Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

TỪ TỪ

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Từ từ, từ ngữ được dùng nhiều trong đời sống hằng ngày, với mọi lãnh vực. Hai chữ này quen thuộc, nhẹ nhàng, ngọt tai: từ từ, từ từ đã nào, có gì đâu mà gấp, nhẩn nha đã, từ từ xem lại, cứ từ từ…Nhưng nó cũng thật nguy hiểm, phải cảnh giác, thận trọng.

Từ từ, từ ngữ vừa quen thuộc vừa dễ hiểu, vừa đơn giản vừa phức tạp, vừa nguy hiểm vừa tuyệt vời. Tuyệt vời khi được Thiên Chúa áp dụng cho con người. Nguy hiểm khi ma quỷ lợi dụng con người.

Từ từ của ma quỷ

Chuột ăn cắp dầu. Chuột nhà lần thứ nhất ăn cắp dầu, trong lòng đầy dẫy tội lỗi bất an, nó sám hối rằng: “Hồi nhỏ, mẹ dạy tôi làm người phải thanh bạch, tại sao tôi lại làm việc này để “kị” với người như thế này chứ ? Thật đáng chết cho rồi”.

Lần thứ hai ăn cắp, nó an ủi: “Tôi chỉ làm sai chút ít, kẻ khác cũng lấy mà, có sao đâu”.

Lần thứ ba ăn cắp, nó giải thích: “Tôi đâu muốn ăn cắp, tại mùi thơm của dầu đã dụ dỗ tôi, sai trái không phải ở nơi tôi”.

Lần thứ tư, nó nói: “xã hội này không công bằng, chính là cần phải có người như tôi vậy, để nguồn của cải của xã hội cân bằng một chút…”

Từ đó về sau, chuột hiên ngang đi ăn trộm mà chẳng chút gì nghĩ ngợi, và còn coi đó như một nghĩa vụ để lập lại công bằng xã hội vậy.

(Trích "Chuyện ngụ ngôn cho thời hiện nay")

Hoạ mi thích ăn sâu. Hoạ mi là một trong những giống chim đẹp nhất, thích ăn sâu. Lũ trẻ muốn bắt chim này nên đặt một đĩa sâu để nhử. Hoạ Mi thấy sâu liền bay qua lượn lại, tỏ vẻ thèm thuồng.

Lũ trẻ gọi : “Hoạ Mi ơi, nếu muốn ăn sâu thì mi cứ đổi cho chúng ta mỗi con sâu là một sợi lông thôi”.

Hoạ Mi bằng lòng vì nghĩ có một sợi lông chẳng ăn thua gì.

Thế rồi, cứ mỗi một con sâu, đám trẻ lại nhổ một sợi lông trên lưng. Sau một lúc lâu, Hoạ Mi vừa đau vừa thấy thân thể mình mất khá nhiều lông; thế nhưng nó vẫn thèm ăn những con sâu hấp dẫn và ngon miệng.

Cứ thế, lũ trẻ nhổ cho đến khi trên mình Hoạ Mi không còn một sợi lông nào. Hoạ Mi lúc này tuy no bụng nhưng không bay được nữa, vì không còn sợi lông nào.

Ađam Eva. Sau khi Đức Chúa tạo dựng trời đất và con người, thì cho sống sung sướng trong vườn địa đàng, chỉ là không được ăn cây trái cấm ở giữa vườn mà thôi. Ma quỷ đã từ từ ru ngủ và vẽ ra một bức tranh truyệt hảo để ông bà thưởng thức: nào là cứ ăn đi không sao đâu, không chết chóc gì cả, khi ăn xong mắt sẽ mở ra, giống như những vị thần biết điều thiên điều ác, giống như Thiên Chúa vậy. Nhìn tôi xem, có chết chóc hay bị làm sao đâu. Và họ đã ăn.

Chúa Giêsu. Ma quỷ đã cám dỗ Chúa Giêsu cũng rất từ từ và chuyên nghiệp. “Nếu ông là Con Thiên Chúa, hãy truyền cho những hòn đá này hoá bánh. Nếu là Con Thiên Chúa, thì hãy gieo mình xuống đi. Ông sẽ được mọi thứ lợi lộc vinh hoa của tất cả mọi nước mọi dân, nếu ông sấp mình bái lạy tôi” (x. Mt 4,1-11).

Chiến thuật của ma quỷ

Từ thuở ban đầu, từ từ là một chiến thuật ma quỷ dùng để tấn công con người. Cách này nhẹ nhàng nhưng hiệu nghiệm, đầu tư ít mà hiệu quả cao.



Chúng không dại đưa ra đề nghị như: bạn hãy chửi cha mắng mẹ; hãy chống đối, nguyền rủa Thiên Chúa; hãy giết người, trộm cắp; hãy làm chứng gian, hãy ngoại tình…vì như thế nó sẽ thất bại.

Điều nó làm được là mời mọc con người làm quen dần với điều xấu từ từ và rất nhỏ. Nhỏ đến nỗi con người chẳng phát hiện hay không cảm thấy thế là xấu, là tội.

Ví dụ:

Đâu ai tự nhiên khô khan với Chúa, nhưng bắt đầu từ không đọc kinh, thiếu cầu nguyện, ít đi lễ, thiếu sốt sắng khi tham gia các việc đạo đức. Bắt đầu từ ao ước gặp Chúa, đến việc trễ nải, ngồi xa và dần xa nhà thờ; bắt đầu từ đi sớm, đến đúng giờ, rồi trễ và trễ đến bỏ lễ ít dần đến bỏ lễ nhiều…

Đâu ai tự nhiên lại chửi cha mắng mẹ, nhưng bắt đầu từ chuyện nghĩ xấu về, giận trong lòng, chửi thầm trong lòng… Rồi dần thể hiện ra ngoài miệng, cãi một câu, hai, rồi cãi tay ngang, chửi bới, nặng lời, đôi khi ngược đãi các ngài.

Đâu ai tự nhiên trở thành kẻ trộm cắp cướp giựt, nhưng bắt đầu từ việc lấy cắp trái ổi, quả cam, cuốn tập, cây viết, rồi đến tiền, xe đạp, xe gắn máy, và lớn dần, nhiều lên…

Đâu ai tự nhiên ngoại tình, dâm dục, nhưng bắt đầu từ nghe, nhìn, nghĩ, ước ao rồi hành động chiều theo xác thịt….

Đâu ai tự nhiên lại có lời lẽ cay đắng, độc địa, nhưng bắt đầu từ chuyện nói xấu nói quanh, thêm điều đặt chuyện đến bịa chuyện; từ nói dối sang nói ngoa, vu khống…

Đâu ai tự nhiên xấu, nhưng luôn bắt đầu từ việc không chú ý quan tâm đến những mưu mô của ma quỷ, khiến ta nghĩ là bình thường.

Thực ra chẳng thường chút nào. Nhất là ngày nay, quá nhiều người không còn cảm thức về tội. Lương tâm làm điều xấu mà cho là bình thường. Để ý ta sẽ thấy cái bất thường trong điều bình thường. Khuynh hướng của nhiều người thì ân sủng của Chúa lớn lao lại cho là nhỏ. Tội lỗi to lớn cũng cho là nhỏ. Hiểu cho đúng, thì ân sủng Chúa ban, dù nhỏ cũng là quá lớn. Điều xấu do ma quỷ, dù nhỏ, cũng là khủng khiếp.

Điều nguy hiểm là con người được nghe, nhìn, làm và sống quen dần với điều vô thưởng vô phạt, đến điều xấu, điều tội một cách nhẹ nhàng đến độ, dường như ta không phát hiện gì, thế rồi dần sa chân lạc lối mà chính mình cũng không biết. Đến lúc biết thì lại quá muộn. Khi muộn, con người dễ trở nên cố chấp, cố thủ và tìm mọi lý lẽ biện minh cho mình là đúng, hoặc ít là đổ trách nhiệm cho người khác, cho hoàn cảnh, cho xã hội và Giáo hội.

Họ hô to rằng tôi sống theo lương tâm là được. Đúng như vậy, nhưng lương tâm có nhiều loại: lương tâm rộng, lương tâm hẹp, lương tâm bối rối, lương tâm tương đối…

Lương tâm rộng thì phán đoán dễ dãi, dễ bị ma quỷ lợi dụng, phạm tội trọng mà vẫn bình an.

Lương tâm hẹp và bối rối thì cái gì cũng cho là là xấu là tội tội, vì vậy mà không dám làm việc gì, dù là bác ái.

Lương tâm tương đối thì cào bằng trên trời dưới đất, Thiên Chúa hay con người, ma quỷ hay thiên thần, tất cả chỉ ngang ngang nhau cả.

Ma quỷ thích lợi dụng những người có lương tâm rộng để cám dỗ, và thường có hiệu quả cao. Khi ta phạm tội, nó đưa ra nhiều lý do để nói là không có tội, mà nếu có thì cũng không đáng lắm, và cứ thế đến khi ta đắm mình trong tội mà không biết. Chiêu bài là, ôi Chúa nhân từ lắm, Ngài không phạt đâu, làm gì vội, cứ từ từ, tuần sau đi sửa lại, tuần sau xưng tội, tuần sau có sao, đời còn dài mà.

Như con chuột có “lương tâm rộng”, nên dù đã có bốn lần phạm tội, mà nó vẫn biện minh cho hành động của mình, nó trân tráo phạm tội mà không còn bị lương tâm lên án nữa. Những người này thường biện minh cho công việc của mình khi sai lỗi là người ta sao mình vậy. Họ uống rượu, hút thuốc, đánh bài, trộm cắp, gian lận… mà mình không uống, không làm như họ thì lập dị, khác người, thiên hạ cười. Mình sống với người ta phải như người ta chứ.

Nhiều người lẫn lộn giữa hoà mình và hoà tan, nhầm lẫn giữa hết mình và mất mình.

Ma quỷ cũng thích lợi dụng những người có lương tâm hẹp để đi tới chỗ khô khan, cứng cỏi, quá khích, lên án, chống đối, rồi co cụm, cách biệt và tách mình ra khỏi cộng đoàn Giáo hội, khỏi tình yêu Thiên Chúa.

Với ma quỷ, không từ một ai, kể cả Thiên Chúa, chúng cũng muốn chiếm đoạt và thu phục để trở thành đồng bọn để củng cố lực lượng của nó.

Chúa Giêsu đã trải qua ba cơn cám dỗ, đã chiến thắng toàn phần.

Con người cũng không thể thoát khỏi ba cơn cám dỗ này. Kinh nghiệm cho thấy, con người thường bị ngã gục ngay ở cơn cám dỗ đầu tiên, đó là “cái bụng”, rồi đến quyền lực, phú quý vinh hoa. Ở đời, có quá nhiều người trở nên xấu, nên tội, phản bội, bất trung bất hiếu, bất nhân vì miếng ăn. Cơn cám dỗ đầu tiên mà.

Ôi từ từ, mi là ai, ma quỷ hay thiên thần!

Ôi từ từ, là chi, Thiên Chúa hay đấng thánh!

Từ từ của Thiên Chúa

Vài hình ảnh minh hoạ:

Ađam Eva, xét về tội thì đáng chết, nhưng Chúa không tiêu diệt con người, mà để sống, cho cơ hội lập công chuộc tội, dù có vất vả hơn trước.

Cain giết Aben thì tội đáng chết. Nhưng Đức Chúa đã ghi dấu trên ông để bất cứ ai gặp cũng không được giết.

Bò vàng. Môsê lên núi yết kiến Đức Chúa lâu quá khiến dân thất vọng và đã làm một con bò vàng để thờ lạy. Tội đáng phải chết, nhưng nhờ lời chuyển cầu của Môsê nên dân được tha.

Nhìn những tai ương có người tưởng rằng Thiên Chúa quá khắt khe, độc ác khi đưa ra nhiều tai hoạ cho dân Aicập. Không, tội của họ đáng ra phải chết, chết ngay, chết vài lần mới phải. Nhưng Chúa không làm thế, mà cho họ nhiều cơ hội để nhìn lại, sửa đổi. Những chiếc roi của tình thương từ nhẹ đến nặng mỗi lần đánh xuống cho thấy lòng nhân từ vô bờ bến và khát khao lớn lao của Ngài. Ngài chỉ mong nhờ vậy mà tỉnh thức. Ngài ước ao nhìn thấy con người trở về. “Một người sám hối ăn ăn trở về thì cả triều thần thiên quốc vui mừng”. Còn thực tế, Pharaô và nhiềulòng dạ cố chấp, không chịu sửa lỗi, đền tội, biến đổi.

Những tai ương. Tiếng kêu của con cái đã lên tới trời cao khi còn làm nô lệ ở Aicập. Thiên Chúa đã dùng Môsê và chiếc gậy để làm những điều kỳ diệu trước mặt Pharaô.

. Con rắn. Chiếc gậy đập xuống, biến thành con rắn.

. Máu. Chiếc gậy đập xuống nước, dù nước ở kinh rạch sông ngòi, lu chum, thùng vại cũng đều biến thành máu.

. Ếch nhái. Chiếc gậy giơ lên trên sông Nin, kinh rạch ao hồ, làm cho ếch nhái ngoi lên trên đất Aicập, chúng tràn lan khắp chốn: trong cung điện, nhà dân đến phòng ngủ, trên giường, nhà bếp, và leo lên trên thân thể người…

. Muỗi. Chiếc gậy giơ lên rồi đập xuống bụi dưới đất để nó biến thành muỗi.

. Ruồi nhặng. Pharaô đúng bên mé nước, Môsê đã cho biết tai hoạ tiếp theo. Đức Chúa đã cho ruồi nhặng đen nghịt kéo vào cung điện, nhà cửa của bề tôi và toàn cõi đất Aicập, cả đất ấy cũng bị tàn phá.

. Ôn dịch. Pharaô phải chịu cảnh ôn dịch giáng xuống trên súc vật, ngựa bò, lạc đà, chiên cừu trên khắp Aicập, và tất cả súc vật phải chết, trừ những gì thuộc về con cái Israel.

. Ung nhọt. Pharaô đã nhìn Môsê bốc hai nắm mồ hóng trong lò tung lên trên trời, mồ hóng biến thành bụi bay khắp đất nơi, con người và thú vật, và sẽ có ung nhọt và mưng mủ.

. Mưa đá. Chiếc gậy giơ lên trời, Đức Chúa làm cho mưa đá rất nặng, có cả lửa loé ra giữa mưa đá, rơi xuống trến đất Aicập, trên người, súc vật và mọi cỏ cây ngoài đồng. Mọi thứ đã bị tàn phá, trừ đất Gôsen, nơi con cái Israel sinh sống.

. Châu chấu. Chiếc gậy giơ lên trên đất Aicập, Đức Chúa cho một luồng gió đông thổi vào suốt ngày suốt đêm hôm đó, đến sáng thì châu chấu kéo vào, bay lên và đậu trên khắp cả lãnh thổ. Chúng đen nghịt che kín cả mặt đất và ăn sạch cỏ cây hoa màu trong xứ mà mưa còn để sót lại.

. Bóng tối. Môsê giơ tay lên trời, bóng tối bao phủ cả xứ Aicập ba ngày, người ta không nhìn thấy nhau và không ai rời chỗ mình được. Nhưng tất cả con cái Israel đều có ánh sáng nơi họ ở.

. Giết các con đầu lòng. Trừ dân Israel và những gì thuộc về họ, tất cả mọi con đầu lòng, con người cũng như súc vật trong đất Aicập đều bị sát hại lúc nửa đêm.

Cái rìu và cây vả. “Người kia có một cây vả trồng trong vườn nho. Chủ ra cây tìm trái mà không thấy, liền bảo người làm vườn hãy chặt nó đi. Người làm vườn đáp, xin để nó thêm năm nay nữa, tôi sẽ vun xới bón phân, may ra sang năm có trái, nếu không thì ông sẽ chặt nó” (Lc 13,6-9).

Phụ nữ ngoại tình. “Người Pharisêu và kinh sư đưa đến trước mặt Chúa Giêsu người phụ nữ bị bắt vì ngoại tình, theo luật sẽ bị ném đá… Chúa Giêsu nói ai không có tội thì ném đá trước đi. Họ rút lui hết, Ngài nói, tôi cũng không lên án chị đâu. Hãy về và đừng phạm tội nữa” (x.Ga 8,1-14).

Cách thế của Thiên Chúa

Nhân loại nói chung, dân thánh nói riêng vốn lầm lỡ yếu đuối, kiêu căng vấp ngã, bất trung phản bội, bất hiếu bất nhân hết lần này đến lần khác.

Cứ mỗi lần có sự xuất hiện của các tiên tri, đặc biệt là Chúa Giêsu nhập thể rồi nhập thế, là những thời khắc cho thấy con người có vấn đề, đang gặp trục trặc, như cây nho tốt đã bị thoái hoá cần phải chuyển dời đi nơi khác. Vì thế cần phải có Chúa và các cộng tác viên đến hướng dẫn giúp họ tránh khỏi lầm đường lạc lối, đi đến chỗ bế tắc, tuyệt vọng, phản bội.

Khác với nhân loại thích chụp mũ, đồng hoá hành động và con người là một. Thiên Chúa thì không. Ngài chẳng chụp mũ hay đồng hoá ai. Càng không xem người và hành vi là một. Với Ngài, mọi người đều tốt và có khả trỗi dậy trở về khi vấp ngã lỡ lầm. Lịch sử dân thánh chính là bằng chứng xác thực nhất.

Thiên Chúa quả thật đã đối xử với con người rất từ từ. Từ từ đến độ khó hiểu, tưởng chừng như có lúc Ngài đang ngủ hay đi vắng. Nhưng từ từ của Ngài không có nghĩa là ủng hộ hay nhân nhượng, a dua hay khuyến khích, đồng loã hay bao che cho điều xấu. Ngài luôn lên án, chống đối và tẩy chay điều xấu. Ngài biết rõ sức mạnh của sự dữ và đã đánh đổi bằng tình yêu, lòng từ bi nhẫn nại và hy vọng.

Thiên Chúa không đặt dấu chấm kết thúc cho con người, mà luôn mở ra lối thoát, cơ hội phục thiện và cho thấy tương lai đang gọi mời ta dấn thân, tiến bước.

Lịch sử ơn cứu độ đã cho thấy sự khác biệt giữa Ngài và ma quỷ, giữa sáng tạo và huỷ diệt qua hai chữ từ từ.