Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Đức Tin không phải là chuyện đặt cược

Tác giả: 
Đặng Phúc Minh

 

ĐỨC TIN KHÔNG PHẢI LÀ CHUYỆN ĐẶT CƯỢC!

 

Không riêng gì nước ta, mà cả trên thế giới hiện đang có nhiều loại đặt cược khác nhau: đặt cược bóng đá, đặt cược đua ngựa. đặt cược giá vàng lên, xuống…

 

Ngay cả trong thị trường chứng khoán, nổi cộm là thị trường bất động sản cũng là những cuộc đặt cược. Tiên đoán đúng thì thắng; tiên đoán sai thi sạt nghiệp.

 

Theo dõi giá vàng và giá bất động sản trong gần một thập niện qua, ta thấy có nhiều người, nhiều công ty, nhiều tập đoàn đã vỡ nợ, kết cục là họ phá sản, trốn chạy, ngồi tù hay tự tử …

 

Đó là những cuộc đặt cược về vật chất, cùng lắm dẫn đến mất nghiệp, mất Công ty, ngồi tù. Ở đây, tôi giới thiệu đến độc giả một cuộc đặt cược mất cả cuộc sống hạnh phúc đời nay, và cả cuộc sống đời đời mai sau, nếu ta đặt cược sai cho mình.

 

Câu chuyện đặt cược này đã được Blaise Pascal (1623-1662), nhà toán học cũng là nhà triết học lừng danh ở thế kỷ XVII người Pháp đưa ra:

 

Phỏng theo nội dung câu chuyện đặt cược của Pascal

 

Có hai người tạm đặt tên là anh “A” và anh “B”.

 

Anh “A” tin có Thiên Chúa, tin có đời sau.

 

Anh “A” luôn cố gắng giữ và sống những điều Chúa dạy: Tôn thờ Thiên Chúa, anh dự lễ ngày Chúa nhật… và yêu mến anh em hết lòng, hay giúp đỡ những người nghèo khó. Anh sống công bằng và bác ái… Khi lỗi phạm anh tìm cách thống hối ăn năn… Nhờ thế, gia đình anh hạnh phúc, anh được bà con trân trọng, quí mến.

 

Và đặc biệt anh được bình an trong tâm hồn.

 

Anh “B” không tin có Thiên Chúa, không tin có đời sau.

 

Anh “B” thường sống buông thả, giả hình. Anh vi phạm lỗi công bằng. Anh cố che đạy những điều sai quấy, miễn sao pháp luật không biết là được, vì anh chỉ sợ pháp luật. Kết quả gia đình mất hạnh phúc; dân làng chê bai; mọi người chỉ sợ anh chứ không trọng anh! Anh không có sự bình an thực sự trong tâm hồn.

 

Pascal đưa ra hai giả thuyết về Thiên Chúa và đời sau:

 

Giả thuyết thứ nhất: Không có Thiên chúa cũng không có đời sau.

 

Nếu không có Thiên Chúa và đời sau thì ngay ở đời này anh “A” đã hơn anh “B” là gia đình hạnh phúc, mọi người quí mến. Anh “A” được bình an trong tâm hồn. 

 

Còn anh “B”gia đình mất hạnh phúc, dân làng chê cười. Anh không có bình an trong tâm hồn. Còn sau khi chết cả anh “A” và “B” huề nhau.

 

Giả thuyết thứ hai: Có Thiên Chúa và có đời sau:

 

Có Thiên Chúa và có đời sau thì anh “A” được hưởng trọn ven; trong lúc anh “B” mất trắng không được gì.

 

Pascal kết luận: Khi ta tin vào Thiên Chúa và sự sống đời sau ta được cả đời nay lẫn đời sau, chỉ chịu thiệt đôi chút về chức quyền, danh vọng.

 

Nếu ta không tin vào Thiên Chúa ta mất cả đời này lẫn đời sau.

 

Như thế, người tin vào Thiên Chúa và sự sống đời sau là người khôn ngoan; người không tin vào Thiên Chúa là những người vô cùng dại dột.

 

Đức tin không phải là chuyện đặt cược.

 

Người Công giáo tin vào Thiên Chúa, tin vào sự sống đời sau không phải là một cuộc đặt cược may rủi như những cuộc đặt cược ta thường thấy, mà là sự xác tin, xác tín một cách mạnh mẽ. Họ sẵn sàng anh dũng hiên ngang lấy mạng sống mình để bảo vệ Đức Tin. Lịch sử nhân loại cũng như lịch sử Việt Nam đã minh chứng điều đó.

 

Người Công giáo dựa vào lý trí Chúa đã ban cho, và nhờ lý trí nhận biết Thiên Chúa, nhận biết đời sống vĩnh hằng qua:  lý chứng, nhân chứng, sự mạc khải

 

Lý chứng:

Câu kinh bản tôi được học khi xưng tội lần đầu cách đây đã hơn nửa thế kỷ vẫn còn vang vọng, làm tôi say mê mãi cho đến nay. Hỏi: “làm sao biết có Đức Chúa Trời?”. Thưa: “Hãy nhìn xem trật tự lạ lùng của trời đất bèn nhận ra Đức Chúa Trời”.

Từ ngày đó đến nay, càng nghiền ngẫm, suy nghĩ, học hỏi, trao đổi tôi càng thấy câu kinh bản đó sao mà hay thế! sâu sắc thế! sao mà tóm lược gọn gàng thế!!

 

Sách Giáo lý của Hội Thánh Công Giáo ngày nay thì dạy: “Những “con đường” để đến với Thiên Chúa như thể có khởi điểm là các thụ tạo: Thế giới vật chất và con người.” (SGLCHTG, 31)

 

Thế kỷ XXI, thế kỷ của khoa học hiện đại. Nhưng thử hỏi các nhà khoa học đã biết được bao nhiêu “Trật tự lạ lùng” vô biên của trời đất này. Sự hiểu biết của nhân loại trước “Thế giơí vật chất và con người” ví như hạt cát trong sa mạc; giọt nước giữa đại dương; như chiếc lá trong rừng cây. Nói như thế không có nghĩa là tôi không trân trọng những thành tựu lớn lao của khoa học.

 

Xin đan cử một thí dụ:

 

Tiến sỹ Francis. Collins, người Mỹ, Giám đốc Dự án Giải mã Gen người, đang từ nhà khoa học vô thần đã trở thành hữu thần tin thờ Thiên Chúa, khi khám phá ra trong máu của con người có 3 tỉ 100 triệu mẫu cặp hệ thống gen, mật mã của sự sống, xác định trình tự ADN, sau hơn 10 năm nhóm của ông nghiên cứu.

 

Tháng 6 năm 2000, bộ giải mã gen người này được công bố tại căn phòng phía Đông của Nhà Trắng Hoa Kỳ. Tổng thống Bill Clinton đã nói: “Ngày hôm nay, chúng ta được hiểu về loại ngôn ngữ mà Chúa đã sử dụng để sáng tạo nên sự sống. Hơn bao giờ hết, chúng ta nghiêng mình trước sự phước tạp, trước vẻ đẹp và sự diêụ kỳ của món quà thần thánh nhất, thiêng liêng nhất của Người”. (Ngôn ngữ của Chúa, những bằng chứng khoa học về Đức Tin. Nhà xuất bản Lao Động)

 

Thế kỷ thứ XIII Thánh Toma (1225-1274) Tiến sỹ Thần học nổi tiếng thời trung cổ viết ra 5 lý chứng: Sự chuyển vận của vũ trụ; luật nhân quả; sắp xếp trật tự; bặc thang giá trị nơi vạn vật; cứu cánh của vạn vật, để chứng minh sự hiện hữu của Thiên Chúa.

 

Lý chứng vững vàng nhất, hùng hồn nhất vượt không gian và thời gian giúp nhân loại nhận ra Thiên Chúa và sự sống đời sau không gì hơn toàn bộ Kinh thánh Tân và Cựu ước bao gồm 73 cuốn (46 cuốn cựu ước, 27 cuốn Tân Ước). Đây là lời mạc khải của Thiên Chúa cho nhân loại. Đây cũng là bộ sách giá trị nhất, lâu đời nhất, in nhiều nhất, bán chạy nhất, dịch ra nhiều thứ tiếng nhất trên thế giới cho đến ngày nay.

 

Nhân chứng

Dòng lịch sử cứu độ của Thiên Chúa cho nhân loại gồm hai giai đoạn:

Thời Cựu ước kể từ khi có loài người đến Chúa xuống thế làm người.

ThờiTân ước từ khi Chúa giáng trần đến nay.

 

Abraham, thời cựu ước, đã dạy cho nhân loại biết vâng phục, phó thác trọn vẹn đời mình cho Chúa. Ông sẵn sàng sát tế đứa con duy nhất Ixaác làm của lễ dâng lên Chúa... Vua Davit thì thức tỉnh nhân loại đừng ngả lòng, dù tội lỗi đến đâu mã trông cậy vào Chúa, sám hối ăn năn sẽ được Chúa thứ tha…

Chúa truyền Mười Điều Răn cho nhân loại giữ qua tổ phụ Mô-sê….

 

Thời Tân ước: Các Thánh tông đồ thời Chúa Giêsu, các Thánh tử đạo, Các Thánh nam nữ ở trên trời và biết bao người sả thân vì đạo Chúa để loan báo Tin Mừng.

 

Các tiên tri, các ngôn sứ, tổ phụ của loài người, Chúa cho hiện diện trong mỗi giai đoạn lịch sử cứu chuộc của Chúa, để minh chứng Chúa yêu thương con người vô biên, và hứa sẽ ban hạnh phúc đời sau cho những ai tôn thờ và giữ các giới răn của Người.

 

Mạc khải

 

Mạc là bức màn; khải là hé mở. Mạc khải là hé mở bức màn. Thiên Chúa là Đấng toàn năng, nhiệm mầu vì yêu thương muốn cho con người được biệt Thiên Chúa là Đấng tự hữu, toàn năng, Đấng tạo ra trời đất muôn loài. Đồng thời muốn cho con người được chia sẻ niềm hạnh phúc vĩnh hằng cùng người mai sau. Chính vì thế, Thiên Chúa đã mạc khải cho con người biết những điều đó, mà riêng với khả năng con người thì không thể nào biết được. Mạc khải được lưu truyền qua Thánh Kinh và Thánh truyền cho đến ngày cánh chung.

 

Kết luận

 

Chúa Giêsu chính là lý chứng, nhân chứng, sự mạc khải, phép lạ trung tâm trong lịch sử cứu độ của nhân loại. Chúa Giêsu là Thiên Chúa, đã xuống thế làm người mang hai bản tính, Người đã chịu chết và đã phục sinh. Đó chính là lý chứng, chứng nhân, mạc khải, phép lạ vĩ đại nhất trong lịch sử cứu độ của Thiên chúa. Đó cũng chính là niềm tin vững vàng không gì thay đổi, niềm hy vọng, nỗi khát khao chờ mong của Người Công giáo vào sự sống đời sau, vào một Thiên Chúa tự hữu đầy lòng yêu thương, nhiệm mầu vô biên, quền năng tuyệt đối trên muôn loài.

 

Lạy Chúa chúng con tin, nhưng xin nâng đỡ Đức Tin còn non yếu của chúng con.

 

 

 Inhaxiô Đặng Phúc Minh