Suy niệm sự chết
Theo cái nhìn tự nhiên, thì ngày sinh của 1 người cũng là ngày bắt đầu bước vào hành trình đi về cỏi chết. Hình như đời người lẩn quẩn trong chu kì sinh-lão-bịnh-tử. Như thể cùng đích của đời người, khi bước ra khỏi lòng mẹ, là để đi vào lòng đất. Nếu đời người kết thúc như vậy, thì cuộc sống thật vô nghĩa. Không ai trong chúng ta lại muốn đi vào ngõ cụt của sự chết.
Chúa Giêsu giải đáp sự phi lí này, khi ngài nói về í nghĩa của sự chết: “Nếu hạt lúa rơi xuống đất không chết đi, nó sẽ trơ trọi 1 mình, nhưng khi nó chết đi, nó sẽ sinh nhiều hạt lúa” (Gioan 12,24). Ðức tin làm cho chúng ta xác tín: Sự sống thay đổi, chứ không mất đi. Chết không phải là hết, không là dấu chấm cuối cùng của đời người. Thập giá của Chúa là nhịp cầu nối kết hố sâu của sự chết với sự sống mới vĩnh cửu. Sự sống mới này cao cả hơn, chân thật hơn, vững chắc hơn.
Ðời người như là 1 chuyến đi. Mục đích của hành trình này là được sự sống bất tận. Ðời người như là 1 chiếc cầu nối 2 bờ bến. Chúng ta có thể dừng chân trên chiếc cầu này tối đa 100 năm, nhưng không ai xây được căn nhà trên chiếc cầu. Chúng ta phải đi qua chiếc cầu này để đi về nhà Chúa. Ðời người không chấm dứt ở nấm mồ của sự chết. Chúa phục sinh đang chờ đón chúng ta ở bên kia cửa mồ.
Sự chết làm chúng ta đau buồn và lo sợ, nhưng không làm chúng ta thất vọng. Vì chúng ta đang xây dựng quê trời từ đời này: Sống hôm nay, đôi chân đặt dưới đất, nhưng lòng gửi về trời cao. Sống hôm nay, nhưng hướng về ngày mai. Sống hôm nay, nhưng cũng sống cho 1 đời vĩnh cửu. Sống tại thế, nhưng được thúc giục về trời. Ðời này là chuyến lữ hành, nhưng sẽ đến nơi vô tận. Sống hôm nay là sống trong hi vọng. Có hôm nay, nhưng còn ngày mai. Ðời này không là đích đến, nhưng là sự sống đời đời. Dù sự chết gây xao xuyến cỏi lòng, nhưng tương lai đang chờ đợi chúng ta. Dù đau khổ, vẫn vững tâm, vì tình yêu cứu độ của Chúa thắp sáng niềm tin và hi vọng của chúng ta.
Sống đời này là để mong chờ ngày trở về với Chúa. Sống trong niềm tin này, chúng ta sẽ tích cực chuẩn bị ngày sum họp trên quê trời đầy hạnh phúc. Chúa ban cho chúng ta có những người đồng hành trên đường về quê trời, là gia đình thân nhân bạn hữu, nhất là có Chúa và Mẹ Maria cùng đi với chúng ta trong cuộc hành trình này, chắc chắn chúng ta sẽ về đến bến an bình.
Lm. Nguyễn Thông.
Lời Chúa (11.2011).
Ngay từ buổi đầu của Kitô giáo, giáo hội lữ hành đã hết lòng kính nhớ, dâng lời cầu cho những người đã qua đời, vì cầu nguyện để họ được giải thoát khỏi tội lỗi là 1 ý nghĩ lành thánh (2Maccabê 12,45). Chúng ta hãy dậng thánh lễ và các việc lành, để cầu cho các tín hữu đã ly trần. Ðây là mầu nhiệm hiệp thông của giáo hội giữa người chết và người sống, giữa các thánh trên trời và các linh hồn nơi luyện hình. Vì Chúa là đấng thánh, nên muốn được ở với ngài, mọi người đều phải nên thánh ngay từ trần gian này hay qua việc thanh tẩy ở đời sau.
“Xin cho các linh hồn lên thiên đàng, nhất là những linh hồn cần nhờ đến lòng Chúa thương xót hơn”. Ðó là lời cầu xin cho các linh hồn, khi chúng ta đọc kinh mân côi dâng lên đức Mẹ Maria. “Vì cuộc tử nạn đau thương của Chúa Giêsu Kitô. Xin Cha thương xót chúng con và toàn thế giới”.
Chúa nhựt 6.11 tuần 32: Chờ đợi (Mathêu 25,1-13).
Lời Chúa vào những ngày cuối năm nói đến ngày cuối cùng của thế giới và nhân loại, để mời gọi chúng ta chuẩn bị Chúa đến trong tỉnh thức. Chúa đến bất ngờ như chú rể đến đón nàng dâu. Vì không biết Chúa đến lúc nào, nên chúng ta phải luôn sẵn sàng. Muốn sẵn sàng, chúng ta phải đợi chờ như đèn luôn có dầu để được ánh sáng. Dầu là đức tin vào Chúa và lòng mến đối với kẻ khác của chúng ta. Danh vọng, quyền lực và lợi lộc có thể làm dầu khô cạn, thì làm sao chúng ta có thể tỉnh thức để đón Chúa được? Cuộc gặp gỡ giữa Chúa với chúng ta là hạnh phúc vào cuối cuộc đời. Chính vì chúng ta không biết ngày giờ nào Chúa đến, nên chúng ta cần phải tỉnh thức hơn, qua việc sống gần gũi với Chúa trong kinh lễ. Nếu chúng ta mê ngủ trong vật chất và buông thả, thì dầu đức tin sẽ hết và đèn đức mến sẽ tắt, như 5 cô gái dại khờ trong phúc âm phải nghe lời phán: tôi không biết các cô là ai!
Chúa nhựt 13.11 tuần 33: Niềm vui (Mathêu 25,14-30).
Có vốn phải sinh lời. Có đầu tư phải có lợi. Phải chăng ai trong chúng ta không mong muốn như vậy? Cha mẹ lo nuôi dưỡng và đầu tư việc học hành cho con cái, thì ước mong được gì, nếu không phải là sự thành đạt của con cái? Chúa cũng mong đợi điều đó nơi mỗi người chúng ta. Người thì Chúa giao cho 5 nén bạc, người kia 2 nén bạc, người nọ 1 nén bạc. Chúng ta đã làm gì với nén bạc Chúa giao cho chúng ta? Sự sống, thời gian để sống, sức khoẻ, khả năng, phương tiện, điều kiện và hoàn cảnh tốt Chúa trao cho mỗi người: chúng ta đã xử dụng như thế nào? Chúa là người Cha nhân lành, ngài mong đợi nơi chúng ta sinh hoa kết trái tốt đẹp, như chính ngài đã ban ơn huệ tốt lành nhất cho chúng ta. Hãy vào hưởng niềm vui đã dành sẵn cho con: chớ gì đó là lời Chúa nói với chúng ta vào cuối cuộc đời. Ðó là phần thưởng hạnh phúc cho những người con trung tín và tốt lành của Chúa.
Chúa nhựt 20.11 tuần 34: Vua tình yêu (Mathêu 25,31-46).
Năm 1925, ÐGH Piô 11 lập lễ Chúa Kitô vua để nhắc chúng ta: Chúa là vua vũ trụ trời đất, muôn loài muôn vật, mọi dân mọi nước. Chúa có quyền trên trời dưới đất, nhưng quyền này là linh thiêng, không lệ thuộc vào trần gian này. Vua Giêsu làm chứng cho sự thật về tình yêu của Thiên Chúa dành cho loài người và cho chúng ta biết ý định của ngài là giải thoát con người khỏi hậu quả của tội là sự chết. Vua Giêsu là biểu tượng của bình an và cứu độ. Cái chết và sự sống lại của ngài là bằng chứng làm cho chúng ta tin nhận quyền của ngài trên sự chết và trao ban sự sống. Vương quyền của Chúa vượt thời gian và không gian. Chúng ta đáp trả như thế nào về lời mời gọi yêu thương của vua Kitô? Bằng sự tự do và ơn Chúa giúp, chúng ta hãy nắm lấy cơ hội và chọn lựa làm công dân của ngài, để chúng ta được thuộc về nước của sự thật và sự sống, thánh thiện và ân sủng, công chính, yêu thương và an bình.
Chúa nhựt 27.11 tuần 1 mùa vọng: Chúa đến (Maccô 13,33-37).
Mùa vọng là mùa chờ đợi. Chúng ta không chờ đợi 1 cái gì, nhưng chúng ta chờ Chúa đến. Vì khi ngài đến, thì chúng ta được ơn giải thoát khỏi tội và sự chết, được sống trong an bình và ân tình của nước ngài. Ðó là niềm hi vọng của các tín hữu ban đầu: chờ mong Chúa lại đến trong vinh quang của ngài. Ngày nay, chúng ta mong chờ Chúa đến bằng cách nào và như thế nào? Chúa đã đến lần thứ 1 cách đây hơn 2000 năm. Chúa sẽ lại đến lần thứ 2 vào ngày tận thế. Giữa 2 lần này, Chúa vẫn đến với mỗi người chúng ta qua Lời Chúa, qua các bí tích, qua người khác, qua các biến cố thiên nhiên, qua các cảnh ngộ của cuộc sống, qua các dấu chỉ của thời đại. Bạn có nhận ra Chúa không, khi ngài đi qua đời bạn? Ai không chờ đợi, sẽ không bao giờ gặp được. Mùa vọng mời gọi chúng ta hãy tĩnh thức đợi chờ. Hãy tìm thì sẽ gặp, bạn sẽ gặp được điều bạn tìm kiếm. Sống tại đây và ngay lúc này, bạn sẽ gặp được ơn cứu độ.
Lm. Nguyễn Thông