Buông hay không buông ?
Buông hay không buông ?
Một cô gái đến tìm một nhà sư,cô hỏi :
- Thưa thầy, con muốn buông một vài thứ mà không thể, con mệt mỏi quá.
Nhà sư đưa cho cô gái 1 cốc nước và bảo cô cầm,đoạn ông liên tục rót nước sôi nóng vào cốc,nước chảy tràn ra cả tay,làm cô bị phỏng,cô buông tay làm vỡ cốc. Lúc này nhà sư từ tốn nói :
- Đau rồi tự khắc sẽ buông!
Vấn đề là, tại sao phải đợi tổn thương thật sâu rồi mới buông?
Dẫu biết rằng trong cuộc sống phàm “ cái gì cầm lên được thì phải bỏ xuống được “ , nhưng qua câu chuyện trên chúng ta thấy để có một sự thay đổi ngoạn mục sau quyết định buông bỏ của mình, chúng ta phải biết buông bỏ đúng lúc .
Chỉ cần dạo qua vài trang báo thì không khó khăn chúng ta đọc thấy những tin tức về nạn bạo hành phụ nữ trong các gia đình. Nhiều người vợ bị chồng trói đánh đập, hành hạ như súc vật . Có trường hợp người con trai đã ngộ sát cha mình khi muốn cứu mẹ thoát khỏi những trận đòn dã man của người cha. Hồi ngày 15 tháng 03 vừa qua, trên tờ Pháp Luật có đăng tin một người phụ nữ mang thai đến tuần thứ 37, sắp đến ngày sinh, cô ta đang tắm vậy mà bị chồng chém phọt cả con ra ngoài, người mẹ thì trong tình trạng dở sống, dở chết, đứa con thì đang được chữa trị bởi vết chém ăn sâu vào mông của cháu bé.
Rõ ràng để sự việc xảy ra với hậu quả nặng nề như thế chắc chắn không thể là chuyện ngày một ngày hai, mà đó là cả một chuỗi tháng ngày gia đình đó không hề có sự bình an, hạnh phúc và nạn nhân chính thường là người phụ nữ. Họ nhẫn nhịn chịu đựng để giữ gìn sự “ vuông tròn “ cho gia đình của mình . Nhưng rồi cuối cùng thì sao ? Kết thúc những vụ án này thường thì người cha phải đi tù hoặc gia đình cũng có người bị tử vong hay thương tật nặng nề. Nghĩa là rốt cuộc thì cũng phải BUÔNG , nhưng vấn đề là TẠI SAO PHẢI ĐỢI TỔN THƯƠNG THẬT SÂU RỒI MỚI BUÔNG ?
Thường người phụ nữ hay dùng chữ VÌ để lý giải cho mọi sự hy sinh , chịu đựng của mình...
VÌ CON : Đây là lý do được hầu hết các phụ nữ nhắc đến. Đúng ! Mong cho con mình được có đầy đủ cha lẫn mẹ là một ước muốn VÔ CÙNG CHÍNH ĐÁNG và ĐẠO ĐỨC. Tuy nhiên điều đó chỉ đúng khi cha mẹ sống yêu thương nhau và là gương tốt cho con cái. Ngược lại, họ sẽ CÓ LỖI khi để con cái mình ngày ngày chứng kiến sự bất hòa và xuống cấp dần hình ảnh của cha ( mẹ ) trong cái nhìn của chúng. Vụ án người con trai đã giết cha mình để cứu mẹ khi bị cha đánh đập là một minh chứng cụ thể nhất về trường hợp này.
VÌ CHA MẸ , VÌ TAI TIẾNG , VÌ…CÁC LOẠI VÌ …: Mỗi người chỉ có một cuộc đời . Hãy trân trọng chính cuộc sống của mình bằng cách hãy tự cho mình được hưởng những niềm vui và hạnh phúc ĐÍCH THỰC. Một hạnh phúc do mình thực sự cảm nhận chứ ko do đánh giá của người khác. Nhiều cặp Sao được dư luận đánh giá là rất hạnh phúc, rất đẹp đôi, rất viên mãn về mọi phương diện. Thế mà đùng một cái họ chia tay. Là vì họ không thể sống với cái HẠNH PHÚC DO MỌI NGƯỜI NGHĨ LÀ HỌ CÓ. Họ cần CÁI HẠNH PHÚC MÀ BIẾT LÀ HỌ CÓ.
The Huffington Post dẫn lời Đức Giáo hoàng Francis nói tại Quảng trường Thánh Phê-rô ở Vatican hôm 24.6 vừa qua, Ngài nói : "Khi cha mẹ làm hại nhau, tâm hồn của trẻ em bị ảnh hưởng rất nhiều, chúng cảm thấy tuyệt vọng. Những vết thương đó sẽ lưu dấu đến cuối đời", Đức Giáo hoàng Francis cho rằng việc ly hôn là có thể chấp nhận được "nhằm cứu lấy người yếu thế (trong mối quan hệ vợ chồng) và trẻ em khỏi những tổn thương nghiêm trọng hơn do bạo lực và đe dọa, sự nhục mạ và lạm dụng... và từ sự thơ ơ". Cũng theo The Huffington Post Đức Giáo Hoàng cũng đã đề cập đến trách nhiệm của các bậc cha mẹ trong mối quan hệ gia đình với tương lai của con em trong bối cảnh đang có nhiều cuộc tranh luận về cách Vatican phản ứng với vấn đề ly hôn và quyền của người đồng tính, (http://www.sudiepchuaden.com/…/uc-giao-hoang-francis-ly-hon… )
Dĩ nhiên chúng ta không vin vào nhận định của Đức Thánh Cha như một cứu cánh để biện minh cho sự đổ vỡ của gia đình. “Sự gì Thiên Chúa đã kết hợp, loài người không được phân ly” (Mc 10:9), vì phá đổ sự kết hợp này chính là phá đổ công trình yêu thương của Thiên Chúa đã ân ban trong cuộc sống hôn nhân. Trong đời sống vợ chồng hãy cộng tác với Ơn Chúa để mỗi người biết nhẫn nhịn, khiêm tốn, bớt đi cái Tôi để phục vụ, hy sinh tha thứ cho nhau nhiều hơn. Và khi gia đình đối diện với cơn khủng hoảng, hãy cố gắng gìn giữ, níu kéo khi còn có thể, nhưng rồi tất cả những điều đó cũng không có nghĩa là chấp nhận sự TỒN TẠI CÁCH VÔ NGHĨA của nó bằng MỌI GIÁ. Và cũng đừng cho rằng những người ly hôn là thiếu trách nhiệm với con cái nhưng là ngược lại, theo như nhận định của Đức Thánh Cha Phancio. Đằng khác, khi một cặp vợ chồng ly hôn thì dù là người chủ động hay bị động trong vụ ly hôn thì họ đều có những tổn thương, đau buồn nhất định. Do vậy, với họ đây không phải là chọn lựa dễ dàng, để người ngoài cuộc chồng chất thêm nỗi bất hạnh trên vai họ khi cho rằng họ sống thiếu trách nhiệm với lời thề hứa của mình trước mặt Chúa và cộng đoàn .
Chúng ta luôn trân trọng – rất trân trọng và ngưỡng mộ hình ảnh những cặp vợ chồng già tay trong tay cho đến cuối đời. Rất đáng quý ! Nhưng trong cuộc sống đôi khi điều chúng ta CẦN không phải là những điều rất QUÝ. Trong cơn đói giữa sa mạc hoang vu thì cái chúng ta CẦN chỉ là nắm cơm chứ ko phải là túi ngọc cho dù ngọc thì QUÝ hơn cơm rất nhiều.
Cuộc sống vốn muôn màu, muôn vẻ . Không thể có mẫu số chung cho tất cả mọi phận người . Chỉ tâm niệm một điều là cuối cùng mình phải được hạnh phúc và bình an cho dù nó được tồn tại dưới bất cứ hình thức nào. Chúng ta sinh ra là để được hạnh phúc. Thiên Chúa yêu thương con người, Ngài muốn con người được sống hạnh phúc tròn đầy với Ngài: “Ta đến để chúng được sống, và sống sung mãn” (Yn.10,10). Được tay trong tay đi đến cuối cuộc đời trong sự yêu thương và kính trọng lẫn nhau đó là niềm mơ ước của bất cứ cặp phối nhân nào. Tuy nhiên, nếu “tình không như là mơ” , khi gia đình đã trở thành “địa ngục trần gian” thì nhất định những phần tử sống trong địa ngục chỉ có thể là “ quỷ dữ ” . Không thể khác . Do vậy “ có những thứ mất đi rồi ta mới cảm thấy nuối tiếc vì không biết trân trọng. Nhưng cũng có những thứ khi mất đi rồi ta mới nhẹ nhõm nhận ra rằng : Đáng lẽ ta phải từ bỏ nó từ lâu lắm rồi” .
Điền Phương Thảo.
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: