CẦU NGUYỆN
(Mt 6,7-13)
Cầu nguyện là biến đổi. Gặp Chúa là biến đổi. Chưa biến đổi tốt hơn là chưa gặp Chúa, chưa phải là cầu nguyện đích thực. Cầu nguyện rất quan trọng trong cuộc sống. Vì nó liên quan đến sự sống còn của ta. Khuôn mẫu cho việc này, chính là Chúa Giêsu, con người cầu nguyện.
Chúa Giêsu đã học cầu nguyện
Chắc chắn Ngài đã học cầu nguyện theo tâm tình của nhân loại. Học những cách cầu nguyện nơi Mẹ Maria. Mẹ hằng ghi nhớ và suy niệm trong lòng những điều cao cả Đấng Toàn Năng đã thực hiện. (Lc 1,49; 219; 2,51). Ngài đã học từ những lời kinh và những cách thức cầu nguyện của dân tộc, tại hội đường Nagiaret và tại đền thờ và còn đọc, giải thích thánh kinh nữa.
Ngài còn hé mở một nguồn mạch bí ẩn khác nữa: Con có bổn phận ở nhà Cha Con (Lc 2,49). Nét mới của kinh nguyện trong “thời kỳ viên mãn”, là lời cầu nguyện của Người Con mà Cha hằng mong đợi nơi con cái mình, Người Con duy nhất thể hiện trong nhân tính với con người và cho mọi người.
Chúa Giêsu đã cầu nguyện
Cuộc sống của Ngài rất bận rộn: rao giảng Tin mừng, gặp gỡ dân chúng, chữa lành bệnh tật, nhưng Ngài luôn dành thời gian phút thinh lặng để cầu nguyện, tâm sự và kết hiệp với Chúa Cha.
Ngài lên núi một mình mà cầu nguyện. Tối đến Người vẫn ở đó một mình (Mt 14,23)
Ngài đặt tay trên các trẻ nhỏ và cầu nguyện (Mt 13,16)
Ngài đến cầu nguyện ở vườn Gietsemani (Mt 26,36)
Ngài kêu lên Cha, nếu có thể được, xin cho con khỏi phải uống chén này (Mt 26,39)
Ngài dậy sớm lúc trời còn tối, đi đến nơi hoang vắng và cầu nguyện ở đó (Mc 1,35)
Ngài lui vào nơi hoang vắng mà cầu nguyện (Lc 5,16)
Ngài đi ra núi cầu nguyện, và đã thức suốt đêm cầu nguyện cùng Thiên Chúa (Lc 6,12)
Ngài lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phêrô, Gioan và Giacôbê (Lc 9,28)
Ngài dạy các tông đồ cầu nguyện bằng kinh lạy Cha.
Ngài xin Chúa Cha tha cho họ, vì họ không biết việc họ làm (Lc 23,34)
Ngài cầu nguyện cho thế gian và những kẻ Chúa Cha ban cho (Ga 17,9)
Ngài cầu nguyện cho cả những ai nhờ lời họ mà tin vào con (Ga 17,20)
Ngài kêu cùng Chúa Cha, giờ đã đến! Xin Cha tôn vinh Con Cha để Con Cha tôn vinh Cha (Ga 17,1)
Ngài biến hình trên núi Tabor, lúc đang cầu nguyện, dung mạo bỗng đổi khác, y phục trở nên trắng tinh chói loà (Lc 9,29)
Chúa Giêsu, quả thật Ngài đã cầu nguyện rất nhiều trong cuộc đời và sự vụ. Cầu nguyện từng ngày và từng trướccác biến cố, trước mọi quyết định. cầu nguyện nhỏ tiếng, âm thầm, đến lớn tiếng như: “Lạy Cha, con chúc tụng Cha, vì đã giấu không cho các bậc khôn ngoan thông thái biết, nhưng lại mạc khải cho những người bé mọn” (Mt 11.25-27); Trước khi cho Lagiarô sống lại: con cảm tạ Cha vì Cha đã nhận lời con (Ga 11,41); “Con biết Cha hằng nhận lời con” (Ga 11,42)
Cầu nguyện trước sứ vụ: Chúa Cha làm chứng về Ngài lúc chịu phép rửa (Lc 3,21), lúc hiển dung (Lc 9,28, trước cuộc khổ nạn: xin đừng theo ý Con, một theo ý Cha (Lc 22,42)
Cầu nguyện trước khi chọn các tông đồ: chọn nhóm mười hai (Lc 6,12) cầu cho vị thủ lãnh các tông đồ khỏi mất lòng tin (Lc 22,32)
Chúa Giêsu dạy cầu nguyện
Chúa Giêsu cầu nguyện xong, các môn đệ nói: Xin dạy chúng con cầu nguyện. Ngài dạy cho họ con người bằng kinh Lạy Cha - khuôn mẫu mọi lời cầu nguyện (Lc 11,1-4). Người môn đệ phải trở nên giống Thầy mình. Khao khát muốn cầu nguyện như thầy, đó là điều rất tốt.
Ngài còn dạy chúng ta cầu nguyện với Chúa Cha bằng tin cậy mến, cũng là mẫu mực cho việc cầu nguyện với Thiên Chúa. Và còn nhấn mạnh đến những khía cạnh khác nhau của sự cầu nguyện, chẳng hạn:
Hãy về làm hòa với người anh em trước khi dâng lễ vật trên bàn thờ (Mc 5,23-24)
Hãy yêu thương kẻ thù và cầu nguyện cho kẻ bách hại mình (Mt 5,44-45)
Phải khiêm tốn và âm thầm: đừng lải nhải nhiều lời (Mt 6,7), cầu nguyện với Cha, Đấng hiện diện nơi kín đáo (Mt 6,6)
Phải tin tưởng và cậy trông: những gì anh em xin khi cầu nguyện, anh em cứ tin là mình đã được rồi (Mc 11,24).
Phải vâng theo ý Chúa: sẵn lòng thi hành thánh ý Chúa Cha (Mt 7,21).
Phải nhân danh Ngài: bất cứ điều gì anh em nhân danh Thầy mà xin, thì Thầy sẽ làm, để Chúa Cha được tôn vinh nơi người Con. Nếu anh em nhân danh Thầy mà xin Thầy điều gì, thì chính Thầy sẽ làm điều đó” (Ga 14,13-14).
Chúa Giêsu nhận lời cầu nguyện
Ví dụ: Người phong cùi (Mc 1,40-41), ông Giairô (Mc 5,36), người phụ nữ Canaan (Mc 7,29), người trộm lành (Lc 23,39-43), người bất toại được khiêng đến với Ngài (Mc 2,5), người đàn bà bị bệnh loạn huyết cố sờ vào áo Ngài (Mc 5,28), nước mắt và dầu thơm của người phụ nữ tội lỗi (Lc 7,37-38). Còn hơn thế nữa, Ngài còn chúc lành, ban bình an cho kẻ đến với Ngài: cứ về bình an, lòng tin đã cứu chữa (Mc 5,34).
Cầu nguyện, sức mạnh của biến đổi, thăng tiến và hoàn thiện.
-----------------
THANH THANH
http://niemvuimoi.org