Mỗi tháng một chia sẻ : Đừng lo
MỖI THÁNG MỘT CHIA SẺ
(2) ĐỪNG LO!
1. Một trong những đoạn Phúc Âm mà tôi đọc nhiều lần nhất là đoạn Mt 6,25-34 sau đây:
“25 Thầy bảo cho anh em biết: đừng lo cho mạng sống: lấy gì mà ăn; cũng đừng lo cho thân thể: lấy gì mà mặc. Mạng sống chẳng trọng hơn của ăn, và thân thể chẳng trọng hơn áo mặc sao? 26 Hãy xem chim trời : chúng không gieo, không gặt, không thu tích vào kho; thế mà Cha anh em trên trời vẫn nuôi chúng. Anh em lại chẳng quý giá hơn chúng sao ? 27 Hỏi có ai trong anh em, nhờ lo lắng, mà kéo dài đời mình thêm được dù chỉ một gang tay ? 28 Còn về áo mặc cũng thế, lo lắng làm gì ? Hãy ngắm xem hoa huệ ngoài đồng mọc lên thế nào mà rút ra bài học : chúng không làm lụng, không kéo sợi; 29 thế mà, Thầy bảo cho anh em biết : ngay cả vua Sa-lô-môn, dù vinh hoa tột bậc, cũng không mặc đẹp bằng một bông hoa ấy. 30 Vậy nếu hoa cỏ ngoài đồng, nay còn, mai đã quẳng vào lò, mà Thiên Chúa còn mặc đẹp cho như thế, thì huống hồ là anh em, ôi những kẻ kém tin! 31 Vì thế, anh em đừng lo lắng tự hỏi: ta sẽ ăn gì, uống gì, hay mặc gì đây ?32 Tất cả những thứ đó, dân ngoại vẫn tìm kiếm. Cha anh em trên trời thừa biết anh em cần tất cả những thứ đó. 33 Trước hết hãy tìm kiếm Nước Thiên Chúa và đức công chính của Người, còn tất cả những thứ kia, Người sẽ thêm cho. 34 Vậy, anh em đừng lo lắng về ngày mai: ngày mai, cứ để ngày mai lo. Ngày nào có cái khổ của ngày ấy.”
2. Lý do khiến tôi đọc đi đọc lại nhiều lần đoạn Phúc âm trên là từ nhỏ đến lớn, tôi đều phải khổ sở với vấn đề “cơm áo gạo tiền”. Thật vậy, ngay trong những năm còn học trong chủng viện, hằng năm tôi vẫn phải lo lắng về khoản tiền cần có để mua sách vở, quần áo và vật dụng cần dùng cho bản thân. Sau khi từ giã đời sống tu trì trở về thế gian, lập gia đình thì tôi còn phải lo lắng nhiều hơn nữa, nhất là trong giai đoạn rất nhiều người phải ăn bo bo, củ mì (sắn) thay thế cho cơm gạo và tôi bị mất việc vì nạn kỳ thị lý lịch của cán bộ Nhà Nước. Số là năm 1977 tôi bị ban giám đốc Nhà Máy Thuốc Lá Vĩnh Hội cho nghỉ việc vì tôi là người công giáo, trước 1975 là cựu tu sĩ và đã từng đi Tây mấy lần.
3. Về nỗi lo “cơm áo gạo tiền” tôi có nhiều kỷ niệm đẹp khó quên. Một trong những kỷ niệm ấy là hè năm 1997, tôi được tố chức CCFD (Comité Catholique contre la Faim et pour le Dévelopement = Ủy ban Công Giáo chống Đói và giúp Phát Triển) của Hội đồng Giám Mục Pháp cấp cho một học bổng đi học 4 tháng tại EAPI (East Asian Pastoral Institut = Viện Mục Vụ Đông Á), ở Manila (Phi-líp-pin). Trong mấy tháng học ở đây, nhiều đêm tôi không ngủ được vì lo lắng cho đời sống vật chất của gia đình, vì trước khi sang Phi-líp-pin, tôi rơi vào cảnh thất nghiệp. Nhà tôi lúc đó có 4 miệng ăn, 2 vợ chồng và 2 con nhỏ mà chỉ có một mình vợ tôi đi làm, lương nhân viên ba cọc ba đồng, làm sao tôi không lo cho được. Trước đó tôi có 3 năm làm việc cho tổ chức quốc tế “Food for the Hungry International” (Lương thực cho người đói) của Mỹ, nên kinh tế gia đình tạm ổn. Nhưng nay tổ chức này quyết định không làm việc ở Việt Nam nữa nên tôi bị mất việc.
Trong 4 tháng học ở EAPI, nhiều tối, tại phòng riêng, tôi quỳ gối trước tượng Chúa chịu nạn, đọc đi đọc lại đoạn Tin Mừng “Tin tưởng vào Chúa Quan Phòng” trong Mt 6, 25-34 để củng cố lòng tin và cầu xin Chúa giúp gia đình tôi có miếng cơm để ăn và manh áo để mặc….
Tôi không biết từ lúc nào, nỗi lo “cơm áo gạo tiền” của tôi tan biến dần và tôi không còn bị ám ảnh bởi nỗi lo ấy nữa.
4. Tôi còn có một kỷ niệm đẹp khác liên quan tới cuộc sống: Hè năm 1998, tôi được Đức Tổng Giám Mục Phanxicô Xaviê Nguyễn Văn Thuận, Phó Chủ tịch Hội đồng Tòa Thánh về Công Lý và Hòa Bình (Lúc này Ngài vẫn còn là Tổng Giám Mục. Ngài chỉ được phong Hồng Y ngày 21 tháng 2 năm 2001 và qua đời ngày 16 tháng 9 năm 2002) tạo điều kiện cho tôi sang Roma (Italia) và Pháp Đức 3 tháng. Mục đích của chuyến đi là để tôi được gặp ngài và có cơ hội học hỏi về Tông đồ Giáo dân. Trong chuyến đi ấy, tôi có dịp hành hương Đền Thánh Antôn ở Padua.
Trong khoảng thời gian ngắn ngủi tại Đền Thánh An-tôn chiều hôm đó, tôi đã đi vòng quanh mộ Thánh nhiều lần, tay chạm vào mộ đá, miệng lâm râm cầu nguyện:
“Lạy Thánh An-tôn, ngài là Vị Thánh hay làm phép lạ. Con không dám xin Ngài một phép lạ, vì con chẳng xứng đáng được ơn ấy. Nhưng con có một nỗi niềm riêng, con muốn chia sẻ với Ngài. Gia đình con vẫn chưa có một căn nhà để ở, cho vợ chồng con cái con được “an cư” để có thể “lạc nghiệp”. Ngài biết rằng con hết lòng với Giáo Hội, phục vụ không tính toán…. Nhưng con có nỗi khổ riêng là nơi ăn chốn ở chưa ổn định. Xin Thánh An-tôn giúp con.”
5. Khi về nước, chủ nhà đòi tăng giá thuê nhà nên tôi phải gấp rút tìm mua một căn nhà vừa với túi tiền khiêm tốn của gia đình mình. Chúa quan phòng đã giúp gia đình tôi mua được căn nhà tại Phường 15, Quận Tân Bình (giáo xứ Nhân Hòa) bằng số tiền gia đình có, cộng với khoản tiền tôi nhận được trong chuyến đi Roma, từ Đức Tổng P.X. Nguyễn Văn Thuân và Đức Cha Luigi Bettazzi (Ivrea, Torino), một Giám Mục Ý mà tôi quen biết từ trước 1975.
Tôi vẫn xem việc gia đình tôi mua được căn nhà này là “phép lạ” của Thánh An-tôn Padua, nên hằng cảm tạ ơn Ngài.
6. Người ta thường nói “có an cư mới lạc nghiệp” Thật ra cái “sự nghiệp” của tôi chẳng có gì là to tát cả. Sau nhiều năm sống đời chủng sinh rồi tu sĩ, cuối cùng tôi cũng trở về đời sống giáo dân và lập gia đình. Tôi chẳng phải là giáo sư và cũng chẳng phải là bác sĩ, kỹ sư mà chỉ là người lao động đơn giản, thậm chí có thời gian phải đạp xích lô để sống. Đó có thể coi là giai đoạn thứ nhất của sự “lập nghiệp”. Sang giai đoạn thứ hai kể từ sau khóa học tại EAPI năm 1997, tôi quyết định dành trọn thời gian và khả năng Chúa ban cho, cho công việc phục vụ Giáo hội. Từ việc biên soạn giáo lý trẻ con trong Ban Giáo Lý Tổng Giáo phận Sài-gòn đến việc giúp các Khóa Giáo lý Trung Cấp Nhà Thờ Đức Bà, các Khóa Huấn Luyện Giáo Dân và GIới Trẻ, các chuyến Tông Đồ cho Kolping Society (Khôi Bình), các Khóa Thánh Kinh 100 tuần với Đức Cha Phê-rô Nguyễn Văn Khảm.
7.Chúa Quan Phòng đã thu xếp cho tôi có 5 chuyến đi Mỹ (hè các năm 2000, 2004, 2005, 2006 và 2007). Tôi đi thuyết trình và giúp Khóa học và Tĩnh huấn chỗ này, dự Hội Thảo ở chỗ kia mà có thêm tài chánh cho gia đình. Từ Mỹ trở về cuối năm 2007 tôi tập trung khả năng và thời gian cho các Khóa Thánh Kinh và Huấn Luyện Lãnh Đạo Muối Đất (Scripture and Leadership Training, viết tắt là SALT…. ) tại Huế và Saigon.
8. Sau căn nhà số …… Phường 15, Quận Tân Bình mà Thánh An-tôn hay làm phép lạ can thiệp cho gia đình tôi mua được, chúng tôi còn được chứng kiến “sự can thiệp diệu kỳ” của Thánh Cả Giu-se trong việc mua bán 2 căn nhà đường 51, Phường 14 Quận Gò Vấp (giáo xứ Thạch Đà).
Căn nhà trong hẻm gia đình tôi mua vào ngày 31/03/2011, ngày cuối cùng của tháng 3, tháng kinh Thánh Cả Giu-se. Vì mua được căn nhà ấy một cách đặc biệt nên sau khi nhận nhà tôi liền rước tượng Thánh Giu-se về gắn trên sân thượng, để nhớ công ơn của Thánh Cả đã cho gia đình tôi căn nhà ấy.
Mới đây vào đầu tháng 12/2015 gia đình tôi bán được căn nhà này, một cách nhanh chóng và dễ dàng đến bất ngờ, khiến chúng tôi vô cùng ngạc nhiên và chỉ có thể hiểu rằng chính Thánh Cả đã đem khách mua nhà đến cho chúng tôi.
9. Thay Lời Kết: Đôi lúc vợ chồng tôi vẫn nói nhỏ với nhau rằng thì là “vợ chồng mình chẳng có tài cán gì, chẳng biết làm ăn, buôn bán, áp-phe áp phích gì hết mà có được nhà để ở, có cuộc sống tạm ổn, thì quả là do Thiên Chúa thương yêu che chở và quan phòng cho mình. Vì thế cả nhà phải cảm tạ ơn Chúa và đừng lo!”
Tp HCM ngày 31 tháng 01 năm 2016
22 Tết Bính Thân
Giêrônimô Nguyễn Văn Nội
- Loại bài viết:
- Thể loại khác: