Đời tôi và bao nổi trôi
Chuyện Phiếm đọc trong tuần thứ 5 mùa Chay năm B 22/3/2015
“Đời tôi và bao nổi trôi”,
vùi trong thời gian dần khuất nơi chân trời
Bạn ơi, buồn vui sầu bi,
tìm đến, rồi có những lần ướt mi”.
(Paul Anka: Comme d’habitudes – Lời Việt: Nam Lộc: Giòng đời)
(Thư Do thái 13: 1-3)
Ngay câu đầu bài hát nổi tiếng trích-dẫn ở đây, bạn và tôi, ta đều thấy chữ “tôi” với “cuộc đời”, và “bao nổi trôi”, cũng rất trội.
Quả là như thế. Nói đến chữ “tôi” -tôi đây là bần đạo chứ không phải là “bạn đạo” hạy “bạn đọc”- đang ngồi đọc giòng chữ khá mờ nhoè này, thì: quả thật là như thế. Như thế, tức: như thể ca-từ ở đây do nghệ sĩ Nam Lộc viết lời Việt và hát tiếp:
“Rồi bao hàng quán chói trang ở trên thế gian.
Tôi cũng từng bước qua biết bao.
Và có biết bao đời tôi đã bước qua.
Giờ đây nhìn tháng ngày qua.
Đời lững lỡ trôi đôi lúc tôi sai lầm cho dù tôi chỉ mong.
Được mang niềm vui đến với cùng thế nhân”.
(Nam Lộc – bđd)
“Mang niềm vui đến với thế nhân”, là quyết-tâm và quyết-định của bạn và mọi người, chứ không chỉ mình tôi như truyện kể nhẹ ở bên dưới:
“Một bữa tối tại vận động trường Los Angeles nưóc Mỹ, một diễn giả nồi tiếng – ông John Keller, được mời thuyết-trình trước khoảng 100.000 người. Đang diễn-thuyết bỗng ông dừng lại và dõng dạc nói:
-Bây giờ xin các bạn đừng sợ! Tôi sắp cho tắt tất cả mọi đèn trong sân vận động này.
Đèn vụt tắt. Cả sân vận động chìm sâu trong bóng tối âm u. Ông John Keller nói tiếp:
-Bây giờ tôi sẽ thắp lên một que diêm, ai nhìn thấy ánh sáng từ của que diêm đang cháy thì hô to “đã thấy!”.
Một que diêm loé lên, cả vận-động-trường vang dậy tiếng “Đã thấy!”.
Khi đèn được thắp sáng trở lại, ông John Keller giải thích:
–Ánh sáng của hành động nhân ái dù nhỏ như que diêm cũng sẽ chiếu sáng trong đêm tăm tối của nhân loại y như vậy.
Một lần nữa, tất cả các đèn trong sân vận động lại tắt ngúm Một giọng nói vang lên:
–Tất cả những người ở đây có ai mang theo diêm/quẹt, xin hãy thắp sáng lên! Bỗng chốc cả vận-động-trường rực sáng ánh diêm quẹt.
Ông John Keller kết-luận:
– Tất cả chúng ta cùng hợp lực nhau lại, có thể chiến thắng được bóng tối, chiến tranh, khủng bố, sự ác và hận thù bằng những đóm nhỏ của tình thương, sự tha thứ và lòng tốt của chúng ta. Hoà bình không là môi trường sống vắng thiếu chiến tranh. Hòa bình không là cuộc sống không tiếng súng. Vì trong giao tiếp giữa người với người, đôi khi con người lại giết hại nhau mà không cần súng đạn. Đôi khi con người làm khổ nhau, áp bức, bóc lột nhau mà không cần gây chiến.
Cách tốt nhất để xây dựng hòa bình là tăng thật nhiều hành động yêu thương và lòng hảo tâm với người đồng loại. Hành động yêu thương xuất từ lòng nhân hậu sẽ như ánh sáng nhỏ của que diêm. Nhưng nếu mọi người cùng thắp lên ánh sáng nhỏ, thì hành động yêu thương có đủ sức mạnh để xua tan bóng tối của đau khổ và sự ác. (Tâm Hoa sưu tầm)
Về cuộc sống của tôi và mọi người cũng như của bạn, dù là bạn đạo hay bạn đọc đang theo dõi câu chuyện này, lại cũng có một truyện kể khác do bạn bè chuyền trên mạng, theo dạng thơ-văn nhắc nhiều đến chữ “tôi” bằng tiếng Anh và được người kể phiên-dịch như sau:
“Boil your ego
Evaporate your worries
Dilute your sorrows
Filter your mistake and,
Get taste of happiness”.
“Nấu sôi cái tôi.
Bốc hơi điều lo lắng.
Pha loãng những muộn phiền.
Thanh lọc những lỗi lầm.
Và…
“Nếm hương vị hạnh phúc.”
“Cuối giờ Pháp thoại, vị Giáo thọ tặng chúng tôi bài thơ trên. Một bài thơ tiếng Anh chẳng biết tác giả là ai được dịch ra tiếng Việt như thế. Với tôi, bài thơ hay quá, nó gợi cho tôi nhiều suy nghĩ rất thú vị. Trong cuộc sống, lúc nào ta cũng bị bản ngã trói chặt. Bản ngã có mặt sai sót trong tất cả mọi việc, chen vào mọi ngóc ngách trong quan hệ giữa ta và người. Bản ngã rất tích cực hành động. Tính tích-cực nầy nhấn chìm ta trong bể khổ mà chỉ có ta mới tự chèo-chống để vượt thoát, lướt trên sóng khổ chứ không ai giúp ta hiệu quả hơn bằng nỗ lực của chính ta.
Thật vậy, trong bất cứ tình huống nào cũng thế, cái “tôi” đã xuất hiện theo liền bên, mọi việc mang nhiều hình thể khác nhau để rồi có đúng/sai, hay/dở, khen/chê và cả ngàn thứ “dây mơ rễ má” quấn quít theo sau. Cái “tôi” thật khủng khiếp!…
Cái “tôi” chỉ là một hạt bụi trong vũ trụ bao la. Một hạt bụi bé nhỏ, khó nhìn thấy bằng mắt thịt, nên hãy để nó rong chơi cùng thứ khác trong không khí, thì mọi sự cũng sẽ khác. Nhưng con người chúng ta lại không để nó như thế. Ta thích thổi phồng cái “tôi” và tự làm khổ mình, khổ người do những nghĩ suy, tính toán, so đo, phân biệt, và do những giận/hờn, yêu/ghét nữa.
Bỗng một hôm, ta nhận ra được vấn đề, bèn “buông xả” dần những vướng mắc, Ta thấy mình chẳng là gì cả, ta là hạt bụi nhỏ đang bay tỏa trong không khí như các hạt bụi khác, cùng lơ lửng trong không gian, chẳng bám vào đâu cả, rất nhẹ nhàng, tự tại. Tất cả mọi toan-tính, so đo, hơn thiệt, phải/quấy, ăn thua, giành giật để có vẫn làm ta nặng nề, nghẹt thở, đã lặn mất. Ta nhìn tất cả bằng con mắt tỉnh giấc. Ta thấy chúng chẳng là gì cả, chúng không “tồn tại”, nhưng có mặt vì ta thấy chúng “có”. Ta chấp nhặt, đặt tên và khai sinh ra chúng. Giờ, thì ta buông xả và khai-tử chúng. Chung quanh ta lại cứ thênh thang. Ta nhẹ nhàng bay lượn trong cõi không rộng mở, thật bao la hạnh phúc, tự do, an ổn… Ta nâng chén trà lên uống. Ngụm trà thơm, như thể đang nếm hương vị của hạnh phúc”! (trích điện-thư ê hề trên mạng)
Nói về cái “tôi”, thì nói đến bao giờ cho hết. Nói về cái “tôi” hôm nay, là nói về nhiều thứ khác, cũng tốt cũng đẹp chứ không chỉ là “cái tôi đáng ghét” như ai đó vẫn “gào thét” với nhận-định.
Nói về cái “tôi” có nhiều điều tốt như giòng nhạc được nghệ-sĩ Nam Lộc diễn-tả ở bên dưới:
“Bạn ơi thời gian vút qua nếu có lầm lỗi.
Chỉ xin mong được thứ tha biết bao.
Và có biết bao điều xin hãy thứ tha.
Nhìn lại thời gian bước chân dọc ngang cuộc đời
cho tôi đắng cay lầm than.
Nhiều khi tôi nói nhiều lúc lặng im.
Để nghe tiếng nói đến từ trái tim.
Dù bao thay đổi vẫn đứng hiên ngang
đường tôi vẫn bước đi.
Tình yêu niềm vui sầu rơi.
Tràn dâng ngày mới khi thắng khi thua người.
Và khi lệ không còn rơi đời như cuộc chơi
cứ ngỡ đùa rỡn thôi.
Giờ đây dù ai có khen có trách gì nữa đi.
Cũng xin được khắc ghi với tôi chẳng hối tiếc chi
đường tôi vẫn cứ đi.
Dòng đời trôi qua biết bao đổi thay,
nhưng tôi vẫn mãi vẫn luôn là tôi.
Vì tôi đã sống với chính con tim.
Dù cho phút cuối có đến với tôi thì xin
Theo áng mây trôi đời như chiếc lá rơi.
(Paul Anka: Comme d’habitudes – bđd)
“Và có biết bao điều xin được thứ tha”, quả thật thấm thía. Thấm thía, đến tận xương tủy hơn cả bài giảng. Lời lẽ thấm thía của bài hát, còn được ca sĩ Paul Anka kể về lai-lịch của nó.
Tâm sự Paul Anka cho biết: ông không là tác giả. Ông chỉ tình cờ đi trên đường phố ở Paris, bất chợt thấy “tay hát dạo” người Thổ Nhĩ Kỳ đang đứng hát để xin tiền. Ông dừng lại nghe thấy hay quá bèn suy-nghĩ: bài này mà được chỉnh-sửa, thì chắc sẽ hay lắm, và nhiều người sẽ biết nó mà cảm-kích.
Nên, Paul Anka bàn với anh ta mua đứt bản quyền. Paul Anka đã nhiều lần hát bài này bằng lời tiếng Pháp lấy tên là: “Comme d’habitudes”. Nhưng bài này trở-thành nổi tiếng, kể từ khi ca sĩ Frank Sinatra hát phiên-bản tiếng Anh “My Way”, lời nhạc lại hay hơn.” (trích dẫn-nhập của Anthony Trần trong đêm “Hát Cho Nhau Nghe” ở Sydney, vào tháng 11/2014)
“Dòng đời trôi qua, biết bao đổi thay” cách nào đó, có phải để nói đến những đổi thay khá mạnh bạo mà Đức Phanxicô từng nói với chúng-dân ở Manila hôm 18/1/2015 bằng những câu:
“Hôm nay, nam-giới cũng nên lắng nghe ý-kiến của phụ-nữ, chứ đừng trở-thành người chỉ biết mỗi lập-trường đơn độc, toàn trị từ phái-tính mình. Đức Phanxicô đã có nhận-xét như thế trong lần gặp giới trẻ Đại học ở thủ-đô Manila, nước Phillíppines khi ngài thấy 4 trong số 5 chức-sắc nước này đạo đạt ý-kiến lên ngài, là nam-giới.
Hôm nay đây, tôi thấy sao hầu hết các vị lên đây phát biểu, đều là nam-giới hết. Nhìn kỹ, tôi thấy chỉ một số rất nhỏ đại-diện cho nữ-giới ở đây thôi. Thật quá ít. Nữ-giới cũng có nhiều điều để nói cho ta biết trong xã-hội hiện thời. Nhiều lúc, tôi thấy đàn ông chúng ta rất ư là “độc đoán”, tức: chủ-thuyết chỉ đặt ưu-việt chọn nam-giới mà thôi.
Trên thực-tế, ta không dành nhiều chỗ cho phụ-nữ, thế nhưng nữ-giới vẫn có khả-năng nhìn sự việc dưới góc cạnh khác ta, bằng cặp mắt cũng rất khác. Phụ-nữ cũng có khả-năng đề ra câu hỏi mà nam-giới chúng ta không hiểu nổi.
Đức Phanxicô chờ cho tiếng vỗ tay chấm dứt, rồi nói tiếp: “Tôi nhận xét chính cô bé 12 tuổi đây, chứ không phải 4 vị đại-biểu nam-giới này, là người đưa ra câu hỏi gay-go nhất, hỏi rằng: tại sao Thiên-Chúa không cho phép mọi người bỏ rơi trẻ nhỏ, không ai chăm sóc vậy? Thế nên, tôi đề-nghị điều này: lần tới, nếu có vị giáo-hoàng nào tới Manila, thì cũng mong sẽ được thấy nhiều phụ-nữ hiện diện trong các buổi tiếp-tân như thế này.
Đức Giáo Hoàng còn nói: Trong khi Hội thánh ngăn không cho phụ-nữ làm linh-mục, đó là chuyện dứt-khoát rồi, nhưng Hội-thánh muốn bổ-nhiệm nhiều nữ-tu và phụ-nữ khác vào các chức vụ thâm-niên, kỳ-cựu ở toà thánh La Mã, hơn!” (trích thông tấn xã Reuters đăng trên tờ The Himalayan Times, ngày 19/01/2015 ở Lhasa thủ đô của Tibet, tr. 7)
Đó chỉ là nhận xét rất thông thoáng và phút chốc của Đức Giáo Hoàng Phanxicô, mà thôi. Nhưng trên thực-tế, hẳn cũng có những sự-kiện và sự việc mang tính khác-biệt rất dễ gây tranh cãi về vai-trò của nam/nữ, hoặc nữ/nam trong một xã hội tưởng-chừng-như-vẫn-chủ-trương “Duy nam-giới” được giữ từ ngàn xưa.
Là nam hay nữ, tất cả đều có thể thực-hiện điều Đức Giêsu răn dạy, trước khi Ngài về với Cha. Là nam hay nữ, đều có chỗ đứng quan-trọng và thiết-yếu trong các vai-trò và chức-vụ thánh-thiêng ở giáo-triều La Mã hay phụng vụ. Đó là điều không thể chối cãi được. Nhưng, có một chuyện đang thành vấn-đề đối với giáo-triều, là: sự khác biệt giữa linh-mục và giáo dân, như lời Đức Giáo Hoàng Phanxicô đề-cập một lần nữa, như sau:
“Anh chị em thân mến,
Tôi vui mừng chào đón Hội-đồng Giáo-Hoàng về Giáo-Dân họp tại Hội Nghị Thường Kỳ. Tôi cảm ơn Đức Hồng Y Chủ Tịch vì những lời ngài nói với tôi.
Thời gian qua, kể từ Đại Hội lần trước của anh chị em cho đến nay, là thời gian hoạt động và thực-hiện các sáng-kiến tông-đồ đối với anh chị em. Trong đó anh chị em dùng Tông Huấn Evangelii Gaudium như văn-bản nền-tảng cho chương-trình hoạt-động và như la-bàn hướng-dẫn suy tư và hành động của anh chị em.
Năm mới vừa bắt đầu, đánh dấu một kỷ-niệm quan-trọng: kỷ niệm 50 năm ngày bế-mạc Công Đồng Vaticăng II. Về vấn đề này, tôi biết anh chị em đang chuẩn bị cách thích đáng một buổi kỷ-niệm ngày ban-hành Sắc Lệnh Tông Đồ Giáo Dân (Laici Apostolicam Actuositatem).
Tôi khuyến-khích sáng-kiến này, một sáng-kiến không chỉ nhìn vào quá-khứ, mà còn vào hiện-tại và tương-lai của Hội Thánh.” (x. diễn văn Đức Giáo Hoàng dành cho tham-dự-viên Hội-nghị Thường kỳ về Giáo-dân, tại sảnh đường Clementê hôm 7/2/15 Phaolô Phạm Xuân Khôi chuyển ngữ)
Thế thì, không cần biết em là ai, con trai hay con gái; mà chỉ cần hỏi: em có thể chứng-thực mình là giáo-dân hay không để được “Đức Thánh–là-Cha” đề-cao bằng “sắc lệnh” rất “Tông-đồ” rồi trao cho em nhiều sự-vụ-lệnh, hầu giải quyết.
Không cần biết em có là con gái hay không; và có đòi làm linh-mục không, để tôi đây lại sẽ đề-cao em, như ai đó từng đề-cao vị anh-hùng của Úc hồi nào, như bức thư đây diễn-tả:
“Harold ‘Pompey’ Elliott thân mến,
Có một thời, tên anh được mọi người biết như bậc anh-hùng hảo-hán, rất hiếm có. Trên thực-tế, dường như tất cả học-sinh ở Úc sống hồi thập-niên 1920’ đều đã từng viết luận-văn về anh. Nay, tôi tự hỏi: không biết được bao nhiêu vị nay còn nhớ đến tên anh nữa đây? Tôi thiết nghĩ, ta cũng nên học nhiều điều từ các truyện kể về anh hơn là: chỉ loanh quanh nói về tài lãnh-đạo của ai đó.
Anh là nhân-vật lịch-sử khá may mắn ở Úc. Nếu tôi được phép dùng từ-vựng mạnh-bạo và can-đảm, tôi sẽ còn nói nhiều hơn thế. Bởi, anh chính là người anh-hùng dám đáp xuống bãi đáp toàn đất bụi ở Gallipôli, chỉ 24 tiếng sau ngày 25 tháng Tư năm 1915. Anh là người vẫn còn hoạt-động cả sau khi hưu-chiến đi vào hiệu-lực, từ 11 tháng 11 năm 1918. Anh bị thương ngay từ ngày đầu tại chiến-trường Gallipôli Thổ Nhĩ Kỳ, nên tôi có thể coi đây như phép lạ nhãn-tiền, từng xảy đến với anh.
Khi anh sống sót trở-thành “anh-hùng” của Thế-Chiến Thứ Nhất, đồng thời là nhà lãnh-đạo thực-thụ của nước này, trong khi chân anh vẫn còn dính bùn đen nơi gót giày.
Là luật-sư hành nghề, anh lại trở nên lão-luyện hơn, không ngại tỏ ra cứng-cỏi với mọi người, đặc-biệt là cấp trên. Mặt khác, có lần anh doạ bắn bỏ người lính ở cấp dưới dám cả gan bật quẹt hút thuốc vào thời-điểm đầy hiểm-nguy. Nhưng ngay lúc đó, người anh/em của người này ở gần bên, cũng doạ bắn trả đũa nếu anh làm thế. Thế mà, anh vẫn không ngại thực-hiện lệnh-truyền. Anh từng khâm-phục thuộc cấp dám lên tiếng chống lại lối sống bê-tha, sa đà của tướng lãnh chỉ huy, thiếu cương-nghị. Anh lại còn dám thăng-chức cho cấp dưới nào hiên-ngang chống lệnh-truyền ban ra theo kiểu ngoại-giao, hoà hoãn.
Anh đã bị bắt-giữ khi nghỉ phép ở Luân Đôn vì dám có thái-độ coi thường vị sĩ quan kia công-khai sống bê bối, dù ông ta là sĩ-quan cao cấp. Tướng-lãnh trong quân-đội là những vị không thể ăn mặc xuề-xoà, giản-dị nhưng anh lại dám sống như thế. Và khi đọc thư anh viết về cho hai người con nhỏ ở nhà mới thấy cuộc sống của thật tuyệt-vời, giản-dị…
‘Pompey' Elliott hỡi,
Anh từng là lãnh-đạo của nhiều người và nhiều sĩ-quan cấp dưới, nhưng không phải là lãnh-đạo của các con số, dù số ấy đếm thấy nhiều ở đây đó. Là lãnh-đạo, nhưng anh không sợ bày-tỏ sự đau buồn, nuối tiếc khi các sĩ-quan hoặc binh lính cấp dưới từng ngã gục. Và có lần, vị sĩ-quan ở Fromelle đã mô-tả con người anh bằng những giòng chữ, như: Ông ấy từng nói lên, dù chỉ một lời uỷ-lạo đơn-thuần với thương-binh ở nơi này và khen ngợi đôi mắt mờ-nhoè của vị sĩ-quan nào đó, ở nơi khác. Ông chẳng quên sót một ai, dù trên dưới. Ông không nói đến một lời, trên đường trở về tổng-tư-lệnh. Nhưng khi về đến nơi, ông lại đi thẳng một mạch vào bên trong, vùi đầu vào bàn tay, khóc nức nở trước cái chết của đồng đội…”
‘Pompey’ Elliott hỡi,
Anh đau buồn biết khi binh đội của anh trở về sau chiến tranh lại đã đau-khổ nhiều vì các khó khăn trong thời kinh-tế suy-thoái. Ngay chính anh, cũng còn không lấy lại được quân-bình sau chiến tranh nữa. Anh bước chân vào Thượng-viện trong vinh-quang, nhưng nỗi đau-buồn của tâm thân vẫn còn đó xâu xé anh mãi, cho đến ngày buồn vào tháng 3 năm 1931, anh đã tự kết liễu cuộc đời mình, trong đau buồn, tại Malvern rất gần với quê nhà của riêng tôi. Khi tôi kể cho nhiều người biết: nỗi thương-đau tệ-hại nhất của nước Úc là sự mất mát thương vong sau cuộc chiến lại đã diễn ra trong sự lặng-thinh, tĩnh mịch của quận lỵ nhỏ. Và họ đều hiểu những gì tôi muốn nói. Quả là, chiến-tranh vẫn quay trở về với quê nhà, dù các chiến sĩ của ta lại không thế.
Nay trân trọng,
Michael McGirr
(x. Michael McGirr, A letter to Pompey Elliott, Australian Catholics, số Múa Hè 2015 tr. 8)
Thế mới biết, ở thời này, con người thật dễ quên, dù người anh-hùng cái-thế của cả nước như “Pompey” Elliott. Quên sót, cả những chuyện tưởng chừng như không thể như thế.
Thế mới rõ, con người muôn thuở vẫn cứ nhớ những chuyện không nên nhớ.
Thế mới hiểu, tính-khí con người hôm nay, lệ-thuộc vào nhiều thứ, chứ không chỉ mỗi thứ văn-hoá rất không hay sau hơn 4 ngàn năm văn-hiến với văn-minh.
Và, như thế bạn và tôi lại đã nhận ra rằng: người con của đất trời cùng tận ở phía Nam hôm nay, sẽ còn ưu-tư nhiều về những chuyện mà khi xưa ít ai lo lắng, đến như thế. Và như thế, ta mới cảm-thông khi thấy mọi người đều thế cả vào thời hôm nay, rất thực-tế.
Thế mới là chuyện thực-tế, khi bạn và tôi, ta mon men đi vào vườn hoa truyện kể cũng khá nhẹ, để minh-hoạ cho điều mình ưu-tư/lo-lắng rất như trên. Thế mới thấy, rằng: có những truyện kể làm người đọc thấy vui, cứ ngồi cười một mình, như câu truyện do người Pháp nọ kể bằng mẩu đối thoại vụn vặt giữa thày-trò như sau:
“Thày: các trò nghĩ phải làm sao chia đều 11 củ khoai cho 7 bạn, thế?
Trò: Thày cứ luộc rồi xay nhuyễn và chia đều bằng muỗng cho mọi bé, là xong ngay!
Thày: Này em, chia thế rồi, mọi người sẽ bảo tim ta lớn cỡ nào thế?
Trò: Lớn nhỏ vẫn chỉ hai thôi thày ơi.
Thày: Sao chỉ có hai thôi?
Đáp: Bởi, một là của thày và trái kia là của em thôi mà.
Thày: hai bạn đến trường trễ, em thử nghĩ xem mỗi trò nói với thày lý-do nào khiến như thế.
Trò thứ nhất nói: Em đến trường trễ là vì đêm qua nằm mơ thấy mình đi rất xa, về không kịp!
Trò thứ hai bảo: Còn em đến trễ là vì em phải ra phi-trường đón bạn em từ xa về…
Thày: Em kể cho thày biết tên của 5 vật có chứa đựng sữa trong đó.
Trò: Thưa thày cũng dễ thôi. Đó là: một hộp phó-mát và 4 con bò.
Thày: các em nói cho thày biết trước khi ăn các em có làm dấu thánh giá và đọc kinh không?
Trò: Thưa thày không, em thấy không cần làm thế vì mẹ em là đầu bếp thuộc loại giỏi…”
Thày: Năm, nói cho thày biết tên một người cứ nói mãi, dù người khác không muốn nghe, đi.
Trò: Dạ, người đó tên là thày giáo hoặc cô giáo…”
Thế mới biết, con nít còn nhỏ tuổi ngày nay khác với lũ trẻ cùng thời với bạn và tôi cũng rất nhiều. Thế mới hay, ngày nay có viết chuyện phiếm lan man/tản mạn về nhiều chuyện, cũng thấy khó. Khó, là vì nó có thể giống câu trả lời của các trẻ bé nói ở trên.
Thế mới phiền, về đủ mọi chuyện, thì: bạn và tôi, ta cứ hăng say hát tiếp lời ca ở trên, dù sự thể sẽ ra sao đi nữa, vẫn hát rằng:
“Và có biết bao điều xin hãy thứ tha.
Nhìn lại thời gian bước chân dọc ngang cuộc đời cho tôi đắng cay lầm than.
Nhiều khi tôi nói nhiều lúc lặng im.
Để nghe tiếng nói đến từ trái tim.
Dù bao thay đổi vẫn đứng hiên ngang đường tôi vẫn bước đi.
Tình yêu niềm vui sầu rơi.
Tràn dâng ngày mới khi thắng khi thua người
Và khi lệ không còn rơi đời như cuộc chơi cứ ngỡ đùa rỡn thôi.
Giờ đây dù ai có khen có trách gì nữa đi
Cũng xin được khắc ghi với tôi chẳng hối tiếc chi đường tôi vẫn cứ đi
Dòng đời trôi qua biết bao đổi thay nhưng tôi vẫn mãi vẫn luôn là tôi
Vì tôi đã sống với chính con tim.
Dù cho phút cuối có đến với tôi thì xin
Theo áng mây trôi đời như chiếc lá rơi.
(Nam Lộc – bđd)
“Tôi vẫn mãi vẫn luôn là tôi, vì tôi đã sống với chính con tim”. Vâng. Lúc nào cũng thế. Bạn và tôi, ta vẫn luôn là bạn và là “tôi”, nếu ta cứ sống với chính con tim của mình. Vẫn cứ quyết-định sống theo lời khuyên-nhủ của bậc thánh-hiền khi xưa vẫn dạy rằng:
“Anh em hãy giữ mãi tình huynh đệ.
đừng quên tỏ lòng hiếu khách,
vì nhờ vậy, có những người đã được tiếp đón
các thiên thần mà không biết.
Anh em hãy nhớ đến các người bị xiềng xích,
chẳng khác gì anh em cũng bị xiềng xích với họ;
anh em hãy nhớ đến những người bị hành hạ,
chẳng khác gì mình với họ chỉ là một thân thể.”
(Thư Do thái 13: 1-3)
Tắt một lời, sống trong “giòng đời có nổi trôi”, là sống với mọi người, rất yêu thương. Sống hiếu khách như chính mình cũng đang ở vào hoàn cảnh như thế. Và, sẽ sống mãi với mọi người như “giòng đời”, dù chỉ là người biên-soạn hoặc viết lên lời ca của người-hát-rong-để-kiếm-sống, cũng tầm-thường như mọi người bình-thường trong đời hát dạo.
Hoặc, chỉ như giới-nữ mọn hèn vẫn cứ sống trong nhà Đạo gồm toàn những vị hoặc “đấng bậc” cầm quyền, ở trên cao.
Tóm lại, dù bạn và tôi, ta có quyết-tâm sống sao đi nữa, thì cũng xin cứ đầu-cao-mắt-sáng nhấc lên mà hát như nghệ-sĩ trẻ, những câu như:
“Và có biết bao điều xin hãy thứ tha.
Nhìn lại thời gian bước chân dọc ngang cuộc đời.
cho tôi đắng cay lầm than.
Nhiều khi tôi nói nhiều lúc lặng im.
Để nghe tiếng nói đến từ trái tim.
Dù bao thay đổi vẫn đứng hiên ngang.
đường tôi vẫn bước đi.”
(Paul Anka và Nam Lộc – bđd)
Trần Ngọc Mười Hai
Cũng đã tâm niệm
những điều như thế mãi
trong đời mình.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: