KIÊU CĂNG và KHIÊM NHƯỜNG
KIÊU CĂNG và KHIÊM NHƯỜNG
Câu truyện đời thường
Truyện khiêm nhường. Một ẩn sĩ có tiếng là thánh thiện, dân làng tin rằng lời cầu xin của ông cùng Thiên Chúa sẽ được nhận lời. Họ nhờ ông xin cho trời mưa, thì trời lại nắng; lúc xin cho nắng thì trời lại đổ mưa. Họ nhờ xin cho con khỏi bệnh, thì con họ lại chết; lúc xin cho đá hóa thành bánh thì cũng chẳng có tác dụng gì. Vì thế, dân chúng đuổi ông ra khỏi làng.
Trong khi trú tại một hang đá, ông than thờ rằng tại sao Chúa đối xử tệ với con như thế. Cứ xin điều này thì lại cho điều ngược lại. Chúa trả lời: Con yêu ạ, Ta làm như điều con xin đó thôi, chẳng phải trước kia con xin cho được sống khiêm nhường mà.
Truyện kiêu căng. Có một tu sĩ được dân chúng cho là thánh thiện, có được ơn thấy Chúa hiện ra. Đức Giáo Hoàng sai sứ giả đến để kiểm tra xem thực hư thế nào.
Vì trên đường đi bị mưa ướt, dơ bẩn, nên khi vào tu viện, gặp tu sĩ, sứ thần nói: “thầy hãy cởi giày cho ta”. Vị tu sĩ không trả lời, không thèm nhìn, và tỏ thái độ khinh dể vị khách này.
Sứ thần ra về và trình lại với Đức Giáo Hoàng rằng: Người kiêu căng như thế thì không thể thánh được.
Câu truyện Lời Chúa
Truyện kể rằng: “Có hai người lên đền thờ cầu nguyện. Một người thuộc nhóm Pharisêu, một người là thu thuế.
Người Pharisêu đứng thẳng, nguyện thầm rằng: Lạy Thiên Chúa, xin tạ ơn Chúa. Con không tham lam, bất chính, ngoại tình, như người khác hoặc như tên thu thuế kia. Con ăn chay mỗi tuần hai lần, con dâng cho Chúa một phần mười thu nhập của con.
Còn người thu thuế thì đứng đằng xa, chẳng dám ngước mắt lên trời, nhưng vừa đấm ngực vừa thưa rằng: Lạy Thiên Chúa, xin thương xót con là kẻ tội lỗi.
Tôi nói cho các ông biết: người này, khi trở xuống mà về nhà, thì đã được nên công chính rồi; còn người kia thì không. Vì phàm ai tôn mình lên sẽ bị hạ xuống; còn ai hạ mình xuống sẽ được tôn lên" (Lc 18,9-14).
Câu truyện của chúng ta
Kiêu căng và khiêm nhường luôn song đấu với nhau để chiếm lĩnh tâm hồn và cuộc sống con người.
Một bên thì lôi kéo để đồng bọn với chúng, trở nên hống hách, khó ưa, cố chấp, gây hấn, tự phụ. Thái độ này khiến Thiên Chúa chê trách và con người xa tránh, tẩy chay.
Một bên thì tìm cách thể hiện lòng từ tốn, nhân từ, khiêm cung, an hòa, nhẫn nại, hiền lành, để làm nổi bật hình ảnh của Chúa, Đấng hiền từ và khiêm nhường. Thái độ này làm cho Thiên Chúa vui th1ich và mọi người mến yêu, tin tưởng.
Có nhiều hình thức và hành vi biểu lộ thói kiêu ngạo cũng như khiêm nhường. Cách mà Tin Mừng Luca nói đến hôm nay, đó là:
Kiêu ngạo khi dựa vào lề luật. Người Pharisê nói: “mỗi tuần tôi ăn chay hai lần, có nộp một mười hoa lợi. Tôi cũng không bất chính tham lam, không ức hiếp dân chúng, không làm những gì lỗi luật…
Ông đã hiên ngang đứng như người công chính thánh thiện, đứng với tư thế của quan tòa, là người xứng đáng để phán xét con người. Như thể nói rằng, Chúa phải trả công cho tôi, phải công nhận tôi là người xứng đáng, bởi tôi đâu có làm điều gì không đúng luật Ngài.
Ông nói không sai khi đã giữ một số luật của Thánh kinh, nhưng nếu chỉ dừng lại ở luật sẽ làm cho con người trở nên tù túng. Bởi luật luôn cấm đoán ta không được làm điều này điều nọ, nếu làm thì sẽ phạm tội, bị trừng phạt, bị đi đày…
Luật phải đạt tới mức hoàn chỉnh, đó là tạo cho người ta có một cái nhìn tích cực về cuộc sống và hăng say làm lành, làm tốt mọi hành vi trong đời sống cho đúng ý Chúa, hợp lòng người.
Thực tế, chẳng có ai thi hành trọn vẹn điều tốt họ muốn. Chính Thánh Phaolô đã nói: “Điều tốt tôi muốn tôi đã không thi hành, nhưng chính tôi lại làm điều tôi ghét” (Rm 7,15.19).
Kiêu ngạo khi khinh thường người khác. Ông Pharisêu nói: “Tôi không như bao người kẻ, chẳng ngoại tình, bất lương, gian tham, lười biếng hay ít là chẳng giống tên thu thuế kia, làm khổ, làm hại dân chúng…” Không tin thì ngài cứ hỏi mọi người xem sẽ rõ.
Cung cách nói của ông như một quan tòa, khi đưa ra các phán quyết tốt xấu, thiện ác, thưởng phạt và muốn Thiên Chúa phải nhìn nhận sự thật này.
Khiêm tốn nhìn nhận sự thật. Người thu thuế nhìn nhận về quá khứ của mình. Một quá khứ không thanh sạch, không được hạnh phúc bình an. Một đời sống bị mọi người lên án ghét bỏ.
Anh không hề bào chữa, thanh minh tại sao mình lại thế, ai xúi dục. Cũng chẳng so sánh với những người thu thuế khác, càng không dẫn chứng người xấu này xấu nọ, càng không kể ra những việc tốt này nọ để giảm nhẹ hành vi xấu của mình. Trước mặt Thiên Chúa, anh chỉ biết có Ngài và đời anh.
Thái độ của anh bộc lộ một tâm hồn tan nát dày vò và cần được chữa lành, ủi an. Anh chỉ dám đứng từ đàng xa, chẳng dám ngước mắt lên trời, còn tay thì đấm ngực và thưa với Chúa, để mong Ngài giải tha thứ, giải cứu thân phận tội lỗi của mình.
Tuy không nói ra, nhưng ta có thể đọc được khát khao của anh, đó là muốn sống trong tình thương của Chúa và của mọi người; muốn được Chúa chấp nhận và người khác nhìn nhận, muốn được Chúa cảm thương và người khác cảm thông; muốn được Chúa chia sẻ và người khác sẵn lòng sớt chia buồn vui của cuộc sống; muốn sống bằng tình làng nghĩa xóm, có bạn bè, có người thân giống như bao người khác và được trở nên bạn hữu với Chúa.
Kiểm điểm đời sống
- Ta kiểm tra xem lòng trí của mình thường hướng về ai, có phải Thiên Chúa không hay một nhân vật nào trên thế giới, hay những ngẫu tượng như tiền bạc vật chất, chức quyền, danh vọng…
- Ta có khiêm tốn đón nhận người khác với tất cả ưu khuyết điểm của người khác, cũng như những yếu đuối tội lỗi của mình chưa?
- Ta có vui cùng người vui, buồn cùng kẻ buồn. Có tạ ơn Chúa và vui với những điều tốt lành của người khác hay là tức tối ghen tị khi thấy người khác hay hơn, tốt hơn mình?
- Ta có khinh chê người này người nọ vì họ không được tốt, không đúng, hay có đúng mà mình không nhận ra?
- Ta có khiêm tốn trước mặt Chúa hay là kiêu ngạo về những việc tốt làm được rồi tự hào, lên mặt, nhất là đã giữ một số luật buộc của Giáo hội?
- Ta có xét mình kỹ lưỡng và nhìn nhận những thứ tật xấu, tội lỗi của mình gây ra hàng ngày, làm xúc phạm đến Chúa, buồn lòng anh em không?
- Ta có làm tất cả mọi sự vì sự mách bảo của trái tim, hay chỉ làm tối thiểu những điều do luật buộc mà thôi?
Chúa Nhật 30 thường niên C
(Lc 18,9-14)
THANH THANH
http://niemvuimoi.org