Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cần Kết Hợp Giữa Hoạt Động Và Cầu Nguyện

Tác giả: 
Lm. Anthony Trung Thành

 

 

Suy Niệm CHÚA NHẬT XVI THƯỜNG NIÊN C

 

Cần Kết Hợp Giữa Hoạt Động Và Cầu Nguyện

 

 

Trong thực hành đạo hằng ngày, chúng ta có thể thấy ba thái độ sau đây nơi các kitô hữu: thái độ thứ nhất, là những người chỉ cầu nguyện chứ không hoạt động hay ít hoạt động; thái độ thứ hai, là những người chỉ hoạt động chứ không cầu nguyện hay ít cầu nguyện; thái độ thứ ba, là những người biết nối kết cả cầu nguyện và hoạt động.

 

1. Thái độ duy cầu nguyện

 

Mới đây có một người đàn ông phàn nàn với tôi về người vợ của mình, ông nói: “Thưa cha, xin cha giúp con với, vợ của con đạo đức quá.” Nghe ông ta nói vậy, tôi cảm thấy hơi lạ và nghĩ bụng rằng: Vợ đạo đức thì tốt chứ sao lại phàn nàn? Ông ta trình bày tiếp: “vợ con ăn rồi chỉ lo đọc kinh, lần chuỗi…Bà ấy đọc kinh trong gia đình chưa đủ còn tham gia đọc kinh ở nhà thờ, tại các nhóm và các hội đoàn khác nữa: nhóm lòng thương xót, nhóm cầu nguyện, hội Mân Côi, hội Lêgiô, gia đình Thánh Tâm, dòng Phan Sinh tại thế…Hầu như thời gian trong ngày bà ấy dành hết cho việc đọc kinh cầu nguyện. Chính vì vậy, bà ấy bỏ bê công việc nội trợ, không lo giáo dục con cái. Con góp ý nhiều lần mà bà ấy không nghe. Cho nên, hai bên thường to tiếng với nhau.”

 

Người đàn bà trong câu chuyện trên đây là đại hiện cho những người có thái độ duy cầu nguyện. Bà chỉ dành thời gian để cầu nguyện mà thôi, trong khi đó bỏ bê các bổn phận quan trọng khác. Đây là thái độ không chỉ bị chồng lên án mà chắc chắc không có ai đồng tình. Cầu nguyện là tốt, nhưng duy cầu nguyện để rồi bỏ bê công việc bổn phận thì không tốt chút nào. Những ai đang sống trong thái độ trên cần phải sắp xếp lại để có thời gian chu toàn các bổn phận khác của gia đình và xã hội.

 

Vì thế, các bậc cha mẹ cần sắp xếp các giờ kinh nguyện trong gia đình thật phù hợp, làm sao thật ngắn gọn để mọi thành viên trong gia đình có thể tham gia đầy đủ. Các hội đoàn, các tổ liên gia cũng cần cố gắng sắp xếp thời gian đọc kinh và sinh hoạt hợp lý, vừa phải.

 

Tôi cũng luôn cố gắng sắp xếp các giờ kinh lễ ở nhà thờ cho phù hợp với công ăn việc làm của anh chị em: mùa đông, mùa hè, mùa các em đi học, mùa gặt, cấy cày... Thánh lễ ngày thường tôi cố gắng rút gọn trong vòng khoảng 35-40 phút. Thánh lễ Chúa Nhật và các ngày lễ trọng trong vòng khoảng 50-60 phút. Giờ kinh và giờ chầu buổi tối trong vòng từ 30-40 phút. Ngoài ra, các cuộc họp, các buổi sinh hoạt khác của hội đồng mục vụ giáo xứ, các giáo họ cần đúng giờ, đúng trọng tâm của chương trình đề ra, không kéo lê thời gian ảnh hưởng đến công việc của mọi người.

 

2. Thái độ duy hoạt động

 

Tin mừng hôm nay cho chúng ta thấy, khi Chúa Giêsu tới nhà thăm, cô Martha lo lắng soạn sửa nấu nướng để chuẩn bị bữa ăn cho Ngài và các môn đệ. Thực ra, việc Martha lo lắng soạn sửa để đón tiếp Chúa là điều hợp tình hợp lý. Vì việc làm đó nói lên tinh thần hiếu khách của cô. Người Việt Nam chúng ta thường hay nói: “Khách đến nhà không gà thì vịt.”

 

Bài đọc I hôm nay cũng ca ngợi lòng hiếu khách của ông Abraham. Khi thấy ba người khách lạ đang đứng ở ngoài lều. Abraham đã vội vàng mời họ vào nhà và tiếp đãi một cách rất nồng hậu: lấy nước cho họ rửa chân, lấy bột làm bánh, bắt con bê béo tốt làm thịt đãi khách. Ông không ngờ đây là ba vị sứ giả của Thiên Chúa. Đáp lại lòng hiếu khách và quảng đại của Abraham, ba vị sứ giả đã loan báo cho ông: Thiên Chúa sẽ ban cho ông một đứa con trai đầu lòng mà ông hằng mơ ước, mặc dầu hai ông bà  đều già quá tuổi sinh con. (x. St 18, 1-10a)

 

Như vậy, việc Martha lo lắng soạn sửa bữa ăn cho Chúa Giêsu và các môn đệ không phải là xấu, mà đó là việc làm của lòng hiếu khách. Nhưng Thánh Luca kể, Martha thấy Maria ngồi bên Đức Giêsu, thì cô liền nói với Ngài rằng: "Lạy Thầy, em con để con hầu hạ một mình mà Thầy không quan tâm sao? Xin Thầy bảo em con giúp con với" (Lc 10,40). Khi nói lên những lời này, nơi Martha có thể có hai thái độ: thái độ thứ nhất, cô muốn khoe với Chúa về công việc chuẩn bị bữa ăn của mình. Thái độ thứ hai, cô ghen tỵ với Maria, vì Maria không chịu giúp cô mà chỉ ngồi bên chân Chúa. Vì vậy, Chúa Giêsu sửa dạy Martha một cách khôn khéo rằng: "Martha, Martha, con lo lắng bối rối về nhiều chuyện. Chỉ có một sự cần mà thôi: Maria đã chọn phần tốt nhất và sẽ không bị ai lấy mất" (Lc 10, 41- 42). Đức Giêsu không phủ nhận công việc phục vụ của Martha, nhưng Ngài muốn Martha hiểu rằng: khi phục vụ, cần phải có lòng yêu mến và sự khiêm tốn. Mặt khác, cần phải dành thời gian ở bên Chúa, nói chuyện với Chúa, nghĩa là phải kết hợp giữa hoạt động và cầu nguyện. Ngoài ra, khi cần phải chọn lựa giữa hoạt động và cầu nguyện thì phải ưu tiên việc cầu nguyện hơn. Phục vụ là tốt, nhưng cầu nguyện thì tốt hơn: “Maria đã chọn phần tốt nhất”(Lc 10,42).

 

Đôi khi trong cuộc sống, nhiều người trong chúng ta cũng giống như cô Martha, dễ vướng vào thái độ duy hoạt động. Họ chỉ lo hoạt động chứ không bao giờ cầu nguyện. Họ làm việc tất bật hằng ngày đến nỗi không còn thời gian để đi tham dự các giờ kinh lễ ở nhà thờ, không có thời gian để cầu nguyện chung với nhau trong gia đình hay cầu nguyện riêng. Nếu có cầu nguyện thì cũng cầu nguyện một cách sơ sài, chiếu lệ. Nhưng khi có một chút thành công thì họ muốn cho bề trên biết, nhằm khoe khoang tài năng của mình. Thậm chí, họ dựa vào thành công đó để phê phán, chỉ trích và coi thường người khác. Chúng ta cần tránh thái độ duy hoạt động.

 

3. Cần kết hợp giữa hoạt động và cầu nguyện

 

Con người cần lao động để có của nuôi sống phần xác. Học sinh cần phải học hành để biết đọc biết viết và để hiểu biết những kiến thức cần cho cuộc sống. Người cha người chồng cần phải lao động để có của nuôi sống gia đình. Người mẹ, người vợ cần phải lo công việc nội trợ gia đình. Người kitô hữu cần hoạt động để loan báo Tin mừng. Để nuôi sống phần hồn, người kitô hữu cần phải cầu nguyện, suy gẫm Lời Chúa, lãnh nhận các Bí tích…

 

Nhưng người kitô hữu không chỉ dành thời gian riêng để cầu nguyện, làm việc thờ phượng Chúa hay lao động chân tay mà còn cần phải tập thói quen vừa làm việc vừa cầu nguyện. Có một thanh niên hỏi một linh mục: “Thưa cha, con có thể hút thuốc khi cầu nguyện không?”. Vị linh mục trả lời rằng: “không được, nhưng con có thể cầu nguyện khi hút thuốc”. Thật vậy, khi cầu nguyện, đọc kinh, xem lễ không cho phép chúng ta chia lòng chia trí vào các việc khác, nhưng khi chúng ta làm bất cứ việc gì chúng ta cũng có thể cầu nguyện. Học sinh có thể cầu nguyện khi đang học bài. Các bà mẹ có thể cầu nguyện khi đang làm việc nội trợ, buôn bán, đi chợ. Các ông có thể cầu nguyện khi đang xây nhà, cày cấy ngoài đồng ruộng. Nghĩa là, chúng ta có thể cầu nguyện trong mọi nơi và mọi lúc. Thánh Gioan Kim Khẩu nói : “Bạn có thể cầu nguyện thường xuyên và sốt sắng khi đang ở ngoài chợ hay đi dạo một mình, khi đang mua bán ở cửa hàng hay đang làm bếp.”

 

Cầu nguyện thì tốt và hoạt động cũng không phải là xấu. Nhưng nếu duy cầu nguyện hay duy hoạt động, cả hai cách đó đều khiếm khuyết. Chúa muốn chúng ta có cả tinh thần của Martha và Maria. Vì vậy, cách tốt nhất là kết hợp giữa hoạt động và cầu nguyện.

 

Lạy Chúa Giêsu, xin giúp chúng con luôn biết sắp xếp thời gian trong ngày hợp lý để có giờ làm việc và giờ cầu nguyện. Đặc biệt, xin cho chúng con luôn biết kết hợp với Chúa trong mọi công việc hằng ngày.  Amen.

 

Lm. Anthony Trung Thành