Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 2 mùa thường niên năm B 18/1/2015
“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về”,
Gọi hồn liễu rủ lê thê, gọi bờ cát trắng đêm khuya.
(Trịnh Công Sơn – Biển Nhớ)
(Thư Do thái 4: 7-13)
Ngày em đi, phải chăng là đi ra biển để đến nỗi biển vẫn nhớ? Nhớ đến độ, người viết nhạc họ Trịnh, lại cứ đong đưa những điệu nhạc phải nghe tiếp kẻo quên sót, như sau:
“Ngày mai em đi, đồi núi nghiêng nghiêng đợi chờ
Sỏi đá trông em từng giờ, nghe buồn nhịp chân bơ vơ
Ngày mai em đi, biển nhớ em quay về nguồn
Gọi trùng dương gió ngập hồn, bàn tay chắn gió mưa sang
Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đêm mờ
Hồn lẽ nghiêng vai gọi buồn, nghe ngoài biển động buồn hơn.
Hôm nào em về, bàn tay buông lối ngõ
Đàn lên cung phím chờ sầu lên dây hoang vu”.
(Trịnh Công Sơn – bđd)
Người viết nhạc đầy hồn thơ, thì viết thế. Chứ, người làm thơ đầy hồn nhạc, lại sẽ diễn-tả như sau:
“Mai tôi đi... chẳng có gì quan trọng,
Lẽ thường tình, như lá rụng công viên,
Như hoa rơi trước gió ở bên thềm,
Chuyện bé nhỏ giữa giòng đời động loạn...
Trên giường bệnh, Tử Thần về thấp thoáng,
Xin miễn bàn, thăm hỏi hoặc cầu an,
Khi xác thân thoi thóp trút hơi tàn,
Nằm hấp hối đợi chờ giờ vĩnh biệt.
Khoảnh khắc cuối... Đâu còn gì tha thiết...
Những tháng ngày hàn nhiệt ở trần gian.
Dù giàu sang hay danh vọng đầy tràn,
Cũng buông bỏ trở về cùng cát bụi...
Sẽ dứt điểm đời phù du ngắn ngủi,
Để đi vào ranh giới của âm dương,
Không bàng hoàng trước ngưỡng cửa biên cương,
Bên trần tục, bên vô hình cõi lạ...
Chỉ ước nguyện tâm hồn luôn thư thả,
Với hành trang thanh nhẹ bước qua nhanh,
Quên đàng sau những níu kéo giựt dành,
Kết thúc cuộc lữ hành trên dương thế...
Mắt nhắm rồi... Xin đừng thương rơi lệ,
Đừng vòng hoa, phúng điếu hoặc phân ưu,
Đừng quay phim, chụp ảnh để dành lưu.
Gây phiền toái, nợ thêm người còn sống...
Ngoảnh nhìn lại, đời người như giấc mộng,
Đến trần truồng và đi vẫn tay không.
Bao trầm thăng, vui khổ đã chất chồng,
Nay rũ sạch... lên bờ, thuyền đến bến...
Nếu tưởng nhớ..Xin âm thầm cầu nguyện,
Nên xem như giải thoát một kiếp người,
Cứ bình tâm, thoải mái với vui tươi,
Kẻ đi trước, người sau rồi sẽ gặp...
Thơ và nhạc, mà lại nói về “cõi hết” cũng rất buồn. Dù bạn dù người “ra đi” có khyên bảo “xin đừng khóc”. Có khóc hay không, đời mình vẫn thế. Cũng vì vẫn như thế, nên có người viết lại đã vội vang đề nghị những lời như sau:
“Đời người thật ngắn ngủi. Nhớ lại vào lứa tuổi đôi mươi, chúng ta lang thang trong sân trường khuôn viên trường đại học, vui cười vô tư và bây giờ đã hơn 40 năm trôi qua rồi. Đời người thoáng chốc đã già !
Bây giờ, những năm còn lại trong cuộc đời của một người, chúng ta cần sống thanh thản, sống thoải mái, sống hạnh phúc vì qua một ngày, chúng ta đã mất một ngày. Vì vậy, một ngày đến, chúng ta vui một ngày. Vui một ngày…rồi không biết được bao nhiêu ngày nữa. Hạnh phúc là do chính mình tạo ra, vui sướng cũng do chính mình tìm lấy vì những niềm vui ấy đã ẩn chứa trong những sự việc nhỏ nhặt xảy ra trong đời sống.
