Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Chia sẻ lời Chúa thứ tư CNI MV

Tác giả: 
Lm Đinh Quang Thịnh

 

 

NGÀY 3 THÁNG 12

THÁNH PHANXICO XAVIE, LINH MỤC

Lễ Kính

1 Cr 9, 16-19.22-23 ; Mc 16, 15-20

 

BÀI ĐỌC : 1 Cr 9, 16-19.22-23

 

          16 Thưa anh em,đối với tôi, rao giảng Tin Mừng không phải là lý do để tự hào, mà đó là một sự cần thiết bắt buộc tôi phải làm. Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!17 Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.18 Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi.

 

          19 Phải, tôi là một người tự do, không lệ thuộc vào ai, nhưng tôi đã trở thành nô lệ của mọi người, hầu chinh phục thêm được nhiều người. 22 Tôi đã trở nên yếu với những người yếu, để chinh phục những người yếu. Tôi đã trở nên tất cả cho mọi người, để bằng mọi cách cứu được một số người.23 Vì Tin Mừng, tôi làm tất cả những điều đó, để cùng được thông chia phần phúc của Tin Mừng.

 

ĐÁP CA : Tv 116

 

Đ.       Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, mà loan báo Tin Mừng  (Mc 16,15)

 

1 Muôn nước hỡi, nào ca ngợi Chúa,ngàn dân ơi, hãy chúc tụng Người!

2 Vì tình Chúa thương ta thật là mãnh liệt, lòng thành tín của Người bền vững muôn năm.

 

TUNG HÔ TIN MỪNG : x Mt 28, 19a.20b

 

          Hall-Hall : Chúa nói : Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân. Này đây, Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế. Hall.

 

TIN MỪNG : Mc 16, 15-20

 

          15 Hôm ấy, Đức Giê-su hiện ra với Nhóm Mười Một và nói với các ông: "Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thọ tạo.16 Ai tin và chịu phép rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.17 Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ.18 Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ."

 

          19 Nói xong, Chúa Giê-su được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa.20 Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng.

 

SỨ MỆNH NGÔN SỨ CỦA TÔNG ĐỒ ĐỨC GIÊSU

 

          Dựa vào các Bài đọc trong Thánh Lễ hôm nay, người Tông Đồ của Đức Giêsu phải xác tín và sống năm điểm Giáo Lý sau :

 

  • Làm Tông Đồ là cộng tác với Chúa Giêsu Phục Sinh, để làm hoàn hảo công trình Chúa sáng tạo.
  • Ai có Chúa Giêsu thì sống, kẻ không có Ngài là chết.
  • Chúa Giêsu Phục Sinh thông chia chiến thắng cho các Tông Đồ.
  • Chúa Giêsu về Trời nhằm yểm trợ cho hoạt động Tông Đồ của các môn đệ đạt thành công.
  • Sự khẩn thiết phải chu toàn sứ mệnh ngôn sứ.

 

I. LÀM TÔNG ĐỒ LÀ CỘNG TÁC VỚI CHÚA GIÊSU PHỤC SINH, ĐỂ LÀM HOÀN HẢO CÔNG TRÌNH CHÚA SÁNG TẠO.

 

          Sau khi Chúa Giêsu từ cõi chết sống lại, Ngài ra lệnh cho các môn đệ : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ, loan báo Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” (Mc 16,15 : Tin Mừng).

 

Giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo” phải hiểu theo hai nghĩa :

 

1/ Làm cho đồng loại đúng nghĩa người là giống Thiên Chúa.

 

Vì khi Thiên Chúa sáng tạo Adam - Eva, Ngài phán : “Chúng Ta hãy dựng nên con người giống Chúng Ta” (St 1,26a). Đó mới là ước định. Con người chỉ thực sự trở nên giống Thiên Chúa khi được tái sinh bởi Lời Chúa (x Gc 1,18), và tin vào danh Chúa Giêsu (x Cv 2,38).

 

Thực vậy, thánh Phaolô nói : “Trong Đức Kitô,Người đã chọn ta trước cả khi tạo thành vũ trụ, để trước thánh nhan Người, ta trở nên tinh tuyền thánh thiện,nhờ tình thương của Người. Đó là đưa thời gian tới hồi viên mãn là quy tụ muôn loài trong trời đất dưới quyền một thủ lãnh là Đức Kitô” (Ep 1,4.10). Và ông còn nói : “Thánh Tử là hình ảnh Thiên Chúa vô hình,là Trưởng Tử sinh ra trước mọi loài thọ tạo,vì trong Người, muôn vật được tạo thành trên trời cùng dưới đất, hữu hình với vô hình. Dẫu là hàng dũng lực thần thiêng hay là bậc quyền năng thượng giới,tất cả đều do Thiên Chúa tạo dựng nhờ Người và cho Người.Vì Thiên Chúa đã muốn làm cho tất cả sự viên mãn hiện diện ở nơi Người,cũng như muốn nhờ Người mà làm cho muôn vật được hoà giải với mình. Nhờ máu Người đổ ra trên thập giá, Thiên Chúa đã đem lại bình an cho mọi loài dưới đất và muôn vật trên trời” (Cl 1,15-16.19-20). Bởi vì nếu con người không được Con Thiên Chúa tái sinh, họ chỉ là một sinh vật (x 1Cr 15,45), chẳng hơn gì loài thú (x Gv 3,18-19).

 

          2/ Làm cho vạn vật biết phục vụ dân Chúa để cùng ca tụng Thiên Chúa. Thánh Phaolô nói : “Muôn loài thọ tạo những ngong ngóng đợi chờ ngày Thiên Chúa mạc khải vinh quang của con cái Người. Quả thế, muôn loài đã lâm vào cảnh hư ảo, không phải vì chúng muốn, nhưng là vì Thiên Chúa bắt chịu vậy; tuy nhiên, vẫn còn niềm trông cậy là có ngày cũng sẽ được giải thoát, không phải lệ thuộc vào cảnh hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang. Thật vậy, chúng ta biết rằng: cho đến bây giờ, muôn loài thọ tạo cùng rên siết và quằn quại như sắp sinh nở. Không phải muôn loài mà thôi, cả chúng ta cũng rên siết trong lòng: chúng ta đã lãnh nhận Thần Khí như ân huệ mở đầu, nhưng còn trông đợi Thiên Chúa ban cho trọn quyền làm con, nghĩa là cứu chuộc thân xác chúng ta nữa. Quả thế, chúng ta đã được cứu độ, nhưng vẫn còn phải trông mong. Thấy được điều mình trông mong, thì không còn phải là trông mong nữa: vì ai lại trông mong điều mình đã thấy rồi? Nhưng nếu chúng ta trông mong điều mình chưa thấy, thì đó là chúng ta bền chí đợi chờ.” (Rm 8,19-25).

 

          Thánh Phaolô đã tóm tắt sứ mệnh Tông Đồ bằng câu : “Tất cả đều thuộc về anh em, mà anh em thuộc về Đức Kitô, và Đức Kitô lại thuộc về Thiên Chúa” (1Cr 3,22b-23). Như thế thì khi tôi dọn một đống phân nằm giữa đường đổ vào gốc cây, tôi phải hãnh diện vì làm cho cây nên tốt, hầu phục vụ con người đúng với mục đích Chúa đã tạo dựng vạn vật,và như thế là cách tôi “rao giảng Tin Mừng cho mọi loài thụ tạo”(Mc 16,15 : Tin Mừng), vì đã làm cho “thụ tạo không lâm cảnh hư ảo, không lệ thuộc vào sự hư nát, mà được cùng với con cái Thiên Chúa chung hưởng tự do và vinh quang” (Rm 8,20-21).

 

II. AI CÓ CHÚA GIÊSU THÌ SỐNG, KẺ KHÔNG CÓ NGÀI LÀ CHẾT (1 Ga 5,12)

 

          Đức Giêsu xác định : “Ai tin và chịu Phép Rửa, sẽ được cứu độ; còn ai không tin, thì sẽ bị kết án.” (Mc 16,16 :Tin Mừng).

 

          Thực vậy, Đức Giêsu đã khẳng định với ông Nicodemo : “Thật, tôi bảo thật ông: không ai có thể vào Nước Thiên Chúa, nếu không sinh ra bởi nước và Thần Khí” (Ga 3,5). Qua Bí tích này, con người được tháp vào Chúa Giêsu như cành nho tháp vào thân nho (x Ga 15), để được nên một trong Chúa Giêsu. Vì thế thánh Phêrô quả quyết : “Ngoài Đức Giêsu ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ." (Cv 4,12). Nhưng Chúa Giêsu chỉ muốn cứu loài người trong Hội Thánh Ngài thiếp lập.

 

          Giáo huấn của thánh Công Đồng Vat.II trong Hiến Chế Hội Thánh số 14 dạy: “Những ai biết rằng Giáo Hội Công Giáo được Thiên Chúa thiết lập nhờ Chúa Giêsu Kitô, như phương tiện cứu rỗi cần thiết, mà vẫn không muốn gia nhập, hoặc không kiên trì sống Đức Ái trong Hội Thánh, thì cho dù có tên người Công Giáo, thì xác người ấy ở trong Hội Thánh, nhưng linh hồn ở ngoài Hội Thánh, người ấy chẳng những không được cứu độ mà còn bị xét xử nghiêm khắc”.

 

          Tuy nhiên “những người vô tình không biết Phúc Âm của Chúa Giêsu và Hội Thánh Ngài, nhưng nếu thành tâm tìm kiếm Thiên Chúa, và dưới tác động của ơn thánh, họ cố gắng chu toàn thánh ý Thiên Chúa trong công việc mình theo sự hướng dẫn của lương tâm, thì họ có thể được cứu độ. Cả những kẻ vô tình chưa biết Thiên Chúa cách rõ ràng, nhưng nhờ ơn Chúa, cố gắng sống đời chính trực, thì Chúa quan phòng không từ chối ban ơn trợ lực cần thiết để họ được cứu độ” (Hiến Chế Hội Thánh số 16).

 

III. CHÚA GIÊSU PHỤC SINH THÔNG CHIA CHIẾN THẮNG CHO CÁC TÔNG ĐỒ.

 

          Đức Giêsu hứa cho các Tông Đồ : “Đây là những dấu lạ sẽ đi theo những ai có lòng tin: nhân danh Thầy, họ sẽ trừ được quỷ, sẽ nói được những tiếng mới lạ. Họ sẽ cầm được rắn, và dù có uống nhằm thuốc độc, thì cũng chẳng sao. Và nếu họ đặt tay trên những người bệnh, thì những người này sẽ được mạnh khoẻ." (Mc 16,17-18 : Tin Mừng). Những ơn lạ Chúa ban cho các ông như trên phải hiểu cách cụ thể :

 

          1/ Để thúc giục lòng người tin vào Chúa Giêsu.

 

Đối với những người còn yếu đuối về Đức Tin, Chúa thường cho họ những ơn lạ, để họ nhận biết quyền năng Thiên Chúa. Cụ thể như ông Phaolô, có lần bị đắm tầu, nên  ông bơi vào bờ tìm nơi sưởi ấm vì quá lạnh, ông thấy những thổ dân đang đốt lửa, ông ôm bó củi tiến lại quăng vào đống lửa, đột nhiên có con rắn độc quấn lấy tay ông, những thổ dân thấy thế nắm chắc ông sẽ chết, thế nhưng ông Phaolô bình tĩnh rũ con rắn vào lửa, và ông vẫn an toàn! (x Cv 28,3-6).

 

          2/ Ai đã tin vào Chúa Giêsu phải có lòng nhân ái sống hòa hợp với mọi loại người.

 

          Thực vậy, người đã được tái sinh làm con Thiên Chúa, thì phải sống hòa hợp với hết mọi loại người, kể cả những kẻ hại mình, để làm ứng nghiệm lời ngôn sứ Isaia đã nói về thời đại Thiên Chúa cứu độ : “Sói sống chung với  chiên, trẻ con thọc tay vào hang rắn lục” (Is 11,5-9). Đan cử như Phó tế Stêphanô, vì nhiệt tình với Tin Mừng, ông bị bao nhiêu kẻ ác ném đá, trong đó có Phaolô, người này ôm áo động viên ném đá Stêphanô. Nhưng Stêphanô vẫn hiền hòa cầu nguyện cho họ, kết quả “sói Saulo” trở thành Tông Đồ Phaolô xuất sắc (x Cv 7-8 ; 2 Cr 11,5).

 

3/ Chúa Giêsu Phục Sinh thông chia chiến thắng cho các Tông Đồ.

 

Thánh Marco đã bố cục Tin Mừng của ông : Mở đầu Tin Mừng ông cho thấy Đức Giêsu sống giữa dã thú mà chúng không làm hại Ngài (x Mc 1,13). Dã thú ở đây phải hiểu cụ thể là những kẻ  làm theo ý Satan xúi, chống đối Đức Giêsu nhằm diệt Ngài, nên suốt cuộc đời phục vụ của Đức Giêsu, những kẻ ác tâm mở hai chiến dịch tấn công Ngài :

 

F Chiến dịch mở đầu : Chúng tấn công năm đợt :

 

  • Mc 2,1-12 : Ông lấy quyền nào mà tha tội?
  • Mc 2,15t   : Tại sao ông làm bạn với quân thu thuế và đĩ điếm?
  • Mc 2,18t   : Tại sao ông không dạy môn đệ ăn chay?
  • Mc 2,23t  : Tại sao vào ngày Sabat ông để môn đệ mở đường bằng cách dập lúa của người ta.
  • Mc 3,1-6   :  Ai cho phép ông chữa bệnh vào ngày thứ bảy?

 

Tất cả những lần Đức Giêsu bị tấn công như thế, Ngài đã phá tan mưu thâm độc của chúng, tưởng đó chúng phải nhận ra Ngài là Thiên Chúa. Nhưng sau những đợt tấn công ấy, chúng rút vào nơi vắng bàn mưu tính kế với phe cánh Hêrôđê, rồi chúng lại tung năm chưởng tiếp tục tấn công Đức Giêsu :

 

-    Mc 11,27t    : Ai cho ông quyền đuổi những kẻ buôn bán ra khỏi Đền Thờ?

-    Mc 12,13t    : Có nên nộp thuế cho hoàng đế Roma không?

-    Mc 12,18t    : Ông giải thích thế nào cho hữu lý về sự sống lại?

-    Mc 12,27t    : Giới răn nào quan trọng nhất?

 

-   Mc 12,35-37: Tại sao Đức Kitô là Con vua Đavid, khi mà chính Đavid được Thánh Thần linh hứng cho thì đã nói : “Chúa đã nói cùng Chúa tôi : Hãy ngự bên hữu Ta, chờ Ta đặt quân thù ngươi dưới chân”. Chính Đavid gọi Ngài là Chúa, thì bởi đâu Ngài lại là Con của ông?

 

Dù chúng tung chưởng nào Đức Giêsu cũng bẻ gãy. Nhưng cuối cùng Đức Giêsu cho phép chúng giết Ngài, và chỉ sau ba ngày Ngài chiến thắng mọi sự ác, đánh gục thần chết.

 

Bởi thế khi Đức Giêsu sai các môn đệ lên đường nối tiếp sứ mệnh của Ngài, thì Ngài chia cho các ông chiến thắng qua trải nghiệm cuộc đời phục vụ : chẳng có sự dữ nào diệt được Ngài, để bảo đảm cho việc Tông Đồ của các ông làm đạt kết quả. Chiến thắng đó được diễn tả qua cách nói gợi hình : “Cầm rắn trong tay, uống nhằm thuốc độc cũng không bị hề hấn gì!” (Mc 16,18 : Tin Mừng).

 

IV. CHÚA GIÊSU VỀ TRỜI NHẰM YỂM TRỢ CHO HOẠT ĐỘNG TÔNG ĐỒ CỦA CÁC MÔN ĐỆ ĐẠT THÀNH CÔNG.

 

          Thánh sử Marco ghi nhận : “Chúa Giêsu được đưa lên trời và ngự bên hữu Thiên Chúa. Còn các Tông Đồ thì ra đi rao giảng khắp nơi, có Chúa cùng hoạt động với các ông, và dùng những dấu lạ kèm theo mà xác nhận lời các ông rao giảng” (Mc 16,19-20 : Tin Mừng).

 

          Phép lạ vĩ đại nhất Đức Giêsu cho các Tông Đồ thể hiện để củng cố lời giảng của các ông, đó là các ông làm những việc như Ngài đã làm, mà còn làm những việc lớn lao hơn thế (x Ga 14,12). Đan cử : Đức Giêsu không thiết lập được giáo đoàn nào trong khi đó Tông Đồ Phaolô khai sinh được nhiều giáo đoàn như Corintho, Galata, Epheso, Philip, Colose,Thessalonike. Thành quả các Tông Đồ gặt hái được lớn lao như thế là nhờ Ngài lên ngự bên hữu Chúa Cha và hằng chuyển cầu cho các ông, đó là lý do Đức Giêsu ra lệnh cho các ông : “Anh em hãy đi giảng dạy cho muôn dân, này đây Thầy ở cùng anh em mọi ngày cho đến tận thế” (Mt 28,19-20 : Tung Hô Tin Mừng).

 

          Ai được Chúa ở cùng thì :

 

  • Được Chúa trao nhiệm vụ vượt khả năng của họ, nhưng họ vẫn thành công. Đan cử như ông Môsê không có khả năng đương đầu với đế quốc Ai Cập, thế mà khi được Chúa ở cùng, ông đã dẫn dân Do Thái thoát nô lệ Ai Cập (x Xh 3,12) ; hoặc như cô Maria chỉ là một nữ tỳ ở miền quê Nazareth, nhưng được Chúa ở cùng, Maria đã sinh Con Thiên Chúa cho đời, và đương nhiên Maria trở thành Mẹ Thiên Chúa (x Lc 1,28t).
  • Không sự dữ nào thắng được họ, dù uống thuốc độc hay bị rắn cắn cũng không hề chi! (x Mc 16,14-20).
  • Được Chúa ban đầy ân phúc như lời thiên thần nói với Đức Maria : “Vui lên, hỡi Đầy Ơn Phúc, Chúa ở cùng bà” (Lc 1,28).

 

V. SỰ KHẨN THIẾT PHẢI CHU TOÀN SỨ MỆNH NGÔN SỨ.

 

          Thánh Phaolô đã ý thức được tầm quan trọng việc loan báo Tin Mừng như trên, nên ông vui sướng trong sứ mệnh ngôn sứ nói : “Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng! Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó.Vậy đâu là phần thưởng của tôi? Đó là khi rao giảng Tin Mừng, tôi rao giảng không công, chẳng hưởng quyền lợi Tin Mừng dành cho tôi” (1 Cr 9,16b-18 : Bài đọc).

 

          Thánh Phaxico đang mơ mộng chức giáo sư Đại học, khi đạt địa vị và có tiền của, ông muốn cưới cô nào làm vợ rất dễ. Nhưng khi ông được nghe một Linh mục nói với ông câu Lời Chúa : “Nào có ích gì cho người ta khi được lời lãi tất cả thế gian, mà lại thiệt mất sự sống mình” (Mt 16,26).

 

          Lời ấy làm đảo lộn đời ông : ông từ bỏ những ước mơ vẫn hằng ấp ủ, ông xin đi tu được làm Linh mục và lên đường truyền giáo. Trong mười năm ông can đảm loan báo Tin Mừng cho người Ấn Độ, Nhật Bản, giúp cho nhiều người hoán cải mà đón nhận Đức Tin. Và ông đã qua đời năm 1552, vào tuổi 46, ở đảo Xan-xi-an, cửa ngõ vào Trung Quốc.

 

          Và như thế thánh Phanxico đã thực hiện Lời Đức Giêsu : “Anh em hãy đi khắp tứ phương thiên hạ mà loan báo Tin Mừng” (Mc 16,15 : Đáp ca).

 

THUỘC LÒNG

 

          Khốn thân tôi nếu tôi không rao giảng Tin Mừng!Tôi mà tự ý làm việc ấy, thì mới đáng Thiên Chúa thưởng công; còn nếu không tự ý, thì đó là một nhiệm vụ Thiên Chúa giao phó. (1Cr 9,16-17).

 

http://phaolomoi.net

Lm Giuse Đinh Quang Thịnh