Home
Printer-friendly versionSend by email
-A A +A

Suy niệm Chủ Nhật 22 TN

Tác giả: 
Lm. Anthony Trung Thành

 

 

 

Suy Niệm CHÚA NHẬT XXII THƯỜNG NIÊN C

 

 

Trong Phúc Âm, những người thuộc nhóm Biệt phái thường đối nghịch với Đức Giêsu. Họ là những người có óc nệ luật, chi ly, tự cao tự đại và nhất là giả hình. Nhiều lần, Đức Giêsu đã nặng lời chỉ trích thói xấu của họ. Tuy nhiên, trong các thành viên của nhóm Biệt phái này vẫn có những người có cảm tình với Đức Giêsu, như ông Nicôđêmô, ông Camaliel. Đặc biệt, bài Tin mừng hôm nay cho chúng ta biết, Đức Giêsu đã đến nhà một ông thủ lãnh nhóm Biệt phái để dùng bữa. Có rất nhiều người cũng đến đó. Người nhận thấy cách những kẻ được mời, chọn chỗ nhất. Trong bối cảnh này, Đức Giêsu đã dạy họ hai bài học: thái độ khiêm nhường và cách mời khách dự tiệc.

 

1. Thái độ khiêm nhường

Có nhiều định nghĩa về sự khiêm nhường, chúng ta có thể rút ra điểm chung này: khiêm nhường là chấp nhận những sự thật về mình, là chấp nhận những ưu điểm và những khuyết điểm của mình. Cho nên, những người tự hạ thấp mình quá mức “mình có,” đó không phải là khiêm nhường. Ngược lại, những người tự đề cao mình hơn mức “mình có” thì được gọi là kiêu ngạo. Như vậy, người khiêm nhường là người có ý thức và thái độ đúng mức trong việc đánh giá bản thân, không tự mãn, tự kiêu, không tự cho mình hơn người: luôn biết ngồi đúng chỗ, đúng vị trí của mình. Bài Tin mừng hôm nay, Đức Giêsu  đã dạy cho những người Biệt phái và mỗi người chúng ta bài học đó. Ngài nói: "Khi có ai mời ngươi dự tiệc cưới, ngươi đừng ngồi vào chỗ nhất, kẻo có người trọng hơn ngươi cũng được mời dự tiệc với ngươi, và chủ tiệc đã mời ngươi và người ấy, đến nói với ngươi rằng: 'Xin ông nhường chỗ cho người này.' Bấy giờ ngươi sẽ phải xấu hổ đi ngồi vào chỗ rốt hết. Nhưng khi ngươi được mời, hãy đi ngồi vào chỗ rốt hết, để khi người mời ngươi đến, nói với ngươi rằng: 'Hỡi bạn, xin mời bạn lên trên.' Bấy giờ ngươi sẽ được danh dự trước mặt những người dự tiệc. Vì hễ ai nhắc mình lên, sẽ phải hạ xuống, và ai hạ mình xuống, sẽ được nhắc lên" (Lc 14, 8-11).

 

Tác giả sách Huấn ca cho chúng ta biết, kẻ khiêm nhường không những được Thiên Chúa ưa thích mà còn được mọi người mến chuộng (x. Hc 3,17-20).

 

Đức khiêm nhường cũng là điều kiện để được Thiên Chúa tha thứ tội lỗi. Chúng ta thấy điều này qua dụ ngôn hai người lên đền thờ cầu nguyện (x. Lc 18, 9-14): Thiên Chúa đã tha thứ tội lỗi cho người thu thuế vì ông khiêm nhường thú tội, còn người biệt phái không được tha thứ tội lỗi vì ông không có sự khiêm nhường, ngược lại còn tỏ thái độ kiêu ngạo, khinh thường người khác.

 

Kẻ khiêm nhường luôn được Chúa ban ơn, Thánh Phêrô cho chúng ta biết điều đó khi Ngài nói: “Chúa chống đối kẻ kiêu căng, nhưng ban ơn cho kẻ khiêm nhường”(1 Pr 5,5).

 

Chúng ta có thể học tập đức khiêm nhường nơi Đức Giêsu. Chính Ngài đã nói: "Hãy học cùng Ta vì ta hiền lành và khiêm nhường trong lòng"(Mt 11,29). Thật vậy, Đức Giêsu mặc dầu là Thiên Chúa nhưng Ngài sống rất khiêm nhường. Ngài hằng vâng lời Đức Mẹ và Thánh Giuse. Ngài đến để phục vụ chứ không phải để được phục vụ. Trong bữa tiệc ly, Ngài đã thực hiện đức khiêm nhường cách tột độ bằng việc rửa chân cho các môn đệ (x. Ga 13, 1-20). Thánh Phaolô đã diễn tả sự khiêm nhường của Ngài một cách đầy đủ trong thư gửi tín hữu Philipphê như sau: “Đức Giêsu vốn dĩ là Thiên Chúa mà không nghĩ phải nhất quyết duy trì địa vị ngang hàng với Thiên Chúa, nhưng đã hoàn toàn trút bỏ vinh quang mặc lấy thân nô lệ, trở nên giống phàm nhân sống như người trần thế. Người lại còn hạ mình, vâng lời cho đến nỗi bằng lòng chịu chết, chết trên cây thập tự. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người và tặng ban danh hiệu trổi vượt trên muôn ngàn danh hiệu”(Pl 2,6-9).

 

Chúng ta cũng có thể học tập đức khiêm nhường nơi Đức Maria: Vì khiêm nhường nên Mẹ đã hoàn toàn tuân phục thánh ý Chúa; vì khiêm nhường trong việc phụng sự Chúa và phục vụ tha nhân; vì khiêm nhường cho nên khi được Thiên Chúa tuyển chọn làm Mẹ Thiên Chúa, Mẹ vẫn nhận mình là “phận nữ tỳ hèn mọn, Người đoái thường nhìn tới” (Lc 1,48).

 

Chúng ta cũng có thể học tập đức khiêm nhường nơi các thánh: Thánh Gioan Tẩy Giả đã tự nhận mình không đáng cởi quai dép cho Đấng Cứu Thế; Thánh Giuse mặc dù là chủ gia đình nhưng đã khiêm nhường phục vụ Đức Mẹ và Đức Giêsu; Khi bị khạc nhổ vào mặt, Thánh Clémentê vẫn lặng lẽ rút khăn ra lau và tiếp tục xin khẩu phần ăn cho trẻ mồ côi…Đó là những tấm gương trong muôn vàn tấm gương khiêm nhường khác mà chúng ta không thể kể hết ra đây.

 

Đức khiêm nhường hết sức cần thiết trong cuộc sống, nó như nền móng để xây dựng các nhân đức khác. Nói cách khác, nếu không có đức khiêm nhường thì sẽ không có các nhân đức khác. Thánh Augustino hỏi: “Con muốn lên cao? Hãy hạ mình xuống! Con muốn xây lầu thấu tới trời? Hãy lo đào móng khiêm nhường trước đã!". F. Engels thì nói: "Trang bị quý giá của con người là sự khiêm tốn và tính giản dị."

 

Vì vậy, mỗi chúng ta hôm nay cũng cần sống khiêm nhường noi gương Đức Giêsu, Đức Mẹ và các thánh: khiêm nhường trước mặt Chúa; khiêm nhường với tha nhân; khiêm nhường trong tư tưởng, lời nói và hành động.   

 

2. Cách mời khách dự tiệc

Đức Giêsu không chỉ dạy cho những người Biệt phái bài học về sự khiêm nhường, mà Ngài còn dạy cho họ bài học về cách mời khách dự tiệc. Ngài nói: “Khi ông đãi tiệc, hãy mời những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù”(Lc 14,13).

 

Thông thường khi có đám cưới hay tiệc vui, chúng ta thường chọn khách để mời: Có thể đó là những khách đã từng mời chúng ta, nay chúng ta mời lại, vì “có đi có lại mới toại lòng nhau.” Có thể đó là những anh em họ hàng thân thuộc hay làng xóm láng giềng hoặc bạn bè quen biết. Đức Giêsu không muốn chúng ta dừng lại ở đó. Vì làm như thế chỉ thể hiện được đức công bằng và những mối quan hệ bình thường trong cuộc sống. Ngài muốn chúng ta đi xa hơn. Hay nói cách khác, Ngài muốn chúng ta có lòng quảng đại, có tinh thần cho đi một cách vô vụ lợi. Vì vậy, khách chúng ta mời dự tiệc cần phải nhắm tới “những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.” Chính Đức Giêsu đã làm gương cho chúng ta, vì cả cuộc đời của Ngài là bài học của sự cho đi. Ngài đã chữa lành biết bao nhiêu người bị bệnh hoạn tật nguyền. Ngài đã làm phép lạ cho dân chúng khi họ đói. Tiếp nối gương của Ngài, có biết bao vị thánh đã sống hết mình vì người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù: đó là Thánh Phanxicô thành Assisi, đã từ bỏ tất cả những của cải thế gian để sống với người nghèo; đó là cha Bernard Devert ở Lyon, miền Nam nước Pháp đã sống nghèo để có tiền giúp người nghèo; đó là bác sỹ Albert Schweitzer, người Đức, đã đem hết tài năng của mình để chữa trị những người bệnh tật, nhất là những người cùi, không những chữa trị bệnh tật mà ông còn yêu thương những người xấu số đó hơn cả bản thân ông; và gần đây nhất là Mẹ Têrêsa Calutta: Mẹ đã nhìn thấy rõ ràng Chúa Kitô đau khổ đang cải trang nơi những người nghèo khổ. Mẹ xác tín rằng, khi phục vụ chăm sóc cho những người nghèo khổ là phục vụ, chăm sóc chính Đức Giêsu. Vì thế, Mẹ đã can đảm và không sợ hãi khi ôm lấy tất cả những người nghèo đói và đau khổ trong xã hội.

 

Noi gương Đức Giêsu, noi gương các thánh, chúng ta hãy cố gắng tạo cho mình những cơ hội để giúp đỡ những người nghèo, tàn tật, què quặt, đui mù. Làm như vậy, chúng ta sẽ có phúc trước mặt Chúa không những đời này và đời sau, như lời  Đức Giêsu khẳng định cuối bài Tin mừng hôm nay: “Ông sẽ có phúc, bởi họ không có gì trả lễ. Vì ông sẽ được trả lễ khi những người công chính sống lại" (Lc 14,14).

 

Lạy Chúa Giêsu, Chúa đã dạy các Biệt phái và mỗi người chúng con bài học về sự khiêm nhường và lòng quảng đại đối với tha nhân, xin cho mỗi người chúng con luôn ghi tâm khắc cốt bài học đó, để biết sống khiêm nhường trước mặt Chúa và mọi người, nhất là luôn có tinh thần quảng đại với người khác, đặc biệt là với những người nghèo khó, tàn tật, què quặt, đui mù.  Amen.

                                        

 Lm. Anthony Trung Thành