Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

GIA ĐÌNH ĐÍCH THỰC

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Gia đình, hai tiếng thân thương, gần gũi.

Gia đình, nơi diễn tả tình yêu, hạnh phúc, chia sẻ và đồng hành.

Gia đình, nơi để phấn đấu, vượt qua, dẹp ý riêng.

Muốn duy trì và phát triển, mỗi thành viên phải loại bỏ ích kỷ, thu góp cho riêng mình. Vì ích kỷ là đường dẫn đến hủy diệt.

Từ gia đình máu huyết, ta được mời gọi sống tinh thần gia đình của Giáo hội Chúa, mà Ngài là Cha, tất cả đều là anh em.

Chỉ trong tinh thần gia đình, người ta mới dễ cộng tác, hy sinh, phục vụ, yêu thương, bao dung và tha thứ cho nhau.

Thiên Chúa không tạo dựng đất nước này hay quốc gia nọ, nhưng Ngài xây dựng một gia đình thực sự, gia đình hạnh phúc.

Đức Chúa và nguyên tổ

Gia đình mẫu này thật tuyệt vời. Chiều chiều, Đức Chúa và ông bà đi dạo, trò truyện, tâm sự trong vườn địa đàng. Đức Chúa không nghĩ đến mình, ông bà cũng luôn nghĩ đến Chúa. Tất cả đều được hả hê ơn Chúa.

Nhưng từ khi ông bà đi xây dựng, tích góp cho riêng mình, tách dần khỏi tình yêu Chúa, thì bắt đầu khủng hoảng, thất bại, đổ vỡ, chống đối, chết chóc.

Đức Giêsu và các tông đồ

Đức Giêsu đến để xây dựng lại gia đình của Ngài, mà thuở ban đầu đã bị đổ vỡ. Dấn thấn, hy sinh, từ bỏ là điều được Ngài nghiêm chỉnh tuân thủ.

Ngài không bị đóng khung ở làng này làng kia, trong hay ngoài tôn giáo, mà mọi nơi mọi chốn và mọi người đều là tầm nhắm để Ngài gặp gỡ, mời gọi, lôi kéo vào sống trong gia đình tình thương cùa Ngài.

Ngài tìm cách phá tan mọi tường rào khiến con người không đến được với nhau do cục bộ, truyền thống, văn hóa, giàu nghèo…

Các tông đồ nói: Thầy coi xem, có nhóm không theo chúng ta, mà họ theo ông Gioan Tẩy Giả. Đức Giêsu đáp: Ai không chống ta là ủng hộ ta, là đi theo ta.

Các ông thể hiển thói ích kỷ, thu gom cho riêng nhóm của mình, còn Đức Giêsu thì không.

Người Samari đã cứu chữa một người khốn khổ nằm sắp chết bên vệ đường. Họ vui, nạn nhân được cứu. Tình thương của họ không bị trói chặt lại trong người thân hay người lạ. Họ được lớn lên nhờ tình thương.

Đang khi đó, những kinh sư, biệt phái, Pharisêu làm ngơ, ích kỷ, nghĩ cho bản thân, cho tôn giáo, cho truyền thống mà bỏ rơi đồng loại. Họ bị héo khô trong ích kỷ.

Sau khi Phục sinh, các tông đồ cũng bắt đầu tan tác, lo tìm cuộc sống cho riêng mình, tình hình dường như đi vào bế tắc. Nhưng khi Chúa Giêsu xuất hiện, ôn lại cho họ tinh thần gia đình là phải hy sinh, nên họ đã đứng dậy, vững bước đi xây dựng Giáo hội Chúa.

Không bị giới hạn trong Giêrusalem, họ đã ra đi khắp nơi gần xa, lương giáo khác nhau. Và nơi họ đặt chân, lại trở thành nhà, thành gia đình mới. Đó là các cộng đoàn đức tin.

Giáo hội hôm nay

Đức Giáo hoàng Bênêđictô những ngày vừa qua đã lên tiếng kêu gọi thế giới hãy tìm ra cách tối ưu nhất giúp cho nhiều triệu người có lương thực, không bị chết đói. Ngài nói rằng không phải thế giới hết tài nguyên thiên nhiên, càng không phải vì thiếu lương thực, nhưng vì chưa đưa ra cách giải quyết hữu ích, tốt nhất mà thôi. Vì vậy mà chết đói vẫn kéo dài, còn chỗ dư thừa thì vẫn cứ đổ đi, đổ ra biển.

Ngài sống tinh thần của Chúa, nên đã tranh đấu để con cái Thiên Chúa được hưởng những điều kiện tối thiểu của con người là cơm ăn áo mặc, là được sống.

Ngài không ích kỷ đóng khung lại trong đạo, mà nhìn đến đồng loại của mình. Hình ảnh của một Samari xưa kia lại được biểu lộ.

Một linh mục nọ, tôi rất khâm phục, bất cứ hội đoàn hay linh mục ở nơi khác đến quyên góp, ngài không những cho, mà còn kêu gọi, hướng dẫn giáo dân hãy rộng rãi với Giáo hội của Chúa. Họ đến đây xin là nỗi khó khăn, hy sinh và tủi nhục rồi, giúp cho Giáo hội Chúa thì ở đâu cũng được. Giáo xứ của mình cũng đã nhờ nhiều lòng quảng đại của mọi người ở khắp nơi mà có được có được.

Rồi đến lúc giáo xứ xây nhà thờ. Nhiều giáo dân đã đề nghị cha xứ đừng cho ai đến xin tiền nữa, để tập trung vào việc xây nhà thờ xứ. Dù đang gặp khó khăn trong xây dựng, nhưng ngài dí dỏm nói: tiền trong túi mọi người, muốn cho ai thì tùy, đâu phải không cho người khác thì đem tất cả cho tôi đâu. Vì thế, ta cứ rộng rãi. Và vẫn thế, cha nào đến đều được giáo xứ chia sẻ quảng đại.

Quả thật, tinh thần gia đình Chúa này đáng trân trọng, cần nhân rộng ra nhiều giáo xứ, và càng cần in sâu trong tâm hồn và sứ vụ của đời linh mục.

Thưa Thầy, có nhóm họ không theo mình kìa… Đang khi ấy, lại có những linh mục không muốn và không cho cha nào, xứ nào đến xin tiền, vì sợ xứ mình nghèo đi, sợ cho hết thì đến đến lúc cần thì không có để lo cho việc chung.

Bản chất của gia đình Chúa là ra khơi, trao ban và dâng hiến, vì thế, nếu để thói ích kỷ len lỏi vào đời tu, vào cuộc sống con người, thì chúng sẽ tạo ra nhiều bức tường là dòng họ ruột thịt, giàu nghèo, giỏi dốt, da mầu, quốc gia…làm mọi người khó đến với nhau, khó nhìn, khó nhận ra nhau là hình ảnh của Thiên Chúa.

Trên nước thiên đàng đâu nói gì về chỗ này của xứ mình, chỗ kia của giáo phận nọ; chỗ này là họ hàng mình, còn chỗ kia là của người da đen…mà tất cả đều là anh em, còn Thiên Chúa là Cha.

Ngay từ đời này, Thiên Chúa đã cho ta, qua gia đình ruột thịt, được mời gọi sống tinh thần gia đình đích thực của Chúa. Đã là thành viên, thì phải sống đúng với tư cách của con cái trong nhà.

Dù làm vì bổn phận hay trách nhiệm, vì nghĩa tình hay bác ái đều tốt. Bởi ta không còn nghĩ đến mình nữa, mà biết lo cho đồng loại, khi giúp đỡ cơm bánh, quần áo, sách vở, tiền bạc; khi cầu nguyện cho thế giới, cho người sống cũng như người chết.

Ta đừng để cho tâm hồn và trí não nhỏ bé của mình bóp chết tinh thần của Chúa là mở ra, đón nhận, đến với.

Sống ích kỷ sẽ tự đào lỗ chôn mình. Ích kỷ là đắp đập ngăn sông không cho nước sạch chảy vào ao hồ, sẽ trở nên ô nhiễm gây hại cho mình và cho người.

Còn sống vị tha thì luôn khai thông dòng chảy ân sủng và tình yêu, nhờ thế, chính mình được sạch, được dìm mình vào dòng thác suối nguồn của Chúa. Và người khác cũng nhờ thế mà được tắm mát trong dòng nước khiết tinh.

Vị tha, đường đưa đến Thiên Chúa.

Gia đình vừa mang chiều kích tự nhiên, nhân bản, nhưng cũng mang cả chiều kích đạo đức, thánh thiêng. Gia đình hạnh phúc, đường đưa đến Thiên Chúa.

THANH THANH
http://niemvuimoi.org