Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Tại sao Chúa Giêsu dặn các môn đệ "Đừng xao xuyến" ?

Tác giả: 
Jos Vinc Ngọc Biển

 

 

TẠI SAO ĐỨC GIÊSU LẠI CĂN DẶN CÁC MÔN ĐỆ

“ĐỪNG XAO XUYẾN?”

(Chúa Nhật 5 Phục Sinh, A)

 

Jos. Vinc. Ngọc Biển

 

Trong buổi tĩnh tâm các linh mục quốc tế ngày 12.10.1998 tại thành phố Monterrey, nước Mexico, qua bài nói chuyện của đức cố Hồng Y Fx. Nguyễn Văn Thuận, ngài đã chỉ ra một số điểm sai xót của Đức Giêsu, một trong những điểm sai xót đó là những lời giảng dạy, hành động xem ra mâu thuẫn.

 

Ví dụ như: có lần, Ngài đưa ra lời mời gọi: phúc cho kẻ nghèo, kẻ phải đói, kẻ phải khóc, kẻ bị người ta oán ghét (x. Lc 6, 20-22); hay "ai muốn cứu mạng sống mình, thì sẽ mất; còn ai liều mất mạng sống mình vì tôi, thì sẽ cứu được mạng sống ấy" (Lc 9, 24); hoặc làm sao có thể ví Nước Thiên Chúa, Nước của Ðấng toàn năng, vô tận với một hạt cải (x. Lc 13, 18-19); và điều mâu thuẫn lớn nhất chính là "Con Thiên Chúa, Ðấng hằng sống"; “Đấng công chính!" lại phải chấp nhận sự chết và chết nhục nhằn trên Thập giá??? (x. Lc 23, 47).

 

Những mâu thuẫn kiểu như thế, hôm nay lại được Đức Giêsu cất lên khi căn dặn các môn đệ: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1). Phải chăng lời của Đức Giêsu nói với các môn đệ giờ này xem ra có vẻ không tâm lý, mâu thuẫn với hoàn cảnh hiện tại, bởi lẽ các ông rất buồn vì Thầy trò sắp phải xa nhau. Vậy, câu hỏi được đặt ra là chính Đấng đang nói: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), Ngài có xao xuyến không? Và từ đó, như một hệ luận, chúng ta tin hay không tin vào lời nói của Đức Giêsu!

 

  1. Sự xao xuyến của Đức Giêsu

 

Thực ra trong cuộc đời của Đức Giêsu, Ngài cũng đã nhiều lần xao xuyến, chẳng hạn như:

 

Nhìn niềm tin trong viễn cảnh tương lai, Đức Giêsu đã thốt lên: “Khi Con Người ngự đến, liệu Người còn thấy lòng tin trên mặt đất nữa chăng?” (Lc 18,8); rồi khi về Giêrusalem, Ngài cũng thốt lên lời than thở "Giêrusalem, Giêrusalem! [...] Ðã bao lần Ta muốn tập hợp con cái ngươi lại, như gà mẹ tập hợp gà con dưới cánh, mà các người không chịu” (Lc 13,34); hay trong bữa Tiệc Ly với các môn đệ, Ngài cũng trải qua nỗi xao xuyến thực sự, bởi vì chỉ còn một ít nữa thôi, Ngài sẽ từ biệt các môn đệ, sẽ bị bắt, do chính môn đệ thân tín của mình trao nộp, rồi Ngài cũng thấy trước được những đau khổ vì mình mà các ông phải chịu. Nỗi xao xuyến ấy bao trùm lên Thầy trò, khi kẻ đi người ở... Sự xao xuyến ấy dần càng tăng lên khi trong vườn Cây Dầu, Đức Giêsu cảm thấy sợ hãi, và Ngài đã than thở với các môn đệ: “Tâm hồn Thầy buồn đến chết được. Anh em ở lại đây mà canh thức!” (Mc 14,34), và Ngài mướt mồ hôi máu. Sau đó, Ngài đã cầu nguyện tiếp: “Ápba, Cha ơi! Cha có thể làm được mọi sự, xin tha cho con khỏi uống chén này. Nhưng xin đừng theo ý con, mà xin theo ý Cha” (Mc 14, 36). Cuối cùng, nỗi xao xuyến này được dâng lên đến tột đỉnh trên Thánh Giá, khi cơn đau đớn thấu con tim, báo hiệu giờ hấp hối đã gần, Ngài đã lớn tiếng kêu lên Thiên Chúa Cha: “Lạy Thiên Chúa, Thiên Chúa của con, sao Ngài bỏ rơi con?" (Mc 14, 34).  

 

Như vậy, cả cuộc đời của Đức Giêsu đã trải qua những cơn xao xuyến. Thật ra, sự xao xuyến của Đức Giêsu cho thấy, Ngài vừa là Thiên Chúa và cũng là con người, nên những nỗi xao xuyến đó của Ngài như là con đường để dẫn đưa chúng ta là những người cũng xao xuyến đến sự sống đời đời.

 

Tại sao chúng ta lại xác tín điều đó, thưa, vì lời căn dặn của Ngài  “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), là khả tín, đáng tin. Bởi vì sự xao xuyến này đã ngang qua cuộc đời của chính Đức Giêsu, và Ngài đã biến nó thành niềm hy vọng khi tin tưởng và tín thác nơi Thiên Chúa Cha là Đấng khơi nguồn và cùng đích của mọi sự.

 

2.         Sự xao xuyến của các môn đệ  

 

Sau Đức Giêsu, sự xao xuyến cũng không buông tha các môn đệ. Các ông xao xuyến là bởi vì trước khi nói những lời ly biệt, Đức Giêsu đã tiên báo Phêrô sẽ trối Thầy (x. Ga 13, 38); Giuđa thì bán Thầy (x. Ga 14, 21); các môn đệ sẽ bỏ chốn (x. Mt 26, 56). Như thế, các ông thấy trước những viễn cảnh đó sẽ xảy ra, nên các ông lo sợ cho giờ phút kinh hoàng này sẽ đến với Thầy mình và các ông đều bị liên lụy là lẽ tất yếu.

 

Nỗi xao xuyến của các ông còn là nỗi sợ cô đơn. Các ông đã bỏ mọi sự, vợ con, nhà cửa, sự nghiệp để đi theo, ấy vậy mà giờ đây các ông sắp phải chia tay Thầy của mình. Sự chia tay này theo lối hiểu của các ông chẳng khác gì “rắn mất đầu”; hay “tàu không người lái”. Vậy thì các ông sẽ đi đâu và về đâu đây???

 

Thêm một lý do nữa khiến các môn đệ xao xuyến, đó là: khi còn sống với các ông, Đức Giêsu hướng dẫn, dạy dỗ và dẫn dắt các ông từng ly từng tý, vậy Ngài sắp ra đi thì ai là người dẫn lối chỉ đường cho các ông?

 

Buồn sầu và xao xuyến của các môn đệ là lẽ thường tình nơi thân phận con người trước những điều không may, nguy hiểm, chia ly, từ biệt, rồi phải đối diện với chốn trần gian đầy tục lụy, thù hằn, thử thách và ngay cả cái chết như Thầy của mình.

 

Tuy nhiên, những sự xao xuyến đó của các ông đã được Đức Giêsu trấn an khi nói: “Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy” (Ga 14,1). Chỉ có niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa mới có thể giúp các ông vượt qua mọi gian nan, thử thách xảy đến trong cuộc sống trần gian; còn khi các ông xao xuyến không biết về đâu thì chính Ngài đã nói: “Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14,3), rồi khi các ông xao xuyến không biết định hướng cho cuộc sống tương lai thì Đức Giêsu lại nói: “Chính Thầy là con đường, là sự thật và là sự sống. Không ai đến với Chúa Cha mà không qua Thầy” (Ga 14, 6). Đường ở đây không phải Đức Giêsu muốn nói về một lối đi theo nghĩa đen, nhưng Ngài muốn các ông hiểu rằng: Ai yêu mến, tôn thờ, sống theo lời Ngài thì chắc chắn đến được với Chúa Cha. Vì Đức Giêsu và Chúa Cha là một. Thấy Đức Giêsu là thấy Chúa Cha!; cuối cùng, sự ra đi của Đức Giêsu đem lại lời hứa hẹn tràn đầy niềm vui và bình an khi Ngài hứa trao ban Chúa Thánh Thần trên các ông. Như vậy, Đức Giêsu ra đi thì tốt hơn cho các ông, vì Ngài sẽ ban Chúa Thánh Thần đến dạy dỗ các ông biết những điều mà trước đây, các ông không thể hiểu được! (x. Ga 14, 26).

 

Như vậy, qua lời trấn an của Đức Giêsu “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1), Ngài muốn mặc khải cho các ông thấy rằng: quê hương họ ở trên trời (x. Pl 3, 19), mà Đức Giêsu sẽ là người đầu tiên trở về với nguồn cội, nơi mà từ đó được phát xuất ra để dọn chỗ cho họ. Vì thế, các ông đừng xao xuyến, hãy tin vào Thầy, trong nhà Cha Thầy có nhiều chỗ ở.

