Sống mật thiết với Chúa Giêsu Kitô
SỐNG MẬT THIẾT VỚI CHÚA GIÊ-SU KI-TÔ
CHÚA NHẬT V PHỤC SINH NĂM B (03/05/2015)
[Cv 9,26-31; 1 Ga 3,18-24; Ga 15,1-8]
I. DẪN VÀO PHỤNG VỤ
Mỗi lần đọc lại đoạn Phúc âm về cây nho và cành nho, những kỷ niệm đẹp của một thời trai trẻ như sống lại trong tôi. Đó là thời gian tôi sống ở Farlete (Saragoza, Tây Ban Nha) và Spello (Perugia, Italia) vào những năm 1969-1971, giữa những cánh đồng nho và với những ngày lao động trong những cánh đồng nho ấy.
Lần đầu tiên tôi nhìn thấy cây nho, tôi không hề biết đó là cây nho mà cứ tưởng đó là một thứ cây gì đó bị héo khô mà chủ ruộng chưa kịp đốt đi. Nhưng chỉ cần một trận mưa xuân là những cành cây (nho) khô kia trổ lá xanh um và rồi chỉ vài tháng sau chúng trổ bông thơm ngát và kết trái đỏ mọng nhìn thật mát mắt. Sức sống tiềm tàng trong thân nho thật mãnh liệt. Kinh nghiệm này giúp tôi hiểu dễ dàng và sâu sắc hơn điều mà Chúa Giê-su dậy trong Phúc âm Gio-an: "Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái….” (Ga 15,5).
II. LẮNG NGHE LỜI CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
2.1 Trong bài đọc 1 (Cv 9, 26-31): Ông Ba-na-ba tường thuật chuyện ông Sao-lô được thấy Chúa hiện ra trên đường.
(26) Hồi ấy khi tới Giê-ru-sa-lem, ông Sao-lô tìm cách nhập đoàn với các môn đệ. Nhưng mọi người vẫn còn sợ ông, vì họ không tin ông là một môn đệ. (27) Ông Ba-na-ba liền đứng ra bảo lãnh đưa ông Sao-lô đến gặp các Tông Đồ, và tường thuật cho các ông nghe chuyện ông ấy được thấy Chúa hiện ra trên đường và phán dạy làm sao, cũng như việc ông ấy đã mạnh dạn rao giảng nhân danh Đức Giê-su tại Đa-mát thế nào. (28) Từ đó ông Sao-lô cùng với các Tông Đồ đi lại hoạt động tại Giê-ru-sa-lem. Ông mạnh dạn rao giảng nhân danh Chúa. (29) Ông thường đàm đạo và tranh luận với những người Do Thái theo văn hóa Hy Lạp. Nhưng họ tìm cách giết ông. (30) Các anh em biết thế, liền dẫn ông xuống Xê-da-rê và tiễn ông lên đường về Tác-xô.
(31) Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.
2.2 Trong bài đọc 2 (1 Ga 3,18-24): Đây là điều răn của Chúa: Chúng ta phải tin và phải yêu thương nhau.
(18) Hỡi anh em là những người con bé nhỏ, chúng ta đừng yêu thương nơi đầu môi chót lưỡi, nhưng phải yêu thương cách chân thật và bằng việc làm. (19) Căn cứ vào điều đó, chúng ta sẽ biết rằng chúng ta đứng về phía sự thật, và chúng ta sẽ được an lòng trước mặt Thiên Chúa. (20) Vì nếu lòng chúng ta có cáo tội chúng ta, Thiên Chúa còn cao cả hơn lòng chúng ta, và Người biết hết mọi sự. (21) Anh em thân mến, nếu lòng chúng ta không cáo tội chúng ta, chúng ta được mạnh dạn đến cùng Thiên Chúa. (22) Và bất cứ điều gì chúng ta xin, chúng ta được Người ban cho, bởi vì chúng ta tuân giữ các điều răn của Người và làm những gì đẹp ý Người. (23) Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người, và phải yêu thương nhau, theo điều răn Người đã ban cho chúng ta. (24) Ai tuân giữ các điều răn của Thiên Chúa thì ở lại trong Thiên Chúa và Thiên Chúa ở lại trong người ấy. Căn cứ vào điều này, chúng ta biết được Thiên Chúa ở lại trong chúng ta, đó là nhờ Thần Khí, Thần Khí Người đã ban cho chúng ta.
2.3 Trong bài Tin Mừng (Ga 15,1-8): Ai ở lại trong Thầy, và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái.
(1) "Thầy là cây nho thật, và Cha Thầy là người trồng nho. (2) Cành nào gắn liền với Thầy mà không sinh hoa trái, thì Người chặt đi; còn cành nào sinh hoa trái, thì Người cắt tỉa cho nó sinh nhiều hoa trái hơn. (3) Anh em được thanh sạch rồi nhờ lời Thầy đã nói với anh em. (4) Hãy ở lại trong Thầy như Thầy ở lại trong anh em. Cũng như cành nho không thể tự mình sinh hoa trái, nếu không gắn liền với cây nho, anh em cũng thế, nếu không ở lại trong Thầy.
(5) Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái, vì không có Thầy, anh em chẳng làm gì được. (6) Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi. (7) Nếu anh em ở lại trong Thầy và lời Thầy ở lại trong anh em, thì muốn gì, anh em cứ xin, anh em sẽ được như ý. (8) Điều làm Chúa Cha được tôn vinh là: Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.
III. KHÁM PHÁ CHÂN DUNG & SỨ ĐIỆP CỦA THIÊN CHÚA TRONG BA BÀI THÁNH KINH
3.1 Chân dung của Thiên Chúa
1°) Trong bài đọc 1 (Cv 9,26-31) chúng ta được nghe kể khi ông Phao-lô đến Giê-ru-sa-lem để tìm cách nhập đoàn với các môn đệ Chúa Giê-su thì ông gặp phải nỗi e ngại nơi các môn đệ, vì họ còn sợ ông và chưa tin ông là một môn đệ. Rõ ràng là các môn đệ Chúa Giê-su và ông Phao-lô đều rao giảng một Chúa, đều làm chứng về một Đấng, đều xây dựng một Hội Thánh. Nhưng hai bên chưa hiểu và chưa tin nhau. Bar-na-ba đã làm một việc cần thiết và tuyệt vời để chẳng những không còn nghi ngờ, e ngại mà lại có sự hiệp thông sâu sắc giữa các Tông Đồ và ông Phao-lô.
Qua sự kiện trên chúng ta thấy Thiên Chúa là Đấng hiệp nhất mọi con người trong một mục tiêu chung. Chúng ta cũng khám phá ra Thiên Chúa là Đấng dùng mỗi người một cách khác nhau, để tạo sự hiệp thông trong cộng đoàn và để loan báo Tin Mừng cho các dân, các nước.
2°) Trong bài đọc 2 (1 Ga 3,18-24) chúng ta được nghe Thánh Gio-an Tông đồ khuyên nhủ con cái mình hãy yêu thương cách chân thật và bằng việc làm chứ đừng yêu thương đầu môi chót lưỡi. Sống chân thật thì chúng ta không bị lương tâm chê trách tức cáo tội chúng ta. Mà lương tâm không chê trách thì Thiên Chúa cũng không chê trách. Khi đó chúng ta có quyền mạnh dạn xin Chúa bất cứ điều gì và chúng ta sẽ được Người ban cho.
Qua cách diễn tả tư tưởng và nội dung lời khuyên của Thánh Gio-an, chúng ta tiếp cận một Đấng Thiên Chúa chỉ mong muốn con người yêu thương nhau cách chân thực và cụ thể, để được hạnh phúc trường sinh.
3°) Trong bài Tin Mừng (Ga 15,1-8) chúng ta được nghe những lời hết sức ngọt ngào của chính Chúa Giê-su Ki-tô về mối tương quan mật thiết giữa Người và chúng ta, giữa Thiên Chúa là Cha của Người và chúng ta: một sự kết hiệp chặt chẽ, một sự sống siêu linh, một mối hiệp thông sâu sắc và một kết quả dồi dào.
Chúa Giê-su cũng mạc khải cho chúng ta biết điều thật sự tôn vinh Thiên Chúa Cha là “Anh em sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Thầy.”
3.2 Sứ điệp Lời Chúa
Sứ điệp của Lời Chúa hôm nay có hai phần:
1°) Phần thứ nhất là Chúa Giê-su muốn thiết lập với mỗi Ki-tô hữu một mối tương quan cá vị, mật thiết, gắn bó, có tính sinh tử. Vì thế mỗi người chúng ta phải biết vun vén, xây đắp cho mối tương quan ấy mỗi ngày thêm sâu đậm hơn.
Có nhiều cách vun vén, xây đắp mối tương quan ấy:
(a) Trước hết là siêng năng “đọc, suy niệm Lời Chúa và cầu nguyện”,
(b) Kế đến là tham dự các cử hành phụng vụ và bí tích một cách ý thức,
(c) Sau cùng là thực thi công bằng, bác ái Ki-tô giáo và thực hiện những điều Thánh Thần khơi dậy trong lòng khi chúng ta đọc/nghe lời Kinh Thánh hay tiếp xúc với tha nhân, nhất là với người nghèo và bị thiệt thòi trong xã hội.
2°) Phần thứ hai là mỗi Ki-tô hữu được Chúa Giê-su mời sinh nhiều hoa trái và trở thành môn đệ của Người:
(a) Sinh nhiều hoa trái là có đời sống đạo đức, thánh thiện, khiêm nhu, trong sạch, công bình, bác ái và phục vụ.
(b) Trở thành môn đệ Chúa Giê-su là tuân giữ các giới răn của Người, là sống mật thiết với Người và để Người sai đi (x. Mc 3,14) tức nên giống Chúa Giê-su và tham dự vào sứ mạng cứu thế của Người.
IV. SỐNG VỚI CHÚA VÀ THỰC THI SỨ ĐIỆP CỦA LỜI CHÚA HÔM NAY
4.1 Sống với Thiên Chúa là Đấng quyền năng và yêu thương nên muốn thiết lập với loài người và với mỗi người tín hữu mối quan hệ mật thiết gắn bó thân tình như cây nho và cành nho.
4.2 Thực thi sứ điệp Lời Chúa
Để việc thi hành sứ điệp Lời Chúa được dễ dàng và cụ thể, xin mỗi người/cộng đoàn hãy dùng mấy câu hỏi gợi ý sau đây để kiểm điểm đời sống:
(a) Tôi và cộng đoàn tôi vun vén, xây đắp mối tương quan mật thiết, gắn bó, có tính sinh tử với Chúa Giê-su Ki-tô, với Thiên Chúa như thế nào? và bằng cách nào?
(b) Tôi và cộng đoàn tôi có sinh nhiều hoa trái là đời sống đạo đức, thánh thiện, khiêm nhu, trong sạch, công bình, bác ái và phục vụ tha nhân không? Cách kiểm chứng: Nhìn vào tôi và cộng đoàn tôi, anh chị em lương dân và những người vô thần sống xung quanh, có nhận ra tôi là môn đệ, cộng đoàn tôi là cộng đoàn môn đệ của Chúa Giê-su Ki-tô không?
V. CẦU NGUYỆN CHO THẾ GIỚI & HỘI THÁNH
[Ghi chú: Lời cầu nguyện giáo dân thường có 4 ý: ý thứ nhất cầu cho thế giới, ý thứ hai cầu cho Hội Thánh toàn cầu, ý thứ ba cầu cho giáo dân của giáo xứ, ý thứ bốn cầu cho một hạng người đặc biệt nào đó]
5.1 “Đây là điều răn của Người: chúng ta phải tin vào danh Đức Giê-su Ki-tô, Con của Người…” (1 Ga 3,23). Chúng ta hãy cầu nguyện cho các dân các nước chưa tin vào Danh Đức Giê-su Ki-tô, Con Thiên Chúa, để họ nhận ra và tin vào Người là Nguồn Ơn Cứu Độ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.2 “Hồi ấy, trong khắp miền Giu-đê, Ga-li-lê và Sa-ma-ri, Hội Thánh được bình an, được xây dựng vững chắc và sống trong niềm kính sợ Chúa, và ngày một thêm đông, nhờ Thánh Thần nâng đỡ” (Cv 9,31). Chúng ta hãy cầu xin cho Hội Thánh Chúa ở khắp mọi nơi, nhất là tại Việt Nam, được bình an và phát triển vững chắc, nhờ Thánh Thần nâng đỡ.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.3 “Thầy là cây nho, anh em là cành. Ai ở lại trong Thầy và Thầy ở lại trong người ấy, thì người ấy sinh nhiều hoa trái” (Ga 15,5). Chúng ta hãy cầu nguyện cho mọi người thuộc giáo xứ chúng ta, nhất là cho những người tham dự Thánh Lễ này, để ai nấy sống kết hiệp mật thiết với Thầy Giê-su hầu sinh nhiều hoa trái.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
5.4 “Ai không ở lại trong Thầy, thì bị quăng ra ngoài như cành nho và sẽ khô héo. Người ta nhặt lấy, quăng vào lửa cho nó cháy đi” (Ga 15,6). Chúng ta hãy cầu nguyện cho các tín hữu sống khô khan, nguội lạnh, thờ ơ với đời sống tâm linh, để họ sớm tỉnh thức và hoán cải.
X.- Chúng ta cùng cầu xin Chúa. Đ.- Xin Chúa nhận lời chúng con.
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: