Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

ĐÂU LÀ PHÉP LẠ?

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Người ta thường hỏi nhau xem phép lạ ở đâu? Rồi tìm đến để xem, cầu nguyện, xin ơn. Thế cũng tốt. Nhưng xem ra không ổn. Vì nếu hỏi là phép lạ ở đâu để đến, thì những chỗ không có phép lạ thì không có Chúa à. Và cuộc sống đạo nghĩa, đức tin của ta sẽ ra sao, nếu chỉ phụ thuộc vào phép lạ ở đây hay ở kia. Với người tín hữu, câu hỏi đúng không phải là phép lạ ở đâu, nhưng là: đâu là phép lạ.

Phép lạ là chính Chúa Giêsu

“Có mấy kinh sư và người Pharisêu nói với Đức Giêsu rằng: Thưa Thầy, chúng tôi muốn thấy Thầy làm một dấu lạ. Người đáp: Hỡi thế hệ gian ác và ngoại tình này đòi dấu lạ. Nhưng chúng sẽ không được dấu lạ nào, ngoài dấu lạ ngôn sứ Giôna. Quả thật, ông Giôna đã ở trong bụng kình ngư ba ngày ba đêm thế nào, thì Con Người cũng sẽ ở trong lòng đất ba ngày ba đêm như vậy (Mt 12,38-40).

Trước kia dân chúng có được dấu lạ Gioan. Nhưng khi Đức Giêsu xuất hiện, thì không còn có dấu lạ nào nữa, thay vào đó là phép lạ. Phép lạ là chính Ngài.

Đức Giêsu là Thiên Chúa trở thành người, và hiện diện với con người, chính là phép lạ.

Từ Đấng giàu sang trở nên nghèo khó, không có gì ngoài tình yêu, chính là phép lạ.

Từ Đấng đầy quyền năng toàn quyền sinh tử, lại trở nên yếu ớt luôn bị con người đe doạ, sát hại, chính lạ phép lạ.

Từ Đấng luôn ban phát lại trở thành người hành khất xin lòng từ bi xót thương chia sẻ của con người, chính là phép lạ.

Toàn bộ cuộc sống của Ngài, mọi lời nói và việc làm vì con người, chính là phép lạ.

Đường đức tin của người tín hữu chính là gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu. Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi là tôi kết hiệp với Ngài, Đấng là phép lạ chưa?

Phép lạ là Bí tích của Chúa Giêsu

Trước khi về trời, Ngài ban Thánh Thần cho nhân loại, Đấng sẽ thánh hoá, hoán cải, giúp con người biết rõ Chúa Giêsu, hiểu rõ lời nói, việc làm, đường lối và mục đích của Ngài đến trần gian làm gì. Rồi giúp ta biết về chính mình từ đâu đến và sẽ về đâu, nhờ sức mạnh nào….Sự phát triển và thăng tiến trên đường nhân đức, sự tăng trưởng trong đức tin ngày càng mạnh mẽ, sự biến đổi bản thân để ngày càng giống Chúa hơn, chính là phép lạ.

Trước khi về trời, Ngài ban giới răn mới, chỉ cho ta cách thức nhận biết Chúa, là môn đệ Ngài, là rửa chân cho nhau, là yêu như Thầy yêu. Giới răn mới chính là phép lạ.

Trước khi về trời, Ngài đã chu đáo để lại các Bí tích, qua đó, con người tham gia cử hành thì được gặp Chúa, lớn lên với Ngài trong đức tin, đức cậy và đức mến, đó là phép lạ.

Con người tuy trần tục, tương đối, tội lỗi, nhưng vẫn được tiếp cận và đón nhận Ngài, và lãnh mọi ơn ích, qua phụng vụ Bí tích, đó là phép lạ.

Con người nhờ con đường của bí tích mà đứng vững trước mọi phong ba cuộc đời, đủ sức chống lại và chiến thắng được cám dỗ của ma quỷ, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Rửa tội, con người dìm mình vào suối tình yêu và được nâng lên từ con người trở thành người con Chúa có quyền thừa hưởng gia tài cứu độ, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Thánh thể, con người được hưởng lương thực hằng sống, đuợc chia sẻ sự sống thần linh, linh hồn được lớn lên theo năm tháng, và dần gần với sự sống vĩnh cửu của Chúa hơn, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Giải tội, con người được ơn giao hoà và bình với Chúa, được tẩy rửa con người cũ do tội phải chết, thành con người mới do ân sủng mà sống trong Giáo hội, trong nhà của Đức Chúa, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Thêm sức, con người được vươn cao trong nhân đức, trong sự sống và trong sức mạnh của Thánh Thần, sẵn sàng dấn thân xây dựng và kiến tạo hoà bình, giới thiệu và làm chứng về Chúa Giêsu, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Xức dầu, con người được xoa dịu vết thương, tăng sức mạnh lòng tin, thắng vượt cám dỗ của satan, và đón nhận được những đau đớn về thân xác và tinh thần, bền đỗ đến cùng trong ân nghĩa Chúa, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Hôn nhân, con người hưởng được sự ngọt ngào của tình yêu khi trao hiến cho nhau, từ đó, nhận ra Thiên Chúa chính là Tình Yêu đích thực đã chia sẻ và trao ban cho con người, đó là phép lạ.

