Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Cái nón lá

Tác giả: 
Nam Hoa

 

 

Cái nón lá

 

 

Chưa bao giờ tôi được gặp, sinh hoạt và sống với số lượng đông đảo người Việt khắp nơi tựu về trong thời gian ngắn trên mảnh đất cách xa quê hương tôi hằng ngàn dặm, đo bằng nửa vòng trái đất, như những ngày vừa qua. Tiếng gọi thân thương vang vang trong tâm tư: Đồng bào của tôi! Tôi đang  sống với những người mà ngàn xưa được ghi là cùng chung Mẹ Âu Cơ bên trời Việt. Hôm nay, chúng tôi về đây chẳng những là những người con chung giòng máu Việt, mà còn là những con người chung một Niềm Tin, chung một mái ấm với Tình Mẹ ủ ấp, dẫn đưa: Mẹ Maria, Nữ Vương Đất Nước Việt Nam, như lời chúng tôi xưng tụng.

 

Hai chị em tôi tới đây vào buổi chiều ngày khai mạc đại hội Thánh Mẫu, trời quá nóng so với dân quen sinh sống nơi xứ lạnh mấy chục năm rồi, cái ngột ngạt của khí nóng đôi lúc làm tôi khó thở, bà chị cứ an ủi chưa nóng bằng Việt Nam bây giờ đâu, làm tôi nhớ ra à há mấy chục năm rồi tôi chưa về lại Việt Nam nên, đối với tôi, cái nóng nầy là quá đỗi rồi. Mường tượng ngày xưa, để chống chọi với cái nóng nung người nóng nóng ghê của quê nhà, chúng tôi hay dùng nón lá để che đầu, bây giờ giữa cái nóng như thiêu hôm nay, tôi thấy thấp thoáng vài chiếc nón lá quanh tôi, như một quê hương thu nhỏ, bừng bừng sống dậy trong tâm. Ở đây không có áo lụa Hà Đông, nhưng có nón lá Việt Nam, cho lòng tôi mát   rượi, không còn nghe quá nóng nữa, để lắng nghe những tiếng nói đầy âm sắc của tiếng Mẹ vang lên chung quanh khác nào như trong một giấc mơ.

 

Ba ngày sống tại đây, với lượng người lên đến bảy tám chục ngàn, mà tôi nghe có phỏng đoán gần 100,000 người, thì mảnh đất rộng thế mấy cũng thành nhỏ. Vậy mà, giữa đám đông khổng lồ đó suốt thời gian ở đây tôi không hề nghe một tiếng cãi vã đôi co hay càu nhàu chứ đừng nói tới chửi thề hay chửi tục. Đối với tôi, đấy là thêm một điểm son hiếm thấy, ngoài vấn đề giữ trật tự, vệ sinh chung. Hình như ai cũng trân quí thời gian quí báu ngắn ngủi gặp nhau đây, nên người lạ thành quen, sẳn sàng cho nhau một nụ cười, chút nhường nhịn, hay nâng đỡ. Một câu hỏi bâng quơ vừa cất lên thì những tiếp đáp trả đã vang lên từ đằng trước, đằng sau, bên trái hay bên phải để chỉ dẫn, cho dù từ người chưa bao giờ gặp. Một cái đụng chạm vô tình thì hai bên vội vàng xin lỗi nhau, và cả hai đều đưa tay ra để người nầy đỡ người kia khỏi ngã cho dù già hay trẻ. Tôi cứ đi giữa đám đông người mình, ôi tiếng gọi đáng yêu làm sao, với niềm vui nhỏ bé mà to lớn vậy, cho tôi.

 

Cái nón lá, vật như gắng liền với hình ảnh người phụ nữ Việt Nam, dù quê hay tỉnh, đã là hình ảnh thân thương trong tâm hồn mỗi người Việt. Nên thời gian đầu khi Miền Nam đổi chủ, tôi cũng bương bả chạy tìm học cho mình kế lao động sinh nhai, phòng khi cần đến. Tôi chọn học nghề làm nón lá, vừa rẻ, vừa thông dụng thích hợp với thời buỗi mặc áo bà ba. Bà thầy dạy làm nón lá là cô giáo đã nghỉ dạy ở trường vì lý do nào đó, tôi không dám hỏi. Lúc dạy chúng tôi làm nón, thi thoảng cô nói: Giờ tôi mất dạy rồi, phải lao động kiếm ăn; lao động là vinh quang, lang thang là chết đói, hay nói là...đi tù mờ ! Rồi cô cười, chúng tôi cũng cười theo mà chẳng ai dám nói, hỏi thêm điều gì, chỉ lo cặm cụi chọn lá, ủi lá, cắt, đo, chằm, rồi đặt lên khung để khâu theo cách chỉ dẫn của cô.

 

Việt được định nghĩa là vượt, vươn lên, tiến tới; nên Việt tính cũng mang nghĩa sống động, siêu việt hay, nói cách khác, Việt tính là động tính theo hướng siêu việt tức tiến tới phối Thiên(*), kết hợp với Trời, tin vào Trời. Đó là ý nghĩa uyên nguyên của Việt mà tổ tiên ta đặt tên cho nước, cho dòng tộc là Việt để nhắc nhỡ Việt Tộc rằng: Cứu cánh của con người là phải quy về cùng Thiên, cùng Chúa là Đấng Siêu Việt ngàn trùng, gọi tắc là Siêu Việt (*). Câu hỏi, ai nói vậy ? Thưa là, không phải tôi nói hay anh, chị nói nhưng Sứ Điệp Trống Đồng của Việt Tộc hai, ba ngàn năm trước đã minh xác điều đó. Đó cũng là hồn Việt, nói khác, qui tính chính là động tính của Việt nhưng nó nói lên cái hướng tiến tuy là Siêu Việt, nhưng không tiến lên mà lại tiến vào: tiến vào nột tâm để hội thông với Thiên (Chúa), chính vì thế, triết học Việt Nho mới nhấn mạnh trên vô thể mới là căn nguyên cho mọi cái hữu hình. Những tiêu biễu đó nói lên lòng sùng mộ thần minh, Đấng thiêng liêng, của cha ông ta rất cao độ, có thể nói quay hướng nào, nhìn vào cái chi thuộc ăn, mặc, nói, làm đều có dấu hiệu nhắc nhỡ con người phải qui hướng về cùng Chúa, không lúc nào không chú tâm vào Ngài. (*) Cái Nón Lá, vật dụng chẳng chi đặc sắc, được dùng hằng ngày nhưng cũng không ra ngoài qui tính đó, nên Nón Lá mang cả một văn hóa Sự Sống Hữu Thần. Hiểu được điều nầy, tôi vô cùng cảm động khi nhìn những chiếc nón lá đó đây, tầm thường nhưng âm thầm nhắc con dân Việt niềm tin sâu sắc mang hồn dân tộc, trong khuôn viên tu viện đầy những tín hữu tin vào Thiên Chúa. Nét tuyệt vời quá đơn sơ nhưng cao quí làm sao, của Dân tôi.

 

Tam giác đều, từ lâu, được dùng làm biểu tượng chỉ Thiên Chúa Ba Ngôi của Thiên Chúa Giáo. Tam giác nầy trở thành tam giác gốc cho biểu tượng tinh thần mang tính Thần Linh thiêng liêng qua mọi thời. Trong quyển L’art des steppes, ông Karl Jettmar có ghi lại một hình vẽ làm liên tưởng tới hình nón chóp, tức đầu người đều nhọn và ông ghi chú đầu nhọn là để biểu thị thần linh(**). Tam giác gốc cũng được nhìn thấy nơi hình kim tự tháp đồ sộ của Ai Cập, hay đơn sơ trong hình nón chóp của cái nón Viễn Đông, biểu hiệu rõ nhất là Nón Lá Việt Nam. Trước hết bên Ai Câp là Kim Tự Tháp: đầu tháp là mặt trời, chiếu tỏa ánh triều dương ôm lấy xác vua. Tượng Sphinx cũng là vật chào mặt trời mọc, cùng nghĩa với “Minh phượng triều dương” bên ta (chim phượng chào mặt trời mọc). Tượng chim cóc đều nhọn đầu là theo ý trên. Còn bên Lạc Việt thì tam giác gốc được cụ thể hóa bằng cái nón chóp. Cái chóp (của nón chóp) là mặt trời, nó tỏa ánh sáng và sức sống xuống đến vành tròn (hàm ngụ số 3) chụp lên đầu mọi người để chỉ ai cũng được trời che: ai cũng có thiên sinh, phải đối xử với nhau như anh em. (**)

 

Cứ so sánh thì dễ dàng thấy được nền văn hóa nào là Văn Hóa Sự Chết và Văn Hóa Sự Sống. Văn minh sông Nile, Ai Cập, là một trong những nền văn minh huy hoàng ảnh hưởng rất nhiều và rất mạnh chủ đạo cho văn hóa Tây Âu sau nầy. Nền văn minh rực rỡ đó, như văn minh La Hy, là nơi phát sinh các công trình đồ sộ của Toán Học, tiền thân của khoa học thực nghiệm, và các nền Triết Lý Tây Phương ảnh hưởng rất mạnh trên đường lối suy tư, luận thuyết của con người mãi đến hôm nay. Nền văn minh biểu tượng bằng Kim Tự Tháp uy nghi, mạnh mẽ, hoành tráng, vững vàng qua mọi thời nhưng, tiếc thay, chỉ để che đậy cho những xác chết, dù là xác chết của những vì vua chúa một thời vàng son của các triều đại hùng mạnh. Người ta chỉ phô trương huy hoàng trên những xác chết! Nhìn lại Viễn Đông, nhất là Việt Nam, thì những hình chóp nón thấy rõ nhứt trên cái nón lá đơn sơ của người dân sinh sống quanh năm chân lấm tay bùn của người nhà nông, chăn nuôi, trồng trọt...những người quen được gọi là bán mặt cho Đất, bán lưng cho Trời để mà Sống. Nhưng nét đặc trưng của những người chân chất, quê mùa theo văn minh nông nghiệp nầy là nền văn hóa Hướng Tâm, Hữu Thần, có Trời trong Tâm nên đã tin vào Mệnh Trời từ ngàn xưa, được Việt Tộc ghi khắc vào trống đồng như căn cước cho cuộc sống dân ta. Vậy nón chóp là một vật dụng để che đầu người sống, đầu của mọi người mà không riêng ông vua. Chỉ một so sánh nhỏ đó đủ chứng tỏ tâm thức được ghi trong trống đồng đã đạt giai đoạn thờ trời tức giai đoạn tâm linh rồi: vì nó đã vượt qua chết để đi vào sống, vượt quân chủ chuyên chế để tiến đến toàn dân (công thể). (**), vì thế có thể nói cái nón lá mang văn hóa Sự Sống của kiếp Làm Người nơi con người, một triết lý nhân sinh trong sự nhỏ bé tầm thường, tưởng không là gì nhưng là tất cả. Nên văn hóa Hướng Tâm cũng là văn hóa Sự Sống. Còn cửa hẹp và đường chật thì đưa đến Sự Sống (Mt 7, 14), khác với những phô trương đồ sộ bên ngoài, hướng ngoại quá hóa nên duy vật, che đậy Sự Chết bên trong. Hãy qua cửa hẹp mà vào vì cửa rộng và đường thênh thang thì đưa đến diệt vong ( Mt 7, 13) Sao các bà tìm Người Sống ở giữa kẻ chết ? ( Lc 24, 5). Hai hình ảnh, hai lối sống mà những biến cố hôm nay thay lời giải thích cho chiều hướng suy tư.

 

Người Việt vốn duy tâm và duy linh, nên không thích hợp với duy vật vô thần nhưng gần gũi, rất gần gũi với giáo lý Chúa Giêsu Kitô, Đấng đã dạy con người kêu Thiên Chúa là Cha, và Thiên Chúa không ở đâu xa vì này, Triều Đại Thiên Chúa đang ở giữa các ông (Lc 17, 21).Trời không ở đâu xa, xa đâu mà xa, Phù! Hà viễn chi hữu (***) , vì Trời ở ngay trong Tâm của con người, chỉ con người chưa nhận biết thấu đáo đó thôi ! Nhưng tại sao bao nhiêu thế kỷ rồi, Đạo Chúa vẫn chưa được đông đảo người Việt tin theo? Wow! Câu hỏi hơi hóc búa đó! Để trả lời chi bằng nhìn lại thời gian đầu, khi Đạo Chúa được đem vào Việt Nam đã truyền theo cách thức nào, có một điều gì chưa ổn lắm, chưa ăn khớp lắm với tâm hồn Việt Nam ?! Điều đó có người tạm gọi là cuộc khủng hoảng tinh thần, mà danh từ Nhà Đạo gọi là “Đêm Tối Đức Tin”, xét cho cùng không riêng gì ở người Việt nhưng đó vẫn còn là trở ngại, sẽ được giải mở theo thời gian tùy sự suy tư và Ơn ban của Thánh Thần Thiên Chúa trên Con Người thời đại, tôi tin như vậy.

 

Vừa bước chân vào khuôn viên tu viện, chị tôi và tôi, đúng ra là chị họ của tôi, hai chúng tôi vội vã tìm Đền Thánh Khiết Tâm Mẹ để vào theo yêu cầu của tôi. Nhưng vì đây là lần thứ hai tôi về dịp đại hội sau thời gian khá lâu, 10 năm rồi, cách với lần trước, nên chúng tôi hơi lọng cọng để định hướng. Vòng vo một lúc tìm không được, chúng tôi phải hỏi người qua lại thì được chỉ cho: Kia kìa, trước mặt chị kìa ! Ôi vậy mà nhận mãi cũng không ra, thế mới biết giới hạn của con mắt phàm nhân, nhưng tôi không còn giờ để so đo, thắc mắc nữa, mà hai chị em không ai bảo ai lo vội vã chạy vào Đền Thánh.

 

Vừa bước vào đền, tôi bị chận lại: Không được vào nữa, phải ra ngoài hết dành chỗ cho các Cha tập trung để chuẩn bị ra lễ đài dâng Thánh Lễ khai mạc ! Tôi vội nói: Tụi em ở xa mới đến, xin cho em chạy lên chào Mẹ chút xíu thôi rồi trở ra liền ! Rồi chẳng đợi câu trả lời, tôi lật đật cắm đầu đi như chạy lên trước cung thánh, nơi đang có tượng Mẹ Fatima uy nghi, hiền dịu đang đưa tay như chào đón tôi. Tôi đến trước mặt Mẹ, vừa cúi đầu làm dấu Thánh Giá vừa thầm thỉ: “ Con chào Mẹ, con đến rồi nè, con cám ơn Mẹ!”, ngước nhìn Mẹ vài giây để như được thấy nụ cười hiền Từ Mẫu dành cho tôi, rồi quay xuống hàng ghế quì gần cuối nhà nguyện nán lại thêm chút nữa, mặc cho tiếng nhắc nhở của ai đó: “ Xin đi ra, đi ra ngoài !”, vì nước mắt đã đoanh tròng.

 

Có ai biết được từ 3 giờ sáng nay tôi đã khởi hành chuyến đi vượt mấy ngàn cây số để đến đây, và có ai biết được tôi đã phải dùng xe lăn để di chuyển trong các phi trường quốc tế rộng lớn để chuyển đổi các chuyến bay, vì một cơn bệnh đột ngột xảy ra cho tôi khoảng hơn 10 ngày nay. Chuyến đi nầy, mà tôi gọi là hành hương, được chuẩn bị trước từ gần cả năm vì tôi nhận thấy thời gian nầy tôi cần nhiều Ơn trợ giúp của Mẹ Maria. Gần 10 ngày trước, cánh tay mặt của tôi đột ngột bị đau nhức dữ dội dù vẫn còn cử động được, thực tình mà nói, tôi nghĩ mình có thể bị stroke nhẹ, hoặc tệ hơn nữa là có dấu hiệu cho cơn bệnh nặng hơn về xương, mà không dám nói ra. Bác sĩ có khám nhưng cũng chưa quả quyết nguyên do vì còn mới quá, chỉ cho tôi uống thuốc chống đau nhức với liều lượng rất mạnh, bảo là phải để ý theo dõi. Ngày hành hương gần kề mà sức khỏe có dấu hiệu suy sụp quá nhanh làm tôi lo ngại, lại bị ảnh hưởng của thuốc mới thêm những chứng bệnh mãn tính cũ làm tôi đôi lúc mệt lã, tôi đã nghĩ đến có thể tôi phải hủy bỏ chuyến hành hương ước mong. Nhưng rồi không biết sao, tôi quyết định dùng chuyến hành hương nầy như một trắc nghiệm cho việc tôi cầu nguyện, nếu việc con đang làm hợp Ý Mẹ, theo Thánh Ý Chúa thì xin Mẹ Maria trợ giúp con thực hiện được chuyến đi. Tôi liền bắt đầu tuần cửu nhựt kính ĐMHCG vừa vặn 9 ngày trước chuyến hành hương. Tôi nhận thấy có thể tôi sẽ gặp trắc trở trên đường đi, ai biết được, nhưng thử thách càng lớn thì lời cầu nguyện càng chân thành, tha thiết. Chiều cuối trước ngày hành hương, từ nhà tôi làm một cái hẹn với Mẹ Maria: Chiều mai con sẽ đến gặp Mẹ tại Đền Thánh Khiết Tâm mà trong lòng vẫn không dám tin chắc mình sẽ thực hiện được.

 

Nghe lời khuyên của con gái, tôi xin order xe lăn để di chuyển ở phi trường vì biết mình không thể xách nổi hàng lý, mỗi cử động của cánh tay là phải chịu đựng cơn đau buốt như có đinh đóng bên trong từ khủyu tay lên đến bả vai sau, nhưng tôi vẫn quyết định lên đường với lòng phó thác chuyến đi vào tay Mẹ. Tôi báo cho người chị họ, chị cho biết sẽ đổi chuyến bay để cùng đi với tôi trong chuyến bay đoạn đường chót cho tôi an tâm hơn. Cám ơn an bài mà Chúa sắp xếp cho tôi qua lời cầu bàu của Mẹ, và thật kỳ diệu vì khi di chuyển bằng wheelchair, tôi được nhiều ưu tiên, nhứt là không bị lạc tại phi trường quá rộng lớn ở xứ Mỷ nầy, lần đầu tôi đến. Cảm nhận được những xếp đặt lạ lùng, tôi thêm xác tín trong tay Chúa, Sự Dữ cũng trở nên Lành, mà thêm lòng tín thác.

 

Rồi chiều nay tôi đã bước chân vô Đền Thánh nầy vào giờ phút chót cuối ngày, cảm nhận mình thực hiện được lời hứa với Mẹ Maria, làm tôi nghẹn ngào. Bước lên chào Mẹ, không phải chỉ cúi chào trước bức tượng Thánh Mẫu thật đẹp, nhưng với tâm tư trầm lắng tôi biết mình thật sự chào sự hiện diện linh thánh của Mẹ trong bức tượng kia. Tâm tư là nhịp cầu bắc từ lý trí sang tâm tình(***), tâm tư cũng là nhịp cầu bắc từ tâm tình của mình với Đấng Thần Linh siêu thực, đó là con đường của Tâm mà thời gian nầy tôi đã rèn luyện rất nhiều cho mình để bước được vào con đường hẹp Tâm Linh bên trong, con đường kết nối được Tâm con người với sự Linh Thánh thiêng liêng mà chỉ có sự cảm nghiệm tự thân của người thật sự thể nghiệm sức sống đó mới hiểu, người khác không hiểu được vì không có thể nghiệm của kinh nghiệm mà cho là ảo tưởng. Xúc động của tâm tư làm tôi rơi lệ, nhưng rung động của Tâm Linh mới làm tôi sờ sững nghẹn ngào khi nhận ra tâm hồn mình vừa chạm được với Thần Khí linh thiêng mà với lòng thương Từ Mẫu, Mẹ đã tỏ bày cùng tôi. Rung động tâm linh cho tôi nhận ra những gì tôi trải nghiệm từ sáng đến giờ là do bàn tay nhiệm mầu của Mẹ sắp xếp dẫn đưa. Với những thể nghiệm đó, tôi vẫn gọi đời sống nầy là một mầu nhiệm, thật sự là một mầu nhiệm chứ không phải chỉ là những chuyển động vật lý bên ngoài hay gặp gỡ thể lý suông thôi.

 

Thinh lặng, tôi đến ngồi vào hàng ghế gần cuối, chậm rãi đọc ba kinh Kính Mừng đơn sơ nhưng trầm lắng, đợi lòng lắng xuống những cảm nghiệm thoáng qua. Tôi quay sang người chị họ nhẹ nhàng bảo: “ Thôi, mình phải đi ra ngoài lễ đài để chuẩn bị dự Thánh Lễ Khai Mạc nghe chị !”. Chị tôi khẽ gật đầu, miệng vẫn mỉm cười, cám ơn Chúa cho con người bạn đồng hành đáng mến, như một thiên thần hộ thủ của con. Đứng lên, tôi ngước nhìn lên cung thánh cúi chào lần nữa rồi bước ra. Trong tâm thoáng nghe lời nhỏ nhẹ: Việc gì cũng có thể cho những kẻ tin.

 

Nam Hoa

 

Chú thích:    (*) Kim Định, Để Tiến Tới Nền Thần Học Việt

                   (**) Kim Định, Sứ Điệp Trống Đồng

                  (***) Kim Định, Tâm Tư