“Dẫu là đá cũng nát gan lọ người”
“Dẫu là đá cũng nát gan lọ người”
Nguyên nhân dẫn đến việc nàng Kiều phải bán mình chuộc cha để dấn thân cuộc sống đầy đau khổ và tủi nhục trong suốt 15 lưu lạc đó là vì cha và em trai của nàng đã bị án oan. Mặc dù gia đình nàng Kiều đã “ hạ từ van lạy suốt ngày” nhưng những kẻ “ đầu trâu mặt ngựa” vẫn “ điếc tai lân tuất, phũ tay tồi tàn”. “ Rường cao rút ngược dây oan”, Vương Ông và Vương Quan đã chịu nhục hình tra khảo khiến “ dẫu là đá cũng nát gan, lọ người”. Và với nỗi “ đau đớn rụng rời ” vì thân xác của hai người thân yêu bị vùi đập bởi đòn roi, trong cơn “ ngộ biến tòng quyền”, Thúy Kiều không còn còn lựa chọn nào khác phải bán mình chuộc cha để “sao cho cốt nhục vẹn tuyền”.
Pasal, một danh nhân Pháp, trong vai trò một “ nhà triết học của con người” đã nhận định về thân phận con người như sau : “ Con người là một cây sậy nhưng là một cây có tư tưởng ”. Nghĩa là sức mạnh thực sự của con người không nằm trong thân xác nhưng trong chính tư duy và ý chí. Thân xác con người mong manh lắm, chỉ là cây sậy với thiên nhiên, chỉ “ tựa như bông hoa nở tươi, một làn gió nhẹ lung lay cũng biến tan sắc màu ”. Vì lẽ đó mà cho dù sống dưới bất cứ thể chế nào thì những hành vi xâm phạm thân thể người khác đều đáng bị lên án. Ngay cả trong chốn lao tù hay trong những trường hợp buộc phải xử phạt thì lương tri nhân loai vẫn kêu gọi giảm thiểu đến mức có thể sự đau đớn trên thân xác người đang chịu thi hành án phạt. Và đặc biệt, nếu người bị vướng vào vòng lao lý là phụ nữ hay trẻ em thì việc dung nhục hình tra khảo càng phải được hạn chế.
Có một câu nói rất quen thuộc với mọi người đó là "Không nên đánh phụ nữ, dù chỉ bằng một cành hoa" , thế nhưng có lẽ câu nói đó đã được ông Lý Hồng Văn Công An đồn khu công nghiệp Trảng Bàng lĩnh hội quá “ sát nghĩa ”, vì thế ông ta đã không dùng “ một cành hoa ” nhưng dùng cây “ ba trắc ” để đánh đập điều tra cô Lại Thị Trang, nữ công nhân làm việc ở khu công nghiệp Trảng Bàng, Tây Ninh vào sáng ngày 20/10 /2015 vì bị nghi ngờ lấy trộm điện thoại. Là phụ nữ chân yếu tay mềm nhưng phải oằn mình chịu tra tấn tàn bạo bằng dùi cui nên đến 9 giờ thì cô ta được đưa đi cấp cứu ở Bệnh viện.
Và hẳn mọi người cũng chưa quên sự việc vào khoảng trung tuần tháng 6 vừa qua, em Ngô Đình Phát 11 tuổi, ở phường Thủy Xuân, thành phố Huế, do lấy trộm của cô ruột 3 triệu đồng, em bị đưa lên công an phường. Theo lời kể của em Phát do báo vnexpress.net đưa tin thì “ đến nơi, mấy chú dắt cháu vào phòng, bắt cháu đứng trước bàn và liên tục nạt nộ. Sau đó hai chú công an vừa quát vừa đánh cháu. Một chú lấy cái gậy đen ngắn (dùi cui) đánh liên hồi vào mông và đùi cháu, còn chú kia dùng chân đạp và đá cháu. Cháu càng kêu đau các chú ấy càng đánh mạnh”. Sau 30 phút chịu đòn, cậu bé đã phải nhập viện với chấn thương ở vùng mông, vành tai cậu bị chấn thương phần mềm, sưng tấy, thâm tím ở vùng mông, hai bên đùi, vành tai trái.
Nhìn những hình ảnh các bộ phận trên thân thể của hai nạn nhân một là phụ nữ, một là trẻ em bị bầm tím với những vết roi chằng chịt ngang dọc, ai trong chúng ta không khỏi rùng mình khi nghĩ tới những đớn đau mà họ phải chịu ? Thân xác con người vốn mỏng dòn với những tác động từ bên ngoài, huống hồ với da thịt vốn rất nhạy cảm của phụ nữ và trẻ em thì sự đau đớn của họ càng gia tăng bội phần. Hẳn là họ đã phải kêu khóc thảm thiết, phải “ hạ từ van lạy ” không khác gì cha và anh trai của nàng Kiều. Nguyễn Du tiên sinh cũng đau thắt lòng với nhân vật của mình khi thốt lên “ dẫu là đá cũng nát gan lọ người”. Vâng ! Đá còn phải nát ruột nát gan, thế con người thì tại sao không ? “ Cháu càng kêu đau các chú ấy càng đánh mạnh”. Phải chăng với những kẻ thủ ác này, tiếng gào la, kêu khóc trong đau đớn của nạn nhân chỉ góp phần làm cho cái thú tính , cái phần CON trong hai chữ CON NGƯỜI của họ được trỗi dậy mạnh mẽ hơn, tàn bạo hơn ?
Hầu hết các tôn giáo chân chính đều khuyên con người nên ăn ngay ở lành với mục đích xây dựng hạnh phúc cho con người ở đời này và đặc biệt là khỏi chịu hình phạt của ma quỷ chốn địa ngục. Bài vè trong trò chơi Thiên Đàng Hỏa Ngục thuở nhỏ khi hát gần đến câu “ Linh hồn giữ đạo cho tròn. Đến khi gần chết được lên Thiên Đàng ” là bọn trẻ chúng tôi thời ấy lo đi thật nhanh vì nếu bị chặn lại xem như là bị sa hỏa ngục. Mà với trí tưởng tượng của tuổi thơ, chúng tôi rất sợ hỏa ngục vì nơi đó ma quỷ đã đánh đòn, hành hạ những người có tội rất kinh khủng. Thế nhưng giờ nghĩ lại, dù sao thì ma quỷ cũng không thực sự vô tâm và tàn nhẫn. Bởi lẽ chúng chỉ hành hạ, tra tấn những kẻ đã bị phạt xuống hỏa ngục, tức là những người thực sự có tội mà không có chút lòng hối cải. Khác với một số những người thi hành công vụ nhưng lạm dụng quyền hành để tra tấn, đánh đập dã man người bị tạm giam. Những người bị đưa về trại giam thì chưa thể kết luận được là họ có hay không có tội . Do vậy, điều 104 Bộ luật hình sự quy định về tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác có ghi rõ “ Trong khi bắt, giữ đối tượng phạm tội thì người dân không được đánh đập, hành hạ, gây thiệt hại sức khỏe, tính mạng đối tượng. Có thể hỏi đối tượng để xác định sơ bộ nhưng phải trên tinh thần tôn trọng, không được có hành động xúc phạm đến sức khỏe, danh dự, nhân phẩm họ.” Hay là điều 104 Bộ Luật Hình Sự chỉ áp dụng với “ người dân”, còn với những “ đầy tớ nhân dân” thì được miễn trừ , thế nên những người “ đầy tớ “ này cứ thoải mái tẩm quất những “ ông chủ” của mình bằng dùi cui, nhẹ thì đi cấp cứu ở bệnh viện, nặng thì mất mạng. Nhưng cho dù còn sống hay chết thì nạn nhân cũng phải nếm trải hình phạt nơi địa ngục ngay chốn trần gian. Chỉ khác là đối tượng gây đau đớn cho họ là CON NGƯỜI chứ không phải là MA QUỈ.
Tháng 11 là tháng được giáo hội dành riêng để cầu nguyện và tưởng nhớ những người đã qua đời. Đặc biệt là các linh hồn còn trong chốn luyện hình, những người chỉ còn biết cậy trông những việc lành phúc đức, những hy sinh cùng với lời cầu nguyện của những người còn sống trện dương thế, để nhờ vào lòng nhân từ của Chúa mà giúp họ mau chóng đến ngày được tham gia vào Hội Thánh Khải Hoàn. Chúng ta có trách nhiệm thực thi những việc đạo đức, bác ái và cầu nguyện các linh hồn trong Hội Thánh Đau Khổ nhưng đồng thời cũng hãy có những hành động tích cực và liên lỉ nguyện xin cho những con người còn đang sống trong Hội Thánh Lữ Hành này cũng được bớt đi những đớn đau trên thân xác lẫn tâm hồn do những CON NGƯỜI nhưng đã bán hồn cho MA QUỶ gây nên. Vì rằng nơi chúng ta đang sống cho dù vẫn còn nhiều khó khăn, gian khổ nhưng vẫn là TRẦN GIAN chứ không phải là ĐỊA NGỤC. Và cũng mong sao những vị Công An đang lạm dụng chức quyền hà hiếp dân lành hãy dừng ngay những hành động thất đức, ngược lại hãy tích đức để tổ tiên ông bà cha mẹ của mình còn có cơ hội thoát khỏi chốn luyện hình. Đừng để các ngài thành những linh hồn mồ côi, tủi phận trong những ngày mà các linh hồn khác được an ủi bởi những việc làm lành thánh và kinh nguyện của con cháu và người thân.
Điền Phương Thảo
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: