ĐI NGANG QUA
(Lc 8,1-3)
Con người thường nhầm lẫn khi coi các bóng cây dọc đường như là nhà ở của mình. Không. Những bóng cây, những quán nước chỉ là trạm dừng tạm thời mà thôi. Vì thế, dù nắng cháy hay mưa dầm, ta vẫn phải lên đường, phải bước đi, có vậy mới mong đến được nơi cần đến.
Đời sống đạo lý tưởng và trưởng thành với đức tin vững mạnh của con người chính là dám chấp nhận đi ngang qua. Vâng, đi ngang qua tất cả thì ta sẽ gặp được Thiên Chúa, Đấng là tất cả.
Chúa Giêsu đi ngang qua
Nói đến đi ngang qua thì không có hình ảnh nào tuyệt vời cho bằng Chúa Giêsu. “Chúa Giêsu đi ngang qua các thành thị và làng mạc mà giảng dạy Tin Mừng nước Thiên Chúa” (Lc 8,1).
Chúa Giêsu đi ngang qua các thành phố và làng mạc như Giêrikhô, Galilê, Samaria , Caphacnaum, Nagiaret, Giêrusalem; dân riêng có, dân ngoại có. Ngài không dừng chân lại, nhưng luôn cất bước ra đi. Mỗi nơi Ngài đến, đều có kẻ dửng dưng, kẻ chống đối, nhưng cũng không thiếu những người ủng hộ, muốn Ngài ở lại với họ. Thế nhưng Ngài chỉ đi ngang qua mà thôi. Vì mục đích chính của Ngài là đến khắp mọi nẻo đường để giảng dạy về Sự Thật, về Tình Yêu và Bình an bởi Trời. Ngài đi không biết mệt mỏi. Và Ngài đi Ngang qua chỗ nào thì ân sủng được đổ xuống, sự thật được phủ lấp.
Đi ngang qua cửa hẹp. Giêrusalem, nơi hành hương thật đẹp, thật tốt trước kia của nhiều người và có Ngài, thì nay lại trở thành con đường hẹp Ngài phải đi qua, đó là lên đón nhận cuộc khổ nạn, chịu sỉ nhục và bị giết chết.
Ngài dừng chân ở Giêrulalem, nhưng đó chỉ là ngang qua. Ngài dừng chân ở đồi Calvê ư? Đó cũng chỉ là ngang qua mà thôi. Cái chết trên thập giá ư? Không, đây không phải là một kết cục bi đát, nhưng chỉ là đi qua, ngang qua cái chết. Nếu phải nói là dừng, là lúc trên thập giá, Ngài dừng và mãi dừng lại để ban ơn và cứu độ cho con người.
Trên núi cao, trước kia ma quỷ đã cho Ngài thấy các dân các nước cùng mọi thứ lợi lộc vinh hoa phú quý. Ngài nhìn thấy tất cả. Thì trên núi cao Calvê, không phải Ngài nhìn xuống mà là giang rộng cánh tay để ban ơn, ôm đón nhân loại. Và trên đỉnh cao Calvê ấy, không phải Ngài nhìn xuống, nhưng là muôn dân thiên hạ nhìn lên, mãi mãi phải nhìn lên Ngài để thấy tình yêu vinh quang Thiên Chúa biểu lộ.
Thánh Phaolô đi ngang qua
Cuối cùng, Phaolô cũng chấp nhận đi ngang qua cuộc đời còn lại của mình để giống Chúa Giêsu hơn. Và Ngài đi qua nơi nào, thì ở đó, Chúa Giêsu được nói đến. Người ở đó tin theo. Đặc biệt là các cộng đoàn được hình thành, và đức tin được phát triển. Nào là các tín hữu Rôma, Côrintô, Êphêsô; nào là Thêxalônica, Galat, rồi đến Philipphê, Côlôxê… Quả thật, Ngài đã đi ngang qua nhiều địa danh để truyền giáo, và việc truyền giáo của ngài rất hiệu quả.
Hiệu quả vì khác với trước đây, ông giới thiệu sức mạnh con người, của chính mình, còn giờ thì chỉ giới thiệu một mình Chúa Giêsu, Đấng chịu đóng đinh, đã chết và đã sống lại.
Hiệu quả vì “ngài sống, nhưng không còn phải là ngài, mà là Đức Kitô sống trong ngài” (Gl 2,20).
Thánh Phêrô đi ngang qua
Khác với Phaolô, Phêrô đi ngang qua trong nhiệm vụ Chúa trao sau thời gian sống cùng Chúa.“Con là đá, trên đá này, Thầy sẽ xây Hội thánh của Thầy, và quyền lực tử thần sẽ không thắng được” (Mt 16,18). Nhưng trước tiên, “một khi đã trở lại, hãy làm cho anh em của anh nên vững mạnh" (Lc 22, 32). Quả thật, Phêrô đã có một cách thức khác để đi ngang qua.
Đó là củng cố tinh thần anh em. Khiêm nhường mời gọi anh em cộng tác, và luôn là người đi đầu: “Tôi đi đánh cá đây” (Ga 21,3).
Đó là can đảm rao giảng Chúa Kitô. Dù có bị bắt, bị đánh đòn, bị bỏ tù cũng không làm cho ông sợ hãi. Đúng như lời ông nói: "Dầu có phải vào tù hay phải chết với Chúa đi nữa, con cũng sẵn sàng" (Lc 22, 33).
Đó là chăm sóc đoàn chiên cẩn thận. Ông gìn giữ, động viên tinh thần, đức tin non yếu của họ, rồi dần phát triển thành cộng đoàn vững mạnh. Ông luôn đồng hành với cộng đoàn đức tin tiên khởi để chứng tỏ tình yêu của mình hơn những anh em khác khi thực hiện lời của Chúa: “Con hãy chăm sóc chiên con của Thầy” (Ga 21,15).
Đó là xây dựng cơ sở. Đây cũng là lẽ thường tình. Khi có sinh hoạt cộng đoàn thì song song cũng cần phải có cơ sở để có thể duy trì các buổi sinh hoạt ấy.
Đó là thành lập cơ cấu tổ chức. Cộng đoàn nào cũng cần phải có những người đại diện để chia sẻ, cộng tác, nhờ vậy mới có thể duy trì và phát triển.
Đó là xây dựng tình hiệp thông. Ta có thể nhìn thấy khi các tông đồ khác và ngài, luôn cùng một hướng đi, một sức mạnh, một tình yêu, một niềm tín thác hoàn toàn vào Thầy Giêsu. Các ông cùng ra khơi thả lưới tình thương. “Tôi đi đánh cá đây. Các ông đáp: chúng tôi cùng đi với anh” (Ga 21,3). Rồi tất cả cùng chịu đau khổ với Thầy.
Nhất mực làm theo lời Chúa Giêsu dạy, Phêrô đã đi ngang qua đời mình một cách tốt đẹp.
Các linh mục tu sĩ đi ngang qua
Nhìn vào hàng linh mục và tu sĩ, tôi thấy các ngài cũng luôn đi ngang qua. Nói khác đi, họ vừa giống Phaolô và vừa giống Phêrô. Nghĩa là, các ngài luôn có tinh thần sẵn sàng lên đường để đến nhận nhiệm vụ và nhiệm sở mới, với tất cả tin tưởng, phó thác, với thái độ vâng phục và đi theo. Rồi đến bất cứ nơi nào, họ cũng luôn phải là người của hoà giải, người của sự thật, người của công bằng. Luôn chăm lo cho đoàn chiên được tốt, được an toàn. Luôn tìm cách để đưa mọi người và các linh hồn đến gần Chúa hơn. Rồi cũng phải thành lập, duy trì, xây dựng các đoàn thể, các cơ sở hạ tầng. Và các ngài luôn là người đi đầu: “tôi đi đánh cá đây”. Luôn là người đồng hành: “Tôi cùng đi với bà con”. Luôn đi trước để phất cờ tình yêu, cờ hy vọng và tin tưởng.
Vâng, các ngài cũng đang chiến đấu với thế gian, với bản thân và với cả đoàn chiên để luôn đi đúng con đường Chúa muốn là phải đi ngang qua.
Con người đi ngang qua
Nếu con người coi tiền bạc là mái nhà vững chắc, bão lớn sẽ ập tới.
Nếu con người coi quyền lực là chỗ dựa bền vững, bão lớn sẽ ập tới.
Nếu con người coi sức khoẻ là sức mạnh an toàn, bão lớn sẽ ập tới.
Nếu con người coi sắc đẹp là bảo đảm nhất, bão lớn sẽ ập tới.
Nếu con người coi trí khôn là nguồn chở che, bão lớn sẽ ập tới.
Cơn bão sẽ quét đi tất cả, lật đổ tất cả, huỷ diệt tất cả. Cơn bão này mọi người đã gặp, sẽ gặp và phải gặp. Đó là cái chết. Cái chết mang đi tất cả, chôn vùi tất cả. Những gì mà ta cho là vững chắc, an toàn thì thật là mỏng manh, chóng tàn.
Nếu con người biết đi ngang qua tiền bạc mà tìm đến sự giàu sang của Thiên Chúa, thì trời hết bão.
Nếu con người biết đi ngang qua quyền lực mà tìm đến quyền năng Thiên Chúa, thì trời hết giông.
Nếu con người biết đi ngang qua sức khoẻ mà đến với sức mạnh của Thiên Chúa, thì bão sẽ tan.
Nếu con người biết đi ngang qua trí khôn mà tìm đến sự khôn ngoan của Thiên Chúa, thì bão sẽ tàn.
Nếu con người biết đi ngang qua sắc đẹp mà tìm đến cái cái Đẹp của Thiên Chúa, thì bão sẽ lặn.
Vâng, cơn bão đầy khốc liệt là sự chết sẽ phải im lặng mà ngắm nhìn Thiên Chúa đang thể hiện nơi những con người trần thế, kẻ biết đi ngang qua tất cả để gặp được tất cả. Chấp nhận mất tất cả để được tất cả.
Khi con người biết đi ngang qua cuộc đời, qua mọi người và qua mọi sự thế gian ban tặng, đó là cách ta cùng với Chúa Giêsu đi qua cửa hẹp, lên Giêsrusalem, và vươn mình, giang tay thật rộng trên đồi Calvê để thế gian chiêm ngưỡng, ca tụng và tôn vinh.
Phúc cho những ai ám chấp nhận đi ngang qua tất cả để gặp được Thiên Chúa, Đấng là tất cả.
Thanh Thanh