NGHỆ THUẬT LÀM LỬA
Có một nhà phát minh nọ, sau khi đã tìm được nghệ thuật làm ra lửa đã đi từ bộ lạc này sang bộ lạc khác để quảng bá phương pháp của mình. Nhiều bộ lạc tiếp thu phương pháp của ông mà không hề bày tỏ một dấu hiệu nào của lòng biết ơn. Nhưng con người quảng đại này không màng đến chuyện người ta biết ơn hay phản bội. Niềm hạnh phúc của ông là thấy được mỗi ngày càng có được nhiều người hưởng được sự phát minh của ông.
Đến bộ lạc cuối cùng, họ hồ hởi đón tiếp ông. Nhưng không mấy chốc, các tư tế trong bộ lạc tỏ lòng ghen tức, họ âm mưu sát hại ông để xoá bỏ mọi ảnh hưởng của ông. Sau khi mưu sát, để đánh tan mọi nghi ngờ, các tư tế cho vẽ một bức chân dung của ông và đặt trên bàn thờ. Trong mọi nghi thức tế tự, tên của ông được thành kính nhắc đến như một đại ân nhân của bộ lạc. Các dụng cụ ông làm ra lửa cũng được các tư tế cho đặt vào trong một chiếc hộp quý. Họ cũng rêu rao rằng bất cứ ai lấy lòng tin mà chạm đến các báu vật ấy sẽ được chữa mọi bệnh tật.
Vị Thượng tế của bộ lạc cũng nhận trách nhiệm biên soạn một tiểu sử của vị phát minh ra lửa. Quyển tiểu sử ấy cũng trở thành một thứ sách Thánh trong đó gương sáng, đời sống gương mẫu của vị đại ân nhân được ca tụng và đề ra như lý tưởng cho mọi người noi theo. Các tư tế cũng tự nhận cho họ quyền được giải thích về cuộc đời và các lời răn dạy của vị phát minh.
Để đảm bảo tính cách tinh ròng của những lời răn dạy của vị phát minh, các tư tế ra vạ tuyệt thông hoặc tử hình cho tất cả những ai không chấp nhận những lời giải thích của họ. Dân chúng sợ hãi đến độ dần dà họ chỉ còn biết có những lời giải thích của các vị tư tế và quên hẳn cả chính nghệ thuật làm ra lửa. [Sưu tầm]
Phấn khởi
Nhìn vào Giáo hội hôm nay, chúng ta phải cảm tạ Chúa đã thương ban nhiều vị mục tử coi sóc đoàn chiên. Ta cũng hãy chúc tụng Ngài vì biết bao ơn lành đổ xuống được con cái đón nhận và đem ra ứng dụng trong đời sống đức tin.
Chỉ một năm thôi, có biết bao nhiêu dịp để hành hương và tham gia cử hành phụng vụ.
Có nhiều dịp tổ chức đại hội cho nhiều giới khác nhau.
Có nhiều dịp chia sẻ, tìm hiểu Lời Chúa cho nhiều đối tượng tham gia.
Có nhiều buổi nghiên cứu, học hỏi về Giáo lý của Chúa và lịch sử Hội thánh.
Có nhiều lần tĩnh tâm, cầu nguyện cho các hội đoàn, cá nhân, tu sĩ cũng như giáo dân.
Có nhiều dịp mừng quan thầy, bổn mạng của Giáo phận, giáo xứ, dòng tu…
Có nhiều dịp cho các Giám mục, linh mục, tu sĩ gặp gỡ cấp quốc gia hay toàn cầu.
Có nhiều dịp để tín hữu nhìn lại đường đức tin của Giáo hội, của cá nhân, giúp mình gắn bó, trung thành hơn với Chúa.
Có nhiều lần để tín hữu sống đức tin một các can đảm, trung kiên, bình an, trong những thời khắc khó khăn, bách hại.
Có nhiều dịp bồi dưỡng mang tính quy mô cấp Giáo hạt, Giáo phận, Giáo tỉnh, toàn quốc cho từng đoàn thể về chuyên môn, mục đích, đường hướng hoạt động, giúp cho việc phục vụ đạt hiệu quả cao.
Có nhiều cơ hội để con cái Chúa lãnh ơn toàn xá, cầu nguyện cho các linh hồn được tổ chức trong dịp năm thánh ở khắp nơi.
Có nhiều dịp thuận lợi hơn cho mọi thành phần dân Chúa có thể tích cực cộng tác xây dựng Giáo hội thánh thêm vững mạnh, cả vể cơ sở vật chất, tinh thần lẫn đức tin.
Giáo hội đang chuyển mình rất nhanh, giống như một cỗ xe lửa hiện đại, đủ tiện nghi, đủ tốc độ, đủ mạnh để kéo cả đoàn tàu tiến về phía trước một cách hãnh diện, an toàn, tự tin.
Lo ngại
Có nhiều sinh hoạt trong đạo làm cho đời sống đức tin ngày thêm phong phú và sinh động. Các sinh hoạt này đã dần không còn chỉ là lễ mà còn trở thành hội, thành phong trào.
Nên có nhiều người nô nức đón chào lễ hội, rồi lại quên việc sống đạo sau vài ngày.
Điều lo ngại ở đây, là coi Giáo hội cùng các sinh hoạt như một phong trào. Không có phong trào thì trở nên buồn chán.
Điều lo ngại hơn, là coi các sinh hoạt bề ngoài ấy là nền tảng của đức tin, rồi từ từ tách mình ra khỏi phụng vụ Lời Chúa và Bí tích.
Nên có nhiều người đã rất tích cực tham dự các giờ dâng hoa trước thánh lễ, nhưng khi bắt đầu thánh lễ thì bỏ về.
Nên có nhiều người hăng hái đi tĩnh tâm, nghe giảng phòng trước lễ, đến lúc bắt đầu thánh lễ thì bỏ về.
Nên có nhiều người hăng say đi xét mình sám hối xưng tội, nhưng khi bắt đầu thánh lễ thì bỏ về.
Nên có nhiều người rất gắn bó với việc kính lòng thương xót Chúa, nhưng lại bỏ qua việc tham dự thánh lễ.
Nên có nhiều người hồ hởi tham gia các cuộc rước kiệu, cung nghinh Chúa và các thánh, nhưng bắt đầu thánh lễ thì bỏ về, hoặc ra ngoài nói chuyện, hút thuốc, ra quán ngồi đến khi xong lễ rồi cùng về.
Nên có nhiều người nhiệt tình trong các giờ đạo đức như chầu thánh thể, chặng đàng thánh giá, các dịp họp hội trong và ngoài xứ, nhưng thánh lễ thì rất ít khi có mặt.
Nên có nhiều người coi thánh lễ là dịp để trả nợ, không đi thì có tội, không đi thì Chúa phạt.
Nên có nhiều người phấn khởi đi tham dự phụng vụ Bí tích khi có Đức Cha, các cha khách, để hôn nhẫn, để xem mặt, để đếm số lượng, rồi phân tích, phê bình, nhận xét như là đấng có thẩm quyền vậy, đang khi chính yếu là Chúa Giêsu trong Bí tích thánh thể thì trở nên không quan trọng.
Nên có nhiều người dù có đi lễ, nhưng lại để xem ca đoàn này có hát hay bằng ca đoàn kia không, cha giảng dài hay ngắn, có kể chuyện tếu hài gì không, có ai bị mang ra chửi trước cộng đoàn không?
Nên có nhiều người đã đi tìm cái vỏ mà bỏ ruột, tìm hình thức mà bỏ nội dung và nội dung được đánh giá qua việc tổ chức bề ngoài.
Nên nhiều người đã giữ những truyền thống cha ông từ xưa mà coi nhẹ hướng dẫn của Giáo hội trong việc sống đạo, cử hành phụng vụ, nghệ thuật thánh, quản lý, xây dựng hiệp nhất…
Nên có nhiều người đã tận dụng sáng kiến của mình thay cho ý muốn của Giáo hội là mọi việc phải quy về Thiên Chúa.
Nên có nhiều người tìm cách thể hiện ý riêng của mình vào các sinh hoạt đạo đức để đề cao chính mình, thay vì tôn vinh Thiên Chúa.
Nên có nhiều người đầu tư bề ngoài rất hoành tráng. Nào là cờ hiệu, đoàn rước, trống kèn, đang khi ấy việc chuẩn bị chu đáo cho việc cử hành Thánh lễ thì lôi thôi, bê bối, không sạch sẽ gọn gàng, gây chia trí nhiều người.
Nên có nhiều người coi nhà thờ là nơi để sinh hoạt, hội thảo, ca hát, thông báo, rao báo, báo chương trình, làm cho thánh lễ bị tục hóa dần.
Với chiều hướng đáng lo ngại này, ta chỉ nhìn thấy Giáo hội như một cỗ máy rất lộng lẫy, đủ mọi tiện nghi, nhưng lại chạy bằng hơi nước.
Chúa Giêsu nói dân này thờ ta bằng môi miệng, nhưng lòng chúng thì xa ta.
Chúa Giêsu nói dân này xây mộ cho cha ông, vậy minh chứng cho thấy tổ tiên họ đã giết các tiên tri.
Chúa Giêsu nói dân này như mồ mả tô vôi trắng xóa trông đẹp mắt nhưng bên trong lại hôi thối, bẩn thỉu.
Chúa Giêsu nói ta cần lòng nhân chứ không cần lễ tế.
Chúa Giêsu nói dân này đã giữ luật cha ông mà bỏ luật của Thiên Chúa.
Chúa Giêsu nói các người bắt phải giữ luật thập phân thì là rau húng, còn lòng hiếu thảo, và lòng nhân nghĩa thì bị bỏ quên.
THANH THANH
http://niemvuimoi.org