Tìm hiểu để thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng
Tìm hiểu để thực thi sứ mạng loan báo Tin Mừng
Trước đây, đã có quan niệm cho rằng việc truyền giáo hay loan báo Tin Mừng là của quí cha, quí thầy, nói chung là của những đấng bậc tu hành, còn người giáo dân thì chỉ lo việc sáng lễ, tối chầu là đủ rồi! Và người giáo dân yên tâm “giữ đạo” như thế là khi chết chắc chắn được về Thiên Đàng… Nhưng rồi quan niệm “giữ đạo” được thay thế bằng “sống đạo” tích cực hơn . Người giáo dân được quí cha, quí thầy hướng dẫn, cùng với việc họ học hỏi, tìm hiểu Thánh Kinh, Thánh Truyền, Thánh Công Đồng Vaticanô II (1962-1965), Tông Huấn của các Đức thánh cha, Thư Mục vụ của Hội đồng Giám mục, Giám mục địa phương, qua sách báo và các phương tiên truyền thông Công giáo… Nhờ thế, ngày nay người giáo dân hiểu rằng truyền giáo không chỉ là sứ mạng của hàng giáo phẩm, mà truyền giáo còn là sứ mạng của mỗi Kitô hữu: “Các con hãy đi khắp thế gian loan báo Tin Mừng cho muôn loài thọ tạo” (Mc 16,15)
Trong ý hướng đó, và trong năm 2015, năm tân Phúc Âm hóa đời sống các giáo xứ và các cộng đoàn sống đời sống thánh hiến, người viết xin được góp một phần thật khiêm tốn vào việc trọng đại là tìm hiểu để thực thi việc truyền giáo của Giáo hội Công giáo, với mong ước mỗi Kitô hữu được tham gia, hiệp thông trong công việc mở mang nước Chúa, nước của tình yêu trên quê hương Việt Nam thân yêu và khắp nơi trên thế giới: “Lúa chín đầy đồng mà thiếu thợ gặt” (Lc 10, 2). Ta cùng tìm hiểu vai trò của Giáo hội và mỗi Kitô hữu với việc truyền giáo.
Giáo hội Công giáo với việc loan báo tin mừng:
Truyền giáo, hay Loan báo Tin Mừng là bản chất của Giáo hội Công giáo. Điều này đã được Thánh Công Đồng Vaticanô năm 1965 minh định trong Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội: “Tự bản tính, Giáo hội lữ hành là người được sai đi, vì cội nguồn của Giáo hội gắn liền với việc Chúa con và Chúa Thánh Thần được sai đến theo ý định của Thiên Chúa Cha”. (Mục 2 chương I, Giáo thuyết căn bản, trong Sắc lệnh về hoạt động truyền giáo của Giáo hội, Công Đồng Vaticanô II).
Giáo dân với việc loan báo Tin Mừng.
Trong thư thứ nhất của Thánh Phêrô chương 2 câu 9 đã nói: “Còn anh em, anh em là giống nòi được tuyển chọn, là hàng tư tế vương giả, là dân thánh, dân riêng của Thiên Chúa, để loan truyền những kỳ công của người, Đấng đã gọi anh em ra khỏi miền u tối, vào nơi đầy ánh sáng dịu hiền”. Như thế, khi một người được chịu Phép Rửa tội, họ trở thành một Kitô hữu và được tham gia vào ba sứ vụ chính của Giáo hội: Sứ vụ Tư tế, sứ vụ Ngôn sứ, sứ vụ Vương đế. Về phần này, trên website Mục vụ giáo dân thuộc giáo phận Long Xuyên, LM Gioankim Nguyễn Văn Hinh (D.Min.), Chủ tịch ủy ban giáo dân đã trình bầy thật chi tiết và đầy đủ. Người viết xin tóm lược ngắn gọn như sau:
Sứ vụ Tư Tế: Tư tế là người dâng của lễ lên Thiên Chúa. Chính Chúa Giêsu là của lễ cao trọng nhất dâng lên Chúa Cha, khi người chịu Chết trên Thập giá. Chúa Giêsu là linh mục thượng phẩm. Vì yêu thương nhân loại, Chúa giao chức vụ Tư tế này cho Hội thánh. Có hai chức vụ Tư tế: Chức Tư tế (chức linh mục) phổ quát được trao ban cho giáo dân, người đã chịu Phép Rửa. Họ dâng tất cả những vui buồn trong cuộc sống, những hy sinh, lời cầu nguyện, tham dự thánh lễ, những việc yêu thương bác ái với tha nhân làm của lễ dâng lên Thiên Chúa. Chức Tư tế (chức linh mục) phẩm trật: Chức này được ban cho một số tín hữu qua Bí tích Truyền chức để các Ngài thánh hóa, giáo huấn và cai quản dân Chúa. Đó là các Linh mục, Giám mục…
Sứ vụ Ngôn sứ: Ngôn sứ là người được sai đi nói lời Thiên Chúa. Chúa Giêsu là vị đại Ngôn sứ của Chúa Cha. Chúa Giêsu được Chúa Cha sai đến trần gian để loan báo Tin Mừng nước Thiên Chúa qua lời rao giảng trong đời sống, qua sự chịu chết và sống lại của Người. Chúa Giêsu trao chức vụ Ngôn sứ cho Hội Thánh. Người tín hữu được đón nhận chức vụ Ngôn sứ khi chịu Phép Rửa. Người tín hữu thi hành chức vụ Ngôn sứ bằng lời nói và bằng chính đời sống chứng nhân của mình trong cuộc sống đời thường.
Chức vụ Vương đế: Chúa Giêsu là vua, Vua tình yêu, Người đã chiến thắng sự chết, sau ba ngày chịu chết trên Thập giá. Người muốn cho các Kitô hữu được thông phần hưởng vương quyền của sự sống đời đời, khi người tín hữu biết làm chủ bản thân, làm chủ của cải, làm chủ thế giới vật chất quanh ta, mà Chúa trao cho họ cai quản, họ không để cho vật chất thống trị; cùng với việc họ chiến thắng được tội lỗi, sống đời thánh thiện, dấn thân loan báo Tin Mừng cho anh em chưa nhận biết Thiên Chúa.
Chương trình Mục vụ ba năm (2014-2016) của Hội đồng Giám mục Việt Nam (HĐGMVN)
Trong chương trình Mục vụ ba năm của HĐGMVN từ năm 2014 đến 2016 được phân ra: năm 2014: tân Phúc Âm hóa đời sống gia đình; năm 2015: tân Phúc Âm hóa đời sống giáo xứ và các cộng đoàn sống đời thánh hiến; năm 2016: tân Phúc Âm hóa đời sống xã hội. Đến hôm nay, chương trình Mục vụ đã đi được gần 2/3 đoạn đường. Phân chia ba năm chính là tạo điểm nhấn để mỗi thành phần dân Chúa dành thời giờ và điều kiện hầu chú tâm nhiều hơn đến môi trường của mình đang hiện diện như: gia đình, giáo xứ và xã hội. Thực chất, việc Phúc Âm đã có từ ngàn xưa và còn mãi đến mai sau khi thế giới này còn người chưa nhận biết Thiên Chúa. Trong Tông huấn: Loan Báo Tin Mừng chương I mục 7, Đức Phaolo VI đã nói: “Chúa Giêsu nhà rao giảng tin mừng đầu tiên….Ngài đã rao giảng đến cùng: nghĩa là đến mức hoàn hảo, đến hy sinh cả mạng sống dương thế của Ngài.” và cũng trong chương I mục 8 và 9 Đức thánh cha còn dạy: loan báo Tin Mừng là “loan báo nước Thiên Chúa… và loan báo ơn cứu độ giải thoát… Ơn cứu độ được khởi sự suốt đời Đức Kitô và được hoàn tất qua cái chết và sự Phục sinh của Ngài..”
Vậy tân Phúc Âm hóa là gì? Trong thư chung của Hội đồng Giám mục Việt Nam năm 2013 đã nêu rõ:“tân phúc Âm hóa không phải là rao giảng một Phúc Âm mới vì “Đức Kitô vẫn là một, hôm qua cũng như hôm nay, và như vậy mãi đến muôn đời” (Dt13,8), nhưng là “mới về lòng nhiệt thành, mới trong phương pháp, và mới trong cách diễn tả”. Mới về lòng nhiệt thành là làm mới lại tương quan giữa bản thân chúng ta với Đức Giêsu Kitô, để mối tương quan ấy hướng dẫn toàn bộ đời sống chúng ta. Mới trong phương pháp là biết vận dụng những phương pháp thích hợp để đáp ứng sự thay đổi của thời đại về nhiều mặt, văn hóa, xã hội cũng như kỹ thuật. Mới trong cách diễn tả là cố gắng nghiên cứu và sử dụng những cách diễn tả phù hợp, để con người hôm nay có thể hiểu và lãnh hội được sứ điệp Phúc Âm” (HĐGMVN Thư chung gởi cộng đồng dân Chúa 11-10-2013).
Giáo xứ với việc loan báo tin mừng: Trong tông huấn Niềm vui Tin Mừng (Evangelii Gaudium), Đức thánh cha Phanxico đã viết: “Giáo xứ là sự hiện diện của Hội thánh tại một địa phương nhất định, một môi trường để nghe Lời Chúa, để tăng trưởng đời sống Kitô hữu, để đối thoại, rao giảng, làm việc bác ái, thờ phượng và mừng lễ. Giáo xứ là cộng đoàn của các cộng đoàn, một thánh điện để những người khát nước đến mà uống nước dọc đường, và một trung tâm thường xuyên vươn ra truyền giáo…”.
Trong thư chung của HĐGMVN năm 2014 đã chỉ: “Gia đình giáo xứ cần được Phúc- Âm- hóa, nghĩa là thấm đẫm tinh thần Phúc Âm và làm chiếu tỏa ánh sáng Phúc Âm ra chung quanh, đến với muôn dân. Để thực hiện công việc này, chúng ta cùng chiêm ngắm cộng đoàn Kitô hữu đầu tiên như được mô tả trong sách Công vụ: “Các tín hữu chuyên cần nghe các Tông đồ giảng dạy, luôn luôn hiệp thông với nhau, siêng năng tham dự Lễ Bẻ Bánh, và cầu nguyện không ngừng” (Cv 2,42)”.
Lời kết
Để việc loan báo Tin Mừng mang lại nhiều kết quả trong môi trường ta đang sống, chúng ta cùng nhớ lại và thực hành lời dạy của Đức thánh cha Phaolo VI trong thông điệp loan báo Tin Mừng: “Thế giới cần đến và mong đợi ở chúng ta một đời sống giản dị, một tinh thần cầu nguyện, một đức bác ái đối với tất cả mọi người, nhất là đối với thành phần thấp hèn và nghèo khó, một đức tuân phục và khiêm hạ, một tấm lòng không dính bén và biết hy sinh bản thân mình. Không có dấu vết thánh thiện này, lời nói của chúng ta khó có thể đánh động được tâm can con người tân tiến ngày nay. Nó có thể trở thành mất công vô ích và chẳng sinh hoa kết trái gì” (số 76 chứng từ chân chính của đời sống trong thông điệp loan báo Tin Mừng của Đức thánh cha Phaolo VI)). Và Ngài còn nói:
“Người thời nay sẵn sàng nghe những chứng nhân hơn là thầy dạy, và người ta có nghe người thầy dạy vì người thầy dạy cũng là chứng nhân”.
Cursillista Inhaxiô Đặng Phúc Minh
- Loại bài viết: