Chương 4
IV
NHỮNG ĐIỀU KIỆN THỂ CHẤT
CHO VIỆC KẾT HIỆP VỚI CHÚA
Tiếp đến, chúng ta xét xem những yếu tố bên ngoài của việc kết hiệp với Chúa: bao lâu, khi nào, ở đâu, với những tư thế nào.
Quả là sai lầm khi chúng ta quá coi trọng những điều này, để rồi làm cho việc kết hiệp với Chúa trở thành một điều gì đó đầy tính kỹ thuật. Về căn bản, chúng ta có thể thực hành kết hiệp với Chúa bất cứ lúc nào, bất cứ nơi đâu với những tư thế hoàn toàn khác nhau trong sự tự do thánh thiện của con cái Chúa. Tuy nhiên, con người không phải là những tinh thần thuần tuý mà là những thọ tạo cả hồn lẫn xác, thế nên, phải học cách sử dụng không gian và thời gian với những công việc thiêng liêng và càng phải cố gắng nhiều hơn vì không phải lúc nào tâm trí chúng ta cũng có thể cầu nguyện được. May thay, chúng ta có “anh lừa” đến trợ giúp - như cách dùng của thánh Phanxicô Assisi khi ngài gọi thân xác, và trong một cách thức nào đó - đền bồi cho sự bất lực của chúng ta bằng một dấu thánh giá, một sự phủ phục hay qua việc lần hạt với tràng chuỗi trên tay.
1. Thời gian
CẦU NGUYỆN KHI NÀO
Mọi thời khắc đều tốt cho việc cầu nguyện, nhưng mỗi người nên cố gắng hết sức có thể để cầu nguyện vào thời gian nào thích hợp nhất - khi tâm trí tương đối tươi tỉnh, chưa ngập đầy những bận tâm cấp bách, khi chưa có chuyện này xen chuyện kia vốn không ngừng tạo ra những gián đoạn… Thực tế, dù thông thường, chúng ta không tự do chọn cho mình giờ cầu nguyện vào một thời gian lý tưởng nào đó, nhưng chúng ta phải tận dụng mọi cơ hội có được khi có thể giành lấy để cầu nguyện.
Cũng cần tận dụng ơn Chúa sau những giờ khắc đặc biệt, chẳng hạn, sau rước lễ… hẳn là thời gian ưu tiên cho việc kết hiệp với Chúa.
Đây là điểm đáng nhấn mạnh: không nên xem cầu nguyện như một việc gì đó ngoại thường được làm vào một lúc nào đó, một khoảng thời gian mà khó khăn lắm chúng ta mới giành giật được từ những hoạt động khác. Nhưng cầu nguyện phải trở thành một thói quen, một phần của nhịp sống thường ngày, để rồi “nơi chỗ” của nó không bao giờ là thắc mắc và giả thiết chúng ta chỉ sống thêm một ngày cuối cùng. Điều này sẽ hun đúc lòng trung thành với việc cầu nguyện vốn là một cái gì hết sức thiết yếu. Cuộc sống được hình thành bởi những nhịp điệu: nhịp điệu của nhịp đập con tim và hơi thở, nhịp điệu của ngày và đêm, của các bữa ăn, của các tuần… Cầu nguyện cũng phải trở thành một cái gì sống còn đối với chúng ta như những nhịp điệu căn bản của tồn vong. Cầu nguyện phải trở thành hơi thở của linh hồn.
PHẢI CẦU NGUYỆN TRONG BAO LÂU
Thời gian dành cho việc cầu nguyện phải tương thích. Năm phút chẳng đủ cho Chúa. Năm phút là thời gian dành cho ai đó khi chúng ta muốn rút khỏi họ càng sớm càng tốt. Mười lăm phút là thời gian cực tiểu, không thể ít hơn; và bất cứ ai nếu có thể, không nên do dự dành một giờ mỗi ngày cho việc cầu nguyện hoặc đôi khi nhiều hơn.
Dẫu vậy, đôi lúc, mỗi người đều phải cẩn thận, đừng quá tham vọng trong việc quyết định thời lượng dành cho việc cầu nguyện. Bởi lẽ điều này sẽ dẫn người ta đến nguy cơ là thời giờ đặt ra vượt quá sức mình để rồi rốt cuộc phải nản chí. Một khoảng thời gian ngắn tương đối (hai mươi phút hay nửa giờ) bền bỉ trung thành dành cho việc cầu nguyện mỗi ngày sẽ tốt hơn thi thoảng, người ta dành ra đến hai giờ đồng hồ.
Điều tối quan trọng là phải quyết định thời lượng tối thiểu cho việc cầu nguyện và đừng rút ngắn nó (ngoại trừ những trường hợp thực sự bất thường). Thật là sai lầm khi những quyết định đó lại đặt trên nền tảng niềm vui có được trong việc cầu nguyện, để rồi khi cầu nguyện trở nên một cái gì nhàm chán, chúng ta dừng ngay. Đôi khi, dừng lại có thể là một quyết định khôn ngoan, nếu cầu nguyện dẫn đến quá mệt mỏi và lo lắng. Nhưng theo lẽ thường, để cho việc cầu nguyện sinh hoa kết quả, chúng ta phải trung thành với một thời lượng tối thiểu và không chiều theo cám dỗ rút ngắn nó lại. Điều này hết sức quan trọng vì kinh nghiệm cho thấy, thông thường, chính vào năm phút cuối cùng, Chúa viếng thăm và chúc lành cho chúng ta, sau khi chúng ta đã dành toàn bộ thời giờ còn lại cho việc thả lưới “mà chẳng đánh bắt được gì” như Phêrô đã vất vả suốt đêm.
2. Nơi chốn
Chúa ở khắp mọi nơi và chúng ta có thể cầu nguyện ở bất cứ nơi đâu: trong phòng, trong nhà nguyện, trước Thánh Thể, trên xe lửa hay cả khi sắp hàng trước quầy thanh toán ở siêu thị… Nhưng dĩ nhiên, thật đáng ao ước một nơi thuận tiện cho sự thinh lặng, hồi tâm và chú tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa. Nơi tốt nhất, khi thuận tiện là một nhà chầu Thánh Thể, đặc biệt nếu Thánh Thể được đặt ra ngoài hầu chúng ta có thể tận hưởng ân lộc từ sự Hiện Diện Đích Thực của Chúa.
Nếu việc cầu nguyện được thực hiện tại gia, tốt biết bao khi có một góc - cầu - nguyện phù hợp với ảnh tượng, một ngọn nến, một bàn thờ nhỏ hay bất cứ cái gì hữu ích cho chúng ta. Chúng ta cần phương tiện vật chất và những dấu chỉ bên ngoài. Ngôi Lời đã trở nên xác phàm… nên sẽ rất sai lầm khi chúng ta coi thường những phương tiện vật chất cũng như việc sử dụng chúng đang khi chúng có thể gia tăng lòng đạo đức. Khi việc cầu nguyện trở nên khó khăn hơn, việc chăm chú ngắm nhìn một ảnh tượng nào đó hay một ngọn nến đang cháy… có thể dẫn chúng ta trở về với sự hiện diện của Chúa.
Như thời giờ cần có cho việc cầu nguyện, cũng thế, chúng ta cần có một nơi chốn dành riêng cho việc cầu nguyện tại nhà. Ngày nay, nhiều gia đình cảm thấy cần dành riêng một phòng hay một góc phòng như một kiểu nhà nguyện.
3. Tư thế
Tự nó, thái độ hay tư thế cầu nguyện không quá quan trọng. Tôi xin lặp lại, cầu nguyện không phải là yoga. Thái độ tốt nhất tuỳ thuộc vào mỗi cá nhân, tuỳ vào thể trạng mệt mỏi hay khoẻ mạnh và những gì phù hợp với từng người. Chúng ta có thể ngồi, quỳ, úp mặt xuống đất hay ngay cả đứng hoặc nằm trên giường để cầu nguyện.
Dẫu theo nguyên tắc, điều này có vẻ tự do, nhưng cũng cần lưu ý một đôi điều. Trước tiên, tư thế được chọn phải là tư thế thoải mái nhất, để mỗi người có thể tĩnh lặng, hồi tâm, hít thở dễ dàng… Nếu không thoải mái để rồi cứ vài phút, chúng ta đổi tư thế… điều đó sẽ ảnh hưởng xấu đến việc ý thức sự hiện diện của Chúa, một điều thiết yếu trong cầu nguyện.
Cùng lúc đó, thái độ thể lý cũng không được quá thoải mái. Kết hiệp đòi hỏi chú tâm đến sự hiện diện của Chúa và tư thế phải khích lệ cho việc hướng lòng lên Người. Một đôi khi, chúng ta bị cám dỗ nhác nhớn, một thái độ thể lý diễn tả tốt hơn việc kiếm tìm và khát khao Người - chẳng hạn, quỳ trên một chiếc ghế cầu kinh hay chiếc gối quỳ với đôi tay rộng mở - sẽ giúp chúng ta dễ tập trung vào Chúa. Đây là cơ hội để chúng ta phục vụ linh hồn bằng việc sử dụng “anh lừa”.
- Thư Viện: