Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Bổn mạng các xứ truyền truyền giáo

Tác giả: 
JM. Lam Thy ĐVD.

 

 

BỔN MẠNG CÁC XỨ TRUYỀN GIÁO      

(Lễ kính Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su – 01/10)

 

Mở đầu Sứ điệp Truyền Giáo 2015 (ban hành ngày 24/5/2015), ĐTC Phan-xi-cô viết: “Khánh Nhật Truyền Giáo 2015 diễn ra trong bối cảnh của Năm Đời Sống Thánh Hiến, mang lại một động lực mạnh hơn nữa để cầu nguyện và suy tư. Vì, nếu như mỗi người đã được rửa tội đều được mời gọi làm chứng cho Chúa Giê-su bằng cách rao giảng đức tin họ đã được lãnh nhận như một ân sủng; thì điều này còn đúng đặc biệt hơn nữa đối với mỗi người nam nữ thánh hiến. Có một mối liên hệ rõ ràng giữa đời sống thánh hiến và sứ vụ truyền giáo. Ước muốn được theo Chúa Giê-su cận kề đã dẫn đến sự xuất hiện của đời sống thánh hiến trong Giáo Hội. Ước muốn ấy đáp lại lời mời gọi của Chúa là vác thánh giá và theo Ngài, để bắt chước sự tận hiến của Ngài cho Chúa Cha, bắt chước sự phục vụ và tình yêu của Ngài, để đánh mất cuộc sống này cho sự sống mai hậu. Toàn bộ cuộc sống dương thế của Chúa Ki-tô đã có một đặc tính truyền giáo, cho nên, tất cả những ai theo Ngài một cách gần gũi cũng phải có phẩm chất truyền giáo này.”

 

Nói đến “mối liên hệ rõ ràng giữa đời sống thánh hiến và sứ vụ truyền giáo” thì không thể quên một mẫu gương tuyệt vời đã tận hiến cho Chúa, “đáp lại lời mời gọi của Chúa là vác thánh giá và theo Ngài, để bắt chước sự tận hiến của Ngài cho Chúa Cha, bắt chước sự phục vụ và tình yêu của Ngài, để đánh mất cuộc sống này cho sự sống mai hậu.” Mẫu gương đó không ai khác hơn là vị Thánh đã được Giáo hội tôn phong là “Bổn mạng các xứ Truyền giáo”: Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su. Xin được chia sẻ đôi điều về vị Thánh đặc biệt này:

 

Để hiểu một cách tường tận về Thánh nữ, xin lược qua ít dòng tiểu sử: Là con út trong một gia đình có 9 người con (7 gái + 2 trai), Tê-rê-sa chào đời ngày 02/01/1893 tại Boóc-đô (Bordeaux – Pháp). Chị có trí thông minh đặc biệt, nhưng tính tình cứng cỏi, bướng bỉnh nhất nhà. Lên 4 tuổi, mồ côi mẹ. 8 tuổi vào học trường các bà Dòng Thánh Bê-nê-đic-tô. 9 tuổi, mắc chứng nhức đầu (chứng bệnh mà Đông y gọi là “thiên đầu thống”). 10 tuổi bệnh nặng hơn và trở nên nguy kịch vào năm 11 tuổi. Sau đó, thật lạ lùng, Tê-rê-sa kêu van Đức Mẹ thì được khỏi bệnh. 15 tuổi, xin được Đức Thánh Cha Lê-ô XIII chuẩn tuổi để vào Dòng Ca-mê-lô. Vì trong Dòng có vài người trùng tên, nên chị đã lấy tên mình là Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su (Thérèse de l’Enfant Jésus). Theo thiển ý của kẻ viết bài này, việc Thánh nữ đặt tên hiệu là do sự tác động lớn từ Thiên Chúa – cụ thể là Đức Giê-su Ki-tô – vào cuộc đời chị và đó cũng chính là bước ngoặt lớn: Kể từ đây chị đã đính ước với Đức Ki-tô và Người đã chính thức là vị Hôn phu kể từ ngày chị được mặc áo Dòng (10/01/1889 – 16 tuổi).

 

Thứ Sáu Tuần Thánh năm 1896 (23 tuổi), chị bị xuất huyết lần đầu do bị lao phổi và vào khoảng hơn 19 giờ ngày 30/9/1897 (24 tuổi), sau khi đã nói với Chúa: “Con không hối hận vì đã hiến thân cho Tình Yêu Chúa”, và nói với Mẹ Bề trên Dòng: “Thưa Mẹ, xin Mẹ chuẩn bị cho con chết lành”, chị ôm chặt Thánh Giá, miệng thều thào: “Ôi! Lạy Chúa! Con yêu mến Chúa”, rồi trút hơi thở cuối cùng. Chị được ĐGH Pi-ô XI tuyên phong Chân phước ngày 29/4/1924, và chính thức tuyên Thánh (là Đấng Bảo Trợ, là Bổn mạng các xứ Truyền giáo) ngày 14/12/1927. Thánh Gio-an Phao-lô II đã chính thức công bố Thánh nữ Tê-rê-sa là Tiến sĩ Hội Thánh vào đúng ngày Chúa nhật Truyền giáo 19/10/1997. Điều đó cho thấy Thánh nữ đúng là một vị Thánh có một tâm hồn vĩ đại trong một thân thể bé mọn với tuổi đời còn rất trẻ.

 

Đọc tiểu sử của Thánh nữ, ai cũng nhận thấy chị thánh không phải vất vả bôn ba khắp nơi rao giảng Tin Mừng cho dân chúng, đương đầu với lạc giáo, bè rối như thánh Đa Minh; không sống khắc khổ, ăn chay đánh tội như thánh Phan-xi-cô Khó Khăn; không phải bỏ quê hương đi đến những vùng xa xôi truyền giáo như thánh Phan-xi-cô Xa-vi-ê; không để lại nhiều tác phẩm có giá trị triết lý và thần học như thánh Tô-ma A-qui-nô; không làm nhiều phép lạ giúp đỡ những người nghèo khổ bất hạnh như thánh Mác-tin Po-rê; không chịu cực hình để làm chứng cho Chúa như các thánh Tử vì Đạo... Vậy mà tại sao Thánh nữ Tê-rê-sa lại được Hội Thánh tôn vinh như một đại thánh của thế kỷ XX và XXI?

 

Câu trả lời thật hiển nhiên: Chính là nhờ Thánh nữ có một phương cách sống rất đặc biệt phục vụ cho một mục đích tối hảo: Chị đi tu rất sớm không vì mong được sống trong Dòng tu “vui vẻ”, mà vì “Tôi có một  mục đích duy nhất là chết vì Tình Yêu”, “Con không hối hận vì đã hiến Tình Yêu cho Chúa” (xc Truyện Một Tâm Hồn “L’Histoire de l’Âme” của Thánh nữ Thérèse de l’Enfant Jésus). Rõ ràng điều kiện tiên quyết để được theo chân Thầy Chí Thánh là phải cần có MỘT TRÁI TIM chứa một bầu máu nóng (nhiệt tâm, nhiệt huyết). Trái tim đó phải là bản sao trung thực Thánh Tâm Chúa Giê-su và bầu máu nóng trong trái tim đó không gì khác hơn là nguồn suối ân sủng tuôn trào từ Trái Tim bị đâm thâu trên Thập tự giá nơi đồi Can-vê.

 

Tiếp theo là phải có MỤC ĐÍCH (hoặc gọi là “Tham vọng”, là “hoài bão” cũng được) rõ ràng để theo đuổi. Đích thị Thánh nữ Tê-rê-sa đã có một “tham vọng” rất lớn và rất táo bạo ngay từ hồi nhỏ: “đi tu để trở thành một phó tế, linh mục, tông đồ, nhà truyền giáo và… sẽ tử vì đạo để trở thành một vị THÁNH LỚN”! Chính Chị Thánh đã đề tặng nữ tu Marthe de Jésus một tấm hình: “Hãy xin Chúa Giê-su cho tôi trở thành vị thánh lớn, tôi sẽ xin ơn đó cho bạn tập sự yêu quý của tôi.” Ngông nghênh và tự phụ quá chăng? Không đâu! Đó chỉ là phản ánh một tham vọng – một hoài bão lý tưởng của tuổi trẻ rất chính đáng, mà ở đây, xin nói thẳng: Đó chính là một ƯỚC MƠ THÁNH THIỆN rất đáng trân trọng. Tuổi trẻ mà! Những ước mơ “dời non lấp biển” cũng đã từng làm cho tôi, cho bạn thăng hoa cuộc sống nội tâm. Đẹp biết chừng nào những giấc mơ của tuổi trẻ! Riêng với Tê-rê-sa, Chị Thánh còn đi xa hơn, vượt cao hơn nữa kia! Chị đã nói trước khi khấn trọn: “Con vào Dòng để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục”. Tuy nhiên, về sau này, chị Thánh đã khiêm nhường nhận ra mình chỉ là “một hạt cát bé nhỏ vô danh”, “có linh hồn nào nhỏ bé và bất toàn hơn con?” (xc. “L’Histoire de l’Âme”).

 

Nhờ MỤC ĐÍCH cao đẹp tuyệt hảo và với một TRÁI TIM cháy lửa yêu thương, Chị Thánh đã thể hiện thật sống động một ĐỨC HY SINH vĩ đại: * Từ chối hưởng thụ vật chất có được do sự nuông chiều của gia đình dành cho người con út (“giầu út hưởng, khó út chịu” – Tục ngữ VN). * Sẵn sàng khép mình trong luật lệ khắt khe của một Dòng tu khổ hạnh (hãm mình, ép xác, khiêm nhường, chịu khổ, vâng phục, khó nghèo, khiết tịnh…). * Ngoài những công việc được giao coi bộ không thích hợp lắm với một cơ thể gầy yếu, bệnh hoạn như chị, nhưng chị vẫn vui vẻ làm (quét nhà, rửa chén, lau bụi, giặt rũ…), Chị còn vui vẻ vác thánh giá (chịu đựng cực hình từ bệnh tật: bệnh nhức đầu kinh niên “thiên đầu thống”, bệnh lao phổi…).

 

Để duy trì và phát triển được đức tính hy sinh có một không hai đó, chính là nhờ Chị có một niềm cậy trông vững vàng, sắt đá vào sự phù trợ đắc lực của Đức Mẹ, Người đã hy sinh cả cuộc đời gánh chịu 7 sư đau đớn tột cùng khi cưu mang và đồng hành với Con Thiên Chúa và cũng là Cpn của Mẹ để cứu rỗi nhân loại. Noi gương Mẹ, Chị Thánh luôn một lòng vì Chúa, vì tha nhân. Có thể khẳng định Thánh nữ Tê-rê-sa đã sống và thể hiện sinh động nhất một Tình Yêu tuyệt vời mà Đức Giê-su Ki-tô đã thể hiện và hằng mong mỏi loài người làm theo: “MẾN CHÚA + YÊU NGƯỜI và sẵn sàng chết cho người mình yêu”. Chị Thánh nói: “Với con thì Thiên Chúa ban cho con Tình Yêu lân tuất vô cùng của Chúa…, mọi sự trọn hảo đều toả ánh Tình Yêu, ngay cả đức công bằng đối với con cũng là Tình Yêu nữa. Thật vui mừng biết bao khi nghĩ đến Thiên Chúa là Đấng nhân lành vô cùng, có Tình Yêu lân tuất vô cùng.” (xc. “L’Histoire de l’Âme”).

 

Về Đức Ki-tô, Thánh nữ luôn gọi Người là “Đấng phu quân yêu mến” và “Trái tim Chúa Giê-su mong muốn được yêu mến hết sức”. Còn đối với tha nhân? Từ thời gian đầu mới vào Dòng, Chị Thánh đã phải chịu đựng một sức ép khá nặng nề (Mẹ Bề trên Maria Gonzaga trước đó đã bị kết án là độc đoán và đôi khi tính khí thay đổi thất thường, còn các nữ tu bạn cùng Dòng của Chị Thánh – đa phần là lớn tuổi – thì lạnh lùng và hay chế nhạo người khác). Vậy mà về sau, Chị Thánh đã cảm hoá được tất cả, từ Mẹ Bề trên đến mọi thành viên trong Dòng đều rất yêu thương quý mến Chị. Chưa hết, Chị còn dành rất nhiều thời giờ “để cứu vớt các linh hồn và cầu nguyện cho các linh mục”, rồi làm thơ, viết thư, hồi ký, kịch giải trí, lời nguyện, viết sách (cụ thể như cuốn “Truyện Một Tâm Hồn – L’Histoire de l’Âme” đã đẫn trên)…, với mục đích để: + Mở ra cho mọi người thấy MỘT TÂM HỒN mến Chúa yêu người đến quên cả bản thân;  + Ghi lại những cảm xúc, những kinh nghiệm từng trải trên đường “vác thập giá mình mà theo Đức Ki-tô”;  + Và trên tất cả là “để ca tụng, tôn vinh Thiên Chúa”. 

 

Toàn bộ những đức tính nêu trên được bộc lộ ra nơi một con người nhỏ bé, bệnh tật, nhưng tính tình lại rất hồn nhiên dung dị – một con người đơn sơ đến lạ lùng! Vì thế, Thánh nữ đã gặt hái được trong vinh quang một kết quả trên cả ước mơ của mình: *Được Thiên Chúa cho làm nhiều phép lạ (mà Hội Thánh đã công nhận khi phong Chân Phước và tuyên phong Hiển Thánh cho ngài, và cho mãi đến về sau này nữa, ngài vẫn tiếp tục làm nhiều phép lạ);  *Được Hội Thánh tuyên là vị Thánh lớn, là Đấng Bảo Trợ các xứ Truyền Giáo – một vị Thánh chỉ truyền giáo bằng cầu nguyện trong phạm vi 4 bức tường của Tu viện, mà hiệu quả lại vô cùng rực rỡ!

 

Quả thực Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su là một tấm gương tuyệt vời cho những Ki-tô hữu sống đời thánh hiến và nói chung, cho tất cả cộng đoàn Dân Chúa, những thừa sai của Hội Thánh. Ấy cũng bởi vì “Sứ mạng của các giáo dân, những người "có nhiệm vụ tìm kiếm Nước Thiên Chúa bằng cách dấn thân vào các việc trần thế và xếp đặt chúng theo kế hoạch Thiên Chúa", đặt nền tảng trên sự thánh hiến do bí tích Rửa tội và Thêm sức, chung cho tất cả các thành phần của Dân Thiên Chúa. Ngoài sự thánh hiến căn bản ấy, các giáo sĩ được thánh hiến bằng bí tích Truyền chức Thánh để nối tiếp sứ vụ tông đồ qua dòng thời gian. Những người tận hiến cam kết sống các lời khuyên Phúc Âm, được thánh hiến một cách mới mẻ và đặc biệt; sự thánh hiến này, tuy không mang tính bí tích, nhưng ràng buộc khiến họ chấp nhận lối sống độc thân, khó nghèo, vâng phục đã được Đức Giê-su đích thân thể hiện và đề nghị cho các môn đệ.” (Tông huấn “Đời Sống Thánh Hiến – Vita Consecrata”, số 31).

 

Ý thức vấn đề, xin cùng hiệp ý cầu nguỵên bằng “Kinh cầu nguyện cùng Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su” (xc. Trang Kinh Nguyện <Thanhlinh.net>):

 

“Lạy Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, người sống rất vắn vỏi trên cõi trần gian, song người đã được đầu đủ nhân đức; lòng tinh khiết, khiêm nhường, tận tâm mến Chúa và yêu người.  Mà nhất là người đã phú trót mình cho Chúa, tin cậy nơi Chúa như con nhỏ tin nơi mẹ nó vậy. 

 

Người đã truyền cho thế gian một con đường rất đơn sơ, để chóng đưa linh hồn đến đỉnh trọn lành, đó là sự khiêm nhượng thật lòng và coi mình như trẻ bé trước mặt Chúa, cùng trông cậy  nơi lòng lân mẫn vô cùng của Chúa. Xin Thánh Tê-rê-sa cầu bầu cho chúng con được dõi theo gương người, là bước vào “tiểu lộ”, là đường người đã trải qua mà đến cùng Chúa.

 

Lạy Thánh nữ Tê-rê-sa Hài Đồng Giê-su, xưa đã hứa cho mưa hoa hồng xuống trên thế gian này, vậy xin người cầu cùng Chúa Trời, xin cho hoa hồng thiêng liêng đổ xuống trên chúng con, làm cho chúng con được yêu mến Chúa như người, và cho khắp nơi được an ninh, hòa hảo; cùng cho Nước Chúa được hiển trị một ngày một lan rộng hơn. Xin vì lời Thánh nữ khẩn nguyện cho người ngọai giáo được trở lại thờ phụng Chúa, hầu sau này được chung phước cùng Thánh nữ trên Thiên đàng. Amen.”

 

JM. Lam Thy ĐVD.