Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

MÁI ẤM

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Mái nhà sẽ trở thành mái ấm, nếu có tình yêu.

Cha mẹ nuôi và trẻ em

Chuyện nhận con nuôi không lạ gì với nhiều người. Có những ông bà chú bác cô dì, vì nhiều lý do, đã nhận các trẻ để hỗ trợ, nuôi dạy và thương yêu như con đẻ. Rất nhiều trẻ nhờ thế mà có nơi nương tựa, được phát triển mọi mặt, thành người có tài có ích cho Giáo hội và xã hội.

Ta không phủ nhận mọi sự tốt lành ấy từ những tấm lòng nhân hậu họ.

Nhìn ở góc độ này, thì con trẻ trở thành đối tượng để phục vụ nhu cầu nào đó của người lớn. Con trẻ thỏa mãn hạnh phúc của cha mẹ. Con trẻ bù đắp mất mát của cha mẹ. Con trẻ khỏa lấp thhiếu thốn tình cảm của người lớn. Con trẻ thành đối tượng quan trọng phục vụ hạnh phúc của người lớn.

Còn chiều ngược lại thì sao, khi đặt đối tượng là trẻ em? Đáng lẽ, mục tiêu là con trẻ mới phải.

Phải chăng tìm trẻ cho cha mẹ hay tìm mái ấm cho trẻ.

Các giáo phái và đồ đệ

Trong phim ảnh, ta thấy có nhiều giáo chủ, giáo phái trên thế giới. Có những Giáo phái chỉ lo củng cố uy thế, danh dự, quyền lực của mình mà không chăm lo cho các đồ đệ.

Các đồ đệ nhiều khi còn trở thành vật thí thân, vật lót đường, là bia đỡ cho các chủ nhân.

Họ có thể bị chủ nhân trừng phạt nặng tay, bị giết hại bất cứ lúc nào, nếu không làm cho họ mạnh thêm, quyền lực và an toàn hơn.

Nếu trung thành thì được yên thân, còn có dấu hiệu bỏ đi, phản bội, không hoàn thành nhiệm vụ, thì sẽ phải chịu nhiều hình phạt nặng nề, phải chết. Đôi khi còn bị tiêu diệt hàng loạt để thay thế nhóm người khác, miễn là giúp họ an toàn và mạnh mẽ hơn.

Phải chăng tìm vinh quang cho chủ nhân hay tìm hạnh phúc cho đồ đệ.

Cha mẹ và con cái

Câu hay nghe của cha mẹ, là: tôi có làm gì thì cũng vì cái gia đình này, vì bố con các người, vì mẹ con các người. Được vậy cũng tốt.

Quả thật, khi chọn đời sống hôn nhân, thì không vì gia đình thì vì ai. Nếu không, cha mẹ chẳng dại vất vả hy sinh, chịu thương chịu khó làm chi. Nghỉ ngơi cho khỏe.

Vì những hy sinh này mà gia đình ngày thêm ấm no hạnh phúc, gia đình sung túc, con cái bình an, có đủ điều để phát triển con người về mọi mặt, nhân cách cách cũng như đạo đức hay trí thức.

Nhưng cái vì ấy có thật hay không thì phải chờ. Chờ đến lúc gia đình gặp khó khăn, khủng hoảng, nhất là lúc ai đó gây ra lầm lỡ, lỗi tội, mà cha mẹ vẫn bình tâm, cố gắng chấp nhận và tìm cách giải quyết, vượt qua, thì đó là thật.

Còn ngược lại, cha mẹ tức giận, chửi bới. Nào là tôi xấu hổ, mất mặt quá. Tôi đau khổ, nhục nhã quá. Các người bôi tro trát trấu vào mặt tôi. Bao nhiêu năm qua vì gia đình này mà bây giờ tôi thế này đây…Tôi, tôi, tôi. Lúc này chỉ thấy mỗi chữ tôi mà thôi.

Khi con người không làm chủ bản thân, thì chân tướng sự việc mới lộ diện nguyên hình.

Con người luôn có nhu cầu chứng tỏ bản thân và muốn được người khác chấp nhận, công nhận, cảm nhận và cảm phục.

Vì thế, nếu không để ý, thì ông bố bà mẹ sẽ dùng chính gia đình của mình làm nền, thành bàn đạp để xây dựng cái tôi của mình. Cái tôi này được núp dưới bức tranh rất đẹp là, vì hạnh phúc gia đình. Như thế, cái vì ấy đã không phải là thật nữa.

Phải chăng vì cái tôi của cha mẹ hay vì mái ấm của con cái.

Thiên Chúa và con người

Thiên Chúa hoàn toàn khác con người. Ngài không coi con người là vật trang điểm, để làm đẹp, để phục vụ hay giúp làm tăng thêm sức mạnh cho Ngài. Ngài không coi mình là đối tượng chính, nhưng thay vào đó là con người.

Hình ảnh Ba Ngôi là bằng chứng rất cụ thể về tình yêu. Tình yêu không quy về mình mà hướng về người mình yêu. Chúa Cha sinh Chúa Con. Chúa Con và Chúa Cha nhiệm xuất ra Chúa Thánh Thần. Ba Ngôi hợp thành một bản thể duy nhất và một uy quyền ngang nhau.

Thiên Chúa nâng con người lên bậc cao quý. Cao quý đến độ, chính Ngài phải quỳ xuống để phục vụ. Mọi sự và trong mọi thời, Thiên Chúa dành phần tốt nhất để thông ban, vì hạnh phúc, bình an và vui sướng của con người.

Vì lẽ đó, Thiên Chúa không bao giờ có ý định tiêu diệt con người. Lịch sử dân thánh minh chứng điều ấy.

Nhiều ngàn năm qua, tuy con người sa ngã lỡ lầm, chống đối phản bội, sát hại giết chết con Thiên Chúa, vậy mà Ngài vẫn để ta sống.

Nếu Thiên Chúa cũng giống như các chủ nhân của các giáo phái, thì con người không thể tồn tại. Dù trong tầm tay, Ngài có thể san bằng vũ trụ, và xây dựng lại thế giới mới với những con người hoàn hảo, tốt đẹp để tránh làm xấu mặt Ngài. Nhưng cho đến nay, Ngài vẫn không làm thế. Còn hơn thế nữa, Ngài lại ban Thánh Thần để tiếp tục đồng hành, phục vụ con người.

Con người thật cao quý đến độ Thiên Chúa dám đổi bằng mạng sống của mình.

Lễ Chúa Ba Ngôi là ngày của tình yêu. Ngày mời gọi mọi người ra khỏi chính mình để hướng về người mình yêu.

Biết nhìn đến người khác như Chúa nhìn đến con người.

Biết phục vụ người khác như Chúa phục vụ con người.

Biết hy sinh vì người khác như Chúa đã hy sinh vì con người.

Biết yêu thương người khác như Chúa yêu thương con người.

Biết chia sẻ với người khác như Chúa đã sẻ chia với con người.

Biết cảm thông với người khác như Chúa đã thương cảm con người.

Biết tha thứ cho người khác như Chúa đã tha thứ cho con người.

Biết tạo cơ hội cho người khác như Chúa đã tạo cơ hội cho con người.

Biết hướng về người thay vì quy về mình; biết thay thế chữ Tôi bằng chữ tình, chữ nhân chữ nghĩa; biết đón nhận người khác để yêu thương, coi đó là đối tượng chính để dấn thân hy sinh phục vụ, thì đây là dấu hiệu ta đang đi trên con đường tình yêu của Chúa Ba Ngôi đã đi và đang đi.



(Ga 16,12-15)

THANH THANH

http://niemvuimoi.org