Suy niệm lễ Chúa biến hình
Suy niệm LỄ CHÚA BIẾN HÌNH NĂM C
Ngày 6/8
Sau khi Phêrô tuyên tín “Thầy là Đấng Kitô, Con Thiên Chúa hằng sống” (Mt 16,16), Đức Giêsu tiên báo cuộc Thương Khó lần thứ nhất (Mt 16,21). Nhưng Ngài gặp phải sự phản đối kịch liệt của các Tông đồ, đặc biệt thánh Phêrô đã can ngăn Ngài mà rằng: “Xin Thiên Chúa thương đừng để Thầy gặp phải chuyện ấy!" (Mt 16,22). Đây là sự phản ứng bình thường, hay nói cách khác, trò biết Thầy đi đến chỗ chết thì không thể không can ngăn. Nhưng tại sao Đức Giêsu lại quở mắng Phêrô “đồ Xa-tan?” Chính Ngài cho chúng ta biết: bởi vì Phêrô đã cản lối Ngài, vì tư tưởng của Phêrô không phải là tư tưởng của Thiên Chúa, mà là của loài người (x. Mt 16,23).
Thật vậy, theo Chúa đã được một thời gian dài nhưng cái nhìn của Phêrô và các Tông đồ về Đức Giêsu vẫn còn mang “tư tưởng loài người.” Vì thế, sứ mạng, đường lối của Đức Giêsu các ông vẫn chưa hiểu. Cho nên, các ông không những ngăn cản Chúa bước vào cuộc thương khó, mà Phúc Âm còn cho chúng ta biết, các ông còn tranh dành nhau về chức quyền, danh vọng. Chính vì vậy, các ông không thể chấp nhận một Đức Giêsu, một người Thầy mà các ông đang đi theo làm môn đệ, lại phải chết một cách nhục nhã như Ngài tiên báo.
Vậy, để thuyết phục các ông chấp nhận “tư tưởng của Thiên Chúa”, Tin mừng hôm nay kể lại: “Khoảng tám ngày sau khi nói những lời ấy, Đức Giê-su lên núi cầu nguyện đem theo các ông Phê-rô, Gio-an và Gia-cô-bê. Đang lúc Người cầu nguyện, dung mạo Người bỗng đổi khác, y phục Người trở nên trắng tinh chói loà.” (Lc 9, 28-29). Trong khung cảnh vinh quang đó, ngoài Đức Giêsu ra, các ông còn thấy Môsê và Êlia đang đàm đạo với Ngài: “Và kìa, có hai nhân vật đàm đạo với Người, đó là ông Mô-sê và ông Ê-li-a. Hai vị hiện ra, rạng ngời vinh hiển, và nói về cuộc xuất hành Người sắp hoàn thành tại Giê-ru-sa-lem.” (Lc 9, 30). Khi thấy khung cảnh sáng láng tốt lành như thế, các ông vô cùng hạnh phúc, Thánh Phêrô liền đề nghị Đức Giêsu rằng: "Thưa Thầy, chúng con ở đây, thật là hay! Chúng con xin dựng ba cái lều, một cho Thầy, một cho ông Mô-sê, và một cho ông Ê-li-a." (Lc 9, 33). Nghĩa là các ông muốn ở lại trong vinh quang với Đức Giêsu mãi mãi.
Thực ra, muốn được sống trong hạnh phúc luôn mãi không có gì là sai, đó là bản tính tự nhiên của con người “thích sướng ngại khổ.” Nhưng với Đức Giêsu, Ngài không chấp nhận đề nghị của các ông, Ngài muốn các ông hiểu rằng “Phải qua đau khổ mới tới vinh quang.” Sứ mạng của Ngài được sai đến trần gian là để cứu độ thế gian. Con đường cứu độ của Ngài là con đường thập giá. Đó cũng là con đường của các ông và những người theo Ngài phải đi: “Ai muốn theo Ta hãy từ bỏ mình vác thập giá mình mà theo.” (Mt 9,23). Vì vậy, sau khi cho ba môn đệ chiêm ngưỡng vinh quang Thiên đàng trong chốc lát, Đức Giêsu mời gọi các ông phải “xuống núi.”
“Xuống núi,” nghĩa là trở lại với cuộc sống thường ngày của mỗi người. Các môn đệ phải tiếp tục đi theo Đức Giêsu. Các ông tiếp tục nghe Ngài giảng dạy, chứng kiến những phép lạ Ngài làm. Đặc biệt, các ông sẽ chứng kiến cuộc khổ nạn và sự phục sinh của Ngài. Sau cuộc tử nạn và phục sinh của Đức Giêsu, các ông hiểu hơn về ý nghĩa của biến cố này. Vì vậy, các ông dễ dàng chấp nhận những “thập giá” trong cuộc đời theo Chúa để trung thành với Chúa mãi đến cùng: Thánh Giacôbê là vị tử đạo đầu tiên trong số các Tông đồ; Thánh Gioan là chứng nhân cuối cũng của các Tông đồ; Thánh Phêrô là Tông đồ trưởng, cũng đã lấy cái chết tử đạo để làm chứng cho Thầy mình.
Như vậy, biến cố biến hình trên núi Tabor hôm nay đã củng cố đức tin cho các Tông đồ, đặc biệt là ba môn đệ Phêrô, Gioan và Giacôbê. Biến cố này cũng giúp cũng cố đức tin cho mỗi người kitô hữu qua mọi thời đại. Đồng thời, qua biến cố này giúp chúng ta hiểu rằng muốn tới vinh quang cần phải qua thập giá. Hay nói cách khác, để được vinh quang với Chúa, mỗi chúng ta cần phải qua đau khổ, tức là phải chấp nhận biến đổi mình mỗi ngày. Biến đổi ở đây phải hiểu theo nghĩa tích cực, tức là biến đổi từ xấu thành tốt, từ tốt thành tốt hơn…
Chúng ta được chính thức làm con cái Chúa khi lãnh nhận Bí tích Rửa tội. Nhưng với thời gian, chiếc áo trắng ngày lãnh nhận Bí tích Rửa tội bị các chất bẩn là tội lỗi làm hoen ố. Chúng ta cần được biến đổi. Biến đổi từ xấu thành tốt. Biến đổi từ con người tội lỗi trở thành con người thánh thiện. Biến đổi từ tội nhân trở thành thánh nhân. Không phải chỉ biến đổi một lần mà phải biến đổi nhiều lần, biến đổi luôn luôn. Người chồng phải từ bỏ rượu chè cờ bạc để trở thành người chồng chu chí làm ăn và thương yêu vợ con hơn. Người vợ bớt ngồi lê mách lẻo để chu toàn những bổn phận của người làm vợ trong gia đình. Cha mẹ biết giáo dục con cái về mọi mặt: đạo đức, nhân bản…Nhờ vậy, con cái trở thành những người tốt cho gia đình và xã hội. Con cái biết từ bỏ những thói hư tật xấu, lười biếng nhác nhớn, để chăm chỉ học hành, làm vui lòng mẹ cha. Mỗi kitô hữu biết từ bỏ những gì trái với luật Chúa, luật Hội Thánh để sống xứng đáng là con cái Chúa và Hội thánh hơn.
Tóm lại, chúng ta cần giũ bỏ cái cũ trong nếp sống mới, đổi mới tâm trí và mặc lấy con người mới của Chúa Kitô như lời Thánh Phaolô mời gọi: “Anh em phải cởi bỏ con người cũ với nếp sống xưa, là con người phải hư nát vì bị những ham muốn lừa dối, anh em phải để Thần Khí đổi mới tâm trí anh em, và phải mặc lấy con người mới, là con người đã được sáng tạo theo hình ảnh Thiên Chúa để thật sự sống công chính và thánh thiện” (Ep 4, 22-24).
Xin cho tất cả mỗi người chúng ta hiểu được ý nghĩa của biến cố biến hình hôm nay, để chúng ta cố gắng biến đổi mình mỗi ngày, chấp nhận vác thập giá mình mỗi ngày để được vinh quang với Chúa trên Thiên đàng mai sau. Amen.
Lm. Anthony Trung Thành
- Loại bài viết:
- Thể loại khác:
- Chia sẻ Lời Chúa: