Biểu tượng tình yêu cứu độ
BIỂU TƯỢNG TÌNH YÊU CỨU ĐỘ
(CN IV/MC-B)
Kinh thánh nói về con rắn khá nhiều (St 3, 1-4; 49, 17. Xh 4, 3; 7, 9. Cn 30, 19. Is 14, 15; 65, 25. Mi 7,14. Mt 7, 10; 10, 16; 23, 33...), đa phần đều coi rắn là loài khôn lanh, xảo quyệt, cần phải tránh cho xa (“Rắn là loài xảo quyệt nhất trong mọi giống vật ngoài đồng, mà ĐỨC CHÚA là Thiên Chúa đã làm ra.” – St 3, 1). Đọc sách Dân Số trình thuật cuộc hành trình trở về Đất Hứa của dân tộc Do-thái, ai mà không chú ý đến câu chuyện “CON RẮN ĐỒNG” (Ds 21, 4-9). Đó là trên lộ trình đầy gian nan thử thách, khi đã gần tới Đất Hứa, dân Do-thái lại kêu trách Thiên Chúa và ông Mô-sê, Đức Chúa liền cho rắn lửa bò ra khắp nơi cắn chết nhiều người. Thấy vậy, dân chúng mới kinh hoàng nhận ra sai lầm, tỏ vẻ hối hận, chạy đến kêu cầu với ông Mô-sê xin cứu giúp. Ông Mô-sê cầu xin cùng Đức Chúa và Người bảo ông hãy làm một con rắn bằng đồng treo lên cao, để hễ ai bị rắn lửa cắn mà nhìn lên rắn đồng thì sẽ được cứu sống.
Rấn là loài hiểm độc đã được Thiên Chúa cho cắn chết nhiều người (Ds 21, 6), hình ảnh con rắn đã trở nên hình ảnh của sự chết, của hình phạt, nhưng vì sao Thiên Chúa lại dùng hình ảnh con rắn được treo lên để “Tất cả những ai bị rắn cắn mà nhìn lên con rắn đó, sẽ được sống.” (Ds 21, 9)? Suy niệm thấu đáo sẽ thấy ý nghĩa sâu xa mà Thiên Chúa muốn mạc khải cho con người: Loài người từ Nguyên tổ đã nghe lời con rắn cám dỗ mà phản bội Thiên Chúa, nên bị Người trách phạt (St 3, 1-24). Con rắn ấy là ma quỷ, là sự xấu, nhưng khổ một nỗi, khi bị cám dỗ con người đã không nhận ra những chước độc mưu thâm của chúng, mới sa vòng tội lỗi. Chính vì thế, khi con rắn được treo lên trước mắt, dân Do-thái mới nhìn rõ được sai lầm, và nếu biết ăn năn hối cải thì sẽ được cứu rỗi. Con rắn đồng trở thành một biểu tượng ơn cứu độ của Thiên Chúa.
Có lẽ cũng vì vậy nên ngành y dược thế giới cũng lấy biểu tượng con rắn quấn quanh cây gậy. Truyền thuyết cổ Hy Lạp cho biết: Esculape – con trai của thần Appolon (thần Thái Dương) và Coronis, con gái vua xứ Thèbes Phlégyas – được xem là ông tổ của ngành Y dược. Thần Esculape (tiếng La-tinh) còn có tên gọi khác là Asclépios (tiếng Hy Lạp) chính là ông tổ 5 đời của Hippocrates, sau này được tôn vinh là bậc y tổ của thế giới. Theo truyền thuyết, một ngày nọ, Esculape trên đường đi thăm bạn gặp một con rắn, ông đã đưa cây gậy ra và con rắn liền bám lấy rồi bò lên quấn quanh cây gậy. Esculape thấy vậy nên cầm cây gậy đập xuống đất để giết chết con rắn, nhưng sau đó ông lại thấy một con rắn khác bò tới, miệng ngậm một loại thảo dược bò đến cứu và làm cho con rắn đã bị chết sống lại. Từ đó ông để tâm tìm kiếm các loại cây cỏ trong núi để chữa bệnh cho con người. Vì vậy Esculape được xem như thần bổn mệnh của các thầy thuốc. Tuy truyền thuyết về biểu tượng y học có khác so với câu chuyện “con rắn đồng” trong Cựu Ước, nhưng thiết nghĩ sự ảnh hưởng bởi Thánh Kinh không thể chối cãi. Ngay đến tên ông tổ ngành y được viết theo tiếng La-tinh (Esculape) cũng đủ chứng tỏ Thánh Kinh (Cựu Ước) đã ảnh hưởng đến nhân loại (cụ thể là vùng Hy Lap, Ai Cập cổ đại) như thế nào. Xin trở lại với chủ đề bài viết hôm nay (CN IV/MC-B):
Cứ tưởng đến thời Tân Ước thì Đền thờ Giê-ru-sa-lem mới bị ô uế bởi hàng tư tế và dân Do thái khiến Đức Giê-su nổi giận (CN III/MC-B – Ga 2, 13-25), thật không ngờ ngay từ thời Cựu Ước đã có chuyện “Tất cả các thủ lãnh của các tư tế và dân chúng mỗi ngày một thêm bất trung bất nghĩa, học theo mọi thói ghê tởm của chư dân và làm cho Nhà ĐỨC CHÚA đã được thánh hiến ở Giê-ru-sa-lem ra ô uế.” (Bài đọc 1 CN IV/MC-B – 2Sb 36, 14). Thế mới biết “tội lỗi là bản tính con người” dù ở bất cứ thời đại và môi trường nào, và hình như càng tiến bộ con người càng tội lỗi nhiều hơn. Nhận xét này có vẻ bi quan, nhưng nhìn kỹ lại vấn đề, thấy quả nhiên không sai. Duy có điều tội lỗi ở cái thế kỷ XXI này không giống như thời thượng cổ, mà thiên biến vạn hoá đến độ có nhiều khi con người không nhìn ra được chân tướng của nó, thậm chí còn hiểu lầm mà khoác cho nó cái áo chân thiện nữa. Đáng sợ thật!
Suy cho cùng, từ Nguyên tổ cho đến hậu lai – ngoại trừ Đức Maria được đặc sủng vô nhiễm nguyên tội – tất cả loài người đều có tội, không nặng thì nhẹ, chẳng ít thì nhiều. Ấy cũng bởi vì con người thường muốn dễ dãi hơn là khó khăn, muốn đi trên những con đường rộng thênh thang hơn là những con đường nhỏ hẹp, “chuộng bóng tối hơn là ánh sáng” (Ga 3, 19-20). Cái nghịch lý của con người như thánh Phao-lô nói: “Tôi làm gì tôi cũng chẳng hiểu: vì điều tôi muốn, thì tôi không làm, nhưng điều tôi ghét, thì tôi lại cứ làm… Sự thiện tôi muốn thì tôi không làm, nhưng sự ác tôi không muốn, tôi lại cứ làm.” (Rm 7, 15…19) tưởng cũng dễ hiểu; vì ”Tất cả chúng tôi xưa kia cũng thuộc hạng người đó, khi chúng tôi buông theo các đam mê của tính xác thịt, thi hành những ước muốn của tính xác thịt và của trí khôn. Bẩm sinh chúng tôi là những kẻ đáng chịu cơn thịnh nộ của Thiên Chúa, như những người khác.” (Ep 2, 3). Như vậy thì phải chăng tội lỗi của loài người đã tới hồi “hết thuốc chữa”?
Con rắn đồng chỉ là một vật thể vô tri vô giác được Thiên Chúa đặt làm biểu tượng Tình Yêu Cứu Độ, chỉ được một số ít người Do-thái biết ăn năn hối cải nhìn lên và được chữa khỏi; nhưng khi trở về tới Đất Hứa thì họ lại quên đi một cách vô tư. Họ lại tiếp tục phạm tội, lại tiếp tục than trách Chúa và nhất là lại tiếp tục thích dễ dãi hơn là khó khăn, thích đi trên những con đường rộng thênh thang hơn là những con đường nhỏ hẹp, khoái bóng tối hơn là ánh sáng. Hơn thế nữa, họ còn cố tình huỷ bỏ giao ước bằng cách phản bội lại Thiên Chúa nữa. Dân được chọn còn như thế, huống hồ dân ngoại. Tất cả nhân loại đã hầu như quên mất hình ảnh con rắn đồng mà chìm ngập trong tội lỗi.
Vì yêu thương loài người, Thiên Chúa lại phải lập một giao ước mới bằng cách sai chính Con Một xuống thế làm một con rắn bằng xương bằng thịt, bằng cả bản thể Thiên Chúa, treo lên thập giá để không chỉ là một biểu tượng mà còn là chính Máu Thịt Con Chiên làm lễ vật hy sinh (hy tế) cứu độ loài người (“Ta sẽ lập với nhà Ít-ra-en và nhà Giu-đa một giao ước mới, không giống như giao ước Ta đã lập với cha ông chúng, ngày Ta cầm tay dẫn họ ra khỏi đất Ai-cập; chính chúng đã huỷ bỏ giao ước của Ta, mặc dầu Ta là Chúa Tể của chúng - sấm ngôn của ĐỨC CHÚA.” – Gr 31-32). Đó là lý do giải thích tại sao Đức Giê-su mới nói rằng: “Như ông Mô-sê đã giương cao con rắn trong sa mạc, Con Người cũng sẽ phải được giương cao như vậy.” (Ga 3, 14). Đức Giê-su Ki-tô là Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật, Người vâng lời Chúa Cha xuống thế làm người để thực hiện “Giao Ước Mới” bằng cách chịu sỉ nhục, chịu khổ hình, chết treo trên thập giá, để “xóa bỏ tội trần gian” (Ga 1, 29). Hóa cho nên khi nhìn lên hình ảnh Đức Giê-su được giương cao như con rắn đồng trong sa mạc, chỉ những ai nhận ra được tội lỗi của mình mà “sám hối và tin vào Tin Mừng” (Mc 1, 15), thì mới được cứu độ.
Điều đó chứng tỏ dù con người có tội lỗi đến thế nào mặc lòng, Thiên Chúa vẫn thương yêu, vẫn dang rộng vòng tay mong họ trở về đường ngay nẻo chính. Căn bệnh trầm kha, căn bệnh kinh niên truyền kiếp của loài người vẫn không phải, chưa phải là “hết thuốc chữa”, bởi "Người khoẻ mạnh không cần thầy thuốc, người đau ốm mới cần. Tôi không đến để kêu gọi người công chính, mà để kêu gọi người tội lỗi." (Mc 2, 17). Người Thầy Thuốc Chí Nhân Chí Ái đã đến và đã được treo lên như con rắn đồng thủa xưa. Sự kiện Con Người được “giương cao” bao hàm một ý nghĩa vô cùng thâm thuý: Đức Ki-tô không chỉ chết khổ nhục trên thập giá vì tội lỗi loài người, mà còn phục sinh và được đưa lên ngự bên hữu Chúa Cha. Vì thế, khi Con Người được treo lên thập tư thì thập tự đã trở thành Thánh Giá để những ai biết nhìn lên biểu tượng Tình Yêu cao vời khôn ví đó, sẽ được cứu độ. Nhìn lên Thánh giá (cũng như thủa xưa, dân Chúa biết nhìn lên con rắn đồng) không phải và không thể như nhìn một hình ảnh kiều diễm, hay một chiếc cúp quán quân, hoặc một thần tượng siêu nhân nào đó. Điều kiện tiên quyết là phải biết nhìn lại mình để thấy được những sai lầm thiếu sót, toàn tâm toàn ý ăn năn hối cải, nhiên hậu nhìn lên Thánh giá với một đức tin chân thành vào Ơn Cứu Độ. Chỉ có như thế mới có hy vọng được cứu, bởi “Đức tin là bảo đảm cho những điều ta hy vọng, là bằng chứng cho những điều ta không thấy.” (Dt 11, 1).
Nhìn lên con rắn đồng do ngôn sứ Mô-sê giương cao thì được cứu chữa. Cũng vậy, nhìn lên Con Người được giương cao trên thập giá sẽ được cứu độ. Việc “nhìn lên” và việc “được cứu chữa” liên kết chặt chẽ với nhau và mối dây liên kết đó phải chăng chính là đức tin? Vâng, “Nếu mạc khải là con đường Thiên Chúa đến với con người thì Đức tin là con đường con người đến với Thiên Chúa, là sự đáp trả của con người trước tiếng nói của Thiên Chúa” (Thánh Au-gus-ti-nô). Một hệ luận bất di bất dịch: “Có bệnh thì mong được khỏi, muốn khỏi bệnh phải biết nhìn lên Thầy Thuốc được giương cao trên Thánh Giá, đến với Thiên Chúa Cứu Độ bằng một đức tin kiên cường”. Ấy cũng bởi vì “Ai tin vào Con của Người, thì không bị lên án; nhưng kẻ không tin, thì bị lên án rồi, vì đã không tin vào danh của Con Một Thiên Chúa.” (Ga 3, 18). Cho nên có thể nói không phải ai nhìn lên con rắn đồng, nhìn lên Thánh giá đều được cứu sống, mà chỉ có những ai có cái nhìn đức tin (nhìn lên với một niềm tin tuyệt đối vào Thiên Chúa qua biểu tượng con rắn đồng, hoặc chính Con Thiên Chúa) mới được cứu độ mà thôi.
Dân Chúa thời Cựu Ước đã thật vui mừng khi Thiên Chúa phán bảo ông Mô-sê giương cao con rắn đồng để những ai biết nhìn lên sẽ được cứu chữa. Mở đầu kỷ nguyên Tân Ước, thì chính Con Thiên Chúa và là Thiên Chúa thật được giương cao trên Thánh Giá làm hy tế cứu chuộc nhân loại, và như thế thì còn nỗi vui mừng nào sánh bằng cho Dân Chúa thời kỳ Tân Ước cho đến thiên thu vạn đại? Vì thế, Chúa Nhật IV Mùa Chay thường được gọi là Chúa Nhật “Hãy vui lên” (Ca Nhập Lễ mở đầu bằng câu “Hãy vui lên!” – Is 66, 10-11). Vâng, sau những hy sinh hãm mình, làm việc từ thiện trong suốt Mùa Chay, hãy vui lên trong Chúa là Đấng đã yêu thương cứu chuộc nhân loại. Hãy vui lên vì Thánh giá là nguồn ơn cứu rỗi. Hãy vui lên để hướng tâm hồn về niềm vui Phục Sinh.
Trong niềm hân hoan tận cùng đó, hãy vui mừng nhìn lên Thánh giá, hướng tâm hồn lên Đấng Cứu Độ, để cùng hiệp lời cầu nguyện cho bản thân, cho mọi người biết dùng nhiều thời giờ hơn trong Mùa Chay Thánh – nhất là trong Mùa-Chay-cuộc-đời – để từ đó biết nhìn lại mình mà sám hối lỗi lầm, biết từ bỏ những tính hư, tật xấu, canh tân đời sống; đồng thời cầu nguyện cho những người tội lỗi biết ăn năn hối cải, và cầu nguyện cho những người chưa biết Chúa được có dịp chiêm ngắm Thánh giá, ngõ hầu trở về cùng Chúa. Châm ngôn sống bất di bất dịch của người Ki-tô hữu chỉ có thể là: “sám hối và tin vào Tin Mừng”. Ước được như vậy. Amen.
JM. Lam Thy ĐVD.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: