Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Em ra đi mùa thu! mùa thu không trở lại

 

 

Chuyện Phiếm đọc sau Chúa Nhật thứ 12 Thường Niên năm B 21/6/2015

 

“Em ra đi mùa thu!

mùa thu không trở lại”,
“em ra đi mùa thu sương mờ giăng âm u

em ra đi mùa thu mùa thu không còn nữa
đếm lá úa mùa thu đo sầu ngập tim tôi.”

(Phạm Trọng Cầu – Mùa Thu Không Trở Lại)

 

(Rm 12: 9-13)

Có trở lại hay không, thì thu mùa vẫn luôn là Mùa Thu, mùa của những úa vàng màu lá rất tình-tự. Tình-tự của thu mùa/mùa Thu lại dễ thấy, dễ bắt gặp ở câu ca tiếp theo đó, hát thế này:
 

“Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề
qua vườn Luxembourg sương rơi che phố mờ
buồn này ai có mua?
Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng,
ngập giòng nước sông Seine,
mưa rơi trên phím đàn chừng nào cho tôi quên.”

(Phạm Trọng Cầu – bđd)

 

Ấy chết! sao lại “nghe chơi vơi não-nề”, rồi lại thấy những là “sương rơi che phố mờ”, “chia-ly”, “nghe rơi bao lá vàng”, “ngập giòng nước song Seine.” Ôi thôi! Là, thi-ca ngập tràn giòng chảy rất êm đềm để tôi, để bạn, để chúng ta không còn quên lãng những ngày “mùa Thu không trở lại”, được nữa rồi.

Thế đó, là những cảm-xúc, cảm-quan và cảm-nhận ở đời người, nơi thi-ca giòng chảy rất đời thường. Và dưới đây, lại là những xúc-cảm, xúc-động cùng chất xúc-tác ở giòng đời người đi Đạo, nay đã thấy. Thấy, như người viết trên truyền-thông/báo-chí, rất như sau:

 

“Rất ư là thường tình, chuyện bảo rằng: tôi hay có cái cảm-giác cần chuyển-tải khắp chốn/miền lời xin lỗi gửi đến với mọi người, cả khi lý-lẽ tôi đưa ra vẫn rất thừa, tuy đúng đắn. Đôi lúc, tôi cũng tỏ ra cứng-rắn với chính mình sau nhiều khoảnh-khắc thấy mình quá nhạy-cảm. Nên, tôi thích để lại một số ấn-tượng để mọi người thấy tôi là người có lý-trí chứ không chỉ mỗi xúc cảm tràn đầy mà thôi… Tuy thế, tôi vẫn thấy cảm-xúc vẫn là điều tốt đẹp cho mọi người. Nay, xin có đôi phút để ‘sáng-tỏ’ vấn-đề.

 

Trước nhất, chả khi nào tôi coi cảm-xúc là những gì bết bát, dù lý-lẽ hay lý-sự bao giờ cũng chễm-chệ ở trên. Thứ đến, đây không là cảm-tưởng của giới phụ-nữ khi nghĩ rằng nam-giới vẫn hay làm bọn tôi cảm thấy xấu-xa tệ-bạc đầy xúc-động và vì thế mới thấy rằng “đàn ông thường ở trên cơ bọn nữ tớ phận hèn này!” Điều đó không có nghĩa vơ đũa cả nắm bảo rằng: vốn dĩ là nữ-giới nên chúng tôi có làm thế nào đi nữa cũng vẫn bị mang tiếng là tạo vật lằng-nhằng đầy cảm-xúc. Nhưng, dù sao bọn tôi cũng nhận ra rằng: khi ta kiểm-soát được mọi cảm-xúc không để chúng khống-chế trên ta, thì khi đó ta sẽ hoàn toàn mạnh-khoẻ, bình thường dễ tạo cuộc sống cho chính mình. Và, đó cũng là thành-phần cấu-tạo nữ-tính theo sinh-lý với tất cả mọi chi-tiết về sinh-lý làm mục-tiêu….

 

Nói tóm lại, xúc-cảm dù mang tính nhiều xúc-động đi nữa, vẫn là dấu-hiệu của sự mạnh-khoẻ chứ không phải đau/yếu bao giờ hết…” (x. Tamara Rajakariar, Women and their feelings, MercatorNet 4/3/2015)

 

Vâng. Thế đó, là một quan-niệm ở đời. Với mọi người trong đời. Một đời người lại vẫn có những câu ca được người nghệ-sĩ diễn-tả bằng giòng chảy thi-tứ rất tiếp-tục, rằng:

 

“Hôm em ra đi mùa thu

mùa thu không trở lại

lá úa khóc người đi

sương mờ dâng lên mi

em ra đi mùa thu

mùa lá rơi ngập ngừng

đếm lá úa sầu lên

bao giờ cho tôi quên.”

(Phạm Trọng Cầu – bđd)

 

Cả thi-nhân lẫn nhạc-sĩ, có thể “không bao giờ quên” được những cảm xúc lê thê, sầu buồn nhất là vào lúc thấy rõ rằng: “Hôm em ra đi mùa thu”, thì đó là lúc tôi và anh đều sẽ “đếm lá úa sầu lên”, để rồi “bao giờ cho tôi quên.”

Ở nhà Đạo, đôi lúc cũng thấy rằàng: người đi Đạo và giữ Đạo đôi lúc cũng hay quên rất nhiều chuyện, như chuyện chính-yếu trong đời, được Đức Giáo Tông nhắc nhở ở lời nhắn nhủ vào hôm ấy, như sau:

 

“Gặp gỡ người cao niên, ốm yếu, bệnh-tật, Đức Giáo Tông có nhắc nhở rằng: người đau/yếu vẫn cứ theo chân Đức Giêsu Kitô khi Ngài vác thập-giá nặng, không như giới chức và giáo-dân ở một số cộng-đoàn giáo-xứ thường hay quên lãng, chẳng ai biết đến.

 

Hướng về những người trẻ có mặt hôm ấy, Đức Giáo Tông Phanxicô có nói rằng: tất cả chúng ta là tội-nhân vẫn được gọi mời “hãy vùng đứng lên với ân-huệ Chúa ban cho” cả sau khi ta gục ngã trong lỗi phạm. Và, điều quan-trọng là: Niềm vui, không thể mua bán ngoài phố chợ, nhưng là quà tặng từ Chúa Thánh Thần mình nhận được khi nguyện-cầu trong thinh-lặng….” (x. Bản tin trên The Catholic Weekley ngày 10/5/2015, tr. 7 có đầu đề là: Joy is a Gift of the Holy Spirit: Pope)

 

Thế đó, còn là cảm-xúc, cảm-tính lẫn cảm-tình cần có đối với mọi người, già/trẻ, lớn/bé, gái/trai cả ở trong Đạo lẫn ngoài đời. Một đời người, vẫn có đủ hỷ nộ ái ố, rất thất tình. Nhưng, cảm gì thì cảm, vẫn là những cảm-thông ta có với dân-gian mọi thời.

  Với con dân trong Đạo, có thứ cảm-nhận mà người thường ở huyện hay lẫn lộn, chí ít khi đọc truyện kể hoặc suy-tư/nhận-định về các sự-kiện Đức Giêsu từng diễn-lộ với mọi người. Một cảm-nhận thường sai sót nhiều nhất, là khi người đọc trình-thuật, lại hiểu theo ý rất khác hẳn. Đó là điều, được đấng bậc thày dạy ở đại-học De Paul bên Mỹ, lại đã phân-định, như sau:           

 

“Nên nhớ rằng: những điều ta định ra được ở một số trình-thuật Tin Mừng, thường có sự khác-biệt khi nhận-định về lòng tin. Những điều như thế lại thấy áp-dụng ở đây, ngang qua xác-định về sự khác-biệt giữa tính huyền-diệu và phép lạ hoặc sự lạ. Tính huyền-diệu/tuyệt vời, là điều gì đó tôi hoặc chúng ta không có giải-thích thoả-đáng nào, vào lúc ấy.

 

Trên thế-gian, vẫn có muôn vàn huyền-diệu/tuyệt-vời xảy ra ở quanh ta, khiến ta dễ dàng chấp-nhận mà không thắc-mắc gì hết.

 

Tôi không tin, là ta sống trong vũ-trụ khép kín trong đó ta hiểu hết mọi sự/mọi việc cách trọn-vẹn. Cả khi ta hiểu hoặc biết thế-giới, cách trọn-hảo thế nào đi nữa, đó vẫn là hiểu hoặc biết của riêng ta mà thôi. Bởi thế nên, tôi kỳ vọng sẽ tìm ra được muôn vàn sự việc mà tôi không hiểu rõ hoặc giải-thích được. Nhiều chương-trình truyền-hình vẫn thích gọi đó là bí-nhiệm hoặc bí-ẩn. Và, những gì tôi gọi là huyền-diệu/tuyệt-vời hoặc khúc-mắc/rắc rối, có những hiện-hữu trên đời theo cách khách-quan, chính là sự huyền-diệu, tức sự-việc đưa ta cảm-kích đến độ ưa-thích, là bởi vì ta không có giải-thích nào thoả-đáng về nó hết.

 

Khi mọi người tuyên-bố gọi sự huyền-diệu là sự lạ hay ‘phép lạ’, là họ đã có động-thái xuất tự lòng tin của họ mà ra. Và, họ tuyên-bố điều đó là cho chính họ, mà thôi. Thiên-Chúa vẫn hành-động cách trực-tiếp, ngay tức khắc trong hoàn-cảnh này, Ngài vẫn can-thiệp chuyện bình-thường ở ngoài đời cách đều-đặn, hoặc theo tiến-trình tự-nhiên để tạo sự huyền-diệu/lạ lùng ấy. Thế thì, bằng vào định-nghĩa về động-thái của lòng tin, tức động-tác diễn-giải cách cơ-bản vượt mọi bằng-chứng hoặc chẳng có chứng-cớ gì hết, cũng vậy.

 

Thành ra, không thể có cái-gọi-là ‘sự lạ’ hay ‘phép lạ’ một cách khách-quan được, trừ phi ta sống trong một thứ vũ-trụ tuyệt-đối khép kín, mà tất cả mọi tiến-trình và luật-lệ ta đều nắm vững. Khi ấy, mọi chuyện ta không thể giải-thích nổi sẽ là ‘phép lạ’ hoặc ‘sự lạ’, tức thứ xâm nhập của thế-lực siêu-nhiêu đi vào hệ-thống khép kín của thế-giới tự-nhiên. (xem John Dominic Crossan, Who is Jesus, Westminster John Knox Press 1996 p. 74-77) 

 

            Hiểu thế rồi, nay ta hãy mạnh-dạn đi vào vườn trình-thuật Tân Ước, để rồi sẽ bắt gặp giòng tư-tưởng chính-đáng những dặn rằng:

 

“Anh em hãy gớm ghét điều dữ,

tha thiết với điều lành;

thương mến nhau với tình huynh đệ,

coi người khác trọng hơn mình;

nhiệt thành, không trễ nải;

lấy tinh thần sốt sắng mà phục vụ Chúa.

Hãy vui mừng vì có niềm hy vọng,

cứ kiên nhẫn lúc gặp gian truân,

và chuyên cần cầu nguyện.

Hãy chia sẻ với những người trong dân thánh

đang lâm cảnh thiếu thốn,

và ân cần tiếp đãi khách đến nhà.”

(Rm 12: 9-13)

 

            Suy thế rồi, nay ta hãy cùng nhau đi vào vùng trời truyện kể để thư-giãn. Thư và giãn,  bằng những lời lẽ rất “buông lỏng” để thể-hiện như lời dặn dò của ai đó, trong đời rằng:

 

– Có ai khen con đẹp, con hãy cảm ơn và quên đi lời khen ấy.

 

– Có ai bảo con ngoan, hãy cảm ơn và nhớ ngoan hiền hơn nữa.

 

– Với người òa khóc vì nỗi đau mà họ đang mang, con hãy để bờ vai của mình thấm những giọt nước mắt ấy.

 

– Với người đang oằn lưng vì nỗi khổ, con hãy đến bên và kề vai gánh giúp.

 

– Người chìa tay và xin con một đồng. Lần thứ nhất con hãy tặng họ hai đồng. Lần thứ hai hãy biếu họ một đồng. Lần thứ ba con phải biết lắc đầu. Và đến lần thứ tư con hãy im lặng, bước đi.

 

– Con hãy biết khen. Nhưng đừng vung vãi lời khen như những cậu ấm cô chiêu vung tiền qua cửa sổ.

 

– Lời chê bai con hãy giữ riêng mình.

 

– Nụ cười cho người. Con hãy học cách hào phóng của mặt trời khi tỏa nắng ấm.

 

– Nỗi đau. Con hãy nén vào trong.

 

– Nỗi buồn. Hãy biết chia cho những người đồng cảm.

 

– Đừng khóc than, quỵ lụy, van nài. Khi con biết ngày mai rồi sẽ đến. Có bầu trời, gió lộng thênh thang.

 

– Con hãy đưa tay. Khi thấy người vấp ngã.

 

– Cần lánh xa. Kẻ thích quan quyền.

 

– Bạn. Là người biết đau hơn nỗi đau mà con đang có.

 

– Thù. Là người quặn đau với niềm vui mà con đang có.

 

– Chọn bạn sai. Cả đời trả giá.

 

– Bạn hóa thù. Tai họa một đời.

 

– Con hãy cho. Và quên ngay.

 

– Đừng sợ bóng đêm. Đêm cũng là ngày của những người thiếu đi đôi mắt.

 

– Đừng vui quá. Sẽ đến lúc buồn.

 

– Đừng quá buồn. Sẽ có lúc vui.

 

– Tiến bước mà đánh mất mình. Con ơi, dừng lại.

 

– Lùi bước để hiểu mình. Con cứ lùi thêm nhiều bước nữa. Chẳng sao.

 

– Hãy ngước nhìn lên cao để thấy mình còn thấp.

 

– Nhìn xuống thấp. Để biết mình chưa cao.

 

– Con hãy nghĩ về tương lai. Nhưng đừng quên quá khứ.

 

– Hy vọng vào ngày mai. Nhưng đừng buông xuôi hôm nay.

 

– May rủi là chuyện cuộc đời. Nhưng cuộc đời nào chỉ chuyện rủi may.

 

– Hãy nói thật ít. Để làm được nhiều – những điều có nghĩa của trái tim.

 

– Nếu cần, con hãy đi thật xa. Để mang về những hạt giống mới. Rồi dâng tặng cho đời. Dù chẳng được trả công.

 

– Những điều cha viết cho con – được lấy từ trái tim chân thật. Từ những tháng năm lao khổ cuộc đời. Từ bao đêm chơi vơi giữa sóng cồn. Từ bao ngày vất vưởng long đong.

 

– Cha viết cho con từ chính cuộc đời cha. Những bài học một đời cay đắng.

 

– Cha gởi cho con chút nắng. Hãy giữ giữa lòng con. Để khi con cất bước vào cuộc hành trình đầy gai và cạm bẫy. Con sẽ bớt thấy đau và đỡ phải tủi hờn.

 

– Đừng hơn thua làm gì với cuộc đời, con ạ.

 

– Hãy để chị, để anh giành lấy phần họ muốn.

 

– Con hãy chậm bước dù là người đến muộn.

 

– Dù phần con chẳng ai nhớ để dành!

 

– Hãy vui lên trước điều nhân nghĩa.

 

– Hãy buồn với chuyện bất nhân.

 

– Và hãy tin vào điều có thật: “CON NGƯỜI SỐNG ĐỂ YÊU THƯƠNG”.

 

Đúng thế. Sống trong đời, với mọi người, chỉ để yêu và để thương hết mọi người. Dù, người ấy đã ra đi như người nghệ-sĩ từng hát nhiều vào hôm trước, bằng những câu như:

 

“Ngày em đi, nghe chơi vơi não nề

qua vườn Luxembourg sương rơi che phố mờ

buồn này ai có mua?

Từ chia ly, nghe rơi bao lá vàng,

ngập giòng nước sông Seine,

mưa rơi trên phím đàn chừng nào cho tôi quên.

 

Hôm em ra đi mùa thu

mùa thu không trở lại

lá úa khóc người đi

sương mờ dâng lên mi

em ra đi mùa thu

mùa lá rơi ngập ngừng

đếm lá úa sầu lên

bao giờ cho tôi quên.”

(Phạm Trọng Cầu – bđd)

 

Vâng. Đúng là như vậy. Như vậy, tức: ngày hôm nay, nếu em hoặc anh có “ra đi mùa thu” đi nữa, thì tôi đây vẫn vui tươi chứ không sầu buồn, dù hay quên.

             

 

Trần Ngọc Mười Hai

            Cũng đã ra đi

Và còn đi, đi mãi

Vào nhiều mùa thu hơn nữa.