Hạnh phúc là những gì hiện đang ở chung quanh chúng ta, trong tầm tay chúng ta. Nhà nho Nguyễn Công Trứ quan niệm “ Tri túc, đãi túc, tiện túc, hà thời túc. Tri nhàn, đãi nhàn, tiện nhàn, hà thời nhàn”…
Tiền rất quan trọng trong đời sống của con người nhưng tiền không phải là tất cả. Đừng quá coi trọng đồng tiền và cũng đừng lệ thuộc vào đồng tiền, mặc dù biết rằng nếu không có tiền thi làm sao chúng ta sống, làm sao để được thoải mái.
Ta vẫn biết khi ta ra đời ,ta đâu có mang nó đến và khi ra đi, chúng ta cũng không mang nó theo. Đồng tiền có thể mua một lâu đài to lớn nhưng đồng tiền không mua được mái ấm gia đình. Đồng tiền giúp chúng ta mua được nhiều thứ tiện nghi trong cuộc sống nhưng đồng tiền không mua được sức khỏe cũng như hạnh phúc trong đời sống.
Quảng đời còn lại thì quá ngắn ngủi, ta phải sống những ngày tháng cho đáng sống, ta phải làm cho cuộc đời thêm phong phú .
Những gì cần ăn thì cứ ăn, cần mặc thì cứ mua sắm, muốn đi du lịch thì cứ đi. Tập cho mình có nhiều đam mê, tự tìm niềm vui cho chính mình.
Vào trong internet để gửi thư cho bạn bè, để chia sẻ một tin hay, một chuyện vui, một bản nhạc, đọc những bài viết có giá trị, hay “chat” với người quen biết. Chúng ta cần trao dồi bộ óc để trí nhớ vẫn còn sáng suốt. Nếu có người bạn cần giúp, ta cứ mở lòng nhân ái, tốt bụng với mọi người. Rảnh rỗi đi làm những việc từ thiện xã hội, giúp một tay tại những nơi tôn kính như nhà Chùa, nhà Thờ,… lấy việc giúp người làm niềm vui, đó là những thú vui trong tuổi già
Hơn nửa đời, chúng ta dành khá nhiều cho sự nghiệp, cho gia đình, cho con cái, bây giờ thời gian còn lại chẳng bao nhiêu nên dành cho chính mình, quan tâm bản thân, sống thế nào cho thanh thản, vui vẻ. Việc gì muốn thì làm, ai nói sao thì mặc kệ vì mình đâu phải sống để người khác thích hay không thích, nên sống thật với mình. Sống phải năng hoạt động nhưng đừng quá mức, ăn uống quá kiêng cử thì không đủ chất bổ dưởng, quá nhàn rỗi thì buồn tẻ, quá ồn ào thì khó chịu…
Cuộc sống tuổi già thật đa dạng, nhiều màu sắc nên ta cần có nhiều bạn bè, nhiều nhóm bạn bè hoặc tham dự vào những sinh hoạt trong các Hội đoàn ái hữu lành mạnh. Gặp bạn, nói ra những điều phiền muộn cho nhau nghe. Hãy tìm cách gặp gỡ bạn bè và người thân vì không còn nhiều thời gian nữa.
Một người lớn tuổi, sống cô đơn, biệt lập, không đi ra ngoài, không giao thiệp với bạn hữu, thế nào cũng đi đến chổ tự than thân trách phận, bất an, lo âu, ủ dột và tuyệt vọng. Từ đó bắt nguồn của bao nhiêu căn bệnh. Đừng bao giờ nói, hay nghĩ là: “ Tôi già rồi, tôi không giúp ích được cho ai nữa”. Đừng nói những lời hay những tư tưởng có ý tuyệt vọng.
Người già chỉ sảng khoái khi được có bạn tâm giao, đó là một liều thuốc bổ mà không Bác sĩ nào có thể biên toa cho ta mua được.
Ở tuổi hiện tại, chúng ta đừng nghĩ đến đồng tiền, đừng nghĩ đến giàu hay nghèo nữa và cũng đừng than trách hay hối hận vì những lầm lỗi trong quá khứ và cũng đừng tự hỏi là tại sao bây giờ ta không có nhiều tiền. Đừng nói ta không có tiền. Có những thứ hiện đang chung quanh ta rất quí giá mà có nhiều tiền cũng không mua được, đó là người phối ngẩu của chúng ta.
Nếu có chút ít đồng tiền thì cứ tiêu xài những gì ta cần vì sẽ có lúc chúng ta để lại cho người khác xài. Nếu hôm nay ta còn khoẻ mạnh, còn ăn được những món ăn ta thích và ăn biết ngon là ta đã có một khối tài sản to lớn trong tuổi già.
Rồi ta tìm đến những người bạn cùng nhau uống tách trà nóng, ly cà phê buổi sáng, kể chuyện năm xưa hay trao đổi những kinh nghiệm trong cuộc sống hiện tại.
Cuối tuần, hẹn nhau với người bạn đi câu cá, hưởng không khí trong lành của thiên nhiên và cũng để cho tâm tư lắng đọng, tinh thần thanh thản. Đó là những niềm vui trong cuộc sống cuả tuổi già. (Dodom ST sư tầm và chuyển cho mọi người đọc trên mạng)
Đọc trên mạng, hay đọc trong cuộc đời, vẫn có những điều mình chưa được biết trọn gói hay trọn vẹn. Đọc trên mạng hoặc đọc trên thư từ bạn bè gửi, lại cũng có những điều chỉ nói một nhưng hiểu nhiều. Cũng tựa hồ như chuyện nhà Đạo có những Tin vui mừng lâu nay tưởng chừng như đã quen quen, dù được “chia sẻ” mỗi Chúa nhật, suốt một đời, thế mà cứ tưởng như rất mới. Mới như câu chuyện được đề cập ở bên dưới:
“Cô bé và cậu bé là hàng xóm từ thuở nhỏ. Trò chơi thuở bé của hai đứa trẻ là chạy ra bờ sông nghịch, lấy đất nặn thành hình búp bê. Khi khuôn mặt cậu bé nhem nhuốc đầy buồn đất, cô bé sẽ khẽ dùng tay áo quẹt đi những vết bẩn trên mặt cậu. Và cậu bé sẽ nhoẻn miệng cười cảm ơn cô bé. Lúc đó, khuôn mặt của hai đứa trẻ trông còn đáng yêu hơn cả những con búp bê mà chúng nặn ra.
Cô bé vốn hay khóc nhè. Một con sâu nhỏ cũng có thể làm cô bé khóc thét vì sợ hãi. Những lúc đó, cậu bé sẽ dẫm chết con sâu, rồi làm ra vẻ người lớn dỗ dành cô bạn nhỏ.
Cô bé vẫn thút thít không ngừng. Cậu bé không biết nên làm thế nào, rút từ trong túi quần ra một đồng xu nhỏ mà khi đứng đợi cô bé đã nhặt được trên đường. Cậu bé đặt đồng xu nằm trong lòng bàn tay để trước mặt cô bé.
“Em xem này, đây là đồng xu anh nhặt được trên đường lúc nãy. Hai mặt của nó không giống nhau đâu. Bây giờ anh tung nó lên, nếu lúc rơi xuống nó vẫn là mặt này, thì em không được khóc nữa. Còn nếu là mặt kia thì anh sẽ khóc cùng với em có được không?”.
Cô bé dụi mắt, nhìn đồng bạc sáng loáng trước mặt lạ lẫm hiếu kỳ, rồi ngước lên nhìn cậu bé gật đầu mếu máo. Cậu bé khẽ tung đồng xu vào không trung. Đồng xu lật mấy lần, rồi trở lại lòng bàn tay cậu bé. Cô bé tò mò vội gỡ những ngón tay bụ bẫm của cậu bé. Vẫn là mặt lúc nãy của đồng xu. Hai đứa trẻ nhoẻn miệng cười thật to. Cô bé không khóc nữa. Chúng chạy ra bờ sông nặn búp bê bằng đất.
Tuổi thơ của hai đứa trẻ trôi qua trên những cánh đồng bát ngát, những buổi đi bắt chuồn chuồn bên bờ ao và thả thuyền giấy trên con kênh nhỏ. Cả hai cùng bước vào tiểu học. Những lúc không có người bạn thời thơ ấu bên cạnh, cô bé vẫn thường bị những đứa bé trai cùng lớp trêu đùa bắt nạt. Cô bé khóc nhè cả quãng đường về nhà. Đợi đến khi cậu bé về, đồng tiền xu ngày trước lại xoay vòng trên không trung để quyết định tất cả. Hai đứa trẻ lại nhoẻn miệng cười rồi đi tìm trò chơi thuở bé.
Thời gian lại trôi nhanh qua những bài hát đồng dao thuở học trò. Hai đứa trẻ học lên trung học. Cậu bé cho dù ham chơi đến đâu cũng vẫn có thể tính ra những đáp số chính xác nhờ công thức được học. Thầy giáo luôn khen cậu là một học sinh thông minh.
Còn cô bé, cho dù có cố gắng đến đâu cũng không thể hiểu được rằng, khi X và Y có quan hệ, Y và Z có quan hệ, thì X và Z nhất thiết phải có mối quan hệ nào đó. Sau mỗi lần trả bài kiểm tra, cô bé lại nằm bò ra bàn và khóc, nước mắt rơi ướt nhòe cả khung điểm kém. Cậu bé lại rút đồng xu từ trong túi ra và tung vào không trung. Vẫn quy định cũ. Cô bé không khóc nữa, ngoan ngoãn ngồi nghe cậu bé giảng giải những chỗ không hiểu, những công thức toán học, những định luật vật lý mà cô không nắm vững. Điểm số của cô không còn thấp dưới 5.
Thời gian lại trôi theo những tháng ngày bận rộn, những kỳ thi cuối cấp. Khoảng trời đại học mở ra trước mắt hai người bạn. Cuộc sống thời đại học an nhàn tự tại. Tuổi thanh xuân với những tình cảm lứa đôi ngây thơ trong sáng in dấu từng góc sân trường. Chàng trai và cô gái kết thành một đôi kim đồng ngọc nữ trong sự ngưỡng mộ của biết bao nhiêu người. Tình yêu chân thành và bình lặng trong từng khoảnh khắc. Cô gái vẫn hay mau nước mắt. Và chàng trai vẫn luôn giữ đồng xu thuở bé bên mình.
Trong một trận đấu bóng chuyền của trường, chàng trai tham gia cùng vài người bạn. Cô gái đứng trên hàng ghế khán giả, cầm áo khoác cho anh và không quên reo hò cổ vũ. Cuối trận đấu, chàng trai cảm thấy khá mệt, mồ hôi vã ra trên trán. Anh lảo đảo bước về phía khán đài. Mọi thứ trước mắt bất chợt trở nên mơ hồ như qua một làn khói ảo.
Khi còn chưa bước được tới trước mặt người yêu dấu, anh cảm thấy một luồng khí nóng trào qua lồng ngực. Rồi máu từ mũi chảy xuống. Chàng trai ngã xuống trước ánh mắt hốt hoảng của cô gái cùng sự ngạc nhiên của bao người đứng đó.
Bác sĩ cho biết chàng trai bị ung thư máu. Trái tim cô gái vốn nhỏ bé mềm yếu lại như vỡ ra từng mảnh. Khi lần đầu tiên đến thăm anh trong bệnh viện, khi lần đầu tiên nhìn khuôn mặt thân thương của anh nhợt nhạt mệt mỏi, cô không nén nổi xúc động, ôm lấy anh và òa khóc. Những giọt nước mắt rớt vội trên bờ môi anh, ấm áp và mặn chát.
Anh cố gắng với tay lấy từ dưới gối đồng xu mà năn nỉ mãi bác sĩ mới cho giữ lại.
-Em nhìn này, đây là cái gì?”.
Cô gái lấy tay quệt nước mắt, nhìn đồng xu thân thương. “Vẫn quy tắc cũ nhé. Nếu là mặt này, em không được khóc nữa. Còn nếu là mặt kia, anh sẽ khóc cùng em có được không?”
Cô nhìn người con trai thân yêu đang nằm đó. Anh đang cố gắng dỗ dành cô. Bao năm rồi vẫn vậy, anh chưa từng dửng dưng trước giọt nước mắt của cô. Và cô cũng chưa từng lắc đầu mỗi khi anh lấy đồng xu nhỏ ra.
Chàng trai run rẩy tung đồng xu lên không trung. Đồng xu lại xoay vòng lóe sáng rồi rơi xuống lòng bàn tay anh. Vẫn là mặt “không được khóc nữa”. Chàng trai cố gắng mỉm cười kéo cô gái vào lòng dỗ dành như thời thơ ấu. Nước mắt anh chảy xuôi theo nụ cười.
Đám tang anh, mọi người đến dự trong bao đau buồn và tiếc nuối. Cô tiễn anh không một giọt nước mắt. Mọi người nghĩ cô thật cứng rắn. Nhưng họ không biết, trái tim cô đang vỡ vụn. Và nước mắt cô không thể rơi cho anh được nữa.
Ba mẹ anh gửi cho cô một chiếc hộp nhỏ nói là món quà cuối cùng của anh muốn dành tặng cô. Cô run rẩy mở chiếc hộp của anh. Bên trong là một tờ giấy nhỏ với dòng chữ: “Đừng khóc nữa người mà anh yêu suốt đời”, và một đồng tiền xu sáng bóng.
Đồng tiền xu quen thuộc đã theo hai người từ thời thơ ấu. Cô cầm đồng tiền lên, lần đầu tiên mới nhìn kỹ nó. Nước mắt cô chợt trào ra. Đồng tiền xu rơi xuống đất xoay vòng lóe sáng. Hai mặt của nó vốn dĩ không hề khác nhau…” (Lính thủy sưu tầm)
Sưu tầm chuyện ngắn, đâu cứ chỉ mỗi anh lính thủy còn làm việc ấy. Sưu tầm chuyện nhà Đạo, hẳn bạn và tôi, ta vẫn cứ sưu và cứ tầm, rồi ra sẽ nhận được quà tặng như lời dặn sau đây:
“Ngày hôm nay, nếu các ngươi nghe tiếng Chúa, thì chớ cứng lòng.
Thật vậy, nếu ông Giôsuê đã cho họ được yên nghỉ,
thì sau đó, Thiên Chúa đã chẳng nói đến một ngày khác nữa.
Như thế, Dân Thiên Chúa còn có thể được nghỉ
như Thiên Chúa nghỉ ngày thứ bảy,
vì ai đã vào chốn yên nghỉ của Thiên Chúa,
thì cũng đã nghỉ sau khi làm xong công việc của mình,
như Thiên Chúa đã nghỉ sau khi làm xong công việc của Người.
Vậy, chúng ta hãy cố gắng vào chốn yên nghỉ này,
kẻo có ai cũng theo gương bất tuân đó mà sa ngã.
Lời Thiên Chúa là lời sống động,
hữu hiệu và sắc bén hơn cả gươm hai lưỡi:
xuyên thấu chỗ phân cách tâm với linh, cốt với tuỷ;
lời đó phê phán tâm tình cũng như tư tưởng của lòng người.
Vì không có loài thọ tạo nào mà không hiện rõ trước Lời Chúa,
nhưng tất cả đều trần trụi và phơi bày trước mặt Đấng có quyền đòi chúng ta trả lẽ.”
(Thư Do thái 4: 7-13)
Hiểu thế rồi, bạn và tôi, ta cứ hiên ngang hát lời buồn nhưng không bực, có ca-từ như sau:
“Ngày mai em đi, biển nhớ tên em gọi về,
Chiều sương ướt đẫm cơn mê,
Trời cao níu bước sơn khê.
Ngày mai em đi, cồn đá rêu phong rũ buồn,
Đèn phố nghe mưa tủi hồn, nghe ngoài trời giăng mây luôn.
Ngày mai em đi, biển có bâng khuâng gọi thầm,
Ngày mưa tháng nắng còn buồn, bàn tay nghe ngóng tin sang.
Ngày mai em đi, thành phố mắt đêm đèn vang,
Nửa bóng xuân qua ngập ngừng, nghe trời gió lộng mà thương”.
(Trịnh Công Sơn – bđd)
“Nghe trời lộng gió mà thương”. Vâng. Đúng thế. Hôm nay và mai ngày dù trời có lộng gió hay không, ta cứ thương. Thương, như lời người kể truyện ở bên dưới làm đoạn kết cho buổi phiếm luận, rất hôm nay.
“Truyện rằng:
Ngày lễ hội hôm ấy, hai người bạn thân gặp nhau sau một thời-gian xa cách, ít có dịp tâm sự đôi điều về nhân-sinh cuộc đời, vui buồn lẫn lộn. Trò chuyện một hồi lâu, chợ ngu72i này hỏi:
-À này, mối tình của cậu với “con nai vang ngơ ngác” khi xưa bây giờ ra sao?
-Hết rồi cậu ạ! Lâu lắm rồi, chẳng thấy “nai vang” nào còn ngơ ngác hết, mà chỉ là…
-Chỉ là làm sao?
-Chỉ là “muông thú quen gầm, ở Hà Đông thôi!
-Ấy chết! Sao lại là sư tử Hà Đông được?
-Chữ đó là do cậu nói đấy, chứ không phải của tớ đâu nhé. Liều mồm mà ăn nói, kẻo chết không kịp ngáp cho mà coi.
-Tớ chết từ lâu rồi, cậu ạ. Nưng, chỉ là chết trong lòng một chút ít, thôi…”
Chết trong lòng một ít hay rất nhiều, vẫn là sống như đang chết. Là, thứ chết rồi nhưng vẫn còn ngáp. Ngá ngáp, chứ chẳng chơi. Đó là cuộc đời, của bạn và của tôi, rất hôm nay.
Trần Ngọc Mười Hai
Vẫn luôn chết trong lòng một ít
Suốt nhiều ngày
Trong đời.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: