở nên vui vẻ suốt. Chẳng cần biết ngày mai sẽ ra sao. Đói khổ thế nào, cuộc đời rực sáng hay đi vào ngõ cụt. Nên như trẻ nhỏ, sẽ là và còn là nhìn mọi sự việc bằng cắp mắt yêu thương, tươi cười với hết mọi người. Dù người đó, khách nọ có là người thân, bạn bè hay cha mẹ. Nên như trẻ nhỏ, dĩ nhiên là nên sống và phải sống như Tin Mừng dạy, tức: luôn nghĩ tốt về người khác. Thương yêu người khác như cha mẹ, anh chị mình.

 

Và, nên như trẻ nhỏ, sẽ cứ là luôn phấn khởi nhìn về phía trước. Ở nơi đó, sẽ có nhiều điều vui, khiến bé cười suốt và cười rộ, không biết chán và chẳng bao giờ chán. Dù đó có là chán ngán cuộc đời nhiều ngăn cấm, răn đe hoặc như ngôn từ thời đại vẫn cứ gọi “chán như con gián”.

 

Nên như trẻ nhỏ là có quyết tâm tự nhủ: rồi ra mình cũng sẽ vui nhộn như ông kia bà nọ, suốt đời chẳng hề thôi vui thôi cười với mọi người. Bởi đó mới là ý nghĩa của cuộc đời đáng để ta vui và luôn cười.

 

Nên như trẻ nhỏ, rất vui cười là lúc nào cũng vừa hát vừa cười những câu hát rất vui tươi, nhiều ý-nghĩa như người nghệ-sĩ từng hát, bấy lâu nay:              

 

“Anh cho em mùa xuân,

nụ hoa vàng mới nở,

chiều đông nào nhung nhớ.

Đường lao xao lá đầy,

chân bước mòn vỉa phố,

mắt buồn vịn ngọn cây.
Đất mẹ đầy cỏ lúa,

đồng xanh xa mấy mùa,
Ngoài đê diều căng gió,

thoảng câu hò đôi lứa.
Trong xóm vắng chuông chùa,

trăng sáng soi liếp dừa
Con sông dài mấy nhánh,

cát trắng bờ quê xưa
Anh cho em mùa xuân
Nhạc thơ tràn muôn lối.”

(Nguyễn Hiền/Kim Tuấn – bđd)

 

Nên như trẻ nhỏ, là sống vui tươi cười nói rất phấn khởi. Bởi, như ai đó từng đưa ra 27 lý do để mọi người cười mãi mỗi ngày, cho đời vui, như sau:

 

“Cười là một thần-dược trị được cả bậnh thể xác lẫn bệnh tâm hồn.

Cười làm cho ta cởi mở bao dung và có một tinh thần lạc-quan yêu đời.

Cười làm tăng hồng-huyết-cầu và lá lách hoạt-động tích-cực hơn.

Cười làm tăng sinh-lực, khiến ta vui vẻ lanh lợi và thêm lòng yêu thương.

Cười làm cánh cửa cảm thông rộng mở thật dễ dàng với mọi người.

Cười mím, cười nụ, cười ra tiếng làm khuôn mặt chúng ta dễ mến hơn.

Cười làm thư giãn các bắp thịt trên mặt, tan biến những căng thẳng.

Cười làm toàn thân được nhẹ nhàng thanh tịnh, thư thái và an lạc.

Cười giúp ta tránh được tâm-trạng cay đắng khổ đau, phản ứng kịp thời.

Cười giúp cho tâm hồn lành mạnh và thêm khả-năng sáng-tạo mọi việc.

Cười Cười giúp biết tự kỷ có trách-nhiệm và thực-tế hơn.

Cười nhiều tránh được buồn nản, dễ thành-công vì tiếng cười là trí-tuệ.

Cười là khoảng cách ngắn nhất giữa hai tâm hồn, là biết nghệ-thuật sống.

Cười dễ vui theo cái vui của người khác, hoan hỷ như mình thành-đạt vậy.

Cười có thể làm tan đi nỗi bực mình, buồn phiền của người đối diện.

Cười giúp ta sống hiện-tại, quên hết quá khứ và lo lắng về tương lai.

Cười giúp ta trở về với chính mình, tức là thực sự trở về đời sống mới.

Cười có nhiều lợi ích cho ta về sức khoẻ, tinh thần và cảm xúc tâm-linh.

Cười giúp hồn nhiên tươi sáng, có nhiều khả-năng chống lại bệnh tật.

Cười giúp các tế-bào loại T trong máu tăng lên, có sứ đề-kháng mạnh.

Cười làm giảm phong thấp0, các khớp xươngt đợ bi sưng và chống sưng.

Cười làm giảm các chất họoc môn trong thận, sẽ sống khoẻ.

Cười tránh được nhức đầu, đau tim, cao huyết áp và mỡ trong máu.

Cười giúp tong khứ các khí dơ, them6 nhiều dưỡng khí cho bộ nảo thông-minh.

Cười làm tăng máu, chống viêm khớp, làm con người luôn tỉnh-táo.

Cười tạo điều kiện cho ánh sáng nội-tâm thể-hiện, thấu suốt mọi sự vật.

Cười giúp những nét phiền muộn tan biến, gương mặt trở nên tươi trẻ ra.” 

 

Cuối cùng, “cười vui như con trẻ” là để giúp ta sống vui sống mạnh, sống vững chãi ở Nước Trời Hội thánh nay như đang thiếu nhiều nụ cười vui tươi, đằm thắm với mọi người.      

 

Trần Ngọc Mười Hai

 

Nhiều lúc thấy nhà thờ nhà thánh mình

Nay thiếu vắng rất nhiều nụ cười

Chứ nào đâu thiếu số người đi đạo,

để cùng vui.