Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

CON CHỒN và VƯỜN NHO

Tác giả: 
Thanh Thanh

 

Chuyện ngụ ngôn kể rằng: Một con chồn muốn vào một vườn nho, nhưng vườn nho lại được rào dậu cẩn thận. Tìm được một chỗ trống, nó muốn chui vào nhưng không thể được. Nó mới nghĩ ra một cách: nhịn đói để gầy bớt đi.

Sau mấy ngày nhịn ăn, con chồn chui qua lỗ hổng một cách dễ dàng. Nó vào được trong vườn nho. Sau khi ăn uống no nê, con chồn mới khám phá rằng nó đã trở nên quá mập để có thể chui qua lỗ hổng trở lại. Thế là nó phải tuyệt thực một lần nữa.

Thoát ra khỏi vườn nho, nó nhìn và suy nghĩ: “Hỡi vườn nho, vào trong nhà ngươi để được gì?Bởi vì ta đã đi vào với hai bàn tay không, ta cũng trở ra với hai bàn tay trắng”.

Khi bước vào trong trần thế này, con người muốn mở rộng bàn tay để chiếm trọn mọi sự. Khi nhắm mắt xuôi tay cũng đành phải ra đi với hai bàn tay trắng mà thôi.

………….

Một nhà vua kia trước khi chết dặn rằng: “Lúc chết, khi đặt vào quan tài, thì nhớ khoét hai lỗ và để hai bàn tay của Trẫm ra bên ngoài nhé, để cho mọi người thấy là ta không đem theo được thứ gì cả”.

Ai chẳng biết thế, nhưng không hiểu sao mọi người cứ tích góp thật nhiều. Đến độ phải dành dật, mất cả tình nghĩa, đến cả sát hại lẫn nhau nữa.

Cuộc sống con người đáng lẽ phải hưởng được thật nhiều hạnh phúc, thì lại bận tâm cho sự đời. Lòng trí trở nên rối bời, khắc khoải, chờ đợi, tìm kiếm, nắm giữ, mất đi, buồn khổ, thất vọng, chán đời, trách Chúa.

Thiên Chúa không dựng nên con người để hành hạ, đoạ đày, nhưng là để hưởng, như Ađam Eva xưa. Thế mà con người đâu có hài lòng, lại muốn hơn muốn nữa, cuối cùng chính họ tự làm khổ mình. Và “cái đang có cũng bị lấy đi”. Chúa dạy là:“Hãy làm giàu kho tàng ở trên trời, nơi mối mọt không làm gì được”.

Dường như cái tâm lý chiều sâu cũng là định luật bù trừ thì phải. Xưa nguyên tổ đánh mất, thì nay ta tìm cách lấy lại. Lấy lại bằng bất cứ giá nào. Nên càng cố ra sức tích tích trữ thật nhiều. Và coi đó như một bảo đảm cho đời mình. Và khi con người vất vả gom góp, thì lúc phải chia sẻ, lìa bỏ càng khó và đau xót hơn nhiều.

Thánh Phaolô tông đồ nói: “Thưa anh em, thời gian chẳng còn bao lâu nữa. Vậy từ nay ai có vợ hãy sống như không có; ai khóc lóc hãy làm như không khóc; ai vui mừng như chẳng vui mừng; ai mua sắm hãy làm như không có gì cả; kẻ hưởng dùng của cải đời này, hãy làm như chẳng hưởng. Vì bộ mặt thế gian này đang biến đi” (1Cr 7,29-30).

Về đạo đức, ta được động viên là hãy làm thật nhiều việc thiện, lập nhiều công đức để được Chúa thưởng công.

Nhưng về mặt tu đức, ta lại được nghe rằng hãy gỡ bỏ mọi thứ hành trang, để mình trở về số không. Số không nguyên tuyền tốt lành thuở ban đầu khi Thiên Chúa dựng nên. Chính lúc này ta thực sự nhận lãnh mọi sự tốt lành Chúa đã sắm sẵn.

Như Đức Giêsu, Ngài có tất cả, nhưng rồi lại tháo gỡ tất cả. Từ là Chúa, quyền uy, oai phong, hoàn hảo, tốt lành, giàu có, đến sức sức khoẻ, thời gian, tài đức, và cuối cùng là sự sống. Ngài đã thực sự trở nên số không khi bị treo trên thập giá. Và chính lúc này, Thiên Chúa Cha tỏ cho biết thế nào là vinh quang, thế nào là tất cả.

Nếu con người biết cái thực thực ảo ảo của thế gian, mà can đảm đi ngang qua tất cả, thì sẽ gặp được Thiên Chúa, Đấng là tất cả.

Thanh Thanh

=====

BÀN TAY PHẢI CỦA CHÚA GIÊSU



Tại một nhà thờ bên Tây ban nha, có một tượng thánh giá cổ rất đặc biệt. Cánh tay trái của Chúa Giêsu vẫn còn đóng vào gỗ, nhưng cánh tay phải thì rời ra và đưa đến phía trước trong tư thế ban phép lành.

Người Tây ban nha kể về nguồn gốc của tượng thánh giá này như sau: Có một tội nhân đến xưng tội với cha xứ ngay dưới cây thánh giá. Như thường lệ, mỗi khi giải tội cho tội nhân có quá nhiều tội nặng, Linh mục này tỏ ra rất nghiêm khắc. Ngài ra việc đền tội nặng cũng như ngăm đe nhiều điều.

Tội nhân ra về, lòng cảm thấy nhẹ nhàng. Nhưng tính nào tật ấy, không bao lâu, người đó sa ngã lại. Lần này, sau khi anh xưng thú tội, vị Linh mục lại đe dọa như sau: “Đây là lần cuối cùng tôi giải tội cho ông”.

Nhiều tháng qua đi, tội nhân lại đến quì dưới chân Linh mục cũng bên dưới cây thánh giá và lại xin ơn tha thứ một lần nữa. Nhưng lần này, vị Linh mục đã dứt khoát, và trả lời: “Ông đừng có đùa với Chúa. Tôi không thể ban phép giải tội cho ông nữa”.

Nhưng lạ lùng thay, khi vị Linh mục vừa khước từ tội nhân, thì bỗng ông nghe một tiếng thì thầm từ bên thánh giá. Bàn tay phải của Chúa Giêsu bỗng được rút ra khỏi thánh giá và ban phép lành cho hối nhân. Vị Linh mục nghe được tiếng thì thầm như sau: “Chính Ta là người đã đổ máu ra cho người này, chứ không phải ngươi”.

Từ đó, bàn tay phải của Chúa Giêsu cứ ở mãi trong tư thế ấy, như không ngừng mời gọi con người đến để ban ơn tha thứ.

(Trích trong sách Lẽ sống)

Nhìn vào thập giá, con thấy tội trần gian. Nhìn vào thập giá, con thấy tội của con. Chối từ hồng ân, tuôn tràn từ Thiên Chúa, sống trong đam mê, chống lại tình yêu. Đan tâm phản nghịch, đóng đinh Chúa từ nhân (lời bài hát Tình yêu Thập giá).

Nhìn vào thập giá, ta biết Thiên Chúa đã chứng tình yêu vĩ đại thế nào.

Nhìn vào thập giá, ta biết rõ tình yêu lớn lao vô cùng của Chúa và biết rõ cái phũ phàng của nhân loại.

Nhìn vào thập giá, ta biết được Thiên Chúa không bỏ rơi con người, mà còn mở đường và cho ta cơ hội trở về. Vì thế, ta đừng sợ hãi, mà hãy can đảm nhìn lên Chúa Giêsu, không phải để than phiền, trách móc hay thất vọng, nhưng là hối lỗi ăn năn, và đừng đóng đinh Chúa lần nữa.

Nhìn vào thập giá, với cánh tay dang rộng, thì biết rằng dù con người có giết Ngài, Ngài vẫn không khép kín từ tâm, đóng cửa bịt lối, mà tiếp tục dang rộng vòng tay yêu thương để ôm lấy nhân loại.

Nhìn vào thập giá, ta sẽ cảm nếm được thế nào là ơn tha thứ của Ngài.

Nhìn vào thập giá, lời mời gọi khẩn thiết của Chúa là các con hãy tha thứ cho nhau. Càng tha thứ nhiều, ta càng cảm nếm được ơn tha thứ của Chúa nhiều.

Nhìn vào thập giá, ta biết rằng chính Ngài là Đấng đổ máu ra vì con người, Đấng duy nhất có quyền kết án hay tha bổng, chứ không phải do bác ái của con người.

Nhìn vào thập giá con thấy được tình yêu. Nhìn vào thập giá con người thấy được hồng ân. Chúa từ trời cao, quên mình là Thiên Chúa. xuống nơi dương gian sống vì tình yêu. Hy sinh thân mình chứng minh Chúa tình yêu. (lời bài hát Tình yêu Thập giá)

Nhìn vào thập giá, ta biết đường đi lối về của mình trong hành trình tìm kiếm Tình Yêu.

Nhìn vào thập giá, ta biết được sức mạnh của tình yêu. Đàng sau thập giá là hình bóng của vinh quang. Muốn có vinh quang phải đi xuyên qua thập giá.

Nhìn vào thập giá, ta thấy bầu trời tình yêu được mở ra cho mọi người chiêm ngắm và đi vào.

Nhìn vào thập giá, con đường tuyệt vọng biến thành hy vọng, sự chết biến thành sự sống, thất bại trở nên thành công, khờ dại trở thành khôn ngoan, tương đối biến thành tuyệt đối, bất hạnh biến thành hạnh phúc, lo sợ trở thành vững tin, nhút nhát trở thành can đảm, khép kín trở nên cởi mở, ích kỷ thay bằng vị tha, cố chấp thay bằng bao dung, lười biếng thay bằng hăng say, và sẵn sàng chiến đấu vì chân lý và sự thật, nhờ sức mạnh của cây thập giá.

Nhìn vào thập giá, ta biết được sức mạnh của sự dữ đã bị bẻ gẫy tan tành.

Nhìn vào thập giá, ta biết trời cũ đất cũ thay bằng trời mới đất mới. Nơi toàn là ánh sáng vinh quang. Nơi không còn bất cứ áp lực nào có thể đe doạ ta được. Nơi không còn phải lo miếng cơm manh áo hay nhà cửa, tiền bạc hay nghề nghiệp, bệnh tật hay chết chóc... Vì mọi thứ tốt lành vĩnh cửu đã được dành sẵn cho ai bước vào.

Nhìn vào thập giá, ta biết cửa hoả ngục bị đập tung, và cửa thiên đàng đã mở toang.

Thì này con đây khấn xin khấn xin nơi Ngài. Xin Ngài dủ thương tha thứ muôn tội khiên, và dìu đưa con vào suối nguồn hồng ân.

Vì thế, nói đến thập giá là nói đến Chúa Giêsu. Nói đến Chúa Giêsu là nói đến thập giá.

Nếu ta đi tìm một Giêsu không thập giá, ta sẽ gặp toàn thập giá, mà không thấy Giêsu.