Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên!
Chuyện Phiếm đọc trong tuần sau lễ Thánh Thần HIện Xuống năm B 31/05/2015
“Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên!”
ca ngợi quê hương.. của chúng ta
bằng niềm tin chứa chan trong tim..
người thanh niên.”
(Lê Hựu Hà – Bài Ca Tuổi Trẻ)
(Mt 8: 26/Mc 4: 40)
Quả rất đúng! Là thanh niên, hay bạn hiền của mọi người, có gì mà sợ cơ chứ! Sợ cũng đâu giải quyết được gì, cho nên tội!
Quả là, người đời có sống ở đời rất nhiều năm, vẫn cứ sợ. Sợ ma. Sợ quỷ. Sợ bóng, sợ vía, sợ cả những gì chẳng đáng sợ, rất bao giờ.
Quả thật nhà Đạo xưa nay nhiều người cũng có sợ. Sợ tội, sợ lỗi, sợ cha cố, sợ cả ma sơ vốn rất hiền như được kể ở bài hát “Em hiền như ma sơ”. Nói chung là sợ tất cả mọi ông lơ mơ/lờ mờ, rất linh mục. Không tin ư? Vậy thì, mời bạn/mời tôi, ta theo dõi những giòng kế tiếp, hạ hồi sẽ hiểu.
Vâng, cứ như người nghệ sĩ ngoài đời, ta nên hát đã rồi tính sau. Hát rằng:
“Một nụ hoa trên mái tóc hững hờ
một tình thương cho cuộc sống đang chờ đang đợi ta
đừng vùi tương lai kiếp sa hoa
đừng vì tin yêu trong e ngại với rụt rè hỡi những người thân tuổi trẻ
Đừng nhìn tương lai với những lo sợ
đừng nhìn tha nhân trong nỗi nghi ngờ hay dèm pha
đừng sợ chông gai vướng chân ta
đừng ngại gian lao suốt tâm hồn sáng chân người
đang trên đường dựng đời mới
(Lê Hựu Hà – bđd)
Hát thế rồi, lại cứ thêm đôi câu “rất không sợ”, như sau:
“Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên
ca ngợi quê hương.. của chúng ta
bằng niềm tin chứa chan trong tim..
người thanh niên
Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên
cuộc đời đang.. dang tay đón ta
bằng yêu thương ta đi xóa tan..
mọi căm hờn.”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Vâng. Hãy đứng thẳng lên” mà “ca ngợi quê hương chúng ta”. Và “Hãy đứng thẳng lên” vì “cuộc đời đang dang tay đó ta bằng yêu thương”.
Vâng. Đừng sợ bạn ạ! Hãy cứ hát những câu như:
“Đừng ngồi yên nghe tiếng khóc quanh mình
đừng ngồi yên trên nhung gấm vô tình hỡi bạn thân
đừng vùi lương tri dưới gót chân
đừng nhìn tha nhân đang kêu gào chống ngục tù xin công bằng
đòi cơm áo
Đừng đùa vui khi đói khát vẫn còn,
đừng đùa vui khi áp bức vẫn còn nhân loại ơi!
đừng làm quê hương thêm tả tơi,
đừng khoe khoang trên những xác người,
đã ngã gục chết cho đời được thêm vui.”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Vâng. Quả thật có như thế. Như thế giống như thể nhà Đạo mình, cũng thấy đôi ba sự-kiện khiến bạn và tôi, ta suy-nghĩ thêm để rồi có quyết định chính-đáng cho đời mình. Những quyết-định như vừa rồi, bần đạo bắt gặp được đôi giòng chảy ở đây đó, những bảo rằng:
“Đừng bao giờ trách móc bất cứ ai trong cuộc sống của bạn. Người tốt sẽ cho bạn Hạnh Phúc. Người xấu cho bạn Kinh Nghiệm. Người tệ nhất cho bạn đôi bài học. Và, người tuyệt vời nhất sẽ cho bạn nhiều kỷ niệm.
Đừng hứa khi đang vui! Đừng trả lời khi đang nóng giận! Đừng quyết định khi đang buồn! Đừng cười khi người khác không vui! Cái gì mua được bằng tiền, cái đó rẻ. Ba năm học nói, một đời học cách lắng nghe. Chặng đường ngàn dặm luôn bắt đầu bằng 1 bước đi. Đừng a tòng ghen ghét ai đó, khi họ chẳng có lỗi gì cả đối với ta.
Rừng tuy có nhiều cây đại thọ sống cả ngàn năm, nhưng người sống thọ chỉ 100 tuổi, cũng không nhiều. Bạn có thọ lắm cũng chỉ sống đến 100 tuổi, tức: một tỷ-lệ 1 trên 100.000 người mà thôi. Nếu sống được những 70 tuổi, bạn sẽ còn 30 năm nữa. Nếu bạn thọ 80 tuổi, bạn chỉ còn 20 năm. Vì lẽ bạn không còn bao nhiêu năm để sống và bạn không thể mang theo các đồ vật mình có; thế nên, đừng tiết kiệm quá mức. Ttrên 50, hãy mừng từng năm; qua 60, ta mong hàng tháng, đến tuổi 70 ta đếm mỗi tuần, và ở tuổi 80 ta đợi vài ngày, 90 tuổi, ta ngơ ngác một mình với những phút giây dài thăm thẳm! Bạn nên tiêu bớt những món cần tiêu thụ và thưởng thức những gì nên thưởng thức, rồi tặng cho thiên hạ những gì mình có thể cho đi, nhưng đừng để lại cho con cháu thứ gì hết. Bởi, chẳng bao giờ ta muốn chúng trở thành kẻ ăn bám.
Đừng quá lo những gì sẽ xảy đến với chính mình sau khi bạn đã ra đi, vì một khi đã trở về với cát bụi, bạn sẽ chẳng còn bị ảnh hưởng bởi lời khen hay tiếng chê bai nữa đâu, mà sợ.
Đừng lo nhiều về con cái bởi chúng có phần số của chúng và chúng sẽ tự tìm cách sống riêng tư của chúng. Đừng trở thành nô lệ của con cái. Cũng đừng mong chờ nhiều ở con cái. Con cái, chúng biết lo-toan cho cha mẹ, dù chúng có lòng nhưng vẫn bận rộn với công ăn việc làm hoặc ràng buộc nào khác nên chúng không thể giúp gì cho bạn được. Con cái, chúng thường vô tình, nên có thể sẽ tranh giành của cải của bạn, ngay cả khi bạn còn sống. Và có khi chúng còn muốn cho bạn chết sớm để thừa hưởng tài-sản của bạn. Các con của bạn lại sẽ cho rằng việc chúng thừa hưởng gia-sản là chuyện dĩ nhiên nhưng, ngược lại, bạn không thể đòi dự phần vào tiền bạc của chúng được.
Với những người thuộc lứa tuổi 60 như bạn, đừng đánh đổi sức khoẻ với tài-lực nữa. Bởi lẽ, tiền bạc có thể vẫn không mua được sức khoẻ, dù một chút.
Khi nào thì bạn thôi làm giàu? Và, có bao nhiêu tiền mới cho là đủ? Tiền muôn, tiền triệu hay cả mấy chục triệu? Dù bạn có cả ngàn mẫu ruộng, cũng chỉ ăn khoảng 3 lon gạo mỗi ngày mà thôi. Dù có cả ngàn dinh cơ/biệt-thự, bạn cũng chỉ cần một chỗ chừng 8 mét vuông để ngủ/nghỉ ban đêm. Vậy, bao lâu bạn có đủ thức ăn và tiền bạc để tiêu pha là tốt rồi. Nên, bạn hãy sống cho vui vẻ. Gia đình nào cũng đều có chuyện buồn phiền riêng của mình. Đừng so sánh với người khác về danh vọng và địa vị trong xã hội và con ai thành đạt hơn, nhưng hãy so sánh hạnh phúc, sức khỏe và tuổi thọ, thôi.
Đừng lo nghĩ những chuyện mà bạn không thể thay đổi vì sẽ chẳng làm được gì, lại còn làm hại cho sức khỏe của mình nữa. Bạn phải tạo an-lạc và tìm hạnh phúc cho chính mình. Hãy luôn phấn-chấn, chỉ nghĩ đến chuyện vui sống và làm những việc mình muốn làm mỗi ngày một cách thích thú; có như thế, thì bạn thật đã hạnh phúc sống từng ngày rồi.
Một ngày qua đi là một ngày bạn để mất rất nhiều thứ, nhưng một ngày trôi qua trong hạnh phúc là một ngày bạn có được rất nhiều sự. Khi bạn vui thì mọi bệnh tật sẽ lành lặn. Khi bạn hạnh phúc thì mọi bệnh sẽ chóng hết. Khi bạn vui tươi/hạnh phúc thì bệnh tật sẽ chẳng héo lánh, đến bao giờ. Với tính khí vui tươi cộng với thể thao/thể dục cho thích-đáng, thường xuyên ra ánh sáng mặt trời, thay đổi thực phẩm đủ loại, uống thuốc bổ vừa phải, hy vọng bạn sẽ sống thêm 20 hoặc 30 năm tràn-đầy sức khỏe. Hãy biết trân quý những gì tốt đẹp ở quanh mình. Còn bạn bè/thân thuộc nữa, họ đều muốn bạn thấy trẻ trung và có người cần đến mình. Không có họ, chắc chắn bạn sẽ cảm thấy bơ vơ lạc lõng. (trích bài của vô danh)
Chuyện vui sống ở đời, lại đã có lời khuyên răn cũng khá dài như ở trên, tức: không sợ tuổi giả, cả đến cái chết, cũng đều thế.
Ở nhà Đạo khi xưa cũng có trường hợp sợ và hãi như trình thuật Tin Mừng từng ghi lại, rằng:
“Các ông lại gần đánh thức Người và nói:
"Thưa Ngài, xin cứu chúng con,
Kẻo chúng con chết mất!"
Đức Giê-su nói:
"Sao nhát thế,
hỡi những người kém lòng tin!"
(Mt 8: 26)
Nhà Đạo hôm nay không còn thấy những chuyện sợ sệt này/khác, như sợ ma/sợ quỷ, sợ tội/sợ lỗi hoặc không hiểu lẽ Đạo, trong đời. Nhưng, nay lại có nỗi sợ rất đáng sợ, là: chuyện nhiều đấng bậc giảng-dạy nhiều điều về Lời Chúa, như câu nói:
“Nước Thiên Chúa giống như hạt cải,
lúc gieo xuống đất, nó là loại hạt nhỏ nhất trên mặt đất.
Nhưng khi gieo rồi,
thì nó mọc lên lớn hơn mọi thứ rau cỏ,
cành lá xum xuê,
đến nỗi chim trời có thể làm tổ dưới bóng."
(Mc 4: 31-32)
Làm sao hiểu tường-tận Lời Vàng ghi ở trên?
Rất may là, ở trời Tây, có bậc thày thần-học, lại đã diễn và giảng đôi điều về Nước Trời bằng những lời cụ-thể, để mọi người hết sợ. Thế nên, trang mạng www.TâmLinhVàoĐời.net có chuyển cho bần đạo đôi ba ý/lời giảng giải của đấng bậc thày dạy thần-học Kinh-thánh ở Hoa-kỳ có giòng chảy về Vương Quốc Nước Trời, như sau:
“Ngay ở đây, ta thấy vấn-đề cần định-nghĩa cụm-từ “Vương Quốc Nước Trời”, một lần nữa! Tựa hồ như tác-giả Mátthêu thường tránh-né không nêu danh-tánh Chúa ra mà không tỏ lòng tôn-kính tính thánh-thiêng của Ngài.
Thế nên, thay vào đó, tác-giả lại đã sử-dụng thành-ngữ “Vương Quốc Thiên-Đàng” cách rõ ràng. Thế nhưng, ta vẫn có khuynh-hướng hiểu Thiên-Đàng là Vương Quốc, như thể Đức Giêsu cốt ý đề-cập đến những gì không phải ở dưới đất này, mà chỉ nói chuyện trên trời, mà thôi. Hoặc, Ngài cũng không nói đến cuộc sống đời này mà là sự sống mai ngày sẽ xảy đến. Điều đó, cũng không xa sự thật, chút nào hết.
Muốn hiểu ý Đức Giêsu cho thật rõ, ta cũng nên tách-bạch hai chuyện tôn-giáo và chính-trị, và chuyện luân-thường đạo-lý cũng như kinh-tế thế-giới hồi đầu thế-kỷ, cho rõ ràng. Đúng ra thì, “Vương Quốc Của Chúa” mà ta có thói quen gọi là “Vương Quốc Nước Trời” là thế-giới này, ở nơi đây. Là, chốn miền trong đó Chúa, chứ không phải Cesar, đang ngự-trị trên ngai vàng của Ngài ở trạng-thái như thế ấy. Và, rõ ràng là: Thiên-Chúa, chứ không phải Cesar, đã mở rộng vòng tay yêu-thươngvà Ngài đảm-trách việc quản-cai "Vương-Quốc" này thật trọn-hảo.
Cùng lúc, đây là ý-niệm hoàn-toàn có tính tôn-giáo và chính-trị, thôi. Cũng cùng lúc, thành-ngữ này lại mang tính-chất rất đạo-đức và kinh-tế-học. Thiên-Chúa quản-trị thế-giới cách ra sao? Ngài muốn cai-quản thế-giới này như thế nào, ư? Có thế nào đi nữa, thì dứt-khoát đấy không là thiên-đàng hiểu như nơi chốn ở trái đất này, mà thôi.
Như ta thấy, với nhóm người sống ở Do-thái, tức: các vị chủ-trương khải-huyền như ông Gioan từng chứng-tỏ, thì "Vương Quốc Nước Trời" khi trước được hiểu như thực-tại xảy đếntrong thời tương lai. Điều này thật không đúng! Bởi, đó không là chuyện tương-lai mai ngày, mà là thực-tại tùy việc Thiên-Chúa can-thiệp bằng quyền-uy cao-cả của Ngài trong mọi vấn-đề liên-quan đến nhân-loại, để Ngài mang hoà-bình và công-chính đến với thế-gian đang sa-lầy trong áp-bức/bất công gần như tuyệt-vọng.
Phần lớn các kẻ tin đều được chuẩn-bị giúp-đỡ để "Vương Quốc" của Ngài thành hiện-thực. Sự việc này, hoàn-tất tốt đẹp hay không, chỉ do quyền-uy/sức mạnh của Thiên-Chúa mà thôi. Và, dù các vị chủ-trương khải huyền một cách không mấy sáng-sủa về "Vương Quốc" đang trờ tới, thì các ngài vẫn nhận-thức rõ là điều ấy sẽ khách-quan và hữu-hình đối với mọi người, theo cách khác biệt, có tốt/có xấu.
`Tuy nhiên, việc này lại góp thêm một cung-cách khác để diễn-nghĩa về “Vương Quốc Nước Trời”. Thế tức là, thay vì ta chờ Chúa can-thiệp khải-huyền, thì chính Ngài là Đấng đang đợi ta khởi-đầu cuộc cách-mạng xã-hội. Thật ra, cả hai cách diễn-nghĩa thế nào là “Vương Quốc, Nước của Chúa” dù theo phương-pháp nào đi nữa, đều là giải-đáp khả-thi, nếu như nhân-loại có cố-gắng.
Và, sự việc Thiên-Chúa can-thiệp theo cách khải-huyền lại khác với cuộc cách mạng xã hội do Ngài thực-hiện. Và Đức Giêsu, bằng vào sự việc dứt-bỏ hy-vọng của ông Gioan nhờ khả-năng riêng của con người, Ngài đã loan-báo quyết-định của Thiên-Chúa rồi.
Sao ta dùng cụm-từ "Vương Quốc Nước Trời" thay cho “Cộng đồng dân Chúa”, tức từ-vựng mang ý-nghĩa về một thế-giới do nam-nhân độc-trị như “vua/quan”, lãnh chúa", chứ?
Có nhiều lý-do để bảo rằng: cụm-từ “Vương Quốc” tạo vấn-đề như Tân-Ước bản Hy-Lạp đã chuyển từ tự-vựng “basileia” ra. Có điều là: chữ “Vương” là tự-vựng mang tính “kẻ cả”. Thêm vào đó, chữ “quốc” lại là thành-phần ngôn-ngữ khiến cho tự-vựng này thêm phần "nổ lộp độp", dù ta nói đến nơi-chốn, địa-danh hay tên gọi của khu-vực địa-lý nào đó, cũng vậy.
Và, thêm một vấn-đề nữa, là: nói như thế tức như thể ta đang sử-dụng ngôn-ngữ của thế-giới hiện-thời mình đang sống, lại xuất-hiện vị vương-quân nào đó đang cai-trị hết mọi người. Để cho chắc, ta cứ thử nhìn vẻ xa hoa tráng-lệ ở các lễ hội mừng chúc vua quan/lãnh chúa còn sót lại với thế giới hôm nay, như: nữ-hoàng Êlisabét đệ II của nước Anh chẳng hạn, vai-trò của bà chí mang ý-nghĩa truyền-thống và lễ-tân thôi, chứ bà không có quyền-hành gì thực-thụ.
Với thế-giới Địa-Trung-Hải, là khu vực quanh đó Đức Giêsu hạ sinh, thì: vua quan/lãnh chúa thực-sự vẫn có uy có quyền. Và, điều này không chỉ ngôn-sứ khải-huyền người Do-thái mới quan-tâm đến qui-định của vua, tức “Basileia” ở thế-kỷ đầu, thôi. Cụm-từ “Basileia”, là chủ-đề thường thấy ở thế-giới Hy-Lạp. Và vấn-đề đặt ra là thế này: làm sao quyền-lực trần-gian lại thực-hiện theo cách công-bình đầy nhân-tính, được? Tin Mừng do các tác-giả viết, vẫn cứ phải vật-lộn mọi tương-phản nên mới bảo rằng: quyền-lực chốn gian-trần và uy-quyền của Thiên Chúa vẫn có thể thành chuyện hiện-thực được hết.
Khi Đức Giêsu sử-dụng cụm-từ “Vương Quốc Nước Trời”, là Ngài muốn nói đến thế-gian do Thiên-Chúa trực-tiếp đảm-trách, ngay lập tức. Thế-gian sẽ ra sao, nếu Thiên-Chúa ngồi trên ngai của Cesar? Chính vì thế, nên “Vương Quốc Nước Trời” là biểu-tượng lý-tưởng nhất để diễn-tả cuộc sống con người vốn vinh-thăng, được kêu gọi vào qui-định của con người cũng như trật-tự ở xã-hội. Cụm-từ nào không có nghĩa là “vương-quốc” giống như thế, có thể sẽ làm mất đi tính thách-thức cả về chính-trị lẫn tôn-giáo, nữa.
Có thành-viên nọ thuộc nhóm “Chuyên Đề về Đức Giêsu” đề-nghị: ta nên dịch tự-vựng Hy-Lạp nào có nghĩa “qui-định ở đế-quốc của Thiên-Chúa” để nhấn-mạnh sự tương-phản đối lại với qui-định về lề-luật ở đế-quốc La Mã của Cesar. Có điều là, khi ta sử-dụng hình-thái đường ranh xã-hội mang tính then-chốt cốt lật-đổ nền chính-trị nào đây, bởi thế nên tôi chủ-trương duy-trì cụm-từ “Vương Quốc” chứ không phải từ-vựng “Cộng-Đồng” như thành-viên nọ đề-nghị.
Khi dùng từ-vựng “Cộng-Đồng” để diễn-tả tính thân-ái, có lẽ tôi sẽ để mất đi tính thách-thức về chính-trị và tôn-giáo nơi lời dạy của Đức Giêsu. Nhưng các từ-vựng như: Vương-quốc, Quyền-uy và Vinh-quang là có ý gì? Điều đó, có phải để nói về Thiên-Chúa hay Cesar, không? Dù sao đi nữa, nếu sử-dụng cụm-từ “Cộng-đồng” thay cho “Vương quốc” thì cũng được, nhưng với điều-kiện là cụm-từ này phải bao gồm ý-nghĩa thách-thức lật-đổ tình-trạng xã-hội và tính chính-trị then-chốt có trong từ-vựng ấy, mới được.
Dùng ví-dụ cụ-thể, ta sẽ hiểu rõ hơn. Hãy tưởng-tượng trường-hợp cộng-đoàn tín-hữu ở Đức hồi thập niên 1930’ lại cứ gọi danh-hiệu Đức Giêsu bằng từ “der Fũhrer” chẳng hạn, đồng thời còn nhấn mạnh là: trên đời này duy-nhất chỉ có một “Fuhrer” mà thôi, thì tự thân, tiếng Đức thường có từ-vựng cũng mang nghĩa “lãnh tụ” giống như thế. Vậy thì, khi Hitler xuất-hiện trên chính-trường, rõ ràng là các tín-hữu Đạo Chúa chỉ muốn coi Đức Giêsu là lãnh-tụ của họ mà thôi, chứ không phải Hitler hoặc ai hết.
Bởi thế nên, ta có thể sử-dụng bất cứ bản dịch nào để nói về “Vương Quốc Nước Trời” đều được cả, nhưng nên nhớ: điều đó sẽ lại có nghĩa phụ-thuộc và mang âm-hưởng của một bội-tín cũng rất cao. Cũng hệt thế, khi gọi Đức Giêsu là Chúa, là ta có ý bảo: Cesar kia không phải thế.
Hãy dịch cụm-từ “Đức Chúa” bằng thành-ngữ đương-đại nào ta cho là thích-hợp đều được, với điều kiện là người dịch có gọi như thế, cũng không bị những người phía bên kia ám-hại, là được. (x. Cựu lm John Dominic Crossan, Đức Giêsu từng giảng và dạy những gì, www.tamlinhvaodoi.net 29/4/2015)
Thành ra, trong cuộc sống ở đời hoặc trong Đạo, luôn có vấn-đề hiều lầm hoặc hiểu sai lạc những gì được nhắc đi nhắc lại rất nhiều lần, qua các bài chia sẻ Lời Chúa ở bục giảng.
Để thay đổi bầu khí về Nước Trời cho nhẹ nhàng, nay lại xin đề-nghị bạn/đề-nghị tôi, ta nghe thêm một truyện kể ngăn ngắn có những giòng kể lể như sau:
“Trưa hôm ấy, trên đường đi làm, trong đầu tôi đang miên man nghĩ đến hoàn cảnh của anh Huỳnh Hữu Hội mà quý bạn đang nhắc nhở với sự luyến tiếc... Đến đường Nguyễn Đình Chiểu (Phan Đình Phùng cũ), tôi chợt thấy bên đường có một chị bán vé số vừa đi vừa gõ cây gậy để dò đường. Nhưng lạ là trông mặt chị ấy có vẻ tươi vui rạng rỡ mặc dù trời đang nắng như đổ lửa.
Không dằn lòng được, tôi cởi xe lên lề và dừng chị lại bằng cách cầm cậy gậy của chị rồi mua vé số cho chị. Ngày thường, tôi mua vé số giúp người mù, trả lại vé số cho họ, vậy là xong, rồi đi. Không hiểu sao lần này tôi lại hỏi:
- Chị ơi, chiều tối làm sao chị về nhà được ?
- Dạ quen rồi.
- Ủa mà nhà chị ở đâu ?
- Dạ ở Củ Chi ?
- Chà, xa quá rồi làm sao chị về? (Củ Chi cách SG khoảng 30 km)
- Dạ quen rồi.
- Thôi chị cất tiền vô túi xách đi. Chị cất luôn vé số đi, tặng lại chị ...(Thấy túi xách xẹp lép, hình như không có gì hết). Chị không đem theo nước uống sao ?
- Dạ quen rồi.
- Thôi chị lấy chai nước này nghen. Để tôi chế thêm chút trà.
- Dạ ...
Tôi lên xe chạy trước, đến ngã tư, dừng đèn đỏ, tôi lại leo xe lên lề nhìn ngược lại xem chị bán vé số ra sao. Chị ấy đang đi đến dần. Đúng là chị ấy luôn tươi cười rạng rỡ, cứ gõ gậy mà đi từ từ chớ không lên tiếng rao bán vé số gì hết…
Sau khi rời chị bán vé số, tôi lại nghĩ về anh bạn thân nọ và không khỏi có sự đối chiếu về số phận. Vậy là ai khổ hơn ai ? Rồi tôi không khỏi liên tưởng tiếp về các anh bạn khác cũng đã ra đi cùng một cách. Mỗi người hẳn có một hoàn cảnh nào đó mà chúng ta đều thông cảm và tôn trọng. Nhưng có lẻ quý bạn ấy đều không "quen" với hoàn cảnh mới thời kỳ đó nên các bạn ấy đã chọn giải pháp để ở lại vĩnh viễn với tuổi đôi mươi.
Ngẫm lại mẫu đối thoại ngắn ngủi mà tôi đã trao đổi với chị bán vé số , tôi thấy chính mình phải xem xét lại nhiều điều mà tôi đã thường xem là chân lý: Đối với tôi, nhu cầu số 1 đối với cơ thể là không khí - còn nước là nhu cầu cấp thiết số 2 , không thể thiếu: sai rồi! Khi cần đi tìm chỗ mới lạ tôi đều dò xem bản đồ trước, hoặc tìm trong Google, ghi lại địa chỉ vào giấy cho dể tìm v.v... không cần vậy!
Đến tuổi này, không còn ganh đua với ai nữa, nên tìm cho mình một triết lý sống : có cần chăng? Đối với những người sáng mắt như chúng ta có khả năng nhận biết được nhiều màu sắc. Nhưng sự phân biệt hai màu xanh đỏ đã làm khổ hàng chục triệu con người trong hàng chục năm và gây bao nhiêu cảnh sanh ly, tử biệt. Còn đối với chị bán vé số, màu xanh hay màu đỏ đều không có ý nghĩa gì hết. Tình người đối với chị là quan trọng hơn cả. Điều này đáng để chúng ta suy gẫm.
Tạo hóa không ban cho chị đôi mắt nên cũng không cho chị nước mắt để khóc. Ông trời chỉ cho chị cái miệng nguyên vẹn để cười mà thôi ! Chúng ta chỉ cần làm một phép tính đơn giản sẽ giật mình vì với nụ cười không bao giờ tắt trên môi ấy, mỗi tháng chị có thể di chuyển đoạn đường dài bằng từ Sài Gòn ra Hà Nội !
Trong nghề kinh doanh "sự may rủi" của chị, chị bán vé số chỉ có một triết lý đơn giản để vượt qua mọi nhọc nhằn là: quen rồi! Chị chỉ có ước mơ là bán hết xấp vé số. Việc này được hay không cũng tùy thuộc sự may rủi của chị mỗi ngày, nhưng đối với chị, được hay không thì cũng "quen rồi!" Ôi! Đối với triết lý sống rất đơn giản "Quen rồi" của chị, tôi chỉ còn biết nói là: Thương quá!
Xin cám ơn chị đã cho tôi thêm một bài học về cách sống ở đời : hãy sống đơn giản với những gì tạo hóa ban tặng và làm quen với mọi nhọc nhằn hay nghịch cảnh để có thể vượt qua tất cả mọi thử thách trong đời.” (truyện kể trích từ điện-thư do bạn bè gửi)
Đọc truyện trên thư-điện, hẳn bạn và tôi, ta đều đã nghe quen những chuyện như thế. Nhưng vẫn thấy nó làm sao ấy. Nếu vậy, nay đề-nghị tôi và bạn, ta quay về bài hát của nghệ sĩ họ Lê khi xưa vẫn từng hát để làm kết luận bài phiếm “rất đáng sợ” vì hơi bị “vớ vẩn”, như sau:
“Đừng sợ bạn ơi hãy đứng thẳng lên
cuộc đời đang.. dang tay đón ta
bằng yêu thương ta đi xóa tan..
mọi căm hờn.”
(Lê Hựu Hà – bđd)
Thật đúng thế. Chỉ “bằng yêu thương ta đi xoá tan mọi căm hờn”, xoá cả nỗi sợ sệt vì mọi lý-do, trong đó có cả lý lẽ do những người tưởng rằng đã hiểu nhưng chưa biết ngọn ngành về lý-tưởng của Vương Quốc Nước Trời, đó chính là tình yêu-thương hết mọi người mà thôi.
Trần Ngọc Mười Hai
Khi xưa vẫn rất sợ đủ mọi thứ
Nay chỉ còn mỗi một nỗi
Sợ rằng cứ làm thinh và làm biếng mãi,
Sẽ không xong.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: