04 Chương IV
CHƯƠNG IV
Lời Khuyên Thực Tế Cho Việc Cầu Nguyện Cá Nhân
“Thiện ích tối thượng là cầu nguyện,
Thường xuyên trò chuyện
với Thiên Chúa”[1]
Trong chương này, tôi muốn đưa ra một số lời khuyên thực tế cho việc cầu nguyện cá nhân. Dĩ nhiên, bạn phải đón nhận và thích ứng cho mỗi hoàn cảnh riêng biệt. Điều quan trọng là phóng mạnh, lao mình vào trong nước, có thể nói thế, hầu khám phá dần dần Thánh Thần đang dẫn chúng ta đến với loại cầu nguyện nào. Có biết bao ơn gọi và ân huệ khác nhau trong lãnh vực này, và nó tùy thuộc vào việc chúng ta có mở lòng ra để đón nhận quà tặng riêng biệt được trao ban không.
Tôi sẽ bắt đầu với những nhận định về mối liên hệ giữa những lần chúng ta cầu nguyện và phần còn lại của cuộc sống.
1. Bên ngoài thời gian cầu nguyện
Giá trị của việc cầu nguyện cá nhân được thể hiện rõ nét qua cách sống của chúng ta ngoài giờ cầu nguyện.
Không thể kết hiệp với Thiên Chúa khi cầu nguyện nếu chúng ta không tìm cách để được kết hiệp với Người trong mọi hoạt động khác, bằng cách thực hiện chúng trước sự hiện diện của Người, tìm cách làm vui lòng Người và thực thi thánh ý Người, phó thác cho Người các lựa chọn và quyết định của mình hầu được hướng dẫn bởi ánh sáng Tin Mừng trong việc chọn lựa, hành động chỉ vì một tình yêu vô vị lợi dành cho Người .v.v...
Trái lại, thường xuyên dành thời giờ cho việc cầu nguyện dẫn đến việc gia tăng cường độ của đức tin, đức cậy, và đức mến, vốn có giá trị không chỉ vào lúc cầu nguyện, mà còn là nguồn động viên và định hướng căn bản cho toàn thể đời sống cũng như mỗi hoạt động của chúng ta.
Có nhiều điều để nói về mối liên hệ hai chiều giữa cầu nguyện và phần còn lại của cuộc sống nhưng tôi muốn nhấn mạnh chỉ hai điểm: sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa và thực thi đức ái.
Đối với điểm đầu tiên, chúng ta hãy nỗ lực biến toàn bộ cuộc đời mình dần dần trở nên một cuộc đối thoại với Thiên Chúa. Hãy làm điều này cách đơn sơ, có thể thích ứng với nó, không căng thẳng, nhưng tìm kiếm sự hiệp thông thường hằng với Chúa. Không nhất thiết cảm thấy điều gì đặc biệt, nhưng thể hiện những thái độ của đức tin, đức cậy và đức mến mà tôi đã nói trước đây.
Mọi thành tố, không trừ điều gì, cấu thành đời sống của chúng ta đều có thể hun đúc cuộc đối thoại giữa chúng ta với Thiên Chúa: hết lòng cảm tạ Thiên Chúa vì những điều tốt lành; cầu xin Người đoái trông đến những băn khoăn lo lắng; khẩn khoản cầu xin ánh sáng của thần khí Người trong việc đưa ra những quyết định khó khăn .v.v...Và dĩ nhiên, xin lỗi Người và xin Người tha thứ lỗi lầm của chúng ta! Chúng ta phải hướng mọi sự theo chiều hướng tốt. Thiên Chúa không đòi hỏi trước hết là chúng ta phải hoàn thiện, nhưng tiên vàn là sống đời sống chúng ta với Người.
Tôi trích dẫn một vài câu của Thầy Lawrence Phục Sinh, một tu sĩ dòng Carmel ở Paris vào thế kỷ XVII, đầu bếp và thợ dày của tu viện, một người giản dị nhưng được phú bẩm một sự khôn ngoan tuyệt vời. Đời sống thiêng liêng của Thầy được tóm kết trong niềm khát khao sống mọi khoảnh khắc, mọi nơi và mọi hoàn cảnh trước sự hiện diện của Thiên Chúa.
Thực hành thánh thiện nhất, thông thường nhất và cần thiết nhất trong đời sống thiêng liêng là thực hành sự hiện diện của Thiên Chúa. Nghĩa là lấy làm thích thú trong sự hiện diện và làm quen với sự hiện diện thần thiêng này của Người, thưa chuyện cách khiêm tốn và chuyện trò gần gũi với Người mọi lúc, mọi khoảnh khắc, mà không cần luật lệ hay phương pháp; đặc biệt vào những lúc cám dỗ, đau khổ, khô khan, ghét bản thân, cả khi bất trung và tội lỗi nữa. Chúng ta phải thực hành liên tục để bảo đảm rằng mọi hoạt động của chúng ta đều là phương thế thiết lập những cuộc đối thoại ngắn với Thiên Chúa, không phải những từ được học, nhưng như thể chúng tuôn trào từ sự tinh tuyền và đơn sơ của con tim...
Trong suốt thời gian làm việc và những hoạt động khác, cả khi đọc một cái gì đó hay ngay cả đọc sách thiêng liêng, khi tôn sùng bên ngoài hay cầu nguyện bằng lời, chúng ta nên dừng một lúc thường xuyên có thể, để tôn thờ Thiên Chúa tận thâm tâm của chúng ta, cảm nếm Người nhanh như thể lén lút, ca khen Người, xin Người trợ giúp, dâng Người con tim chúng ta và cảm tạ Người. Còn điều gì để làm vui lòng Thiên Chúa hơn khi chúng ta dẹp mọi thụ tạo sang một bên một ngàn lần một ngày, để hồi tâm và thờ phượng Thiên Chúa bên trong tâm hồn?
Để ở với Thiên Chúa, không cần phải ở luôn tại nhà thờ. Chúng ta có thể làm một nhà cầu nguyện là tâm hồn mình, nơi chúng ta có thể thỉnh thoảng nghỉ ngơi để trò chuyện với Người. Mọi người đều có thể trò chuyện thường xuyên với Thiên Chúa như thế.
Điểm thứ hai cần nhấn mạnh là tầm quan trọng của việc thực thi đức ái cách cụ thể như một điều kiện không thể thiếu để lớn lên trong đời sống cầu nguyện. Làm sao có thể mong tìm gặp Thiên Chúa, nên một với Người nếu chúng ta dửng dưng với những nhu cầu của tha nhân? Đây là những gì Thánh Têrêxa Avila nói:
Khi tôi thấy các linh hồn chuyên chăm cầu nguyện, quá thiết tha với việc cầu nguyện đến nỗi họ hầu như không dám chuyển động hay nghĩ đến điều gì khác vì sợ một ít niềm vui hay lòng sốt sắng sẽ vuột mất... Thì tôi kết luận rằng, họ hoàn toàn hiểu sai bằng con đường nào mà một người có thể đạt được sự hiệp thông với Thiên Chúa và họ nghĩ rằng, toàn bộ vấn đề đều nằm ở chỗ đó. Nhưng không, Quý Chị em, không. Chúa muốn hành động; nếu chị em thấy một người đau yếu mà mình có thể mang lại cho người ấy một sự thuyên giảm nào đó, thì việc chị em có mất lòng sốt sắng hay không chẳng phải là vấn đề lớn: hãy thương người đó. Nếu người đó đau, hãy đau với họ; và nếu cần, hãy ăn chay, hãy đi mà không mang theo thức ăn cho mình nhưng để người đó có thể ăn, thay vì chị em ăn; đừng quá lo cho người đó, là vì chị em biết đó là những gì Chúa chúng ta muốn. Như thế mới là sự hiệp thông đích thực với thánh ý Chúa.[2]
Thiếu tình yêu thương đồng loại, khép kín tâm hồn trước nhu cầu của họ, tự mình nung nấu hờn giận hay cay đắng với một ai đó, từ chối tha thứ... những điều này có thể làm cho việc cầu nguyện của chúng ta trở nên cằn cỗi, và chúng ta cần ý thức điều đó.
Trái lại, những hành vi nhân từ và tử tế đối với tha nhân góp phần mưu ích cho mối tương quan giữa chúng ta với Thiên Chúa, đặc biệt trong cầu nguyện. Chúng ta phải ghi nhớ những lời hứa lớn lao được đưa ra trong chương 58 của sách Isaia dành cho những ai thực thi đức ái đối với tha nhân:
Cách ăn chay mà Ta ưa thích chẳng phải là thế này sao:
mở xiềng xích bạo tàn, tháo gông cùm trói buộc, trả tự do cho người bị áp bức, đập tan mọi gông cùm?
Chẳng phải là chia cơm cho người đói, rước vào nhà những người nghèo không nơi trú ngụ; thấy ai mình trần thì cho áo che thân, không ngoảnh mặt làm ngơ trước người anh em cốt nhục?
Bấy giờ ánh sáng ngươi sẽ bừng lên như rạng đông, vết thương ngươi sẽ mau lành.
Ðức công chính ngươi sẽ mở đường phía trước, vinh quang Ðức Chúa bao bọc phía sau ngươi.
Bấy giờ, ngươi kêu lên, Ðức Chúa sẽ nhận lời,
ngươi cầu cứu, Người liền đáp lại: “Có Ta đây!”
Nếu ngươi loại khỏi nơi ngươi ở
gông cùm, cử chỉ đe dọa và lời nói hại người,
nếu ngươi nhường miếng ăn cho kẻ đói,
làm thỏa lòng người bị hạ nhục,
thì ánh sáng ngươi sẽ chiếu tỏa trong bóng tối, và tối tăm của ngươi chẳng khác nào chính ngọ.
Ðức Chúa sẽ không ngừng dẫn dắt ngươi,
giữa đồng khô cỏ cháy, Người sẽ cho ngươi được no lòng;
xương cốt ngươi, Người sẽ làm cho cứng cáp.
Ngươi sẽ như thửa vườn được tưới đẫm
như mạch suối không cạn nước bao giờ (Is 58, 6-11).
Nếu muốn khu vườn tâm hồn mình được gội tưới ân sủng Chúa, chúng ta hãy yêu thương tha nhân bằng việc làm!
Ở trên tôi đã nói đến những cách thức hiện hữu khác nhau của Thiên Chúa. Nhưng có một cách thức tôi chưa đề cập đến mà Tin Mừng lại nhấn mạnh rất nhiều, đó là sự hiện diện của Thiên Chúa nơi người nghèo, nơi những ai cần đến chúng ta.
“Ta bảo thật các ngươi: mỗi lần các ngươi làm như thế cho một trong những anh em bé nhỏ nhất của Ta đây, là các ngươi đã làm cho chính Ta vậy” (Mt 25, 40).
Nếu có thể nhận ra Đức Giêsu hiện diện nơi anh chị em mình, chúng ta sẽ thấy dễ dàng hơn trong việc khám phá Ngài trong việc cầu nguyện của mình và cũng đúng cho điều ngược lại.
Những lúc khô khan, thiếu niềm vui có thể cảm nhận trong cầu nguyện, đôi lúc có thể là lời mời gọi tìm kiếm sự hiện diện của Thiên Chúa nơi khác, đặc biệt trong hành vi bác ái. Điều này không có nghĩa là chúng ta cứ bỏ cầu nguyện, nhưng nó có ý nghĩa rằng, Đức Giêsu cũng đang chờ đợi chúng ta nơi khác và chúng ta cần chú tâm hơn đến sự hiện diện của Ngài nơi những ai cần chúng ta yêu thương, đặc biệt là những người nghèo hèn và bé mọn. Chúng ta cũng đừng quên rằng, trong cầu nguyện, một đôi khi, có những ảo tưởng; nhưng điều đó lại không có khi chúng ta làm việc bác ái. Chúng ta tìm thấy Thiên Chúa cách chắc chắn khi chúng ta chăm sóc cho tha nhân.
Vào cuối đời, Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu chịu những thử thách khó khăn về đức tin và đức cậy, chị bị xâm chiếm bởi những cơn cám dỗ lấy đi hết mọi niềm vui chị đã có được trước những vấn đề này. Ngạc nhiên thay, cũng trong thời kỳ đó mà chị tái khám phá, rất mạnh mẽ, tầm quan trọng của bác ái huynh đệ.
Năm nay, người Mẹ yêu quý nhất, Thiên Chúa tốt lành của chúng ta đã ban ơn cho tôi hiểu được đức ái là gì; tôi đã hiểu nó trước đây, điều đó đúng, nhưng chỉ hiểu cách bất toàn.[3]
Điều này xảy ra vào năm 1897, năm chị mất... Những tia sáng rạng rỡ cuối cùng mà vị Tiến Sĩ Giáo Hội nhỏ bé của chúng ta đón nhận liên quan đến mầu nhiệm đức ái, nhân đức mà chị thực hành với một lòng sốt sắng mới mẻ trong thời kỳ cuối cùng của đời mình, chị đã viết một số điều tuyệt diệu về nó.[4]
Giờ đây, chúng ta bắt đầu xem xét về thời gian dành cho việc cầu nguyện bằng một nhận định đầu tiên: chúng ta phải cố gắng biến thời gian cầu nguyện trở nên một phần của nhịp sống mình.
2. Tạo một giai điệu
Cuộc đời mỗi người được tác thành bởi những giai điệu: giai điệu của hơi thở, giai điệu của ngày và đêm, tuần và năm... Nếu muốn trung thành với việc cầu nguyện, chúng ta phải tìm ra vị trí của nó trong các giai điệu của đời mình. Cầu nguyện vào một lúc nào đó trong ngày, dành một điểm cố định nào đó trong tuần cho Chúa... phải trở thành một thói quen. Thói quen có thể là vấn đề của lề thói hay biếng nhác, nhưng nó cũng có thể là một sức mạnh. Nó không có nghĩa là chúng ta bắt đầu phân loại mọi sự một lần nữa, không cần lúc nào cũng tự hỏi mình nên làm gì hay không nên làm gì.
Nếu cầu nguyện đôi khi là một hoạt động, nếu chúng ta trì hoãn cầu nguyện cho đến lúc chúng ta có thời gian, chúng ta sẽ chỉ cầu nguyện rất ít và rất hời hợt. Chúng ta cần dành thời gian cho cầu nguyện và đưa nó vào trong số những giai điệu của cuộc sống chúng ta như tất cả các hoạt động khác mà chúng ta coi là cần thiết: ăn, ngủ, v.v... Không ai từng chết đói vì không có thời gian để ăn! Nói rằng chúng ta không có thời gian cầu nguyện hoàn toàn có nghĩa rằng, cầu nguyện không phải là một trong những ưu tiên của chúng ta. Vì thế, mỗi người chúng ta cần tạo cho mình một giai điệu cầu nguyện nào đó trong đời sống hằng ngày hay hằng tuần - mà không cứng nhắc nhưng luôn dành ưu tiên cho những nhu cầu khẩn cấp của đức ái. Ở đó, cần có tần suất thường xuyên đầy đủ cho việc cầu nguyện trong khi vẫn làm mọi việc phù hợp với hoàn cảnh gia đình và trách nhiệm cá nhân. Chẳng hạn hai mươi phút nguyện gẫm mỗi sáng hay mỗi tối, một giờ chầu trong nhà thờ vào lúc xế chiều ngày thứ Năm, tĩnh tâm một chiều một tháng .v.v...
Dĩ nhiên tất cả chúng ta không cần có cơ hội như nhau. Điều đó dễ dàng cho một người nghỉ hưu hơn một người có cuộc sống rất bận rộn. Chúng ta nên làm điều mình có thể; như tôi đã nói trước đây, Thiên Chúa có thể ban cho người chỉ có thể dành mười phút hằng ngày cho việc cầu nguyện nhưng lại bận bịu với công việc theo thánh ý Chúa nhiều ơn ích như Người ban cho một thầy dòng cầu nguyện năm giờ mỗi ngày.
Nhưng chúng ta nên can đảm chọn lựa đúng đắn. Vào năm 2012, bình quân một người ở Mỹ dành hơn năm giờ đồng hồ một ngày trước truyền hình! Chẳng nguy hiểm đến tính mạng của ai cả khi người ta cắt bớt thời giờ coi Tivi để dành một ít thời giờ cho Thiên Chúa tốt lành. Chúng ta đừng để mình rơi vào cạm bẫy của ma quỷ vốn luôn làm những gì có thể - đưa ra cả ngàn lý lẽ hợp lý - để ngăn cản chúng ta cầu nguyện. Và chúng ta cũng hãy nhận ra rằng Chúa sẽ trả lại cho chúng ta gấp trăm những gì chúng ta cho Người.
3. Bắt đầu và kết thúc cầu nguyện
Giờ đây, thử suy nghĩ kỹ hơn về thời gian chúng ta chọn để cầu nguyện. Chúng ta nên xoay xở thời gian này thế nào? Một vài nhận định đơn sơ vẫn có thể hữu ích.
Để bắt đầu: chúng ta phải hết sức chú tâm đến việc khởi sự và kết thúc... và ở khoảng giữa hãy làm những gì mình có thể!
Khởi đầu là điều thật quan trọng. Điều quan trọng nhất là đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Tùy theo hoàn cảnh, chúng ta có thể nghĩ về Thiên Chúa hiện diện trong tâm hồn chúng ta hay tưởng tượng Đức Kitô như người bạn mà chúng ta ở cùng, hay đặt mình trước đôi mắt yêu thương của Cha trên Trời, hoặc nhìn vào Thánh Thể với đôi mắt ngập tràn đức tin (nếu đó là lúc Chầu Thánh Thể).
Hành động cố ý đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa đôi lúc đòi hỏi một nỗ lực. Chúng ta phải dẹp mọi lo toan sang một bên, cùng với mọi sự khác trong đầu vốn hay xâm chiếm trí tưởng tượng của chúng ta, để quyết tâm đối diện với Thiên Chúa và hướng sự chú ý đến Người và yêu mến Người. Trước khi làm thế, việc “xả khí” để khai thông đầu óc có thể giúp chúng ta vứt bỏ bất cứ xung động nào để đi vào cầu nguyện: năm phút đi bộ, những khoảnh khắc xả hơi hay thở sâu, một tách trà ấm. Đôi lúc thời gian cầu nguyện phải được đi trước bởi một loại ngưỡng tâm lý nào đó vốn làm dịu sự dịch chuyển từ sự căng thẳng hằng ngày sang một loại hoạt động rất khác, được cấu thành phần lớn bởi khả năng lĩnh hội, đó là cầu nguyện.
Đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa lúc khởi đầu cầu nguyện có thể được thực hiện dễ dàng hơn bằng cách sử dụng một số thực hành quen thuộc, một “nghi thức” nhỏ nào đó làm bệ phóng cho thời gian cầu nguyện của chúng ta: thắp một ánh nến trước một bức tượng; sấp mình; cầu xin Chúa Thánh Thần; đọc một Thánh Vịnh yêu thích; cầu nguyện với Đức Mẹ và phó giờ cầu nguyện cho Mẹ... Điều này tùy thuộc vào điều Thiên Chúa gợi lên trong mỗi chúng ta và những gì chúng ta thấy hữu ích cho mình.
Giờ đây, tôi xin nói đôi điều về việc kết thúc cầu nguyện. Lời khuyên đầu tiên của tôi như một quy luật chung, là dành nhiều thời gian cho việc cầu nguyện như bạn đã quyết định. Chẳng hạn, nếu bạn quyết định cầu nguyện nửa giờ mỗi ngày, thì bạn không nên cắt giảm nửa giờ đó (trừ phi bạn vô cùng mỏi mệt hoặc vì nhu cầu cấp thiết của đức ái). Một lý do cho điều này là lòng trung thành: nếu đã quyết định dâng một điều gì đó cho Chúa, chúng ta đừng bao giờ dành lại. Cũng vậy, nếu cắt giảm việc cầu nguyện trở nên quá dễ dàng khi chúng ta cảm thấy không thích, thì đôi lúc chúng ta có thể bỏ qua phần tốt nhất của cầu nguyện như việc rời khỏi bàn ăn trước món tráng miệng. Không phải luôn luôn nhưng đôi lúc Thiên Chúa lại thăm viếng chúng ta vào những phút cuối cùng này. Người đã thấy lòng trung thành của chúng ta và dầu cho việc cầu nguyện của chúng ta nghèo nàn và khó khăn cho đến lúc đó, thì chính trong những phút kết thúc đó, chúng ta mới thấy được sự hiện diện của Người và được ban ơn bình an, khích lệ, hay thỏa mãn nơi tâm hồn. Thật đáng xấu hổ khi ai đó bị tước mất điều này.