Nhờ bí tích Truyền Chức Thánh, con người được chia sẻ và thi hành chức vụ tư tế, cử hành lễ tế giao hoà, tạ ơn, kết hiệp làm một với hiến tế duy nhất của Chúa Giêsu dâng lên Chúa Cha, đó là phép lạ.

Nhờ mầu nhiệm vượt qua, con người được xoá bỏ mọi tường luỹ của sự dữ, được sống trong tự do của con cái Chúa, được quyền hưởng ơn cứu độ qua sự chết và sống lại của Đức Kitô, đó là phép lạ.

Bí tích, con đường dẫn đến Thiên Chúa.

Đường đức tin của người tín hữu chính là gắn bó chặt chẽ với Chúa Giêsu qua các bí tích tình yêu Người để lại. Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi là tôi có gắn chặt với các Bí tích, là những phép lạ chưa?

Phép lạ là lòng thương xót Chúa

Như mẹ yêu con, như ong yêu hoa, như cá yêu sông; như cỏ cây yêu đất, như nai cần cỏ non và suối mát, con người cũng phải cần đến Thiên Chúa như vậy để được sống và tồn tại.

Thiên Chúa đã thương yêu nên không để ta không đời đời, mà cho sinh ra, cho làm nghĩa tử và sống trong ân nghĩa Ngài, không phải vì ta nhiều công phúc, càng không do mình đạo đức thánh thiện hay xứng đáng, mà tất cả bởi lòng thương xót Chúa. Vì thế, sự hiện diện của con người chính là phép lạ.

Nếu Chúa chấp tội, nào ai đứng vững được chăng. Nhờ lòng thương xót Chúa, con người được núp bóng Đấng toàn năng. Như cành nho gắn liền với thân nho và sinh trái thơm ngon ngọt, thì con người cũng nhờ nhựa sống là Mình Máu Chúa Giêsu mà trổ hoa công chính, đơm bông bình an, kết trái sự sống trường sinh. Đó là phép lạ.

Đường đức tin của người tín hữu chính là nép mình vào lòng Chúa. Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi là tôi có tựa mình vào lòng thương xót Chúa, là phép lạ chưa?

Phép lạ là vũ trụ và con người

Có người đệ tử muốn gặp Chúa và xin Thầy chỉ cho. Lần thứ nhất, lần hai rồi lần ba, mà thầy vẫn im lặng. Rồi một ngày nọ, thầy trò xuống sông tắm, bất chợt, thầy đè người đệ tự xuống nước. Đệ tử dãy dụa trong nước đến ngộp thở suýt chết. Lên khỏi mặt nước, thầy hỏi, ở dưới nước con cần gì nhất. Trò thưa là cần không khí để thở, vì nếu không sẽ chết. Thầy nói, đời người cũng cần có Chúa như vậy, thiếu Ngài con người sẽ chết.

Thiên Chúa đã tài tình xếp đặt trăng sao tinh tú ban đêm và mặt trời chiếu sáng ban ngày để làm đẹp và phục vụ cho con người, nhờ vậy mà con người tồn tại, phát triển nhờ quang hợp, nhờ không khí, nước, ánh sáng, năng lượng mặt trời…Nếu con người phải mua mọi thứ như vậy thì có đủ tiền để mua suốt đời không, và có để mua không? Đó là phép lạ.

Trong con người của ta thôi, mọi cơ phận đã được Thiên Chúa sắp đặt vị trí và chức năng của từng loại, và chúng hoạt động liên lỉ suốt đời, không cần phải thay, phải sửa hay nâng cấp, đó là phép lạ.

Đường đức tin của người tín hữu chính là dựa vào trời đất muôn vật, vào cuộc sống và các biến cố đời thuờng để nhận ra Chúa. Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi tôi có hăng say tích cực tìm Chúa trong hoạt động của vũ trụ và con người để cảm tạ Ngài, là là phép lạ chưa?

Phép lạ là vâng lời

Nếu nhân đức vâng lời được nghiêm túc thi hành, thì bất cứ lúc nào con người vâng lời Thiên Chúa và Giáo hội Ngài, thì lúc ấy chính là phép lạ.

Nếu Đức Maria không vâng lời thì sẽ ra sao, có thể Thiên Chúa phải dùng cách khác để cứu con người. Nhờ xin vâng mà công trình cứu độ vô cùng lớn được khởi sự, đó là phép lạ.

Cả hai trình thuật Tin Mừng Luca và Gioan đều nói về việc ông Phêrô vâng lời để thả lưới như sau:

Đức Giêsu bảo ông Phêrô hãy chèo ra chỗ nước sâu, thả lưới xuống bên phải mạn thuyền thì sẽ bắt được cá. Ông đáp: Thưa Thầy, chúng con đã vất vả suốt đêm mà không bắt được gì cả. Nhưng vâng lời Thầy, con thả lưới. Họ đã làm như vậy, và bắt được rất nhiều cá, đến nỗi hầu như muốn rách cả lưới.… họ đã đổ lên được hai thuyền đầy cá, đến gần chìm (Lc 5,4-7; Ga 21,6).

Phêrô dựa vào cá nhân, dù dày dạn kinh nghiệm trong nghề mà chẳng ăn thua gì, vất vả suốt đêm có được gì đâu. Lời của Đức Giêsu, nghe xem ra chói tai, không trình độ, thêíu kinh nghiệm: thả lưới bên phải mạn thuyền, chỗ nước sâu, lúc trời sáng…nhưng nhờ ông vâng lời, nên đã có phép lạ.

Quả thật, ngày nay, con người ngại hoặc không muốn nói đến hai chữ vâng lời. Vì cho rằng vâng lời là nhục, là nép vế, là thua trận; vâng lời là mất tự do, là phong kiến, là áp đặt, là chèn ép. Vâng lời quả thật rất khó.

Nhưng hiểu đúng thì vâng lời đâu phải là xấu hổ xấu mặt, mà vâng lời là dấu hiệu của người trưởng thành.

Khi cúi đầu vâng lời, có nghĩa là chấp nhận mình bé nhỏ, yếu đuối, nghèo nàn, kém cỏi, là hạt cát trong sa mạc, là giọt nước nơi biển đông, nên tôi vui lòng đón nhận hướng dẫn và chỉ dạy của người khác, của bề trên, của Thiên Chúa.

Khi cúi đầu vâng lời, có nghĩa là mình chấp nhận có nhiều thứ cao hơn, lớn hơn, tốt hơn; có nhiều điều mới hơn, tuyệt vời hơn, hoàn hảo hơn; có nhiều bình an hơn, hạnh phúc hơn, thánh thiện hơn... mà mình chưa có. Và sẵn sàng học hỏi, nghiên cứu tìm tòi để lãnh hội và ứng dụng trong cuộc sống của mình, làm giàu cho bản thân, gia đình, Giáo hội và xã hội.

Cứ mỗi lần nhìn nhận sự hạn hữu của mình và cúi đầu vâng lời, thì cũng chính là lúc ta bước thêm một bước của tiến bộ, trưởng thành.

Bởi nếu không vâng lời thì làm sao cha mẹ dạy bảo, thầy cô chỉ dạy, làm sao Giáo hội hướng dẫn, làm sao Thiên Chúa có thể dẫn đường chỉ lối cho được. Không được dạy dỗ thì không lớn lên được về thân xác và nhân cách được.

Vâng lời thường làm cho ta khó nghe, chói tai, khó hiểu, khó chịu, khó thực hiện. Ta hãy xin Chúa ơn khiêm nhường để có thể vâng lời Sự Thật. Sự thật về Thiên Chúa tốt lành hoàn hảo và sự thật về hạn hữu của mình. Để được sống trong khôn ngoan, đạo đức, hạnh phúc an bình của tình yêu Chúa và tình nghĩa với nhau.

Đường đức tin của người tín hữu chính là hết lòng vâng Thiên Chúa như Đức Giêsu, Giáo hội của Người; như Mẹ Maria, thánh Giuse, thánh Phêrô… Nên thay vì hỏi phép lạ ở đâu để tôi đến, thì phải hỏi có sẵn sàng vâng lời Thiên Chúa, dù có trái ý, khó hiểu, nghịch lý, đó là phép lạ chưa?

----------------

THANH THANH

ĐÂU LÀ PHÉP LẠ

Chúa Nhật 3 Phục sinh

(Ga 21,1-14)