 

3.         Sự xao xuyến của con người ngày hôm nay

 

Trong thực tại cuộc sống, chúng ta thường gặp những cảnh ngộ nhiều lúc không được như lòng mong muốn. Tâm trạng này của mỗi chúng ta cũng chính là tâm trạng của các môn đệ khi xưa, nào là: sự cô đơn; quan điểm và thực trạng xã hội hoàn toàn xa lạ với đường lối của Thiên Chúa, của Tin Mừng;  rồi ốm đau; bệnh tật... nào là con cái hư hỏng; nào là buôn bán không gặp thời; nào là thất vọng vì những gương xấu trong cuộc đời; hay chính những chuyện tốt ta muốn làm mà cũng không được... Những sự xao xuyến ấy luôn luôn ở bên cạnh chúng ta, nó theo chúng ta như hình với bóng, vì thế, triết gia Martin Heideiger khi suy tư về con người, ông đã nói về sự xao xuyến này như sau: “Con người là một hữu thể bị ném ra cuộc đời, hiện hữu giới hạn trong thời gian, nghĩa là con người sống để mà chết. Và bởi con người sống và đi đến cái chết không thể tránh khỏi, nên con người mang nỗi khắc khoải khôn nguôi. Cái chết và nỗi khắc khoải được định nghĩa là thành tố làm nên con người hiện sinh. Đời người là như vậy. Chẳng ai làm người mà vô sự”.

Tuy nhiên, đối với chúng ta là người kitô hữu, chúng ta có một niềm tin mạnh mẽ, đó là: đằng sau cái chết là sự sống vĩnh hằng. Niềm tin này hôm nay được Đức Giêsu mặc khải: “Anh em đừng xao xuyến! Hãy tin vào Thiên Chúa và tin vào Thầy. Trong nhà Cha của Thầy, có nhiều chỗ ở [...] Thầy đi dọn chỗ cho anh em. Nếu Thầy đi dọn chỗ cho anh em, thì Thầy sẽ trở lại và đem anh em về với Thầy, để Thầy ở đâu, anh em cũng ở đó” (Ga 14, 1-3); hay lúc khác Đức Giêsu nói: “... tất cả những ai thấy người Con và tin vào người Con, thì được sống muôn đời, và tôi sẽ cho họ sống lại trong ngày sau hết" (Ga 6, 40).

 

Như vậy, chết không phải là hết. Cuộc sống này chỉ là một sự chuyển tiếp mà thôi. Khi tin như thế, Chúng ta có quyền hy họng vào lời căn dặn, trấn an của Đức Giêsu: “Anh em đừng xao xuyến!” (Ga 14,1).

 

Một mẫu gương đáng để chúng ta noi theo khi sống niềm tin của mình vào Đấng là đường, là sự thật, và là sự sống....đó chính là triết gia Pascal. Cả cuộc đời và sự nghiệp của ông đã đi vào trong lối suy tư mang đậm niềm tin nơi Đức Giêsu. Điều này được chứng minh khi người nhà của Pascal tìm thấy nơi gấu áo của ông lúc ông đã qua đời, tấm giấy chính tay ông viết và lưu giữ suốt cuộc đời, ông viết: "Sự sống đời đời là hiểu biết và yêu mến Ðức Kitô và Ðấng đã sai Ngài... lửa, lửa, lửa; nước mắt, nước mắt, nước mắt của tình yêu".

 

Ðó là bí quyết sống niềm tin, phó thác của B. Pascal một văn hào, một triết gia, một nhà toán học. Đây cũng phải là bí quyết sống của mỗi chúng ta khi xác định quê hương của chúng ta ở trên trời. Nơi quê hương ấy hoàn toàn khác với quê hương hay những thực tại mà chúng ta thấy hiện nay, vì thế, mọi việc làm, lời nói... của chúng ta hãy quy chiếu về đó như là điểm đến của cuộc đời nơi những người có niềm tin vào Chúa và cuộc sống đời sau.

 

Quê hương ấy được thánh Giáo phụ Augustinô diễn tả như sau: “Hội Thánh được biết có hai cuộc sống Thiên Chúa đã mạc khải và trao ban, đó là cuộc sống trong đức tin và cuộc sống trực kiến, cuộc sống lữ hành và cuộc sống nơi cư ngụ vĩnh viễn, cuộc sống lầm than vất vả và cuộc sống nghỉ ngơi an nhàn, cuộc sống ra sức làm việc và cuộc sống chiêm ngắm tôn nhan Thiên Chúa là phần thưởng”.

 

Lạy Chúa, xin cho mỗi người chúng con không bị rơi vào tình trạng xao xuyến trước những điều bất trắc trong cuộc sống, xã hội và con người hôm nay, bởi xác tín rằng, quê hương chúng con ở trên trời, và mọi điều trái ý đó xảy đến như là một điều kiện cần cho được cứu rỗi. Có thế, chúng con hy vọng sẽ được vào nơi mà Đức Giêsu đã đi trước dọn đường và chuẩn bị cho chúng con. Amen.