Một lời khuyên khác là đừng bao giờ không hài lòng với việc cầu nguyện của mình. Cả khi gặp khó khăn, cả khi chúng ta cảm thấy mình đã không làm điều gì ra hồn bởi khô khan, chia trí, buồn ngủ suốt thời gian đó và vân vân, hãy vui vẻ đón nhận điều đó. Chúng ta đã dành thời gian cho Chúa, thế là đủ. Chúng ta không làm gì về phía mình, nhưng chắc chắn Thiên Chúa đã làm một điều gì đó trong chúng ta và chúng ta có thể cám ơn Người về điều đó bằng một hành vi khiêm tốn và tin tưởng. Dù việc cầu nguyện của chúng ta thế nào chăng nữa, lời cuối cùng của nó vẫn là lời cảm tạ. Dần dần chúng ta sẽ thấy rằng, mình không sai lầm.
Trước khi thực hiện hành vi cảm tạ khi sắp kết thúc cầu nguyện, quả sẽ không tồi nếu chúng ta đưa ra một số quyết tâm cụ thể nào đó. Có thể trong suốt thời gian cầu nguyện, một câu Thánh Kinh nào đó đánh động chúng ta, một chân lý đặc biệt nào đó đã được đóng ấn trên chúng ta, hay một lời mời gọi dứt khoát nào đó mà chúng ta cảm nhận; qua đó, chúng ta cần quyết tâm thực hiện những gì được xem là một phần của cuộc đời mình và tín thác đời mình cho Chúa, xin Người giúp chúng ta dõi theo lời mời gọi mà thời gian cầu nguyện đã khơi lên trong tâm hồn. Nếu sau đó, chúng ta không hoàn toàn trung thành với quyết tâm đó, thì đừng nản lòng. Thiên Chúa thấy được ý ngay lành của chúng ta và đó là điều quan trọng nhất. Những quyết tâm tốt không được đưa ra để tuân giữ, một cách tự nguyện, cho bằng để bày tỏ một mong mỏi, một khát khao mà chính Thiên Chúa sẽ làm cho trổ sinh hoa trái vào thời của Người.
Tôi muốn kết thúc điểm này bằng một cái gì đó từ Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu. Đặc biệt vào lúc cám ơn sau khi Hiệp Lễ, dù đã cố gắng hết sức để đón Chúa Giêsu vào tâm hồn mình, và dù thường kêu cầu Đức Maria trợ giúp, chị vẫn thường phải khô khan hay ngủ gật khi cầu nguyện. Đây là phản ứng của chị:
Tất cả điều đó không ngăn cản được sự chia trí và buồn ngủ ập xuống trên con, nhưng khi con tạ ơn xong, thấy mình đã làm điều đó rất tồi tệ, con vẫn quyết tâm dành thời gian còn lại trong ngày để cảm tạ Chúa... Mẹ thấy đó, Mẹ yêu quý nhất, rằng con không hề bị dẫn đi trên con đường lo sợ, con luôn có thể tìm thấy con đường hạnh phúc và mưu ích từ sự yếu đuối của mình... Chắc chắn điều đó không làm Đức Giêsu phiền lòng, bởi vì dường như Ngài cứ động viên con suốt cuộc hành trình này.[5]
4. Thời gian cầu nguyện
Giờ đây, chúng ta bàn đến phần “thân” của cầu nguyện, giữa việc đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa và việc kết thúc. Chúng ta có thể làm gì để lấp đầy thời gian này cách tốt nhất có thể?
Câu trả lời có thể rất khác nhau, tùy thuộc vào người liên quan, tùy thuộc vào giai đoạn mà cuộc sống người đó đã đạt đến và cũng tùy vào lời mời gọi của Thánh Thần.
Trước tiên, điều thiết yếu là bắt đầu và tiếp tục tiến bước. Nếu chúng ta làm điều đó với ý ngay lành cùng với lòng trung thành, thì Thiên Chúa sẽ có thể dẫn dắt chúng ta; chúng ta có thể hoàn toàn tín thác vào Người.
Tuy nhiên, tôi xin đưa ra một số lời khuyên để bạn có thể làm theo tùy sự tự do tinh thần. Tôi chỉ có thể đưa ra một số hướng dẫn chung, rồi mỗi người phải dần dần tìm ra cách cầu nguyện cho riêng mình. Độc giả có thể lĩnh hội bất cứ điều gì có ích cho mình từ những gì có thể và bỏ qua phần còn lại mà không phải lo lắng về điều đó.
Tôi xin đưa ra hai đề nghị, một trên bình diện con người, một trên bình diện thiêng liêng.
Trên bình diện con người và tâm lý, hãy sử dụng bất cứ điều gì có lợi cho việc hồi tưởng. Và hồi tưởng là gì? Một sự kết hiệp hai điều: trước tiên, trạng thái giải thoát khỏi sự căng thẳng, giải trí, cởi mở; thứ đến, tình trạng chú tâm đến thực tại mà chúng ta hoàn toàn hướng đến.
Vậy để hồi tưởng trong cầu nguyện, chúng ta cần tạm ngưng, từ bỏ chính mình; đồng thời, chú tâm đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong một trong những phương thức tôi đã đề cập trước đây. Chẳng hạn, khi ở trong nhà thờ, chúng ta bình thản, bình an và đối với sự chú ý của tâm hồn, chúng ta hoàn toàn hướng đến Thánh Thể trên bàn thờ hoặc trong nhà chầu. Hoặc ngồi trong một góc phòng, chúng ta bình thản và an bình đọc một đoạn Tin Mừng, sẵn sàng đón nhận những gì đoạn Tin Mừng ngỏ cùng chúng ta, đưa điều đó vào trong ký ức của mình.
Ngoại trừ những trường hợp được ơn đặc biệt, việc hồi tưởng trọn vẹn cách chung là bất khả. Nhưng chúng ta phải cố gắng chừng nào nó tùy thuộc vào chúng ta. Có một sự hồi tưởng chủ động: cố gắng hết sức theo khả năng hiện có của mình, giữ thinh lặng, cả thể lý (thư giãn, không căng thẳng trên cơ thể), tâm lý (dẹp bỏ những mối lo lắng hay bận tâm) và thiêng liêng (phó mình cho Thiên Chúa); để quy hướng về sự hiện diện của Người trong Lời mà chúng ta suy gẫm, trong Thánh Thể mà chúng ta tôn sùng, trong tâm hồn chúng ta mà chúng ta đi sâu vào để tìm Người và vân vân, như được phác thảo trước đây, tùy vào hướng cầu nguyện của mỗi người.
Như thế, theo đuổi việc hồi tưởng chủ động này, những gì cổ võ sự bình thản thể lý và tâm lý thì không phải là không quan trọng. Không nên chú tâm quá đến điều đó đến nỗi biến thời gian cầu nguyện thành một kỹ thuật tâm - thể lý - nào đó; vì đó sẽ là một sai lầm nghiêm trọng. Bởi lẽ, chúng ta là những hữu thể có thân xác, và mặt thể lý của chúng ta có ảnh hưởng đến mặt thiêng liêng. Cho nên, một tư thế thể lý thoải mái, hít thở nhẹ nhàng đều đặn mà chúng ta ý thức, tập trung vào thời khắc hiện tại, cảm thấy thoải mái với thân xác: tất cả các điều này có thể làm cho việc cầu nguyện trở nên thuận lợi. Chìa khóa mở ra điều này là hướng đến tình trạng cởi mở đón nhận.
Chúng ta có thể đón nhận dần dần ơn hồi tưởng mà tôi muốn gọi là “bị động” vì nó không phải là kết quả của riêng những gì chúng ta làm nhưng là một ân ban từ Thiên Chúa, một ơn siêu nhiên. Đó là tình trạng bình an, từ bỏ sâu xa và tập trung cao độ vào một điều gì đó mà Thiên Chúa cho chúng ta cảm nhận được từ Người, một điều gì đó ập xuống trên chúng ta với những mức độ khác nhau. Chúng ta có thể được chạm đến cách nhẹ nhàng, hoặc chỉ được ân sủng lướt qua hay hoàn toàn bị cuốn đi, hoặc một điều gì đó giữa những điều này. Chúng ta nhận ra rằng, việc chú tâm đến Thiên Chúa diễn ra ở đây là một hành vi của ý chí, tâm hồn và tình yêu hơn là hành vi của lý trí. Như trích đoạn của Christiane Sanson ở trên cho hay, quy hướng về Thiên Chúa bằng tình yêu thì dễ dàng cho linh hồn hơn cho tâm trí, vì lý trí vốn biến đổi hơn, khó tập trung vào một điều gì đó hơn và hầu như luôn chịu sự lo ra. Một mức độ chú tâm nào đó của tâm trí rõ ràng sẽ cần thiết để đánh thức và nuôi dưỡng tình yêu, nhưng nếu không có một hồng ân đặc biệt nào đó thì chúng ta thường không thể định tâm hoàn toàn vào Thiên Chúa. Cố sức làm như thế bằng bất cứ giá nào, thậm chí có thể gây nguy hiểm, bởi đó sẽ là căn nguyên của căng thẳng và mệt mỏi đầu óc.
Trên bình diện thiêng liêng, như tôi đã bàn kỹ trước đây, chúng ta phải luôn nhớ rằng, điều cần thiết không phải là phương pháp này phương pháp kia hay cách thức tiến hành... nhưng là tâm trạng của tâm hồn: đức tin, lòng tín thác, khiêm tốn, chấp nhận những yếu đuối của mình, khát khao yêu thương... và nhiều cách “mở” đức tin, đức cậy, đức mến ra. Mọi phương pháp cầu nguyện đều có mục tiêu nuôi dưỡng, duy trì và diễn đạt những thái độ căn bản này. Cứ cho là thế, như một đôi khi chúng ta có ơn thực hiện (bởi đó là một ơn ban nên nó trổi vượt khả năng của con người chúng ta), ở đó, chúng ta đặt mình trước Thiên Chúa trong thinh lặng và bình thản, mà không một ý tưởng đặc biệt nào xuất hiện với chúng ta, cũng không cảm nhận bất cứ điều gì đặc biệt, nhưng bằng một thái độ sâu sắc và đơn sơ, hướng tâm hồn về phía Thiên Chúa trong một hành vi duy nhất vốn kết hợp cả đức tin, đức cậy, đức mến; thế là đủ. Chúng ta không cần tìm kiếm bất cứ điều gì khác: thế là đủ vì phải có sự thông hiệp đích thực với Thiên chúa cũng như phải có thời giờ để hoa trái của nó xuất hiện, không sớm thì muộn.
Một lời về những thái độ của thân thể: cầu nguyện không phải là một hình thức thống hối của thân xác. Những tư thế quá bất tiện, trong đó thân xác luôn phàn nàn với tâm trí, thì hiển nhiên, không được khuyến khích. Chúng ta nên tạo cho mình những tư thế mà mình có thể giữ được một lúc và thuận lợi cho việc hồi tưởng. Ngoài ra, trong cầu nguyện có những lúc, để khơi lên sự tập trung, diễn tả một nỗi khát khao yêu thương, thể hiện sự thống hối hay tâm thế khác... chúng ta cảm thấy cần vận dụng một thái độ nội tâm bằng cách thể hiện nó ra trong một tư thế hay cử chỉ nhất định: bằng cách quỳ, phủ phục, vòng tay, giang tay, giơ hai tay lên, hôn Thánh Kinh, .v.v...Sử dụng những phương tiện này thì tốt cho chúng ta - dĩ nhiên với sự suy xét cẩn thận và phán đoán đúng đắn. Khi tinh thần thể hiện chính mình ngang qua thân xác, nó được củng cố.
Có một thứ “ngôn ngữ thân thể” chiếm một vị thế trong cầu nguyện, không những cầu nguyện phụng vụ mà còn cầu nguyện cá nhân nữa.[6] Điều này cần tái khám phá trong thế giới Tây phương, trong đó việc cầu nguyện thường bị biến thành một việc thực hành thuần tuý trí năng, bỏ quên việc sử dụng các nguồn trợ giúp của thân thể. Thái độ đúng đắn của thân thể dẫn đến thái độ đúng đắn của tâm hồn.
Người Kitô hữu phải hiểu rõ rằng sống đời thiêng liêng không phải là chạy trốn hay tách ra khỏi thân thể, nhưng đúng hơn, là sống trong thân xác cách trọn vẹn. Thân xác dẫn chúng ta vào cuộc tiếp xúc với thực tại chung quanh và là phương tiện giao tiếp căn bản của chúng ta. Sống trong thân xác buộc chúng ta phải có một quan điểm hiện thực lành mạnh thiết thực cho đời sống thiêng liêng. Thân xác có sự nghèo túng, khó khăn và giới hạn riêng của nó, nhưng nó có lợi điểm là bén rễ sâu vào thực tại, vào hiện tại. Có thể nói nó giúp chúng ta “cắm neo” tinh thần và đem bằng được tinh thần vào trong hiện tại. Có một sự khôn ngoan khiêm tốn trong thân xác con người mà tinh thần phải tuân theo. Chúng ta có thể gặp Thiên Chúa trong cầu nguyện chỉ bằng cách đặt mình trong hiện tại, và sự kiện là chính thân xác như một trợ lực giá trị để chúng ta làm công việc này. Để cầu nguyện chúng ta cần ở lại trong tâm hồn mình, để ở lại trong tâm hồn mình, chúng ta phải ở lại trong thân xác.
5. Khi nào vấn đề “tôi phải làm gì”
không nảy sinh
Khi thảo luận vấn đề “Phải làm gì khi cầu nguyện?”, tôi bắt đầu bằng cách làm rõ căn nguyên và xét xem những hoàn cảnh trong đó vấn đề không nảy sinh.
Vậy để bắt đầu: tình yêu dành cho Thiên Chúa càng lớn mạnh, chúng ta càng ít cần phải hỏi mình phải làm gì suốt thời gian cầu nguyện. Hai người yêu nhau nồng nàn thường không gặp nhiều khó khăn trong việc biết cách dành thời giờ cho nhau. Tình yêu giải đáp mọi vấn đề! Vì thế, chúng ta cứ nài nỉ thêm tình yêu, chúng ta nên “kêu xin Chúa đêm ngày” (như trong Tin Mừng Luca 18, 7), xin Người ban cho chúng ta một quả tim mới. Phúc cho những ai có thể nói, như vị tân lang trong câu 20 của bài Thánh Ca của Thánh Gioan Thánh Giá: “Trong cầu nguyện, mối bận tâm duy nhất của tôi bây giờ là yêu thương”. Thánh nhân nói thêm rằng: Tình yêu này có giá trị và có lợi cho Giáo Hội hơn bất kỳ việc lành phúc đức nào trên thế gian.
Có những lúc vì những lý do khác nhau, việc cầu nguyện diễn ra một cách tự phát. Chúng ta có thể ở trong tình trạng sốt sắng cao độ (thường là sau một hồng ân hoán cải hay được tràn trề thần khí), và rồi chúng ta hạnh phúc sung mãn để cầu nguyện và có hàng ngàn điều để nói với Chúa. Đôi lúc, việc cầu nguyện đến cách trực tiếp vì chúng ta ở trong tình trạng buồn chán đến nỗi toàn bộ đời sống trở thành một sự liên lỉ van nài - và rốt cuộc, đó cũng là một ân huệ!
Một hoàn cảnh khác trong đó chúng ta không cần phải tự hỏi: “Tôi phải làm gì?”. Đó là lúc Thiên Chúa đã bắt đầu dẫn chúng ta vào trong hồng ân nguyện ngắm nào đó. Có một nhu cầu đặc biệt đòi hỏi nói về điều này, bởi vì loại ân sủng này có thể hầu như không thể nhận biết được khi nó bắt đầu và có thể chúng ta đắn đo về việc ở lại trong tình trạng bị động hơn chủ động. Nhưng trong những trường hợp như thế, một thái độ như vậy là những gì Thiên Chúa đòi hỏi nơi chúng ta, và vì vậy, đó là những gì liên kết chúng ta với Thiên Chúa cách sâu sắc nhất và trung thực nhất.[7]
Quả không dễ dàng để diễn tả bằng lời, nhưng ít ra cũng có thể nói được bằng cách mô tả. Chúng ta ở trong tình trạng nghèo khó nội tâm, khô khan nghiêm trọng; chúng ta không cảm thấy những cảm xúc thiêng liêng cao độ, thậm chí không có lấy một chút ánh sáng đặc biệt nào soi rọi tâm trí. Tuy nhiên, khuynh hướng rõ ràng là chúng ta vẫn giữ bình an và nghỉ ngơi trước mặt Thiên Chúa mà không làm gì nhiều và vẫn có một sự thỏa mãn nào đó đối với việc ở yên trước sự hiện diện của Người. Thông thường, tâm trí và trí tưởng tượng của chúng ta đi lang thang đây đó, và còn lâu mới ở yên một chỗ, nhưng đối với tâm hồn mình, chúng ta cảm thấy nó có một định hướng rõ ràng, một sự chú tâm đầy yêu mến đến Thiên Chúa, một sự chú tâm cách chung, không cố định vào bất kỳ điểm đặc biệt nào (chẳng hạn như một chân lý hay một khía cạnh nào của mầu nhiệm Đức Kitô). Sự chú tâm cách chung, đầy yêu thương này đối với Thiên Chúa lại vượt trên và vượt xa những ý tưởng, hình ảnh chính xác, hay những dòng tư tưởng lan man.
Nếu gặp tình trạng này, chúng ta cứ ở lại đó. Hoạt động duy nhất của chúng ta có lẽ là duy trì tình trạng đó cách dịu dàng và bình an, bằng cách thường xuyên thực hiện một hành vi nhỏ để hướng tâm hồn chúng ta về lại với Thiên Chúa hoặc hướng đến một sự xem xét vắn gọn để khơi dậy đức tin, đức cậy, hay đức mến; bằng không hãy tỉ tê một vài lời đơn giản nào đó để bày tỏ với Thiên Chúa những gì chúng ta đang ấp ủ trong lòng mình. Hãy hành động như những chú chim, trước tiên chúng ta vỗ cánh rồi để mình bay lượn. Đôi lúc tất cả những gì chúng ta cần làm là làm theo những chuyển động mà Thánh Thần có thể khuấy lên suốt thời gian cầu nguyện và ngang qua việc cầu nguyện với tâm tình lãnh nhận của mình.
Khi cầu nguyện, nhiều lúc chúng ta phải năng động và cố gắng gia tăng điều đó, bằng không sẽ rơi vào sự lười biếng thiêng liêng. Nhưng cũng có những lúc - và chúng ta phải học cách nhận ra chúng - Thánh Thần mời gọi chúng ta dẹp bỏ mọi hoạt động và đặt mình cách bị động hơn dưới sự hiện diện dỗ dành của Ngài, sự chúc lành của Ngài, với một thái độ đơn sơ là sẵn sàng nội tâm. Chúng ta nên ở đó, theo ngôn từ của thánh Gioan Thánh Giá, trong “hơi thở ngọt ngào của tình yêu”. Đối với tôi, thái độ này dường như được mô tả trong Thánh Vịnh 131:
Lòng con chẳng dám tự cao,
mắt con chẳng dám tự hào, Chúa ơi!
Ðường cao vọng, chẳng đời nào bước,
việc diệu kỳ vượt sức, chẳng cầu;
Hồn con, con vẫn trước sau
giữ cho thinh lặng, giữ sao thanh bình.
Như trẻ thơ nép mình lòng mẹ,
trong con, hồn lặng lẽ an vui.
Cậy vào Chúa, Israel ơi,
từ nay đến mãi muôn đời muôn năm.
Việc nguyện ngắm này là một điều gì đó đến như một ân sủng, một quà tặng đặc biệt hơn là kết quả của nỗ lực hồi tưởng và hun đúc việc cầu nguyện của chúng ta. Nhưng tôi thiết nghĩ, nó được ban cho rất nhiều linh hồn.
6. Khi nào chúng ta cần chủ động
trong cầu nguyện
Khi chúng ta không ở vào một trong những hoàn cảnh, trong đó, việc cầu nguyện diễn ra mà không cần nỗ lực hoặc như một cuộc đối thoại tự phát hay bởi chúng ta được ban ơn hồi tưởng chiêm ngắm, thì chúng ta cần chủ động hơn. Nếu không, chúng ta có nguy cơ lười biếng thiêng liêng và phí phạm thời gian cầu nguyện.
Tôi không đề nghị hãy khám phá tỷ mỉ mọi khả năng được ban cho chúng ta để chiếm trọn thời gian cầu nguyện. Các tác giả tu đức đưa ra nhiều lời khuyên khác nhau. Ở đây tôi xin giới hạn hai “con đường” hiện diện trong truyền thống của Giáo Hội mà tôi nghĩ là thực dụng và có thể được khuyến khích.
Chúng ta có thể dùng cả hai, tùy vào xu thế, hoàn cảnh và sự phù hợp của chúng với những thời khắc riêng. Hai phương thế này là việc suy gẫm dựa trên Thánh Kinh và những thể thức tụng niệm với hình thức lặp lại lời nguyện tắt khác nhau.
7. Suy niệm Lời Chúa
Ở đây chúng ta gặp phải truyền thống rất lâu đời của lectio divina, đọc Thánh Kinh với mục đích tìm kiếm Thiên Chúa và mở lòng ra để đón nhận những gì Người muốn nói với chúng ta ngang qua Thánh Kinh ở đây và lúc này. Lectio divina có thể đi theo những định hướng và những thể thức khác nhau. Hiện tại tôi đang nói về lectio divina như một phương pháp cầu nguyện.[8]
Những lần và thời gian tốt nhất
Thời gian tốt nhất để lectio divina là buổi sáng, nếu có thể. Lúc ấy tinh thần chúng ta tươi mới hơn và được xếp đặt tốt hơn, thường ít bị đè nặng bởi những bận tâm và lo toan hơn cuối ngày. Thánh Vịnh 90 nói: “Từ buổi mai, xin cho chúng con được no say tình Chúa, để ngày ngày được hớn hở vui ca”. Và sách Isaia nói: “Ðức Chúa là Chúa Thượng đã cho tôi nói năng như một người môn đệ, để tôi biết lựa lời nâng đỡ ai rã rời kiệt sức. Sáng sáng Người đánh thức, Người đánh thức tôi, để tôi lắng tai nghe như một người môn đệ” (Is 50, 4).
Một lợi điểm khác của lectio divina vào buổi sáng là điều này chứng tỏ rằng, điều khẩn thiết nhất trong đời chúng ta là sẵn sàng lắng nghe Thiên Chúa. Thực hành này cũng đưa chúng ta, từ khởi đầu một ngày mới vào trong thái độ nội tâm của việc lắng nghe. Điều này giúp chúng ta dễ dàng duy trì thái độ sẵn sàng suốt cả ngày hơn và như thế nhận ra nhanh hơn những lời mời gọi mà Thiên Chúa có thể gửi đến chúng ta.
Dẫu vậy, lời khuyên này hiển nhiên không được khắc trên đá. Rõ ràng nhiều người không có cơ hội lectio divina vào buổi sáng có thể thay thế vào một thời điểm nào đó trong ngày. Điều đó không ngăn cản Thiên Chúa ngỏ lời cùng họ nếu họ khát khao Người.
Chúng ta nên dùng đoạn Thánh Kinh nào để suy niệm?
Có tất cả các loại khả thể. Chúng ta có thể liên tục suy gẫm về một bản văn (một trong các Tin Mừng, một Thư của Thánh Phaolô, hay một sách Thánh Kinh khác) từ ngày này qua ngày khác. Tôi biết một giáo dân có gia đình dành thời gian mỗi buổi sáng để cầu nguyện cùng gia đình dựa trên Lời Chúa. Ông ta đã dành hai hay ba năm để chỉ suy niệm Tin Mừng Gioan.
Tuy nhiên, với người mới bắt đầu trong lĩnh vực này, tôi xin có lời khuyên là nhìn chung, họ nên lectio divina bằng cách lấy những đoạn mà Giáo Hội dành cho các Bài Đọc Thánh Lễ mỗi ngày. Điều này có lợi là đặt mình trong sự hài hòa với đời sống của Giáo Hội hoàn vũ, những thời khắc và mùa phụng vụ, đồng thời, chuẩn bị cho chúng ta cử hành Thánh Thể nếu chúng ta sắp tham dự. Ngoài ra, chúng ta sẽ có ba bản văn khác nhau đã được chọn lựa kỹ càng (Bài Đọc I, Thánh Vịnh, Bài Tin Mừng). Điều này làm giảm thiểu nguy cơ phải đối đầu với những đoạn quá khô khan hay khó giải thích. Thật hiếm khi ít nhất một trong ba đoạn không nói gì với chúng ta.
Thông thường lectio divina trong khi dựa vào vài đoạn khác nhau cùng lúc giúp chúng ta nắm được sự thống nhất của Thánh Kinh. Khi đọc Thánh Kinh, thích thú biết bao khi khám phá những đoạn rất khác nhau về văn phong, năm sáng tác, nội dung, .v.v...lại có thể, khi đặt cạnh nhau, cho thấy một sự hài hoà mới mẻ và soi chiếu cho nhau. Khi chú giải các đoạn Thánh Kinh, những bậc khôn ngoan của truyền thống Rabbi thích rút ra kho tàng ý nghĩa bằng cách “xâu các dầy chuyền cổ” mà hạt ngọc của chúng là những câu được rút ra từ những đoạn Thánh Kinh khác nhau - Torah, Các Ngôn Sứ, Thánh Vịnh và văn chương Khôn Ngoan. Đây là điều mà Đức Giêsu đã làm cho các môn đệ sau khi Ngài Phục Sinh như chúng ta thấy trong Tin Mừng Luca (Lc 24, 27.44). Truyền thống nối kết các bản văn khác nhau để soi chiếu cho nhau đã được tiếp tục bởi các Giáo Phụ và các nhà phê bình Thánh Kinh cho đến hôm nay.
Chính xác là chúng ta tiến hành thế nào?
Như tôi đã nhấn mạnh, hiệu quả của lectio divina tùy thuộc vào thái độ nội tâm chứ không phải hiệu quả của một phương pháp đặc thù nào đó. Vì thế, điều quan trọng là không bắt đầu bằng cách đi ngay vào đoạn Thánh Kinh nhưng chỉ sau khi đã chuẩn bị đầy đủ để đi vào những tâm tình phù hợp cho việc cầu nguyện, đức tin và lòng khát khao. Sau đây là một số bước có thể theo để thực hiện điều đó.
Cũng như mỗi khi bắt đầu cầu nguyện, chúng ta nên khởi sự bằng cách hồi tưởng, đặt mình trước sự hiện diện của Thiên Chúa. Chúng ta nên gạt bỏ những lo toan và bận tâm của mình; điều duy nhất cần thiết đối với chúng ta, như đối với Maria Bethany, là ngồi bên chân Chúa và lắng nghe lời Ngài[9]. Để làm thế, chúng ta cần đặt mình vào thời khắc hiện tại, một điều mà đôi lúc rất khó khăn lắm mới thực hiện được. Nếu cần, chúng ta tìm cách sử dụng sự trợ giúp của thân thể và các giác quan cho mục đích này. Đôi lúc khởi sự bằng việc chuẩn bị thể lý trước khi bắt đầu đọc... lại có lợi cho chúng ta: nhắm mắt, tập trung vào thân thể chúng ta, thư giãn (buông lỏng vai và các cơ bị căng), ý thức đến việc hít thở, thở nhẹ nhưng sâu; cảm nhận sự tiếp xúc của thân thể với thế giới vật chất xung quanh - sự tiếp xúc của bàn chân với đất, của cơ thể với chỗ ngồi, của cánh tay với cái bàn, đôi tay với Thánh Kinh hay sách Lễ mà chúng ta sẽ dùng để đọc. Cuộc tiếp xúc với Lời nên là cuộc tiếp xúc thể lý. Chạm đến nó đã là một hình thức lắng nghe rồi. Thánh Gioan nói, “Điều mà... chúng tôi đã... chạm đến bằng đôi tay, điều đó là lời hằng sống” (1Ga 1, 1).
Một khi cảm thấy thoải mái, liên kết với thân thể, tập trung vào thời khắc hiện tại, chúng ta nên hướng tâm hồn mình đến Thiên Chúa, để cảm tạ Người trước vì thời gian Người ban cho chúng ta, trong đó, Người sẽ tiếp xúc chúng ta ngang qua Lời Người. Chúng ta nên xin Người chiếu giãi ánh sáng, mở trí để chúng ta hiểu Thánh Kinh (Lc 24, 45) như Ngài đã làm cho các môn đệ, và trên hết, hãy xin cho lời Ngài có thể thực sự chạm đến tận thâm sâu của chúng ta, và biến đổi những gì cần phải biến đổi nơi con người chúng ta, để chúng ta có thể phù hợp hơn với kế hoạch Thiên Chúa dành cho đời mình. Chúng ta nên xin Người khơi dậy niềm khát khao và ý chí của mình đối với tất cả những điều này.
Khi đã sẵn sàng - và không do dự dành thời gian cho điều này, bởi vì nó cần thiết - chúng ta có thể mở mắt và bắt đầu đọc đoạn Thánh Kinh đã chọn để lectio divina. Hãy đọc chậm, mở lòng trí ra đón nhận những gì được đọc và suy niệm về điều đó.
Nhưng phải nhận ra rằng, “suy gẫm” theo truyền thống Thánh Kinh (chẳng hạn Thánh Vịnh 1, “Phúc thay kẻ suy gẫm luật Chúa đêm ngày”) không có nghĩa là suy tư cho bằng thầm thĩ, lập lại, ngẫm nghĩ. Để bắt đầu, nó là một hoạt động thể lý hơn là hoạt động trí thức. Khi một câu Thánh Kinh thu hút sự chú ý của mình, chúng ta đừng sợ lặp đi lặp lại câu đó, lý do là vì, thường ngang qua việc trầm ngâm mà nó sẽ tỏ bày ý nghĩa thâm sâu của nó, những gì Thiên Chúa muốn nói với chúng ta hôm nay qua câu đó.
Dĩ nhiên trí năng cũng có vai trò để thực hiện. Chúng ta đặt vấn đề về đoạn Thánh Kinh. Nó nói gì với chúng ta về Thiên Chúa? Nó nói gì với tôi về bản thân tôi? Nó chứa đựng những tin tốt lành nào? Tôi có thể tìm ra trong nó lời mời gọi cụ thể nào? Nếu một câu nào đó khó hiểu, chúng ta có thể tham vấn các ghi chú hay một bài chú giải, nhưng chúng ta cần phải tránh việc biến thời gian lectio divina thành thời gian nghiên cứu tri thức.
Đừng ngần ngại nán lại lâu giờ ở một câu nào đó mang hơi hướng đặc biệt đối với chúng ta và đi vào cuộc đối thoại với Thiên Chúa dựa trên những gì nó đang nói với chúng ta.
Lectio phải trở thành lời cầu nguyện - tạ ơn vì có được một câu mang tính cổ võ, cầu xin Thiên Chúa trợ giúp hoặc khi một đoạn nào đó mời gọi chúng ta hoán cải một điều gì đó mà chúng ta cảm thấy rất khó khăn .v.v...Vào những lúc nào đó, nếu Thiên Chúa ban ơn, chúng ta có thể ngừng đọc và ở lại trong thái độ nguyện ngắm hơn, ngạc nhiên và thán phục trước vẻ đẹp của những gì Thiên Chúa cho chúng ta khám phá ngang qua bản văn. Chẳng hạn một câu có thể chuyển tải ý nghĩa sâu sắc về sự dịu dàng, sự oai phong hay lòng trung thành của Thiên Chúa hoặc sự huy hoàng của những gì Người làm trong Đức Kitô và nó mời gọi chúng ta chiêm ngắm điều đó và cảm tạ về điều đó.
Mục đích tối hậu của lectio không phải là đọc hàng dặm bản văn, nhưng dẫn chúng ta xa nhất có thể vào trong một thái độ kinh ngạc chiêm ngắm, vốn dưỡng nuôi đức tin, đức cậy và đức mến. Thiên Chúa không luôn ban ơn đó, nhưng khi Người ban, chúng ta có thể phải ngưng đọc và bằng lòng với sự hiện diện đơn sơ đầy yêu thương trước mầu nhiệm được tỏ ra cho mình trong bản văn.
Từ những gì vừa được nói, chúng ta có thể thấy bốn giai đoạn của lectio divina theo truyền thống của Thời Trung Cổ: Lectio (đọc), Meditatio (suy gẫm), Oratio (cầu nguyện), và Contemplatio (chiêm ngắm). Đây không phải là những giai đoạn liên tiếp nhau vốn phải theo đúng thứ tự cho bằng đó là những phương thức thực hiện lectio divina đặc thù. Điều đó càng hiển nhiên hơn từ sự kiện rằng, trong khi ba bước đầu bao gồm các hoạt động của con người, thì bước thứ tư không phải là điều gì đó chúng ta có thể làm tùy ý: nó là một ân ban mà chúng ta nên ước ao và đón nhận bởi nó không luôn luôn được ban. Ngoài ra, như tôi đã nói trước đây, có thể có những lúc khô khan nguội lạnh, như trong bất cứ loại cầu nguyện nào, đừng bao giờ nản lòng - người nào tìm kiếm, rốt cuộc, sẽ luôn tìm thấy.
Một lời khuyên khác: trong suốt thời gian nguyện gẫm, cần ghi chú một số từ gây ấn tượng đặc biệt đối với chúng ta trong một cuốn sổ dành cho mục đích này. Việc viết các từ đó ra giúp Lời thẩm thấu sâu hơn vào tâm hồn và ký ức của mình.
Một khi thời gian lectio kết thúc, hãy cảm tạ Chúa vì thời gian dành cho Ngài, xin Ngài ơn giúp ta có thể giữ Lời Ngài trong lòng mình, như Đức Trinh Nữ Maria, và quyết tâm đem ra thực hành những ánh sáng đặc biệt chúng ta đã đón nhận lúc nguyện gẫm.
Tôi kết thúc với một đoạn trích ý nghĩa của một thầy dòng Ai cập, Cha Matta El Maskine:
Nguyện gẫm không chỉ là đọc bằng lời cách thâm sâu mà còn bao gồm cả việc lặng thinh lặp lại Lời nhiều lần, mỗi lần một sâu sắc hơn cho tới khi tâm hồn cháy bừng ngọn lửa của Thiên Chúa. Điều đó được minh hoạ rõ ràng bởi những gì Đavít nói trong Thánh Vịnh 39: “Nghe trong mình nung nấu tự tâm can, càng nghĩ ngợi, lửa càng bừng cháy”. Ở đây xuất hiện một sợi dây mỏng manh, bí mật nối kết thực hành và nỗ lực của chúng ta với ơn Chúa. Duy chỉ việc gẫm suy Lời Chúa lặp đi lặp lại, chậm rãi, bình thản, và nhờ lòng nhân lành cùng ơn Người... tâm hồn chúng ta cũng có thể được đốt nóng lên! Vì thế, nguyện gẫm trở thành nút thắt thông thường đầu tiên giữa nỗ lực chân thành để cầu nguyện và những ân ban của Thiên Chúa và ân sủng không thể mô tả của Người. Vì lý do đó, nguyện gẫm được xem là cấp độ đầu tiên và quan trọng nhất trong các cấp độ cầu nguyện của tâm hồn, mà khởi đi từ đó, chúng ta có thể vươn đến sự sốt sắng tinh thần và sống ở đó suốt đời.[10]
Một lưu ý cuối cùng về chủ đề này. Thay vì Thánh Kinh, nguyện gẫm có thể dựa trên một tác phẩm thiêng liêng hay một bài viết của một vị thánh nào đó vốn có ảnh hưởng đặc biệt trên chúng ta vào thời điểm này trong đời... đôi lúc có thể được dùng làm nền tảng cho việc cầu nguyện. Điều đó không có gì là vấn đề, nhưng đừng quên, chúng ta không được tước bỏ khỏi mình cuộc tiếp xúc trực tiếp với Thánh Kinh; nó có thể khó hơn, nhưng sẽ hiệu quả hơn, một hiệu quả vốn được chúc lành và trao cơ hội để khám phá những kho báu còn phong phú hơn bất kỳ tác phẩm nào của con người.
8. Hướng đến việc cầu nguyện liên lỉ
Giờ đây, chúng ta hãy xét xem một phương thức tiếp cận nguyện ngắm khác với nguyện gẫm dựa trên Thánh Kinh - không đối nghịch với nó nhưng bổ túc cho nó. Tôi có ý nói về những truyền thống kinh nguyện khác nhau, chẳng hạn như “Lời Kinh của Chúa Giêsu” (hay “lời kinh của tâm hồn”) và Kinh Mân Côi. Lợi thế của chúng là đơn giản và có thể sử dụng suốt thời gian cầu nguyện và ngoài thời gian cầu nguyện nữa, để việc cầu nguyện có thể dần dần lấp đầy cuộc đời chúng ta. Tôi đã bàn đến điểm này trước đây, nhưng bây giờ tôi muốn trở lại.
Các tín hữu luôn tìm cách cầu nguyện liên lỉ. Từ thời Cựu Ước, chúng ta có nỗi khát khao này: “Phúc thay người vui thú với lề luật Chúa, nhẩm đi nhẩm lại suốt đêm ngày” (Tv 1, 2); “Luật pháp Ngài, lạy Chúa, con yêu chuộng dường bao, suốt ngày cứ suy đi gẫm lại!” (Tv 119, 97). Điều này càng rõ ràng hơn trong thế giới Kitô giáo, nơi mà nhiều người đã chọn cách đáp trả lời mời gọi của Chúa, “Hãy cầu nguyện liên lỉ” (x. 1Tx 5, 17).
Các Kitô hữu không hài lòng với việc có thời giờ cầu nguyện đều đặn và cố định. Chúng ta phải tìm cách cầu nguyện liên lỉ, luôn ở trong tình trạng hiệp thông với Thiên Chúa, tình trạng yêu thương và tôn thờ, bởi đây là nơi chúng ta tìm thấy sự sống đích thực của mình. Thiên Chúa không ngừng yêu thương chúng ta và nghĩ về chúng ta, vì thế quả là hợp lý khi chúng ta muốn làm điều tương tự cho Người và vĩnh viễn sống trước sự hiện diện của Người. Đức Chúa phán bảo Abraham, “Hãy đi trước mặt Ta” (St 17, 1).
Tốt biết bao khi chúng ta nghĩ đến Thiên Chúa thường xuyên có thể, để yêu mến và tôn thờ Người liên lỉ trong tâm hồn. Thánh Têrêxa Hài Đồng Giêsu thổ lộ, “Tôi thực sự tin rằng, chưa bao giờ quá ba phút đồng hồ trôi qua mà tôi không nghĩ đến Thiên Chúa”. Hãy ước ao có được một tâm hồn chú tâm liên lỉ đến sự hiện diện của Chúa giữa những mối bận tâm thường nhật của mình. Điều đó không dễ bởi chúng ta quá lo ra chia trí! Đó là một công cuộc trường kỳ, đòi hỏi sự trợ giúp từ ơn Chúa. Sẽ không bao giờ chúng ta đạt đến điều đó cách trọn hảo, nhưng phải cố gắng đạt được điều đó, vì đó là nơi chúng ta tìm thấy hạnh phúc đích thực.
Sau đây là cách Cha Matta El Maskine mô tả những nỗ lực tập hợp chúng ta cần thực hiện với mục tiêu này trong trí:
l Khơi dậy cảm giác đang ở trước sự hiện diện của Thiên Chúa, Đấng thấy mọi sự và nghe mọi điều chúng ta làm, chúng ta nói.
l Cố gắng thường xuyên trò chuyện với Người, bằng những những từ ngữ vắn gọn diễn đạt điều mình cảm nhận vào lúc đó.
l Mời Thiên Chúa tham gia vào công việc của mình bằng cách xin Người hiện diện trong các hoạt động của chúng ta, nói cho Người hay khi nào hoàn thành, cảm tạ Người khi thành công, xin lỗi Người khi thất bại, trong khi tìm kiếm các nguyên nhân: Phải chăng chúng ta quay lưng ngoảnh mặt với Người, hay phớt lờ không xin Người trợ giúp?
l Cố gắng nghe Thiên Chúa nói qua công việc chúng ta làm. Người thường nói với chúng ta bên trong, nhưng bởi không chú ý tới Người, nên chúng ta bỏ lỡ hầu hết sự hướng dẫn của Người.
l Vào những lúc khủng hoảng, chẳng hạn khi nhận được những tin khẩn cấp hay khi bị tấn công, hãy xin Người trợ giúp; trong những cơn thử thách, Người là bạn thân nhất và là cố vấn chắc chắn nhất của chúng ta.
l Vào những lúc chúng ta cảm thấy bực tức hay cáu kỉnh, hãy hướng về Người để trấn tỉnh sự bức xúc nguy hại này trước khi nó lan tỏa đến tâm hồn mình; ganh tỵ, đoán xét, trả thù: tất cả những điều này sẽ làm chúng ta mất ơn sống trước sự hiện diện của Thiên Chúa, vì Người không ở cùng sự dữ.
l Cố gắng hết sức đừng lãng quên Thiên Chúa, hướng về Người khi biết rằng tư tưởng của chúng ta đang lan man.
l Đừng đảm đương một công việc hay đưa ra một câu trả lời nào đó trước khi có được sự khích lệ của Thiên Chúa. Đó là một điều gì đó mà chúng ta càng ngày càng có thể nhận ra khi cố gắng trung thành bước đi trước sự hiện diện của Người cũng như càng quyết tâm sống với Người.[11]
9. Tụng niệm
Ngoài những điều vừa nói tới, một phương tiện được dùng để hun đúc việc cầu nguyện liên lỉ, đặc biệt bởi các tu sĩ, là lặp đi lặp lại những cụm từ ngắn, thường được rút ra hoặc được gợi hứng bởi Thánh Kinh. Điều này được thực hiện hoặc trong suốt thời gian dành cho việc cầu nguyện hoặc ngoài thời gian đó khi làm những công việc khác mà luôn giữ được Thiên Chúa trong tâm trí. Theo Gioan Cassian, một số thầy dòng nào đó ở Ai cập vào thế kỷ thứ tư thường lặp lại khôn nguôi lời khẩn cầu sau: “Lạy Chúa Trời, xin đến cứu con, muôn lạy Chúa, xin mau phù trợ!” (Tv 70, 2).
Tác phẩm để đời “Con Đường Hành Hương”[12] đã thông truyền kiến thức và thực hành “Lời Kinh của Chúa” hay “lời cầu của tâm hồn” trong thế giới Tây Phương. Nó kể chuyện một người nông dân Nga khiêm tốn cảm kích trước lời cổ võ trong thư gửi tín hữu Thêxalônica “hãy cầu nguyện không ngừng” (1 Tx 5, 17), và phân vân làm thế nào để đem ra thực hành mệnh lệnh này. Ông đi khắp nước Nga để tìm một cha linh hướng là người có thể dạy ông. Một thầy dòng dẫn ông vào truyền thống cầu nguyện bao gồm việc liên lỉ lặp lại cầu “Lạy Chúa Giêsu Kitô, xin thương xót con!” với một tràng hạt đơn giản làm bằng những gút chỉ len và kết hợp với việc đọc kinh theo nhịp thở, trong khi nhìn vào tâm hồn mình.
Dần dần, người nông dân ấy cảm nghiệm những lợi ích: tâm hồn tràn ngập bình an, được thanh luyện... ông cảm nhận niềm vui trước sự hiện diện của Thiên Chúa, ông đón nhận sự khai sáng bên trong về tình yêu Người, phát triển lòng trắc ẩn đối với mọi người và nhìn thế giới, thiên nhiên bằng đôi mắt mới. Truyền thống này bắt nguồn từ đời sống tu viện thuộc thế kỷ đầu và lan truyền khắp Kitô giáo Chính Thống; vào thời đại chúng ta, nó cũng lan sang thế giới Tây phương.
Gần gũi hơn với người Công Giáo Tây phương là lòng sùng kính Chuỗi Mân Côi, bao gồm liên lỉ lặp đi lặp lại những kinh Lạy Cha và Kính Mầng.
Ngày nay, việc tụng niệm đơn sơ đó không luôn được báo chí ca ngợi. Thế giới chúng ta là thế giới mà sau khi đánh mất ý nghĩa của những điều căn bản nhất trong cuộc sống, vĩnh viễn tìm kiếm sự mới mẻ. Bây giờ việc tụng niệm thực sự có thể trở thành hoàn toàn máy móc và thói quen nhưng nó cũng có nghĩa rằng, tình yêu được khắc ghi trên linh hồn chừng nào lời nguyện này được tiếp tục. Nó là một phần nội tại của cuộc sống: may thay con tim chúng ta không mệt mỏi vì đập liên tục và hơi thở chúng ta không mệt mỏi vì nhịp điệu của nó!
Giai điệu, nhịp điệu, như tôi nói trước đây, đóng một vai trò quan trọng trong đời sống con người. Nó có tác dụng làm thanh thản, cho phép sử dụng năng lượng trong thời gian dài mà không phí phạm hay cạn kiệt. Giai điệu của việc tụng niệm giúp cho một nỗi khát khao, một ý định tỏ ra bên ngoài ngang qua thân thể, đồng thời bén rễ trong tâm hồn. Đó là sự chấp nhận thực tại, chấp nhận mình có thân xác và tình trạng con người chúng ta là một phần giai điệu của thiên nhiên và cuộc sống. Nó là sự mở ra với ý nghĩa sâu xa trổi vượt chúng ta, vượt quá khỏi những khả năng nhận thức của đầu óc duy lý. Nó giúp chúng ta tiếp cận một loại khôn ngoan, một sự hiểu biết cuộc sống, trong sự tùy thuộc vào Đấng Tạo Hóa của mình mà chúng ta bằng lòng như vậy.
Việc cầu nguyện của chúng ta không chỉ được mời gọi trở nên một hoạt động trong số các hoạt động khác mà còn là hoạt động căn bản của đời sống, là chính giai điệu của sự hiện hữu thâm sâu nhất, là nhịp thở của con tim, có thể nói như vậy. Tụng niệm giúp chúng ta đạt được điều này, bởi tụng niệm là nỗ lực của con người, là cuộc tìm kiếm kiên trì với hy vọng rằng Chúa sẽ ban cho chúng ta điều chúng ta kêu xin ngang qua sự lặp đi lặp lại không mỏi mệt và khiêm tốn những lời cầu giống nhau.
Trong cuộc nói chuyện về Kinh Mân Côi diễn ra tại Lộ Đức tháng 10 năm 1998, Cha Timothy Radcliffe, OP, nói rằng:
Nếu chúng ta yêu thương ai đó, chúng ta biết rằng, việc nói với người đó “Anh yêu em” chỉ một lần thì không đủ. Chúng ta sẽ muốn nói đi nói lại và có thể hy vọng rằng, người đó muốn nghe đi nghe lại điều đó nhiều lần.
G. K. Chesterton lý luận rằng, sự lặp lại là một đặc tính của đời sống trẻ thơ, những kẻ yêu thích những câu chuyện giống nhau, với những lời như nhau, từ lần này đến lần nọ, không phải vì chúng chán và thiếu trí tưởng tượng nhưng chúng yêu thích cuộc sống. Chesterton viết, “Vì trẻ con tràn trề sức sống, vì chúng có tinh thần mãnh liệt và tự do, do đó, chúng muốn những gì đó được lặp đi lặp lại và không thay đổi. Chúng luôn nói: ‘Hãy làm lại!”; và người trưởng thành làm lại cho đến khi họ gần chết, vì người trưởng thành không đủ mạnh để hân hoan trong sự đơn điệu. Nhưng có lẽ Thiên Chúa thì mạnh đủ để đắc chí trong sự đơn điệu. Có thể Thiên Chúa nói với mặt trời mỗi buổi sáng “Hãy làm lại”; và với mặt trăng mỗi buổi tối “Hãy làm lại”. Có lẽ không phải nhu cầu tự động tạo nên mọi cây hoa cúc như nhau; có lẽ Thiên Chúa làm nên mỗi cây cúc riêng biệt, nhưng Người đã không bao giờ chán làm ra chúng. Có lẽ Thiên Chúa vĩnh viễn yêu thích tuổi thơ; vì chúng ta đã phạm tội và trở nên già cỗi và Chúa thì trẻ hơn chúng ta. Việc lặp lại trong thiên nhiên không phải là một sự tái xảy ra cách thuần túy; nó có thể là một điệu múa lại trên sâu khấu. Trời có thể đòi con chim đẻ lại một cái trứng” (Orthodoxy, chương IV).
Sẽ không có một chút sai sót nào với việc chúng ta dành thời giờ cầu nguyện cho việc tụng niệm này, đặc biệt vào những lúc mệt mỏi, khó khăn trong việc huy động các khả năng tri giác; hoặc nói khác đi, khi chúng ta cảm thấy được Thánh Thần thúc đẩy dùng một lời cầu nguyện lặp đi lặp lại tuy nghèo nàn hơn, đơn sơ hơn so với nguyện ngắm, để trở lại với những gì cốt yếu mà không dựa dẫm quá nhiều vào sự bộc lộ mang tính tri thức hay công việc của trí tưởng tượng...bởi đây là công việc của con tim. Sự lặp đi lặp lại này phải được thực hiện cách nhẹ nhàng, bình an, không bị ép buộc hay đòi hỏi nỗ lực (vốn sẽ tác dụng ngược). Cần chú ý đến sự hiện diện của Thiên Chúa trong chúng ta đang khi nhẹ nhàng hoà hợp thân xác và tinh thần với hình thức cầu nguyện này. Nhịp điệu lặp đi lặp lại có thể ủng hộ việc chúng ta đi vào trạng thái hồi tưởng. Trung thành với việc kiếm tìm Thiên Chúa cách khiêm tốn nhưng chân thành được diễn tả trong lời kinh này có thể dần dần ban cho chúng ta ơn để đi vào tình trạng chiêm ngắm đích thực và hiệp thông đầy yêu thương với Thiên Chúa.
Ngoài tính giản dị, lợi điểm của việc tụng niệm này là chúng có thể dần dần trở thành một thói quen (theo nghĩa tốt của từ) vốn làm cho chúng trở thành một nguồn có giá trị cho việc cầu nguyện vào những thời khắc khác trong ngày ngoài những giờ cầu nguyện đúng nghĩa. Đó có thể là khi chúng ta ở trong xe, đi bộ, mất ngủ, tham gia vào các hoạt động hay công việc vốn không chiếm hết tâm trí .v.v...
Bây giờ là một số suy tư về Lời Kinh của Chúa và Kinh Mân Côi.
10. Kinh nguyện Giêsu
Dựa trên nền tảng Kinh Nguyện Giêsu, một linh đạo xa xưa vốn bén rễ sâu trong Thánh Kinh[13] và rất ý nghĩa về danh thánh Giêsu. Chính Đức Giêsu bảo chúng ta cầu nguyện nhân danh Ngài: “Anh em mà xin Chúa Cha điều gì thì Người sẽ ban cho anh em nhân danh Thầy” (Ga 16, 23). Công Vụ Tông Đồ thường nói về quyền năng của danh thánh Giêsu và xác quyết rằng, “Ngoài Người ra, không ai đem lại ơn cứu độ; vì dưới gầm trời này, không có một danh nào khác đã được ban cho nhân loại, để chúng ta phải nhờ vào danh đó mà được cứu độ” (Cv 4, 12).
Từ những thế kỷ đầu của kỷ nguyên Kitô giáo, một truyền thống đẹp đẽ đã phát triển việc kêu cầu danh Thánh Giêsu trong cầu nguyện, dù là những lời kinh ngắn như lời kinh mà Người Hành Hương Nga đã dùng hay rút ngắn lại thành việc lặp lại chỉ danh Thánh Giêsu thôi. Nhiều tác phẩm chứng thực điều này, chẳng hạn tác phẩm của Thánh Macarius Ai cập, một thầy dòng thế kỷ thứ sáu:
Khi còn là một đứa trẻ, tôi thường thấy các phụ nữ nhai cau để làm ngọt nước bọt của họ hầu tống bất cứ mùi hôi nào khỏi miệng mình. Đó là điều mà Danh Thánh Đức Giêsu Kitô Chúa chúng ta trở nên cho chúng ta: nếu chúng ta nhai danh thánh này bằng cách liên lỉ đọc nó, nó sẽ mang lại mọi sự ngọt ngào cho tâm hồn và mạc khải những sự trên trời cho chúng ta, ngang qua Đấng là lương thực của niềm vui, giếng ơn cứu độ, suối nguồn nước hằng sống, sự ngọt ngào của mọi sự ngọt ngào; và mọi ý nghĩ xấu xa bị tống khỏi linh hồn nhờ danh này, danh của Đấng ngự trên các tầng trời. Chúa chúng ta là Đức Giêsu Kitô, Vua các vua, Chúa các chúa, thưởng công trên trời cho những kẻ hết lòng tìm kiếm Ngài.[14]
Để thực hành lời kinh này, xin tham khảo cuốn sách Time for God của tôi[15], cũng như nhiều lời khuyên mở rộng và tuyệt vời hơn trong cuốn La prière de Jésus được viết bởi một thầy dòng của Giáo Hội Đông Phương, xuất bản vào năm 1963 bởi Chevetogne.
11. Kinh Mân Côi
Kinh Mân Côi rất khác với Kinh Nguyện Giêsu, nhưng nó có thể được liệt vào danh mục những kinh tụng niệm đơn giản - những kinh mà, nếu tâm hồn chúng ta đồng tình, có thể dẫn chúng ta đến hiệp thông sâu xa với Thiên Chúa và đến sự nguyện ngắm.
Cùng với lời khẩn xin khiêm tốn, “Cầu cho chúng con là kẻ có tội”, kinh Kính Mầng có chiều kích ngợi khen và tạ ơn. Chuỗi Mân Côi cũng là một phương thế dõi theo, với sự trợ giúp của Đức Maria, mọi kho tàng mầu nhiệm của Đức Kitô, dù chúng ta không nhất thiết cần áp dụng các khả năng lý luận của mình vào việc suy gẫm mỗi mầu nhiệm.
Nó cũng mang lại ơn ích đặc biệt của việc kêu cầu Đức Maria, ngài dẫn chúng ta đi với lời kinh của ngài, sự hồi tưởng của ngài, sự thinh lặng và lắng nghe bên trong của ngài, sự hiệp thông của ngài với Thiên Chúa. Trong đoạn nói về sự đơn sơ của chuỗi Mân Côi, Cha Jean-Claude Sagne nói:
Khẩu nguyện dần dần trở nên trường dạy thinh lặng, ngang qua việc lao mình vào sự thinh lặng của chính Đức Maria. Đây là dấu ấn phi thường về sự ảnh hưởng mẫu tử của Đức Maria trên đời sống của các tín hữu: Mẹ lôi cuốn những kẻ đọc kinh Mân Côi vào sự lặng thinh của mình để lắng nghe Lời Chúa... Vì thế, việc đọc kinh Mân Côi, được dẫn dắt bởi Thánh Thần, là một sự chuẩn bị bên trong để đi vào cung lòng của Đức Maria, như là Lều Hội Ngộ, như là khoảng không nơi Lời Chúa được hiểu và lắng nghe, tin tưởng và làm theo cách trọn hảo.[16]
Cũng như Kinh Nguyện Giêsu, Kinh Mân Côi đòi hỏi sử dụng cả thân thể, cách đơn giản nhưng sâu sắc, với nhịp điệu của những từ được lặp đi lặp lại, tay đếm hạt Mân Côi, tư thế bình an và thở nhẹ. Nó cũng đòi hỏi những thái độ thiết yếu khác của con tim và ý chí. Nó cung cấp cho trí óc chất dinh dưỡng “tối thiểu”, thức ăn rất đạm bạc, trong sự giản đơn của công thức được sử dụng. Bằng cách này, nó gợi lên cho tâm trí các giới hạn và vai trò cốt yếu của nó, vốn phải là một khả năng mang tính lãnh nhận, như đoạn sau đây trình bày:
Sự lặp lại ở đây là phương tiện bắt lấy sự chú ý của tâm trí một cách nhẹ nhàng hầu tâm hồn được tự do lắng nghe Lời Chúa và tuân giữ Lời Người. Trí năng bị xâm chiếm trong những hành vi lặp đi lặp lại cách nghiêm túc và những công thức ngắn, mà tâm hồn thấu hiểu, để làm cho người cầu nguyện sẵn sàng chú tâm cách thâm sâu nhất, và như thế ở yên trong bình an và tin tưởng bằng sự thinh lặng lắng nghe. Lời kinh của sự đơn sơ chứa đựng một bài học kín đáo, sâu sắc về những gì mà tâm trí con người được định nghĩa.
Nó nhắc cho chúng ta rằng, tâm trí con người trước hết là khả năng lĩnh hội vô tận nhưng tuyệt đối không có gì làm của riêng mình, cho đến khi nó được khoả lấp bởi các từ ngữ và hình ảnh đón nhận từ bên ngoài - từ thế giới, từ người khác. Rõ ràng từ đây sự ưu tiên phải luôn được dành cho việc lắng nghe hơn là nói, đón nhận hơn là làm, mở lòng đón lấy ân ban hơn là chu toàn một nhiệm vụ. Phần căn bản thường hằng này của tâm trí con người, phần bị động và phụ thuộc này... không những được chứng thực mà còn được kích hoạt bởi vị thế của thân thể trong lời kinh của sự giản đơn. Chính nhờ sự kiện đó mà những gì được dạy và thực hành ở đây cũng là thái độ thiêng liêng căn bản trong việc cầu nguyện của người Kitô hữu. Sự tham gia tối thiểu của thân thể vào lời kinh của sự đơn sơ, liên kết với một việc thực hành có sự tham gia rất ít của trí năng sáng tạo: tất cả những điều này giúp làm cho lời kinh này thành một trường dạy chiêm niệm thực sự cho mọi người. Chiêm niệm là việc cầu nguyện được tạo ra duy bởi Chúa Thánh Thần nơi người cầu nguyện, và vì thế, chiêm niệm là việc cầu nguyện được đón nhận cách thuần tuý như một hồng ân được Thiên Chúa ban.
Trong sự giản đơn và nghèo khó của nó, Kinh Mân Côi rốt cuộc là một lời kinh rất mạnh mẽ. Ngang qua đôi bàn tay dịu dàng, đầy tình mẫu tử của Đức Maria, Kinh Mân Côi dẫn chúng ta vào những thái độ căn bản, được mô tả trước đây, làm cho đời sống cầu nguyện của chúng ta trổ sinh hoa trái: đức tin, niềm cậy trông khiêm tốn, và đức ái đơn giản, trung thành.
[1]. Một bài giảng vô danh từ thế kỷ thứ IV, được trích từ sách Phụng Vụ Các Giờ Kinh, bài đọc của các giáo phụ vào ngày Thứ Sáu sau Thứ Tư Lễ Tro.
[2]. Ngôi nhà nội tâm, “căn phòng thứ 5”, ch.3.
[3]. Thủ Bản C, khổ 11 bên trái.
[4]. Xem tất cả phần còn lại trong Thủ Bản C theo sau câu đã trích.
[5]. Thủ Bản A, folio 80 recto.
[6]. Xem, chẳng hạn, bản văn hay thời Trung Cổ về Chín Cách Thức Cầu Nguyện Của Thánh Đaminh, “Nine Ways of Prayer of St. Dominic” (http://www.fisheaters.com/stdominic9ways.html).
[7]. Vấn đề này được thảo luận cách sâu xa bởi Thánh Gioan Thánh Giá khi ngài nói đến việc chuyển từ suy niệm sang nguyện ngắm. Chẳng hạn, xem Ascent of Mount Carmel, Quyển 2, ch. 12 và ch.13.
[8]. Trong phần này, tôi lấy lại và điều chỉnh đôi chút những gì tôi đã viết về chủ đề này trong tác phẩm Called to Life (New York: Scepter Publishers, 2008), (Được Gọi Để Sống, bản dịch Việt ngữ của Lm. Minh Anh, người dịch chú thích).
[9]. X. Lc 10, 38-42 về Matta và Maria.
[10]. Matte El Maskine, L’Expérience de Dieu dans la vie de prière, 48.
[11]. Matte El Maskine, L’Expérience de Dieu dans la vie de prière, 248.
[12]. The Way of a Pilgrim: and the Pilgrim Continues his Way, do Helen Bakocvin biên dịch (New York: Image Books, 1985).
[13]. Để có cái nhìn sâu xa hơn về chủ đề này, xin xem các tác phẩm của Thánh Bernardine Siena.
[14]. Trích bởi Ivan Gorby, de saint Antoine à saint Basile (Paris: Fayard, 1985), 258.
[15]. Times for God (2008), Dành Giờ Cho Chúa (Lm. Minh Anh dịch, 2016)
[16]. Jean Claude Sagne, Viens vers le Père. L’Enfance spirituelle, chemin de guérison (Paris: Edition de Emmanuel, 1998), 138.
- Thư Viện: