Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Về với cội nguồn tổ tiên

Tác giả: 
Lm Hương Quất

 

 

Mùng Hai Tết:- Kính Nhớ Tổ Tiên

 

VỀ VỚI TỔ TIÊN CỘI NGUỒN

(Mt 15, 1-6)

 

 

Ngày Mùng Một Tết, Giáo hội hướng ta về Thiên Chúa trong tri ân cảm tạ, cầu Bình an Năm mới; ngày Mùng Hai hướng về kính nhớ Tổ Tiên còn sống hay đã qua đời trong niềm thảo kính biết ơn.

 

Bổn phận gia đình, hiếu thảo với các bậc sinh thành, theo ý Chúa là bổn phận hàng đầu trong mối tương quan người với người.

 

Tác giả sách Huấn Ca nhắn nhủ: “Ai yêu kính cha mình thì đền bù tội lỗi, ai thảo kính mẹ mình sẽ tìm được kho tàng”. Sống biết ơn- thảo kính Ông bà cha mẹ  nhân đức căn bản của làm người; nói cơ bản vì không có nó ta không thể làm người, không thể nên người. Kinh nghiệm cho thấy, ai sống biết ơn, thảo hiếu dễ thành công- thành nhân- thành thánh.

 

Theo lẽ tự nhiên, dân tộc nào cũng có sự hiếu thảo với đấng sinh thành, nhưng ở Việt Nam sự hiếu thảo này trở thành ‘Đạo’- một lẽ sống (đạo hiếu) và là điểm son của văn hoá dân tộc, dẫu có thời đen tối khi Đạo hiếu bị chà đạp. Để phục vụ ý thức hệ người ta sẵn sàng vu cáo- tố tội đấng sinh thành, đưa cha mẹ ra đấu tố…    

 

Đạo hiếu chính là đạo của lòng biết ơn. Trong cõi nhân sinh, cha mẹ chính là đại ân nhân lớn nhất, vĩ đại nhất. Các ngài đã cộng tác với Thiên Chúa Tình yêu đưa ta vào đời, được làm con người, nhất là được làm con Chúa. Người ta ví công cha như núi Thái sơn, tình Mẹ như biển Thái bình, một cách diễn tả sinh động rằng ta không sao tả hết, đền đủ bao công ơn của mẹ cha.  

 

Đúng, trên đời này, ân nhân lớn nhất không ai khác chính là cha mẹ. Các ngài trong yêu thương đã cộng tác với Thiên Chúa để tác tạo một công trình tuyệt vời mà cho đến nay khoa học tiến triển vượt bậc của con người không làm được, không bao giờ làm được: Đó là sinh ra một Con người. Không chỉ công sinh- công dưỡng- công giáo dục mà Mẹ Cha còn là điểm tựa cho ta cả đời, nhất là khi ta bé bỏng, thơ ngây. 

 

Có một điểm đặc biệt trong Đạo hiếu dân tộc.  Dân Việt thảo kính cha mẹ- ông bà không chỉ lúc sống và cả khi đã qua đời, ‘sống tết, chết giỗ’. Và không người Việt nào lại không thuộc câu ca dao nằm nôi: Công Cha như núi thái sơn/ Nghĩa Mẹ như nước trong nguồn chảy ra/ Một lòng thờ Mẹ kính Cha/ Cho tròn chữ hiếu mới là Đạo con.

 

Nét đặc trưng Đạo thờ Ông Bà, con cháu tin ông bà ‘quy tiên’, thuộc về thế giới thần tiên và trở thành những vị thần có khả năng che chở cho con cháu, những vị thần chỉ làm điều tốt. Chính trong niềm tin tổ tiên bất tử nên con cháu trong những dịp lễ, tết… đều có nghi lễ đón đưa ông bà về nhà xum họp cùng cháu con; nhất là trong những dịp quan trọng đời người (đám cưới…) không thể không ra thắp nhang xin ông bà chứng giám.

 

Có thể nói, Đạo thờ Ông Bà từ lâu đã trở trở thành ‘quốc giáo’ đối với dân Việt, dù vô thần hay hữu thần, dù không đồng tín ngưỡng- tôn giáo hầu như nhà nào cũng có Bàn thờ Tổ tiên, đặt nơi trang trọng trong gia đình…

 

Theo cha L.Carière, nhà truyền giáo đồng thời là người có công rất lớn, hàng đầu trong việc khai sinh lãnh vực tìm hiểu văn hoá truyền thống dân tộc (Dân tộc học), cho biết: thờ ông bà tổ tiên của người Việt mang đậm nét tôn giáo và đây là gia đình hiểu theo nghĩa rộng, gồm cả người sống và người chết.

 

Đối với Thiên Chúa, tương quan gia đình có tầm quan trọng nhất trong các tương quan người với người.

 

Quả thế, trong Mười Điều Răn được Chúa ghi trên hai bia đá : Bia I ghi ba điều về bổn phận đối với Chúa; bia II ghi bổn phận đối người với người  thì Thảo kính Cha mẹ là bổn phận trước hết (Điều răn thứ Bốn), rộng hơn là bổn phận xây dựng gia đình bền vững, hạnh phúc.

 

Đặc biệt, Tin Mừng hôm nay Chúa Giêsu nên án việc Biệt phái bỏ luật Chúa để tuân giữa những tập truyền của con người. Và Ngài đưa ra minh chứng điển hình, dùng chính giới răn thảo hiếu: ‘Thiên Chúa dạy: Ngươi hãy thờ cha kính mẹ; kẻ nào nguyền rủa cha mẹ, thì phải bị xử tử. Còn các ông, các ông lại bảo: "Ai nói với cha với mẹ rằng: những gì con có để giúp cha mẹ, đều là lễ phẩm dâng cho Chúa rồi, thì người ấy không phải thờ cha kính mẹ nữa".

 

Thánh Phaolô theo tinh thần Chúa Giêsu đã lặp lại bổn phận gia đình Kitô giáo: Kẻ làm con hãy vâng lời cha mẹ, hãy tôn kính cha mẹ; bổn phận cha mẹ thay mặt Chúa khuyên răn dạy dỗ con cái.

 

Cha mẹ không chỉ có công sinh- công dưỡng dục mà quan trọng hơn, còn luôn bao phủ đời ta bằng lời cầu nguyện, nhất là khi các cụ già yếu.

 

 Văn hào Đana Cupper (Scottland) hồi bé chê Cha Mẹ nghèo, có thời bỏ nhà ra đi. Sau này bà ngày càng nhận ra công ơn, vai trò của bậc sinh thành trong cuộc đời mình, nhất là che chở đồng hành trong lời cầu nguyện. Trong tập hồi ký, bà viết về Mẹ thật ý nghĩa: “Khi tôi còn bé dại, Mẹ tôi chỉ cần hất nhẹ tay là bao phủ trăn êm cho tôi yên ngủ ấm áp. Bây giờ tôi lớn khôn, Mẹ già yếu không còn sức phủ trăn cho tôi, nhưng Mẹ đủ sức chắp đôi tay cầu nguyện phủ lấp lên toàn bộ cuộc đời tôi”.

 

Mẹ đủ sức chắp đôi tay cầu nguyện phủ lấp lên toàn bộ cuộc đời tôi”, làm ta nhớ câu chuyện Moisen lên núi cầu nguyện khi dân Do Thái đánh quân Amalach trên đường về đất hứa. Moisen dù không trực tiếp chiến đấu, chỉ bằng lời cầu nguyện- nhờ ơn sủng Thiên Chúa lại lạ yếu tố quyết định cho sự thành bại.

 

Sự thành công- thành nhân của ta trên thương trường cuộc sống, đôi khi ta dễ ngộ tưởng do sự tài khéo của mình mà quên mất trong hậu trường có mẹ cha già bệnh hoại, liệt chỗ…, của bao người  đang chắp tay cầu nguyện, mà nếu không có lời cầu nguyện ấy- không có ơn Chúa ấy chắc chắn thất bại, nói như Chúa Giêsu: ‘không có Thầy các con không làm gì được”, hay kinh nghiệm ông cha “mưu sự tại nhân thành sự tại thiên”.

 

Cội nguồn mọi cội nguồn là chính Chúa.

 

 Trong tâm tình thảo hiếu với Thiên Chúa là Cha, với các bậc Sinh Thành, Gia đình giáo xứ ta xin dâng trao cho Chúa cha cố tôn quý Cha cố, tu sĩ nam nữ, ông bà cố, ông bà cha mẹ còn sống hay đã qua đời, cách riêng ông trùm Toản (họ Gioan) mới qua đời. Xin cho mỗi gia đình trong Năm Thánh Từ Bi ngày càng hiệp nhất yêu thương nhau hơn, là điểm sáng Đức tin.

 

Lm. Đaminh Hương Quất