Chương 5
V
MỘT VÀI PHƯƠNG PHÁP CẦU NGUYỆN
1. Một số ý tưởng đầu tiên
Tiếp đến, dưới ánh sáng của những gì đã được bàn thảo cho đến nay, là một vài ý tưởng về những phương pháp cầu nguyện căn bản. Thông thường, không phương pháp nào được gọi là bắt buộc cả; nhưng cũng cần xét đến vì đôi lúc chúng ta sẽ vận dụng phương pháp này hoặc phương pháp kia.
Trước hết, làm thế nào chúng ta biết chọn phương pháp cầu nguyện này hơn phương pháp cầu nguyện kia? Về vấn đề này, mỗi người hoàn toàn tự do chọn cho mình phương pháp phù hợp nhất, làm sao họ cảm thấy thoải mái và ngày càng yêu mến Chúa nhất. Với bất cứ phương pháp nào, mỗi người đều phải chịu khó ở lại trong “bầu khí” thánh thiêng hay thái độ đã nói trên đây. Chúa Thánh Thần sẽ hướng dẫn và Ngài sẽ làm phần còn lại.
Ngoài ra, mỗi người còn phải kiên trì. Bất cứ phương pháp nào cũng đều có những thời gian khô khan nên mỗi người phải tránh cám dỗ từ bỏ một lối cầu nguyện nào đó chỉ sau vài ngày bởi không được kết quả như mong đợi. Vậy mà, cùng lúc đó, phải thanh thoát và không bám dính. Có lẽ cho đến nay, chúng ta đã cầu nguyện theo một cách thức được coi là tốt và hiệu quả cho mình, nhưng nếu Thánh Thần thôi thúc hãy từ bỏ nó vì đã đến lúc bước theo một cách thức khác, chúng ta không nên bám vào những gì đã quen thuộc.
Cuối cùng, một số phương pháp khác nhau có thể được “kết hợp” chẳng hạn, một phần của giờ cầu nguyện dành cho suy niệm, phần còn lại dành cho việc nhẩm tắt Kinh Nguyện Giêsu. Nhưng cần cảnh giác trước nguy cơ nhảy từ việc này qua việc kia. Cứ sau vài phút, chuyển qua một lối cầu nguyện khác sẽ chẳng hay ho gì. Kết hiệp với Chúa cần có một sự tĩnh lặng nào đó, một sự ổn định làm nên một khả năng trao đổi tình yêu đích thực ở mức độ sâu xa nhất. Tình yêu chuyển động chậm rãi và thanh thản: Những chuyển động này là những thái độ ổn định bởi chúng bao hàm toàn bộ hữu thể của chúng ta vào việc đón nhận Thiên Chúa và trao ban chính mình cho Người.
2. Suy niệm
Như chúng ta thấy trước đây, suy niệm đã trở thành nền tảng của hầu hết mọi phương pháp cầu nguyện được gợi lên ở Tây Phương ít nhất cũng là vào thế kỷ XVI[1]. Nhưng việc suy niệm có thể lùi về trước nữa, bám rễ sâu trong tập quán bất di bất dịch của Giáo Hội, trong truyền thống Do Thái trước đó khi Thánh Kinh được đọc một cách thiêng liêng và nội tâm hoá để cầu nguyện. Lectio divina theo truyền thống tu viện - đọc Thánh Kinh hay sách thiêng liêng - là một trong những ví dụ đặc trưng nhất.
Suy niệm bắt đầu bằng thời kỳ chuẩn bị vốn có thể ngắn hơn hay dài hơn, có thể có hay không có một khuôn mẫu rõ rệt, qua đó, mỗi người có thể đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa, cầu xin Chúa Thánh Thần… Suy niệm tự nó bao gồm việc đọc chậm rãi một bản văn Thánh Kinh hay một đoạn sách thiêng liêng, rồi đưa ra một số “nhận định” về bản văn đó - cố gắng hiểu những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta qua bản văn này và làm sao để áp dụng điều đó trong cuộc sống. Những nhận định này sẽ soi lòng mở trí và nung nấu tình yêu để chúng ta có thể bộc lộ những cảm xúc mà chúng khơi gợi, từ đó đưa ra những quyết tâm.
Vì thế, mục đích của việc đọc này không nhằm gia tăng hiểu biết tri thức nhưng gia tăng lòng yêu mến Chúa. Không nên đọc vội vã ; trái lại, chậm rãi, dừng lại ở mỗi điểm, “trầm ngâm” điểm đó bao lâu nó còn cung cấp chất dinh dưỡng cho linh hồn; biến nó thành lời cầu nguyện, đối thoại với Thiên Chúa, những hành vi tạ ơn hay thờ lạy. Sau khi đã tận dụng hết sức có thể điểm này, chúng ta đi qua điểm tiếp theo hay đoạn kế tiếp của bản văn. Thông thường chúng ta nên kết thúc bằng một lời cầu nguyện tóm tắt tất cả những gì đã suy gẫm, cảm tạ Chúa về điều đó và xin Người ban ơn giúp chúng ta đem điều đó ra thực hành.
Rất nhiều sách viết về các phương pháp và chủ đề cho hình thức suy niệm này. Như một ví dụ, bạn hãy xem bức thư ý nghĩa của Cha Libermann gửi cháu trai mình sẽ được trình bày trong phần Phụ Trương I cuối cuốn sách này, hay lời khuyên mà thánh Phanxicô Salêsiô đưa tra trong tác phẩm Introduction to the Devout Life.
Lợi thế của việc suy niệm ở chỗ: dễ tiếp cận, được sử dụng như một phương thế khởi đầu cho những ai mới đi vào đời sống kết hiệp với Chúa. Thực hành suy niệm không mấy khó khăn, đồng thời tránh được những biếng nhác thiêng liêng nhờ việc được cuốn hút vào tiến trình suy tư và ý muốn của chúng ta.
Tuy nhiên, suy niệm cũng có một vài nguy cơ. Nó có thể trở thành một bài tập luyện trí óc hơn là một sự dịch chuyển của tâm hồn và rốt cuộc, người ta chú tâm đến những nhận định có được về Thiên Chúa hơn là học biết yêu mến Người. Sự phấn chấn có thể tìm thấy từ sự lanh lợi thông minh nơi mỗi người, có thể khiến chúng ta bám chặt vào nó một cách tinh tế như một hình thức hoạt động tri thức.
Như thế, cách chung, suy niệm trở nên - không sớm thì muộn, hoàn toàn không thực hiện được. Tâm trí không còn suy gẫm nhiều hơn, không còn đọc, không còn có thể đưa ra nhận định… theo thể thức vừa được mô tả. Nhưng thông thường, đây cũng là một dấu hiệu tốt[2]. Sự khô khan như thế thường có nghĩa Thiên Chúa muốn dẫn linh hồn vào một phương thế cầu nguyện gắt gao hơn, nhưng sâu sắc và thụ động hơn. Như đã giải thích, đây là một bước không thể thiếu. Suy niệm liên kết chúng ta với Thiên Chúa bằng những khái niệm, hình ảnh và những ấn tượng mang tính cảm giác… nhưng Người vượt xa mọi thứ đó và ở một mức độ nào đó, chúng ta phải bỏ lại tất cả đằng sau để tìm thấy Thiên Chúa trong chính Người bằng cách đi một con đường khốn cùng hơn nhưng lại mang bản ngã thiết yếu của chúng ta đến với Bản Thể của Người. Bài học căn bản của thánh Gioan Thánh Giá không đề cập nhiều về cách thức làm sao để suy niệm cho tốt, nhưng lúc cần thiết, làm sao biết để lại đằng sau việc suy niệm mà không trở nên bực tức, chấp nhận việc không có khả năng suy gẫm như một thắng lợi chứ không như một mất mát.
Tóm lại, suy niệm chỉ có ích chừng nào nó giải thoát chúng ta khỏi những bám víu thế tục, tội lỗi, thờ ơ… và mang chúng ta đến gần Thiên Chúa hơn. Nhưng chúng ta cũng cần biết cách dẹp nó sang một bên lúc cần thiết - và dĩ nhiên, tuỳ vào sự khôn ngoan của Thiên Chúa, chứ không phải khôn ngoan của mình cho những quyết định lúc đó là lúc nào. Cũng cần lưu ý, cả khi chúng ta không còn thực hành suy niệm như một hình thức cầu nguyện quen thuộc nữa, đôi lúc trở lại với nó cũng có thể hữu ích. Đọc, nhận định và tìm kiếm Thiên Chúa cách tích cực hơn có thể giúp chúng ta khỏi rơi vào một loại lười biếng thiêng liêng hay uể oải trong cầu nguyện vốn có thể xảy ra. Cuối cùng, cả khi việc suy niệm không là, hay không còn là nền tảng cho việc cầu nguyện, lectio divina vẫn phải có một chỗ trong đời sống thiêng liêng của mỗi người. Thật thiết yếu khi phải đọc Thánh Kinh và sách thiêng liêng thường xuyên, để nuôi dưỡng tâm trí và linh hồn bằng những gì thuộc về Thiên Chúa, trong khi sẵn sàng thỉnh thoảng tạm ngưng đọc để cầu nguyện dựa trên những điểm đánh động chúng ta.
Như vậy suy niệm có phải là một hình thức cầu nguyện thực sự phù hợp với con người thời nay không? Chẳng lý do gì mà nó không thể như thế, miễn chúng ta tránh xa những cạm bẫy vừa mới đề cập và có thể rút ra những lợi ích từ đó. Cùng lúc, không nghi ngờ rằng, những bộ óc hiện đại và những hình thức trải nghiệm thiêng liêng khiến nhiều người cảm thấy khó chịu với suy niệm và cảm thấy dễ dàng hơn với những phương thức cầu nguyện ít hệ thống nhưng đơn giản và trực tiếp hơn.
3. “Kinh nguyện Giêsu”
Kinh Nguyện Giêsu hay Kinh Cầu Trái Tim là một thái độ cung kính dẫn đến đời sống cầu nguyện theo truyền thống Kitô giáo Đông Phương, đặc biệt ở Nga. Nó đã trở nên khá phổ biến ở Tây Phương trong những năm gần đây, và nếu được như thế thì quả là tốt vì nó có thể dẫn nhiều linh hồn đi vào đời sống cầu nguyện nội tâm.
Kinh Nguyện Giêsu bao gồm việc lặp đi lặp lại một công thức ngắn, như “Lạy Chúa Giêsu, Con Thiên Chúa Hằng Sống, xin thương xót con là kẻ tội lỗi!”. Công thức phải chứa đựng danh thánh Giêsu, tên nhân thế của Ngôi Lời. Phương thức cầu nguyện này gắn kết với một “linh đạo về Thánh Danh” rất ý nghĩa và có nguồn gốc trong Thánh Kinh. Đó là một truyền thống rất cổ xưa.
Trong số nhiều vị thánh khác, thánh Macarius người Ai Cập, sống vào thế kỷ IV, là chứng nhân nổi bật của Kinh Nguyện này. Đối với ngài, những điều tự nhiên nhất là những dấu hiệu giúp ngài ngước mắt nhìn xem những thực tại siêu nhiên. Bằng cách ấy, ngài gợi lại cho thánh Pemen về một thói quen của người phụ nữ Đông Phương:
Khi còn bé, tôi thường thấy người ta nhai cau trầu để làm ngọt nước bọt và tống những mùi khó chịu khỏi miệng. Danh Thánh Chúa Giêsu Kitô cũng phải như vậy đối với chúng ta: nếu chúng ta nhai Danh Thánh này bằng cách phát âm nó không ngơi nghỉ, nó sẽ mang lại tất cả ngọt ngào cho linh hồn, tỏ cho chúng ta những sự trên trời; qua Ngài là lương thực của niềm vui, giếng cứu độ, mạch nước hằng sống, sự ngọt ngào của tất cả mọi ngọt ngào; và những ý tưởng tà vạy sẽ bị xua khỏi tâm trí bởi Thánh Danh này; Danh của Đấng đang ngự trên các tầng trời, Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta, Vua các Vua, Chúa các chúa, phần thưởng thiên quốc dành cho những ai hết lòng tìm kiếm Ngài.
Lợi thế của kinh nguyện này là nó khó nghèo, đơn sơ, dựa trên một thái độ hết sức khiêm tốn nhưng lại có thể dẫn đến một đời sống kết hiệp với Chúa cách sâu xa nhiệm mầu.
Kinh nguyện này có thể được sử dụng hầu như bất cứ nơi đâu, bất cứ khi nào, ngay cả giữa những công việc khác… vì thế, có thể dẫn đến một đời sống kết hiệp với Chúa liên lỉ. Thông thường, nó được đơn giản hoá theo thời gian, không gì đơn giản hơn việc chỉ kêu cầu Thánh Danh “Giêsu” hay một điều gì đó rất vắn gọn, như ”Lạy Chúa Giêsu, con yêu mến Chúa” hoặc ”Lạy Chúa Giêsu, xin thương xót con cùng” như Chúa Thánh Thần thôi thúc mỗi người.
Trên tất cả mọi sự, dẫu đây là quà tặng nhưng không từ Thiên Chúa và không bao giờ áp đặt - kinh nguyện này vẫn ”đi từ khối óc đến con tim”. Một khi đã trở nên đơn giản hơn, nó được nội tâm hoá để trở thành hầu như máy móc và liên lỉ, một hình thức Thánh Danh Giêsu cư ngụ vĩnh viễn trong tâm hồn con người. Ấp ủ Thánh Danh này trong yêu thương, tâm hồn cầu nguyện không ngừng và ở đó, xây cho mình một căn nhà riêng tư, nơi Thánh Danh Giêsu nương náu - Thánh Danh mà từ đó phát sinh tình yêu và bình an, ”Tên anh là mùi thơm man mác toả lan” (Dc 1, 3).
Rõ ràng Kinh Nguyện Giêsu là một hình thức kết hiệp với Chúa tuyệt vời, nhưng đó không phải là quà tặng được trao cho mọi người, ít nữa không theo hình thức vừa mô tả. Thế nhưng, đó không phải là lý do miễn cho việc cầu nguyện khi nghĩ rằng chỉ cần giữ Thánh Danh Giêsu trong tâm hồn và tâm trí chúng ta nhiều ngần nào có thể và lặp đi lặp lại cách thường xuyên và yêu mến là đủ. Đây là một phương thế kết hợp với Chúa, bởi tên gọi thoạt đầu chỉ là tượng trưng - nhưng rồi, hiện tại hoá - Ngôi Vị và như thế phải đi đến chỗ gặp gỡ.
Mối nguy của Kinh Nguyện Giêsu là tìm cách áp đặt mọi sự bằng việc lặp đi lặp lại nó một cách mệt mỏi và máy móc vốn rốt cuộc, kết thúc với những căng thẳng thần kinh. Kinh nguyện này cần được gẫm nguyện hài hoà, nhẹ nhàng, không áp đặt cũng không tìm cách kéo dài hơn những gì Chúa ban, đồng thời, giao nó cho Người hầu Người biến nó thành một điều gì đó nội tâm hơn, liên lỉ hơn nếu Người muốn như vậy. Hãy nhớ lại nguyên tắc ban đầu: một đời sống cầu nguyện sâu thẳm không là kết quả của một kỹ năng, nhưng của ân sủng.
4. Chuỗi Mân Côi
Một số người có thể ngạc nhiên khi thấy Chuỗi Mân Côi truyền thống được xem như một phương thế kết hiệp với Chúa. Thế nhưng, Chuỗi Mân Côi đã làm cho việc cầu nguyện mang tính chiêm niệm, có khi liên tục, khả thi cho nhiều người, mà có lẽ cả họ cũng không nhận ra điều đó.
Chuỗi Mân Côi cũng là lời kinh đơn sơ, nghèo khó dành cho những người nghèo - ai mà không nghèo? Lợi thế của nó là đã trở thành kinh nguyện cho mọi mùa, mọi dịp và mọi người: lời kinh cộng đoàn, lời kinh gia đình, lời kinh thống hối (khi muốn cầu nguyện cho ai đó, chúng ta thường đọc cho họ mười kinh Kính Mừng). Nhưng, ít nữa cho những người lãnh nhận ơn này, lời kinh cũng có thể là lời nguyện của tâm hồn vốn rất giống Kinh Nguyện Giêsu khả dĩ dẫn vào đời sống kết hiệp với Chúa. Rốt cuộc, Danh Thánh Giêsu cũng là trọng tâm của kinh Kính Mừng.
Trong Chuỗi Mân Côi, chính Đức Maria dẫn chúng ta vào lời kinh riêng của ngài, giúp chúng ta đến gần nhân tính Đức Giêsu, dẫn chúng ta đi vào các mầu nhiệm của Con ngài. Một cách nào đó, Đức Mẹ cho chúng ta thông dự vào lời kinh của ngài và đây hẳn là lời kinh sâu sắc nhất.
Thông thường, khi được đọc chậm rãi trong tâm tình suy gẫm, Chuỗi Mân Côi có thể thiết lập một sự hiệp thông với Thiên Chúa trong tâm hồn chúng ta. Tâm hồn Đức Maria giúp chúng ta đi vào tâm hồn Chúa Giêsu. Mỗi khi cảm thấy khó suy gẫm, khó cầu nguyện, tôi đã trải nghiệm việc bắt đầu với Kinh Mân Côi và rồi nhanh chóng đạt được bình an nội tâm cũng như kết hiệp với Chúa. Ngày nay, sau một thời gian bị lãng quên, Kinh Mân Côi được tái khám phá như một phương thế vô cùng giá trị cho việc đi vào đời sống cầu nguyện cách thâm sâu và đầy yêu mến. Đây không phải là chuyện thời trang hay việc trở lại với một lòng sùng đạo vốn đã mai một… nhưng đây là một dấu chỉ về sự hiện diện đầy tình mẫu tử của Đức Maria, một sự hiện diện rất rõ ràng trong thời đại chúng ta. Đức Mẹ những ước mong dẫn dắt tâm hồn của tất cả con cái Mẹ trở về với Chúa Cha ngang qua cầu nguyện.
5. Làm sao giải gỡ một vài khó khăn
KHÔ KHAN, CHÁN GHÉT, CÁM DỖ
Dù áp dụng cầu nguyện theo cách nào đi nữa, chắc chắn chúng ta vẫn phải đương đầu với những khó khăn. Một số đã được đề cập: khô khan, chán ghét, cảm thấy mình không ra gì, cảm giác nỗ lực cầu nguyện sao mà vô ích.
Điều đầu tiên phải nói trước những khó khăn như thế là, chúng không làm chúng ta ngạc nhiên hay phải lo lắng bồn chồn. Không những chúng là một cái gì không thể tránh khỏi, nhưng thực ra, còn ích lợi cho chúng ta. Chúng thanh luyện lòng yêu mến Chúa và làm cho đức tin nên mạnh mẽ. Hãy đón nhận chúng như một ân sủng, bởi đó là một phần phương pháp sư phạm Thiên Chúa dùng để thánh hoá và mang chúng ta đến gần Người hơn. Chúa không bao giờ cho phép chúng ta trải nghiệm những thời kỳ thử thách trừ phi Người nhắm điều đó để thông ban dồi dào ân sủng hơn một khi thử thách qua đi. Vậy, đừng nản lòng. Hãy kiên trì. Chúa là Thiên Chúa, Đấng thấu suốt mọi thiện chí của chúng ta, sẽ biến mọi sự nên mối lợi cho con cái Người.
Những gì vừa được nói đến ở đây hẳn đã làm rõ ý nghĩa của những khó khăn như thế đồng thời cho thấy những cách thức để đương đầu với chúng.
Đối với những khó khăn lớn, những khó khăn dai dẳng vốn cướp đi bình an trong tâm hồn - một sự bất lực hoàn toàn và lâu dài nào đó trong việc cầu nguyện đôi lúc có thể xảy ra - chúng ta phải cởi mở trình bày với vị linh hướng, người sẽ trấn an và cho chúng ta những lời khuyên thích hợp.
LO RA CHIA TRÍ
Lo ra chia trí là một trong những khó khăn khá thông thường khi cầu nguyện. Chúng tuyệt đối bình thường và như thế, chúng ta không ngạc nhiên và cũng chẳng u buồn vì chúng. Lúc cầu nguyện, mỗi khi nhận ra mình đang chia trí và nghĩ ngợi mông lung, thay vì trở nên thất vọng hay bực tức, chúng ta nên đơn giản, bình tĩnh và nhẹ nhàng hướng lòng trí mình về lại với Thiên Chúa. Nếu cả khoảng thời gian cầu nguyện của chúng ta không gì khác hơn ngoại trừ việc chiến đấu này, nghĩa là liên tục lạc lối và không ngừng trở về với Chúa, không sao cả. Vì trong cuộc chiến đấu không ngừng để trở về với Chúa, lời cầu nguyện của chúng ta, dẫu nghèo nàn đến đâu… vẫn sẽ làm vui lòng Người. Người là Cha, Người biết chúng ta được dựng nên bằng gì, Người không đòi hỏi thành công nhưng đòi hỏi thiện chí. Thông thường, học biết chấp nhận sự nghèo hèn và bất lực của mình mà không trở nên nản chí hay buồn bực, sẽ tốt hơn làm mọi sự cách hoàn hảo.
Cũng hãy nhớ rằng, trừ một số tình trạng đặc biệt do chính Thiên Chúa mang lại, con người tuyệt đối không thể kiểm soát và tập trung toàn bộ hoạt động của tâm trí mình để nó có thể suy gẫm và chú tâm mà không lạc lối hoặc lo ra chia trí. Kết hiệp với Chúa giả định trước việc suy gẫm, nhưng đó không phải là kỹ thuật tập trung tâm trí. Tìm cách đạt cho được việc suy gẫm tuyệt đối sẽ là một sai lầm vốn gây ra những căng thẳng thần kinh hơn bất cứ điều gì khác.
Ngay cả trong những trạng thái cầu nguyện thụ động hơn, vẫn còn một khối lượng hoạt động nào đó của tâm trí, các ý tưởng và sự tưởng tượng. Tâm hồn có thể ở trong một thái độ suy gẫm bình an, hướng về Thiên Chúa cách mật thiết… nhưng tư tưởng của chúng ta có thể đang lang thang ở một mức độ nào đó. Có lẽ đó là một mối phiền toái, nhưng không nghiêm trọng và nó không cản trở việc tâm hồn kết hiệp với Chúa. Những chú ruồi nhỏ nhắn vo ve đâu đó - những tư tưởng hướng ngoại - không làm gián đoạn việc suy gẫm của tâm hồn.
Khi việc cầu nguyện vẫn là một cái gì “thuộc trí óc” mà phần lớn là hoạt động của tâm trí, thì lo ra chia trí sẽ gây phiền hà, bởi khi ấy chúng ta không còn cầu nguyện nữa. Nhưng nếu nhờ ơn Chúa, chúng ta đi vào một hình thức cầu nguyện sâu xa hơn, một lối cầu nguyện của con tim, lo ra chia trí sẽ ít gây phiền hà hơn. Thông thường, các ý tưởng vẫn cứ đến rồi đi, nhưng điều đó sẽ không trở ngại cho việc cầu nguyện của con tim.
Vậy, giải pháp thích hợp cho việc lo ra chia trí không phải là để cho tâm trí tập trung nhiều hơn nhưng để con tim yêu mến nồng nàn hơn.
*
Tôi đã nói nhiều điều, nhưng chỉ nói qua. Ước gì tập sách này có thể giúp một số người đang khởi sự đi vào con đường kết hiệp với Chúa được can trường bền chí. Đó là mục đích duy nhất của tôi khi viết những chương này. Nếu người đọc, với một chút thiện chí, đem ra thực hành những gì tôi đã cố gắng trình bày, Chúa Thánh Thần sẽ làm phần còn lại.
Với những ai muốn đi sâu hơn vào chủ đề này, tôi khuyến khích họ tìm đọc những tác phẩm của các thánh, đặc biệt là những thánh được đề cập trong cuốn này. Đó là nơi để tìm ra những giáo huấn sâu sắc nhất và ít lỗi thời nhất. Biết bao sách vở chứa đựng những kho tàng vô giá, vô cùng hữu ích cho đời sống các tín hữu; ấy thế, chúng đang bị bỏ mặc cho bụi bám đầy dẫy trên những kệ sách ở các thư viện. Nếu các bậc thầy linh đạo Kitô giáo được biết đến nhiều hơn, hẳn sẽ không có nhiều người trẻ cảm thấy nhu cầu tìm đến các “lãnh tụ tinh thần” để thoả mãn những cơn khát thiêng liêng của mình.
[1] Cần ghi nhớ điều này khi đọc những tác giả cổ điển như thánh Têrêxa Avila và Gioan Thánh Giá; bằng không, sẽ có nguy cơ hiểu lầm một số giáo huấn của họ, những giáo huấn cho rằng ai đã khởi sự cầu nguyện - nhờ thực hành suy niệm - có thể không cần phải áp dụng cầu nguyện theo một hướng khác, miễn sao cho phù hợp với tình trạng linh hồn mình.
[2] Thánh Gioan Thánh Giá đưa ra một số phương thế để xác định xem việc không có khả năng suy niệm có thực sự là một dấu hiệu cho thấy Thiên Chúa muốn dẫn người ta vào việc chiêm ngắm sâu sắc hơn hay không. Dĩ nhiên, sự khô khan nguội lạnh có thể xảy ra bởi một số nguyên nhân khác: sự lãnh đạm, vốn khiến ta chán ghét các thực tại về Thiên Chúa; hay những nguyên nhân tâm lý - một loại kiệt quệ trí óc ngăn ngừa sự quan tâm vào bất cứ điều gì. Nếu nó bắt nguồn từ Thiên Chúa, thì việc không thể nguyện ngắm này sẽ kéo theo hai điều: trước tiên, hướng đến sự tĩnh mịch và cô tịch, khát khao sống thinh lặng trước sự hiện diện của Chúa; thứ đến, thiếu vắng bất cứ khát khao nào - áp dụng trí tưởng tượng của mình vào bất cứ điều gì - ngoại trừ Thiên Chúa (xem The Ascent of Mount Carmel, ch. 13).
- Thư Viện: