Thôi cũng đành một kiếp trăm năm
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 2 mùa Vọng năm B 07-12-2014
“Thôi cũng đành một kiếp trăm năm,
đời người sẽ qua.”
“Cũng đành một thoáng chiêm bao,tình người cũng xa.
Cũng phôi pha,những điêu ngoa theo vết môi cười tàn tạ.
(Từ Công Phụng – Chiếc Que Diêm)
(Lc 19-29-31/1Cr 12: 13)
“Một kiếp trăm năm” ư? Ối chao, mọi sự rồi cũng xong và “đời người rồi (cũng) sẽ qua”. “Một thoáng chiêm bao” sao? Ối chà! Quả thật “tình người cũng xa”, “vết môi cười (rồi cũng)
tàn tạ”, mà thôi.
Vâng. Đúng là như thế! Đời người và tình người, nào khác xa những thứ và những sự như tình của người đời, giống truyện kể để mào đầu cho chuyện thần-học, khô lông lốc. Trước hết, ta hãy nghe câu truyện kể cũng ngắn gọn, ở bên dưới:
“Truyện rằng:
Có chàng trai nọ, đi đây đó rất nhiều ngày trong đời mình. Ấy thế mà, anh vẫn không cẩn trọng, để đến nỗi gẫy mất ống quyển ở chân trái, đành phải bó bột cũng khá lâu. Thoạt vào lúc tháo băng, bác sĩ có xem xét rồi dặn dò anh đừng nên đi cầu thang nữa, kẻo bị lại như lần trước. 4 tháng sau, anh trở lại phòng mạch bác sĩ nói trên để tái khám, đã vội hỏi:
-Thưa bác sĩ, nay tôi đi cầu thang được chưa?
-Được thì vẫn được! Nhưng, anh vẫn phải thật cẩn thận đó, kẻo nguy to.
Nghe vậy, anh bèn thở phào nhẹ nhõm rồi tuyên bố với phân trần, rằng:
-Đỡ quá chừng chừng. Mấy tháng nay, làm thằng bé cứ phải trẻo qua cửa sổ rồi tuột theo đường ống nước, đến là cực!”
“Đến là cực”, còn là trải-nghiệm vẫn nhận thấy đằng sau câu hát của ai đó, hay của người nghệ-sĩ vẫn hát những câu sau đây:
“Thôi cũng đành một kiếp phong ba, lệ tình cũng xa.
Xuống đời ta những nguôi ngoai, rồi người cũng xa.
Cũng xa ta, cũng xa ta theo dòng nghiệt ngã mù lòa.
Vì lời em sớm muộn gì cũng một lần gian dối.
Tình anh sớm muộn gì cũng đưa vào tăm tối.
Đời anh sớm muộn gì...
Đời em sớm muộn gì...
Tình ta sớm muộn gì... cũng hấp hối!...
Rót cho đầy hồn nhau, đắp cho đầy đời nhau,
những men nồng tình sâu rã rời.”
(Từ Công Phụng – bđd)
Những câu như thế, hát hoài hát mãi vẫn không chán. Nhưng, sao nghệ sĩ nhà mình lại cứ thêm những câu chưa quen tai, như thể để ví von đời mình, như:
“Thôi cũng đành như chiếc que diêm một lần lóe lên.
thắp đời em sáng lung linh, buồn một cõi riêng.
Những đêm sâu, những canh thâu,
nghe nước mắt nặng giọt sầu.
Thôi cũng đành như kiếp rong rêu, một lần hóa thân.
cuốn về phong kín tim ta một đời chói chang.
Những đam mê, những ngô nghê.
với tình người nhỡ lời thề,
Thôi cũng đành như tấm gương tan, mờ phai vết xưa.
Xót giùm cho tấm thân ta ngựa bầy đã xa.
Những đêm mơ thấy tan hoang.
Hương tình vừa chớm muộn màng.
(Từ Công Phụng – bđd)
Ấy đấy! Đời người và đời mình đẹp như thế, mà sao người xưa vẫn cứ hát hò và so sánh với que diêm hay que củi, đến là tàn tạ.
Vốn là nghệ sĩ, thôi thì anh có ví-von so-sánh với đời người thế nào cũng được. Đằng này, đường đường một đấng anh-hào, ở nhà đạo, mà anh lại cứ “nhi nhô” dăm ba câu tuyên bố với giảng giải những điều mà mọi người đều nghe từ thời đức thày Alexandre de Rhodes, thế mới chết không.
Vâng. Nhắc đến cố đạo thời cổ, bần đạo lại nhớ đến sự-kiện xảy đến vào năm 2012 khi ghé viếng thủ-phủ mang tên Esfahan ở Iran, bất chợt gặp được mộ-phần của vị cố đạo vinh-quang một thời làm thừa sai tiên-phong ở miền đất rất A-na-mít, nhưng lại lìa trần chốn lặng thinh lặng ở miền đất, rất đạo Hồi. Cố đạo Alexandre De Rhodes (1591-1660), mà tiếng Việt mình lại phiên-âm là: A-Lịch-Sơn Đắc-Lộ nghe chẳng khác nào A-lịch-Sơn Đại Đế, đến là thế.
Phải công nhận, là: cố đạo A-Lịch-Sơn rất Đắc Lộ từng có công-đầu đậm-sâu với nền ngôn-ngữ La-Bồ-Việt một thời. Nhưng, về thần-học, đức thày lại chuyên-chở mãi hình-thức sống đạo rất ư “buồn tình” mà người đời nay cứ diễn tả bằng những “câu chuyện đời” đầy ý-nghĩa của chuyện anh đã hứa, như thứ văn hoá của những hứa hẹn như sau:
“Hứa và hẹn rằng:
“Anh sẽ nhận em làm vợ, và hứa sẽ giữ lòng chung thủy với em. Khi thịnh vượng cũng như lúc gian nan, lúc ốm đau hay khi khỏe mạnh, lúc hoạn nạn hay khi bình an, anh hứa sẽ yêu thương và tôn trọng em mỗi ngày, suốt đời anh.”
Đám cưới diễn ra một cách tốt đẹp. Cô đồng ý lấy anh, một nhân viên IT khô khan và ít lãng mạn. Còn cô là giáo viên dạy vũ đạo, duyên dáng và xinh đẹp, các chàng trai theo đuổi cô không ít. Và, cũng không ai lọt vào mắt xanh của cô. Nhưng khi anh đến, anh yêu cô bằng tình yêu chân-thành và hoàn-toàn lấy lòng gia đình cô, bạn bè cô cũng ủng-hộ anh. Anh làm việc lương không cao, cũng không đẹp trai, thậm chí anh không phải là mẫu người cô thích, thế mà cô lại lấy anh. Đôi lúc, cô cũng không hiểu vì sao cô lại đồng ý lấy anh.
Sau đám cưới, anh và cô ra riêng, cuộc sống của hai người dù ít tiếng cười nhưng chưa bao giờ có chuyện cãi cọ, buồn phiền; và, cô thấy anh cũng không đến nỗi khô-khan như cô nghĩ, những ngày lễ như valentine, 8/3…. Cô đều có hoa quà từ nơi anh. Có thể nói, anh là người chồng rất tốt. Hàng ngày anh chở cô đến chổ dạy, rồi mới đến công-ty làm việc. Cuối tuần, anh chở cô về bên ngoại, hoặc gặp-gỡ bạn-bè. Và, anh luôn cố gắng làm cho cô hạnh-phúc.
Nhưng rồi cuộc sống đã không cho họ hạnh-phúc được lâu dài, lại phải đối mặt với cuộc sống mới, một cuộc sống thật khó chấp nhận… Một hôm, đang làm việc, anh nhận được điện-thoại của cô, nhưng không phải là cô mà là giọng nói khác:
-Xin lỗi, anh có phải là chồng của chị Diễm không ạ?
-Ai đang dùng điện thoại của vợ tôi vậy.
-Em cùng làm với Diễm, anh…anh vào bệnh viện ngay đi, Diễm mới bị tai nạn, đang cấp cứu ở bệnh viện Chợ Rẫy.
-Sao…Sao vậy, có chuyện gì với Diễm vậy, giọng anh như lạc đi, nghẹn ngào, anh không tin vào chuyện đang xảy ra.
-Anh vào bệnh viện nhanh đi.
Nói rồi người đó cúp máy mà không giải thích gì thêm. Anh lo lắng, hoảng hốt chạy vào bệnh viện, một lúc sau ba mẹ anh và ba mẹ cô ấy cũng đến, mọi người đều không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Sáng nay, anh và cô đang vui vẻ ăn sáng với nhau, thế mà….
Sáu tiếng phẩu thuật là sáu tiếng anh đứng ngồi không yên, lòng như lửa đốt. Thấy vị bác sĩ trọng tuổi bước ra khỏi phòng phẫu-thuật, anh hỏi:
-Vợ tôi sao rồi, bác sĩ?.
-Tạm thời cô ấy đã qua cơn nguy kịch, còn phải ở lại bệnh-viện để kiểm tra thêm- ông thở dài- nhưng có lẽ cô ấy khó mà đi lại được. Thông báo của bác sĩ làm anh chết lặng, cô là giáo viên vũ đạo, nếu không đi lại được thì chắc cô chết mất, anh đến bên cô, nhưng không biết nên nói gì. Lúc đó anh ao-ước, giá như anh chịu đựng được những gì cô đang gánh chịu… Nhưng đó là điều không thể xảy ra.
Sau ba tuần ở bệnh viện, cô về nhà trên chiếc xe lăn, khuôn mặt phờ phạc, cả ngôi nhà như u-ám hẳn đi. Từ khi cô biết cô không thể đi lại được nữa, thì mọi thứ xung quanh cô dường như đã chết. Cô không thể nhảy múa được nữa, nghĩa là không thể làm những gì cô yêu thích; với cô, như thế chẳng khác nào chết nửa cuộc đời..
Và cũng từ đó, anh cố gắng để thấy cô cười, bây giờ, mọi việc trong nhà đều do anh một tay sắp xếp, từ giặt dũ đến nấu ăn. Cô thì vẫn thế, lúc nào cũng u buồn.
Mỗi buổi sáng, anh cố gắng dậy sớm, dọn điểm tâm cho cô ăn, anh luôn gọi cô dậy sau khi mọi thứ đã chuẩn bị xong.
-Bà xã!, dậy ăn sáng đi, anh chuẩn bị xong hết rồi- anh vừa nói vừa lay cô dậy
-Anh để em yên. Em không thích ăn gì hết, để em yên- cô gắt lên.
Anh để chiếc xe lăn bên cạnh giường và chuẩn bị đi làm, chính anh cũng không biết nên làm gì để cô thoát khỏi hoàn-cảnh hiện-tại. Bây giờ gánh nặng gia-đình đặt cả lên vai anh, tai nạn của cô cũng đã tiêu-tốn hết số tiền mà hai vợ chồng dành-dụm được, giờ anh phải làm việc thật cật-lực, để có tiền lo cho cô, nhưng anh chưa bao giờ bỏ cuộc hay gục ngã, ngoài công việc ở công-ty anh còn nhận thêm các công việc khác như: thiết-kế trang “web”, lập-trình phần mềm, bất cứ việc gì có thể làm ra tiền anh đều làm, đêm nào anh cũng thức đến nửa đêm. Và, anh vẫn luôn yêu cô như ngày nào. Và, cô nhờ anh cũng dần dà lấy lại được niềm tin trong cuộc sống.
Anh cố gắng tiết-kiệm để mua thêm cho cô một cái “laptop” để cô tiện nói chuyện với bạn bè, khỏi lạc lõng những lúc vắng anh. Mỗi chiều đi làm về, anh đều đưa cô dạo quanh khu phố, để cô tìm được chút niềm vui. Anh nấu những món ăn cô thích, ở đâu có bác sĩ giỏi anh đều sắp-xếp thời-gian đưa cô đi chữa bệnh. Anh chưa bao giờ từ bỏ, luôn động-viên cô phải cố-gắng, nỗ lực. Công việc chăm-sóc của anh làm cho cô thấy ấm lòng, cô không còn tự-ti vì đôi chân tàn-tật nữa, cô bắt đầu học cách chấp-nhận nó. Nhưng đôi khi, vì sự chăm sóc của anh khiến cô thấy tủi thân, cô thấy mình mắc nợ anh nhiều quá
Một hôm, đang giặt quần áo thì nghe tiếng xoong chảo leng keng trong nhà bếp, anh chạy vào thì thấy cô đang cố gắng để nấu món gì đó
- Em đang làm gì vậy?
- Hì, em định nấu bữa tối- cô nhoẻn miệng cười.
- Thôi, em nghỉ ngơi đi, mấy chuyện này để anh lo.
- Nhưng mà em muốn nấu- cô phụng phịu
- Cái bếp cao vậy sao em nấu được, cứ để đó cho anh, em không thấy là anh phải lo đủ chuyện rồi sao, đừng làm anh lo lắng thêm nữa…
Cô lặng lẽ đẩy xe vào phòng, mắt nhòe đi. Cô thấy mình thật vô dụng, những việc tầm-thường của đàn bà con gái mà cũng không giúp được anh. Mấy ngày sau cô vẫn buồn vì chuyện đó.
Anh càng chăm sóc cô, cô càng thấy mình vô dụng, đôi lúc ý-định tự-sát chợt lóe lên trong đầu cô, nhưng cô đã không làm thế, vì cô rất yêu anh. Mỗi đêm, anh ôm cô và thì thầm: “Ngủ ngon em nhé, mọi chuyện rồi sẽ ổn thôi”. Nhưng cô chưa kịp say giấc thì anh lại trở dậy, lại lọc cọc/lạch cạch với máy tính khô-khan, tự nhiên lòng cô quạnh thắt, rồi những suy-nghĩ mong-lung cứ chập chờn trong đầu cô: “Nếu không vì mình, anh đâu phải khổ-cực như vậy, tất cả là tại mình, giờ mình nên làm gì đây. Một ý nghĩ lóe lên trong đầu cô: LY HÔN.
Chiều hôm sau, khi anh vừa đi làm về, trên bàn đã có sẵn tờ giấy, anh cầm lên đọc, nét mặt sa sầm lại, đó là đơn ly-hôn, cô đã viết và đã ký.
- Cái này là sao đây- anh chìa tờ giấy ra trước mặt cô
- Em không muốn làm khổ anh nữa, anh ký đi
Anh suy nghĩ một lúc rồi hỏi lại cô: “em thực sự muốn anh ký thật chứ?”. Cô nhìn anh gật đầu. Anh im lặng, đi chuẩn bị bữa tối, ăn xong thì anh đi đâu mất. Tối đó, cô ở một mình, rất lâu rồi cô mới ở một mình trong đêm tối, tự nhiên cô thấy lạc lõng, nỗi cô đơn như đang gặm nhấm dần trái tim cô.
Đã nửa đêm, anh vẫn chưa về, “anh đi đâu?” Cô bắt đầu lo lắng và không biết nên làm gì ngoài việc khóc, cô thấy nhớ anh vô cùng, rồi cô ngủ thiếp đi. Khi thức giấc đã là 9h sáng, anh vẫn chưa về, cô trở mình, phải khó khăn lắm cô mới lên được chiếc xe lăn, cô đẩy xe đi một vòng quanh nhà, sao mà cảm giác u-ám quá, cô muốn ăn cái gì đó, nhưng chẳng ai giúp được cô lúc này. Đành vậy, cô quay về phòng, chẳng biết làm gì, đầu óc trống rỗng.
Khoảng 11h thì anh về, tay cầm ít rau củ, để nấu bữa trưa. Sau một lúc thì xong, anh đẩy cô ra bàn ăn. Cô chẳng nói gì, chỉ lặng lẽ ăn, cũng không dám nhìn anh. Đang ăn thì anh nhìn quanh và nói:
- Anh mới vắng nhà có một đêm, sao mà bừa bộn quá vậy, chén bát chẳng ai rửa, quần áo cũng chẳng ai giặt, nhà cửa cũng chẳng ai lau, nói rồi anh thở dài…
Tự nhiên cô thấy miếng cơm trong miệng chát đắng, cô biết anh đang trách móc cô, nhưng biết làm gì hơn. Rồi anh nói tiếp:
- Còn em nữa, chân em như vậy, bộ muốn anh ký vào tờ giấy đó thật hả?
- Dạ…em trả tự do cho anh, em không muốn anh phải khổ vì em nhiều nữa
- Thế anh ký rồi em sẽ ra sao, em suy nghĩ kỹ chưa?
- Rồi anh à
- Không hối hận chứ? anh ngừng đũa hỏi.
- Thì em đã ký rồi, giờ chỉ còn anh quyết định thôi.
Anh rời bàn ăn, một lúc sau anh quay trở lại, trên tay anh cầm một con lật đật bằng gỗ, ngày xưa anh tặng cô, anh để con lật đật xuống bàn rồi đẩy nó ngã xuống, nó lại đứng bật dậy như chưa từng ngã, anh nói:
- Cuộc sống có đôi lúc làm chúng ta gục ngã, nhưng chúng ta phải biết cách đứng dậy em à, em tàn tật thì sao chứ, không đi được thì sao chứ, hãy để anh làm đôi chân cho em nhé, đừng có tự-ti nữa.
Mắt cô bắt đầu nhòe đi vì những lời anh nói.
- Nhưng em….
- Không có nhưng nhị gì hết, em có nhớ những gì anh đã nói trong hôn lễ không, anh hứa sẽ yêu thương và tôn trọng em suốt đời anh, dù có chuyện gì xảy ra- anh nắm lấy tay cô- hãy để anh thực-hiện điều đó em nhé, Anh Yêu Em!!!.
Cô òa khóc như một đứa trẻ, những giọt nước mắt hạnh-phúc lăn dài trên má cô
- Em xin lỗi, em không bao giờ để anh phải buồn nữa đâu, em cũng yêu anh.
Anh đưa tay gạt đi những giọt nước mắt trên má cô:” Đừng khóc nữa, nước mắt hòa với cơm mặn lắm đó, em biết không hả?” (Truyện kể do tác già “St” sưu-tầm và phổ-biến)
Đọc đến đây, hẳn sẽ có ai đó nhạt-nhoà nước mắt? Nghe truyện kể do nhứng người từng sống trong đời kể về đời người, nhà Đạo mình hẳn sẽ tưởng tượng tình-huống ấy, như những thứ mà cố đạo xưa lại gọi đó là “luyện ngục” hoặc tệ hơn, là: “hoả ngục cuộc đời”, tức: toàn những ngục và ngục, thôi.
Những là, ngục-thất, ngục-tù hoặc ngục ... ngã đểu chỉ về nơi chốn con người chôn-chặt con người bằng hận-thù, tức: một hình-ảnh nào đó hiểu theo nghĩa bóng, chứ làm gì có thật.
Thế nhưng, nghe “cố đạo” thời nay giảng-giải ở nhà thờ hoặc trên báo/đài cổ-lỗ-xĩ, hẳn người đọc và người nghe tưởng chừng “cố đạo” A-Lịch-Sơn Đắc-lộ vẫn còn sống ở đâu đó, xứ Ba Tư lừ-đừ Iran/Iraq, đến sợ. Quả thật, không gì sợ bằng, mãi đến hôm nay, mà đức thày John Flader ở Tuần Báo Công Giáo Sydney, vẫn “sát khí đằng đằng” một lời kể, như sau:
“Khi có ai lại ngờ-vực về một khía-cạnh của niềm tin qua đó ta không tìm ra chứng cớ nhãn tiền về chuyện đó, thì cũng khó mà thuyết-phục được họ, dù cho ta có sử-dụng bao nhiêu là luận cứ hoặc “bằng chứng”, cũng đành thôi.
Chắc bà con mình còn nhớ dụ ngôn Chúa kể để tả về người giàu có nọ và ông Lazarô trong đó người giàu có ấy nay đang ở hoả-ngục, cố nài-nỉ Abraham gửi Lazarô về lại nhà cha mình như sau:
“Lạy tổ phụ, vậy thì con xin tổ phụ sai anh Ladarô đến nhà cha con, vì con hiện còn năm người anh em nữa. Xin sai anh đến cảnh cáo họ, kẻo họ lại cũng sa vào chốn cực hình này!” Ông Ápraham đáp: "Chúng đã có Môsê và các Ngôn Sứ, thì chúng cứ nghe lời các vị đó". Ông nhà giàu nói: "Thưa tổ phụ Ápraham, họ không chịu nghe đâu, nhưng nếu có người từ cõi chết đến với họ, thì họ sẽ ăn năn sám hối". Ông Ápraham đáp: "Môsê và các Ngôn Sứ mà họ còn chẳng chịu nghe, thì người chết có sống lại, họ cũng chẳng chịu tin". (Lc 16: 29-31)
Vì thế nên, ta không thể trông mong những người đa-nghi ấy lại có thể tin vào là có hoả-ngục cho dù ta có bảo họ là: đã có nhiều người từng thấy cảnh hoả-ngục. Quả thật, trên đời này vẫn còn những người như thế...” (xem Lm John Flader, Is there a hell? You can sadly bet on it, The Catholic Weekly 23/11/2014 tr. 26)
Nếu bạn và tôi, ta gọi những-người-không-tin là hoả-ngục-có-thật một nơi chốn, họ đều là những người đa-nghi cứ nghi-kỵ, nghi-ngờ hoặc nghi-vấn nhiều thứ, thì ngày nay con số những người như thế chừng như lên đến gần 6 hoặc 7 tỷ rồi, phi trừ trường-phái tin và hiểu theo kiểu đức thày nhà đạo tên John họ là Flader ở Sydney, thôi.
Thôi thì, đức thày nay đã già lại cứ chuyên chăm chuyện giảng dạy giáo-lý/sách phần của “thời cổ” thì một ngày rất gần đây, đức ngài cũng sẽ “diện kiến” ngục thất đầy những lửa mà chữ nho hoặc tiếng nôm ta gọi cách nho-nhã là “hoả-ngục”, cũng chẳng sao.
Vấn-đề là: ngày nay, làm sao thuyết-phục được giới-trẻ đến nhà thờ để nghe “cố đạo” thời-đại vẫn níu kéo nền thần-học cổ-lỗ đến chết được. Chết nhiều hơn và nhiều nhất, vẫn là câu kết của đức thày ở bài viết trên, có câu “thòng” rất ư là chắc nịch, như sau:
“Vậy thì, có hoả-ngục thật đấy. Chúng ta hãy cầu nguyện cho những ai mà ta nghĩ là đang sống xa vời Chúa để họ ăn-năn hối cải và đừng tới nơi đó. Có thể lời cầu của ta sẽ cứu họ.” (xem Lm John Flader, bđd)
Thôi thì, cãi vã tranh luận mà làm gì, khi ngôn-từ và ý-niệm khô-khan, trừu-tượng của thần-học cổ-lỗ mà lắm khi bạn và tôi, ta cứ tưởng đó là lối học về thần rất chính-mạch có chính-đáng chăng?
Tốt hơn hết, có lẽ ta nên sống thực lời dạy theo đúng ý tác-giả Tin Mừng viết và sống những 40 hoặc 70 năm sau thời đại Đức Giêsu từng sống. Các tác-giả Tin Mừng từng đặt vào miệng Thày Giêsu mình những câu khuyên/lời dạy chỉ mang tính văn-hoá của người xưa, rất Do-thái, mà thôi.
Thôi thì, ta cũng nên đi vào lời khuyên/dạy đầy hưng-phấn của các đấng bậc rất thánh trong Đạo từng đúc-kết ý-nghĩa Lời Thày dạy, bằng câu nói để đời nhưu sau:
“Bây giờ tôi biết chỉ có ngần có hạn,
mai sau tôi sẽ được biết hết,
như Thiên Chúa biết tôi.
Hiện nay đức tin, đức cậy, đức mến,
cả ba đều tồn tại, nhưng cao trọng hơn cả là đức mến.”
(1Cr 13: 13)
Với người đời, chí ít là người ngoài đạo, thì sống “đức mến cao trọng hơn cả”, là sống bằng những tư-tưởng rất đúng đạo-làm-người, như truyện kể làm kết-luận ở bên dưới:
“Tại vùng trang trại xa xôi, có người nông-dân nọ, năm nào cũng trồng được những cây ngô rất tốt. Năm nào ông cũng mang ngô tới hội-chợ liên-bang và năm nào ngô của ông cũng đạt giải nhất. Ai cũng cho rằng ông có những bí-quyết riêng độc-đáo. Có lần, một phóng-viên đến phỏng-vấn ông phát-hiện ra rằng: nông-dân này luôn san-sẻ những hạt giống ngô tốt nhất của mình với hàng xóm ở trang trại xung quanh.
Ông bèn hỏi:
- Tại sao bác lại chia những hạt giống tốt nhất đi, trong khi năm nào họ cũng đem sản-phẩm đến cùng một hội chợ liên-bang để cạnh-tranh với sản-phẩm của bác vậy?
- Anh không biết ư, gió luôn thổi phấn hoa và cuốn chúng từ trang trại này sang trang trại khác, từ cánh-đồng này sang cánh-đồng khác. Nếu những người hàng xóm quanh tôi chỉ trồng được những cây ngô xấu thì việc thụ phấn do gió rõ ràng sẽ làm giảm chất-lượng ngô của chính trang-trại của tôi. Tức là, nếu tôi muốn trồng được ngô tốt, tôi cũng phải giúp những người xung quanh trồng được ngô tốt đã!
Cuộc sống cũng như vậy. Những người muốn được hạnh-phúc phải giúp những người sống quanh mình hạnh-phúc. Những người muốn thành-công phải giúp những người quanh mình thành-công. Giá trị cuộc sống của bạn được đo bằng những cuộc sống mà bạn “chạm” tới. (trích truyện kể do một vị ký tên là “St” từng sưu-tầm, mới vừa gửi lên mạng).
Nghe kể thế rồi, thiết tưởng bạn cũng như tôi, ta cứ âm-thầm cất lên lời ca tiếng hát rất vang vọng một nhắn-nhủ, bảo rằng:
“Tình ta sớm muộn gì... cũng hấp hối!...
Rót cho đầy hồn nhau, đắp cho đầy đời nhau,
những men nồng tình sâu rã rời.”
(Từ Công Phụng – bđd)
Vâng. Hãy “rót cho đầy hồn nhau”, “những men nồng tình sâu”, rồi ra cuộc sống của bạn và của tôi, cũng sẽ đong đầy nhiều ý-nghĩa. Những ý và nghĩa của thứ tình thương-yêu rất đẹp trong đời. Dành cho hết mọi người.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn không tin hoả ngục
như nơi chốn
nhưng còn tin vào thiên-đàng
như tình-huống đàng hoàng
chứa đựng rất nhiêu thương-yêu, an bình
ngay ở đời này.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: